TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN (ngày
24 – 30 tháng 6 năm 2018)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Sức ép thánh thiện
Trong một
thoáng, bạn thử tưởng tượng đến chỉ căn bếp của bạn hoặc cái bồn rửa mặt trong
phòng vệ sinh của bạn thôi. Cứ tưởng tượng
xem trên cái bồn rửa mặt chỉ có một cái cần nhỏ để bạn dễ dàng mở nước hoặc khóa
lại. Bên kia bức tường là hệ thống ống nối
với nhau để dẫn nước, những ống chịu được áp suất cao để dẫn nước từ một nguồn
nước lớn hơn, tức hồ trữ nước hoặc một tháp nước hay một trạm nước, để đưa tới
nhà bạn. Muốn đóng nước chảy vào bồn rửa
mặt, một cái khóa nhỏ đóng lại để nước không chảy nữa. Khi cái khóa đóng lại, nước đằng sau cái khóa
ấy chịu một sức ép. Sức ép rất mạnh. Nước chịu nằm yên trong ống và chỉ muốn thoát
ra. Tuy nhiên bạn có thể kiểm soát được,
khi mở nước ra, bạn cũng xác định được dòng nước mạnh như thế nào.
Nước vẫn nằm trong đó. Tiềm lực vẫn luôn cách vài centimet đằng sau
cái khóa nhỏ nhưng mạnh mẽ.
Bạn có thể nâng nhẹ cái cần khóa nước
để có một chút nước làm ướt bàn chải đánh răng.
Bạn cũng có thể nâng cao tối đa cái cần khóa nước để có một dòng nước thật
mạnh khi rửa bát đĩa trong bếp.
Bạn hãy tưởng tượng dòng nước ấy là
Chúa Thánh Thần, và tưởng tượng có một vòi nước nối với tâm hồn bạn. Bạn hãy chú ý đến tâm hồn và chú ý đến vòi nước
được nối liền với ống nước chứa đựng Thánh Thần. Thánh Thần đang ở dưới một áp suất cực mạnh. Chúa Thánh Thần đẩy vào cái khóa của tâm hồn
bạn. Bạn có thể cảm nhận được sức ép ấy
buổi sáng khi bạn thức dậy, suốt ngày đang khi bạn làm việc, lúc bạn bị kẹt xe,
trong những lúc trước khi đi ngủ.
Đó chính là sức ép thánh thiện.
Bạn hãy giữ hình ảnh này trong tâm
trí. Hãy mở vòi nước.
- Gary Jansen, The 15-Minute Prayer Solution
Sự hiện diện của Chúa
Lạy
Chúa Giê-su, hôm nay con đến với Chúa, mong chờ sự hiện diện của Chúa. Con ước ao yêu mến Chúa như Chúa yêu thương
con. Xin đừng để điều gì ngăn cách con với
Chúa.
Sự tự do
Lạy
Chúa, xin ban cho con ơn được sự tự do của Thánh Thần. Xin thanh tẩy tâm hồn con để con được vui sống
trong tình yêu của Chúa.
Ý thức
Tôi
đang ở đâu với Chúa? Với người khác?
Tôi có
điều gì để cảm tạ không? Tôi cảm tạ
Chúa.
Có điều
gì tôi phải thống hối không? Tôi xin ơn
được tha thứ.
Lời Chúa
Lời
Chúa đến với chúng ta qua Kinh Thánh.
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con, để con đáp lại những giáo huấn
của Tin Mừng. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở
những trang tiếp theo. Những điểm gợi ý
có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Khi đã sẵn
sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lời
Chúa đánh động tôi thế nào? Có để mặc
tôi nguội lạnh không?
Lời
Chúa có an ủi tôi hoặc thúc giục tôi hành động theo một cách thức mới không?
Tôi tưởng
tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi bên cạnh tôi;
Tôi hướng
về Người và chia sẻ với Người những cảm nghĩ của tôi.
Kết thúc
Tôi cảm
tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng Người
đã ban cho tôi để hiểu đoạn Tin Mừng.
