TUẦN
VII PHỤC SINH (ngày 13 – 19 tháng 5 năm 2018)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày
trong tuần:
Tôi đã tận hưởng khí trời trong lành của mùa Xuân
chưa?
Ngồi trước cửa nhà vào buổi tối, tôi thấy
thảnh thơi một chút để tự hỏi mình tại sao lại thích ở ngoài này như thế. Tôi thường nhận thấy mầu sắc thay đổi của hoa
nở rộ, cỏ xanh mướt và bầu trời trong xanh với chim trời và những cụm mây, tất
cả đều cộng tác hài hòa giúp những người chiêm ngưỡng có được những bức tranh
luôn biến đổi. Nhìn gần hơn, tôi cũng nhận
thấy ở trước sân tiếng chim hót những khúc nhạc thay đổi, tiếng trẻ con vui
đùa, những người thợ cắt cỏ làm việc vất vả.
Tuy nhiên tôi phải nhận rằng mình thường ít khi nào nhận thức được giá
trị khung cảnh đằng sau hai tầm nhìn ấy.
Tôi có thường bước ra khỏi hiên nhà để cảm nhận được ngọn cỏ bằng ngón
tay ngón chân mình không? Tôi có thường
nhắm mắt lại và hít sâu vào những mùi hương của khung cảnh tĩnh lặng trước cửa
nhà không? Đã bao giờ tôi tận hưởng khí
trong lành của mùa Xuân chưa?
Vậy bạn hãy chậm chậm lại. Hãy cảm nhận thế giới quanh bạn. Hãy nếm.
Hãy ngửi. Có niềm ân sủng đang hiện
diện trong tất cả thế giới ấy.
- Cara Callbeck trên dotMagis, trang mạng IgnatianSpirituality.com
http://www.ignatianspirituality.com/21852/
composition-of-place-on-my-patio
Sự hiện diện của Chúa
"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lạy Chúa, này
con đây. Con đến tìm kiếm sự hiện diện của
Chúa. Con mong chờ quyền năng chữa lành
của Chúa.
Sự tự do
Nhờ ân sủng Chúa, tôi được sinh ra trong
sự tự do. Được tự do để vui hưởng những
điều tốt lành Người đã tạo dựng cho tôi.
Lạy Chúa, xin ban cho con biết sống theo ý Chúa, với lòng tin tưởng hoàn
toàn vào sự chăm sóc yêu thương của Chúa.
Ý thức
Biết rằng Chúa yêu thương tôi vô điều kiện,
tôi thành thực nhìn lại ngày qua với những biến cố và những cảm nghĩ của
tôi. Tôi có điều gì để cảm tạ Chúa
không? Vậy tôi tạ ơn Chúa. Có điều gì tôi phải hối hận không? Vậy tôi xin ơn tha thứ.
Lời Chúa
Chúa nói riêng với từng người chúng
ta. Tôi chăm chú lắng nghe, nghe những
gì Người phán dạy tôi. Bạn hãy đọc đoạn
Kinh Thánh vài lần, rồi lắng nghe. (Xin
lấy phần Kinh Thánh in ở những trang sau.
Những điểm gợi ý đã sẵn để bạn sử dụng.
Khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lạy Chúa, con biết chắc chắn nhiều lần
Chúa đã bồng con đi. Đã bao lần nhờ sức
mạnh Chúa, con vượt qua được những lúc tăm tối của đời con.
Kết thúc
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con,
và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước
vô cùng, và bây giờ, và hằng có và đời đời chẳng cùng. A-men.
Tuần VII Phục
Sinh
Chúa Nhật, ngày 13 tháng 5
Gio-an 17:11-19
Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế
gian; phần con, con đến cùng Cha.12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ
họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong
họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13
Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ
được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời
của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con
đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế
gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế
gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật
mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế
gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến
chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
*
Trái đất có thể thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta không được thuộc về
trái đất: chúng ta đừng để cho những lo
lắng trần thế chiếm hữu chúng ta. Cùng với
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta cầu xin Chúa Giê-su “giải phóng chúng ta khỏi
làm những Ki-tô hữu sống không niềm hy vọng, sống như là Chúa không hề phục
sinh, sống như là những khó khăn của chúng ta là tâm điểm của cuộc đời”.
