TUẦN 7 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 20 – 26 tháng 5 năm 2018)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Một thời kinh ngạc
Yếu tố nền tảng của lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là sự
kinh ngạc. Thiên Chúa chúng ta là một
Thiên Chúa của sự kinh ngac; điều này
chúng ta đều biết. Trong số các môn đệ,
không ai chờ đợi điều gì hơn nữa: sau
khi Chúa Giê-su chết, họ chỉ là một nhóm nhỏ chẳng ai biết đến, là những kẻ mồ
côi tuyệt vọng của Thầy họ. Vậy mà tại
đó lại xảy ra một biến cố bất ngờ gây nên sự kinh ngạc: dân chúng sững sờ vì mỗi người đều nghe các
môn đệ nói tiếng mẹ đẻ của họ, kể lại những công việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm
(xem Công Vụ Tông Đồ 1:6-7, 11). Giáo Hội
sinh ra trong ngày Hiện Xuống là một cộng đồng gây kinh ngạc, vì nhờ sức mạnh
do Giáo Hội đến từ Thiên Chúa, một sứ điệp mới mẻ là sự Phục Sinh của Đức Ki-tô
được công bố bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ phổ quát của tình yêu. Lời tuyên bố mới: Đức Ki-tô đang sống, Người đã sống lại. Ngôn ngữ mới:
ngôn ngữ của tình yêu. Các môn đệ
được trang bị bằng sức mạnh từ trời và họ mạnh dạn phát ngôn. Chỉ ít phút trước đó, họ hết thảy đều rụt rè
sợ hãi, nhưng giờ đây họ lại nói với tất cả sự can đảm hăng say và với sự tự do
Chúa Thánh Thần ban cho họ.
Như thế
Giáo Hội được kêu gọi để tồn tại muôn đời, có khả năng gây ngạc nhiên, đồng thời
công bố cho mọi người biết rằng Chúa Giê-su Ki-tô đã chiến thắng thần chết, rằng
cánh tay Thiên Chúa luôn mở rộng, rằng sự kiên nhẫn của Người luôn còn đó để chờ
đợi chúng ta hầu chữa lành chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Chúa Giê-su phục sinh đã ban Thánh Thần xuống
trên Giáo Hội để Giáo Hội thi hành chính sứ mệnh này.
Xin bạn
chú ý: Nếu Giáo Hội sống động thì Giáo Hội
phải luôn gây kinh ngạc. Bản chất của
Giáo Hội sống động là gây kinh ngạc. Một
Giáo Hội không thể gây kinh ngạc là một Giáo Hội yếu ớt, bệnh hoạn, sắp chết và
cần được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện càng sớm càng tốt!
-
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Walking
with Jesus
Sự hiện diện của
Chúa
Chúa phán: “Ta
đứng trước cửa và gõ”. Thật là một đặc
ân tuyệt vời khi Chúa muôn loài ước ao đến với tôi. Tôi đón chào sự hiện diện của Chúa.
Sự tự do
Mọi sự đều có khả năng đem lại một tình yêu và sự sống
đầy đủ hơn từ nơi tôi. Tuy nhiên những ước
muốn của tôi lại thường cố định và bị giới hạn vào những ảo tưởng là mình đã
chu toàn. Tôi cầu xin Chúa, qua sự tự do
của tôi, để Người phối hợp những ước muốn của tôi theo một nhịp điệu sống động
trong sự hài hòa.
Ý thức
Ý thức điều gì có nghĩa là biết rõ điều ấy.
Lạy Chúa, xin giúp con nhớ là Chúa đã ban sự sống cho
con.
Con cảm tạ Chúa về ơn sự sống ấy.
Xin Chúa dạy con chậm chậm lại, biết tĩnh lặng và vui
hưởng những vui sướng Chúa đã tạo nên cho con.
Ý thức vẻ đẹp chung quanh con: sự kỳ diệu của những ngọn núi, yên tĩnh của mặt
hồ, mềm nại yếu ớt của một cánh hoa. Con
phải nhớ rằng tất cả những thứ ấy đều từ Chúa mà đến.
Lời Chúa
Tôi chậm chậm đọc lời Chúa vài lần, rồi tôi lắng nghe
điều Chúa nói với tôi. (Xin lấy phần
Kinh Thánh ở những trang tiếp theo. Những
điểm gợi ý đã có sẵn nếu bạn cần dùng đến.
Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với
Chúa).
Tâm sự với Chúa
Những cảm nghĩ nào đã dâng lên trong tôi khi tôi cầu
nguyện và suy nghĩ về lời Chúa? Tôi hãy
tưởng tượng Chúa Giê-su đang ngồi hoặc đứng gần tôi, và tôi mở lòng ra với Người.
Kết thúc
Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã ở với nhau
và những ơn soi sáng của Chúa giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh này.