Tuần 12 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 24 tháng 6
Lễ Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả
Lu-ca 1:57-66, 80
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con
trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân
thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm
phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60
Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an."61
Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả."62
Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63
Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ
ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc
tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy
được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự
hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? " Và quả thật, có bàn tay
Chúa phù hộ em.
80
Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho
đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
* Hôm nay chúng ta mừng lễ sinh nhật thánh
Gio-an Tẩy Giả. Giống như nhiều nhân vật
thời Cựu Ước đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, Gio-an sinh ra do
một phụ nữ son sẻ trong lúc tuổi già. Ơn
cứu độ của chúng ta hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa. Thế giới này quá tự mãn đến nỗi cho rằng người
ta không cần một đấng cứu độ. Nhưng có lẽ
hoàn cảnh hiện thời, với quá nhiều bạo lực và đau khổ, sẽ thúc giục chúng ta
hãy cầu xin Thiên Chúa cứu vớt chúng ta.
* “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”. Chắc chắn tôi không có sứ mệnh giống như sứ mệnh
của thánh Gio-an, nhưng trong bất cứ điều gì tôi được kêu gọi hãy thi hành thì
tôi phải biết là bàn tay Chúa luôn ở với tôi.
Tôi cảm tạ Chúa vì sự hiện diện mạnh mẽ của Người ở trong cuộc đời tôi
và tôi xin Người cũng cố đức tin của tôi.
_______________
Thứ Hai, ngày 25 tháng 6
Mát-thêu 7:1-5
"Anh em đừng xét đoán, để
khỏi bị Thiên Chúa xét đoán,2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em
cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa
cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt
của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?4
Sao anh lại nói với người anh em: "Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn",
trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?5 Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy
cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt
người anh em.
* “Tôi là ai mà có quyền xét đoán?” phải là một
trong những lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được biết đến nhiều nhất. Có lẽ lý do là vì lời ấy chạm đến điểm tinh tế
nhất trong văn hóa đa dạng thời chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể xét đoán hành vi của người khác? Đôi khi điều này có thể biến thành một thái độ
thụ động và vô cảm. Tôi không xét đoán bạn
vì chính bạn chịu trách nhiệm về những chọn lựa của riêng bạn; cho nên giờ đây bạn đừng mong tôi giúp gì cho
bạn, vì tôi không có trách nhiệm nào về bạn hết. Nhưng Chúa Giê-su đang dạy một điều hoàn toàn
khác. Người bảo bạn hãy cẩn thận đừng
xét đoán người khác khắt khe hơn là xét đoán chính bản thân mình, và hãy tránh
có thiên kiến vì thiên kiến có thể làm sai lạc việc xét đoán.
* “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước
đã”. Tôi cầu xin được ánh sáng để cảnh
giác về những thiên kiến của tôi và được sức mạnh để bỏ đi những thiên kiến ấy. Nhất là tôi xin ơn biết cảm thông cho riêng
tôi cũng như cho những người tôi khó chấp nhận quan điểm hay cách sống của họ.
_______________
Thứ Ba, ngày 26 tháng 6
Mát-thêu 7:6, 12-14
"Của thánh, đừng quăng cho
chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại
cắn xé anh em.
12
"Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em
cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.13
"Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt
vong, mà nhiều người lại đi qua đó.14 Còn cửa hẹp và chật thì đưa đến
sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.
* “Tất cả những
gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người
ta”.
Khuôn vàng thước ngọc này mang tính cách thách đố vì nó thật là đơn giản. Đúng thế, “Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là
thế đó”. Dường như không bao giờ chúng
ta có thể sống quy luật ấy trọn vẹn được, mặc dù quy luật ấy rất là chính
đáng. Đó không phải là một tiêu chuẩn luật
pháp, nhưng trái lại là một tiêu chuẩn của tình yêu đích thực. Trước đó một chút trong Tin Mừng Mát-thêu,
Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy yêu thương người khác như chính mình.
* Đường lối của Chúa Giê-su là con đường dẫn
chúng ta đến sự sống, tuy nhiên chúng ta cần phải qua cửa hẹp là từ bỏ chính
mình và vác thập giá hằng ngày. Tôi xin
ơn thực hiện điều này một cách vui vẻ, với bình an trong tâm hồn, theo bước
Chúa Giê-su, người anh em của tôi.