*
Chúa Giê-su cầu nguyện cho chúng ta được giữ gìn khỏi “sự dữ”. Đức Phanxicô nói rằng Thánh Thần “không dùng
cây đũa thần để cất đi sự dữ”, nhưng “Người đổ vào lòng chúng ta sức sống,
không phải để mọi khó khăn không còn nữa, mà để chắc chắn rằng chúng ta được
Chúa Ki-tô yêu thương và tha thứ, bởi vì chúng ta, Người đã chiến thắng tội lỗi,
sự chết và sợ hãi”. Vậy, thực tại Chúa
Ki-tô Phục Sinh là từ nay không gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi
tình yêu của Người.
_______________
Thứ Hai, ngày 14 tháng 5
Gio-an 15:9-17
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều
răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các
điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều
ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui
của anh em được nên trọn vẹn.12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều
Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ
không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì
Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.16 Không phải
anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh
em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những
gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17
Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
*
Chúa Giê-su ban cho chúng ta sự hiểu biết, những thông tin thiêng liêng,
để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.
Người luôn đem đến cho chúng ta niềm vui, sự sống, bình an và đức
tin. Vậy hôm nay tôi đã lãnh nhận được
điều nào từ nơi Người?
*
Các môn đệ Chúa Giê-su gọi Người là Thầy, đó là điều hoàn toàn thích hợp,
vì môn sinh thì phải gọi người dạy dỗ mình như thế mới đúng. Nhưng Chúa Giê-su còn đi xa hơn mối tương
quan thầy-trò, dĩ nhiên xa hơn cả mối tương quan chủ-tớ. Tôi có thể để tâm trí mình suy tư về sự kiện
Chúa Giê-su, tuy là Chúa của vũ trụ, lại muốn làm bạn hữu với tôi không?
_______________
Thứ Ba, ngày 15 tháng 5
Gio-an 17:1-11
Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện:
"Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.2
Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống
đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.3 Mà sự sống đời đời
đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha
đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất,
khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.5 Vậy, lạy Cha, giờ
đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được
hưởng bên Cha trước khi có thế gian.6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa
thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã
ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.7 Giờ đây, họ biết rằng tất
cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,8 vì con đã ban cho họ lời
mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha
mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.9 Con cầu nguyện cho họ. Con
không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ
thuộc về Cha.10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những
gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ.11 Con không
còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng
Cha.
*
Bao lâu còn sống, chúng ta vẫn có việc để làm trên mặt đất này mà tôn
vinh Thiên Chúa. Có thể chúng ta không
bao giờ khởi sự công việc này quá sớm hay quá muộn. Vậy công việc Chúa kêu gọi tôi làm hôm nay là
công việc gì?
*
Dù xem ra có vẻ mạnh mẽ, nhưng các lời trong đoạn Tin Mừng này vẫn dạy tôi
hãy mau mắn cầu xin để Chúa vũ trụ được vinh hiển trong tôi.
_______________
Thứ Tư, ngày 16 tháng 5
Gio-an 17:11-19
Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế
gian; phần con, con đến cùng Cha.12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ
họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong
họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13
Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ
được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời
của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con
đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế
gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế
gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật
mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế
gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến
chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
*
“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn
vẹn niềm vui của con”. Niềm vui không
phải là một cảm xúc dâng lên khi ta được an ủi hoặc sung sướng. Nhưng niềm vui là một thái độ tràn đầy trong
ta khi ta hiểu được chân lý về tình Chúa yêu thương chúng ta và về tình bạn hữu
của Chúa Giê-su. Lạy Chúa, xin giúp con
không chỉ thấy một “ngày tốt”, nhưng thấy điều tốt tràn ra từ đời sống con, khi
con bước đi trong sự tin tưởng của tình yêu và tình bạn của Chúa.