Tuần 7 Thường
niên
Chúa Nhật, ngày 20
tháng 5
Lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống
Gio-an 20:19-23
Vào
chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng
kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem
tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại
nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người
ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
* Các môn đệ đã
được rửa tội trong Thánh Thần. Đây là sự
sinh ra mới và một phép rửa mới. Quyền
năng tái sinh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta được trở nên con cái Thiên
Chúa. Nhờ việc tái sinh này, chúng ta trở
thành tạo vật mới, được tác tạo bởi cùng một Thần Khí của Thiên Chúa đã bao
trùm vũ trụ trong những dòng mở đầu sách Sáng Thế, khi “đất còn
trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm”.
* Điều gì đã
làm tôi mù quáng không nhận ra thực tại điều tôi đã đọc về Lễ Hiện Xuống? Điều gì khiến tôi từ chối không muốn nhìn nhận
rằng thực tại ấy có thể xảy ra cho tôi giống như đã xảy ra cho các tông đồ? Rằng trong con người bất xứng của tôi, có một
đền thờ trong đó Thần Khí giúp tôi không ngừng thờ phượng Chúa? Lạy Chúa, phải chăng con sợ rằng khi nhận biết
sự cao cả của Chúa ở ngay nơi con người con, thì Chúa sẽ đòi hỏi con phải thực
hiện những điều cao cả? Có thể nào khi
con muốn tránh đau khổ, thì con sẽ không còn cảm nghiệm được niềm vui nữa
không?
_______________
Thứ Hai, ngày 21
tháng 5
Mác-cô 9:14-29
Khi
Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất
đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15
Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16
Người hỏi các môn đệ: "Anh em tranh luận gì với họ thế? "17
Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại
cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật
cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các
môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi."19
Người đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người
cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại
đây cho tôi."20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người,
quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21
Người hỏi cha nó: "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? " Ông ấy đáp:
"Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống
nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương
mà cứu giúp chúng tôi."23 Đức Giê-su nói với ông ta: "Sao
lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin."24
Lập tức, cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu
kém của tôi! "25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng
tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không
được nhập vào nó nữa! "26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi
ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi!
"27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28
Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con đây
lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "29 Người đáp: "Giống quỷ ấy,
chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi."
* Người cha tuyệt
vọng trong đoạn Tin Mừng này phải là một động lực khích lệ hết thảy chúng ta là
những người đang vật lộn với đức tin của mình.
Ông đã kêu xin Chúa Giê-su với tất cả những gì đức tin của ông có, và
ông cũng để lại cho chúng ta một lời cầu nguyện mạnh mẽ: “Tôi tin;
xin Ngài nâng đỡ đức tin yếu kém của tôi!” Chúa Giê-su lập tức đáp lại ông. Nếu Chúa Giê-su hỏi tôi: “Con có tin không?”, tôi sẽ trả lời Người thế
nào?
* Karl Rahner,
thần học gia dòng Tên, viết rằng: “Giữa
cuộc sống chúng ta, giữa sự tự do và những phấn đấu của chúng ta, chúng ta phải
có một quyết định căn bản và tuyệt đối.
Rồi chúng ta không bao giờ biết được khi nào tiếng sét từ trên trời đánh
trúng chúng ta. Có thể đó là lúc chúng
ta hầu như không nghĩ rằng mình sẽ bị chất vấn liệu chúng ta còn đức tin và
lòng tín thác tuyệt đối để thưa xin vâng hay không”.
_______________
Thứ Ba, ngày 22
tháng 5
Mác-cô 9:30-37
Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng
qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì
Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ
sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32
Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.33
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức
Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn
cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói:
"Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục
vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các
ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này
vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là
tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
* Sự dịu dàng của tình yêu Chúa Giê-su dành cho
trẻ em thật vô bờ. Trong mọi người lớn
đều có một trẻ nhỏ nội tâm: dễ bị tổn
thương, nhạy cảm, thích chơi đùa, cởi mở.
Trước khi thế giới dàn dựng những phim ảnh diễn tả sự thân mật, nhàm
chán và tinh quái, thì đứa trẻ trong chúng ta đã có đầy những ngưỡng mộ. Chính nhờ sự ngưỡng mộ này, chúng ta mới cảm
nghiệm được vinh quang và sự cao cả của Thiên Chúa.
* Nhiều vị đại thánh đã giữ được khả năng
ngưỡng mộ này, họ vui trong Đấng Tạo dựng và tạo vật và họ có được sự trẻ trung
lâu dài. Meister Eckhardt, một nhà thần
bí dòng Đa-minh, vui mừng chủ trương rằng “linh hồn tôi trẻ trung như là lúc
tôi được tạo dựng, phải, còn trẻ trung hơn nhiều. Này tôi nói các bạn nghe, nếu như ngày mai
linh hồn tôi không trẻ trung hơn hôm nay thì tôi sẽ mắc cỡ lắm đấy”. Lạy Thiên Chúa là Đấng dựng nên con, con mong
ước được nên như trẻ em. Con thực sự
muốn ngưỡng mộ.
_______________
Thứ Tư, ngày 23 tháng 5
Mác-cô 9:38-40
Ông
Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy
mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."39
Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy
mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật,
ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
* Một khi đã biết
Chúa Giê-su, người ta không được chân trong chân ngoài nữa. Chúng ta một là đón nhận Người, hay là tẩy
chay Người. Chúng ta không thể cùng một
lúc vừa nói có vừa nói không. Như thánh
Phao-lô nói: “Vì nơi Người, mọi lời Thiên
Chúa hứa đều là ‘Có’. Vì thế, chính nhờ
Người nên chúng ta mới thưa ‘A-men’ đối với vinh quang Thiên Chúa”. Vậy hôm nay tôi sẽ thưa điều gì?
* Chúng ta có
thường nhìn với thái độ nghi ngờ những người có lòng tin, vì họ không thuộc
“nhóm” của chúng ta không? Có lẽ những
niềm tin của họ khác với niềm tin chúng ta, hoặc ngôn từ của họ dường như xa lạ
với chúng ta. Câu trả lời của Chúa
Giê-su ở đây trong Mác-cô chương 9 cho thấy Thiên Chúa cởi mở đối với bất cứ ai
tin. Tôi cầu xin để biết chấp nhận người
khác cũng như những cách sống niềm tin của họ hơn.
_______________
Thứ Năm, ngày 24 tháng 5
Mác-cô 9:41-50
"Ai cho anh em uống một chén nước
vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không
mất phần thưởng đâu.42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn
đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển
còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà
cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục,
phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn
là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt
anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên
Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ
không hề chết và lửa không hề tắt.49 Quả thật, ai nấy sẽ được luyện
bằng lửa như thể ướp bằng muối.50 Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà
hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng
anh em, và sống hoà thuận với nhau."
* Là một Ki-tô hữu,
tôi mang danh Chúa Ki-tô. Tôi cố gắng
suy nghĩ, cảm nhận và hành động giống như Người. Hôm nay cũng như mọi ngày, tôi cầu xin cho mình
biết nhìn bằng đôi mắt của Chúa, lắng nghe bằng đôi tai của Chúa, nói năng bằng
lời lẽ của Chúa và chạm tới bằng bàn tay của Người.
* Là các Ki-tô hữu,
chúng ta là muối đất. Muối luôn được sử
dụng để gìn giữ, để rửa sạch, để thêm hương vị và để thanh tẩy. Trong Cựu Ước, muối biểu tượng cho giao ước
không thể đổ vỡ. Lạy Chúa, xin cho chúng
con đừng bao giờ phá đổ đức tin vào Chúa.
_______________
Thứ Sáu, ngày 25 tháng 5
Mác-cô 10:1-12
Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê
và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như
thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức
Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ
hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: " Thế ông Mô-sê đã truyền
dạy các ông điều gì? "4 Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép
viết giấy ly dị mà rẫy vợ."5 Đức Giê-su nói với họ: "Chính
vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6
Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có
nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8
và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ
là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài
người không được phân ly."10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi
Người về điều ấy.11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là
phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng
khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."
* Chúa Giê-su đề ra lý
tưởng cho hôn nhân. Người nhắc nhở chúng
ta về điều đã được định sẵn, mặc dù không phải do lỗi chúng ta, nhưng có thể
chúng ta vẫn không sống theo như thế được.
Chúa luôn ưu ái hiện diện với đôi vợ chồng, cho dù họ có chia tay vì yếu
đuối con người.
* Chúa Giê-su tố cáo
mọi thứ lòng chai đá có thể đưa tới việc ly dị.
Kẻ sống bậc vợ chồng không được đối xử với nhau như vật sở hữu rẻ tiền
muốn bỏ đi là bỏ. Trái lại họ được mời
gọi sống đời tương kính và giúp đỡ lẫn nhau.
Hôm nay, tôi cầu nguyện cho những người sống bậc hôn nhân mà tôi biết,
để họ nhận được ơn biết sống dễ thương với nhau và đừng để trái tim họ trở nên
chai đá.
_______________
Thứ Bảy, ngày 26 tháng 5
Mác-cô 10:13-16
Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su,
để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy
vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn
cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15
Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào."16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt
tay chúc lành cho chúng.
* Chính đứa trẻ trong
con người chúng ta mới thực sự biết mở lòng đón nhận lời mời gọi của Chúa muốn
chúng ta hãy tái sinh, hãy làm một tạo vật đích thực, tức là hãy để cho mình
được luôn tái tạo. Chính đứa trẻ trong
con người chúng ta mới cố gắng cảm nhận được mình gần gũi với Đấng tạo
dựng. Thiếu cảm nhận về sự lạ lùng, lời
ngợi khen Chúa của chúng con sẽ cằn cỗi.
Con muốn có được niềm hy vọng sống động của trẻ em!
* Chính đứa trẻ trong
chúng ta mới thực sự có thể sống trong tình trạng phát triển, luôn cởi mở đón
nhận sự lớn lên và sự thay đổi. Chính
đứa trẻ trong chúng ta mới cảm nhận được sự trọn lành và vững bền của vĩnh cửu,
nơi không còn thời gian hoặc không gian, không còn trước hay sau, nhưng theo
lời của Meister Eckhardt, “mọi sự hiện diện trong cái hiện tại mới, luôn là mùa
xuân, vì lúc này bao nhiêu thiên niên kỷ cũng không lâu bằng một nháy mắt”.