*
Chúa Giê-su nói rằng lời Chúa là chân lý. Lời Chúa có sức mạnh thánh hóa chúng ta, làm
cho chúng ta nên thánh và cho chúng ta được kết hợp với Chúa. Khi lắng nghe lời Chúa được công bố trong nhà
thờ hoặc cả khi được chia sẻ trong nhóm học hỏi Kinh Thánh, chúng ta có nhớ rằng
lời ấy thanh tẩy chúng ta và uốn nắn chúng ta không? Khi chúng ta nói lên chân lý, dù chỉ một chân
lý nhỏ bé, là chúng ta tham dự vào công việc Chúa thánh hóa chúng ta. Chúng ta cũng có thể giúp người khác được
thánh hóa nữa. Chúa Giê-su biết rõ sức mạnh
của việc nói lên chân lý của Thiên Chúa.
Tôi hãy ghi nhớ ân huệ lớn lao này.
_______________
Thứ Năm, ngày 17 tháng 5
Gio-an 17:20-26
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những
ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong
con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng
Cha đã sai con.22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã
ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ
và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết
là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.24
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó
với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho
con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.25 Lạy
Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha,
và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.26 Con đã cho họ
biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở
trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
*
Lời nguyện của Chúa Giê-su xin cho “tất cả nên một” có thể bị giải thích
sai. Việc nên một này là điều còn vĩ đại
và sâu xa hơn cả sự đồng nhất, hơn cả những người tuyên xưng cùng một đức tin
và giữ cùng những thực hành đạo đức. Đây
là sự nên một trong đó tình yêu được cho và nhận, một tình yêu đón nhận mọi
khác biệt. Chúa Giê-su và Chúa Cha dù
nên một, nhưng vẫn tách biệt nhau. Các
môn đệ, dù nên một với Chúa Giê-su, vẫn giữ nguyên căn tính và tính cách cá
nhân của họ.
*
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng trong tình yêu có sự khác biệt, nhưng
không có sự chia rẽ.
_______________
Thứ Sáu, ngày 18 tháng 5
Gio-an 21:15-19
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô:
"Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?
" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức
Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."16
Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?
" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người
nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."17 Người hỏi lần thứ
ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông
Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? "
Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy."
Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo
thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý.
Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn
anh đến nơi anh chẳng muốn."19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ
phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy
theo Thầy."
*
Câu hỏi của Chúa Giê-su được lập lại ba lần là dư âm của ba lần ông
Phê-rô chối Chúa Ki-tô. Tha thứ đã là
khó, nhưng lãnh nhận sự tha thứ có thể còn khó hơn. Khả năng tin rằng chúng ta được tha thứ là điều
quan trọng đối với việc trưởng thành thiêng liêng. Đây chính là điều nói lên sự khác biệt giữa
Phê-rô và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Một Phê-rô
lảo đảo khởi đi từ nỗi hổ thẹn vì đã ba lần chối Chúa Ki-tô tiến tới việc trở
thành tảng đá trên đó Giáo Hội Chúa Ki-tô được xây lên. Còn Giu-đa cũng là người đã nghe Chúa Ki-tô
nói rằng người ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy, thế mà hắn lại không thể đến
xin Chúa Ki-tô tha thứ cho mình. Cho nên
hắn đã chết trong tuyệt vọng.
*
Lạy Chúa, xin cho con đừng khi nào ngừng cầu xin ơn tha thứ. Nếu chúng con phải sẵn sàng tha thứ không giới
hạn, thì chúng con cũng phải sẵn sàng cầu xin ơn tha thứ cũng như ơn tin rằng
chúng con đã được tha thứ, cho tới lúc chúng con chết.
_______________
Thứ Bảy, ngày 19 tháng 5
Gio-an 21:20-25
Ông Phê-rô quay lại,
thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã
nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai
là kẻ nộp Thầy? "21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với
Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? "22 Đức
Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì
việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."23 Do đó, mới có
tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói
với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như
Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "24
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng
lời chứng của người ấy là xác thực.25 Còn có nhiều điều khác Đức
Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng
không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
* Ông Phê-rô hỏi: “Còn anh này thì sao?” Liệu ở đây có điều gì ngầm nói lên mối hiềm
khích anh em hoặc sự hiếu kỳ mang tính cách ganh tị không? Nhưng chắc chắn có sự khiển trách của Chúa
Giê-su trong câu nói của Người: “Việc gì
đến anh?”
* Lạy Chúa, khi nào con mới thắng vượt được cảm
nghĩ ganh tị, so sánh mình với người khác trong gia đình đức tin này? Xin cho tình yêu của Chúa cứ tự do tràn lan qua
con.