_______________
Thứ Tư, ngày 27 tháng 6
Mát-thêu 7:15-20
Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ
giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.16
Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái?
Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt,
cây xấu thì sinh quả xấu.18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như
cây xấu không thể sinh quả tốt.19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị
chặt đi và quăng vào lửa.20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết
họ là ai.
* Chúa Giê-su cảnh giác chúng ta hãy coi chừng các
ngôn sứ giả, và Người ban cho chúng ta một hướng dẫn thực tế và cụ thể giúp
chúng ta phân biệt: hãy nhìn vào hoa
trái của họ. Đôi khi thế giới này có thể
làm chúng ta lẫn lộn với những lời hứa mang lại hạnh phúc và sống vui trong khi
rõ ràng là đau khổ và cô đơn. Chúng ta cần
nhận ra rằng không những có những ngôn sứ giả sinh trái xấu, nhưng cũng có những
ngôn sứ thật sinh hoa trái tốt. Tôi cầu
nguyện xin ơn được soi sáng và ơn khôn ngoan.
* Liên tiếp trong những đoạn Tin Mừng này, tôi
được đánh động do những lời Chúa Giê-su mô tả cuộc phán xét trong tương
lai; cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn
đi và quăng vào lửa. Tôi được mời gọi
hãy mau mau sinh hoa trái tốt.
_______________
Thứ Năm, ngày 28 tháng 6
Mát-thêu 7:21-29
"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! "
là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng
ngự trên trời, mới được vào mà thôi.22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ
thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân
danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm
nhiều phép lạ đó sao? "23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ:
Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!24
"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như
người khôn xây nhà trên đá.25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập
vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.26 Còn ai nghe
những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu
dại xây nhà trên cát.27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào,
nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".28 Khi Đức Giê-su giảng dạy
những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người,29
vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của
họ.
* Đây là màn cuối của Bài giảng trên núi, một
nhắc nhở mạnh mẽ về điều gì là đáng giá trong đời sống nội tâm chúng ta: đó là tâm hồn chứ không phải lời nói
suông. Có lần Chúa Giê-su đã mạnh mẽ nói
về chính Người; nếu chúng ta xây dựng
đời sống chúng ta trên lời của Người, thì chúng ta có thể đứng vững trước những
khó khăn và bão tố mạnh mẽ nhất. Vậy tôi
đã lấy những lời của Chúa làm nền móng cho đời tôi như thế nào? Tôi cảm tạ Chúa và xin Người giúp đỡ.
* Dân chúng bỡ ngỡ về giáo huấn của Chúa, vì
Người dạy dỗ họ với uy quyền, chứ không như các kinh sư. Điều này cũng thực đối với chúng ta; chúng ta được động viên do những người nói mà
làm, chứ không phải bởi những người nói mà không thực hành. Tôi xin ơn biết phân định; tôi muốn sống và nói năng một cách chân thực.
_______________
Thứ Sáu, ngày 29 tháng 6
Lễ kính thánh Phê-rô và thánh Phao-lô, tông đồ
Mát-thêu 16:13-19
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các
môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông
thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có
người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15
Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16
Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng
sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông
Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh
điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy
bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ
xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19
Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên
trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng
sẽ tháo cởi như vậy."
* Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô thường được mô
tả như hai cột trụ đức tin: thánh Phê-rô
là tảng đá để Giáo Hội được xây dựng trên đó, còn thánh Phao-lô là vị tông đồ
dân ngoại, được Chúa Ki-tô đặc biệt tuyển chọn để đem Tin Mừng đến cho những
người không phải là Do-thái. Hôm nay khi
mừng lễ kính các ngài, tôi suy nghĩ về đức tin của mình là một ơn huệ lớn lao
Chúa ban khi tôi được rửa tội. Tôi cũng
suy nghĩ xem đức tin của tôi đã phát triển thế nào qua tác vụ của nhiều người,
bắt đầu với các vị tông đồ, rồi kéo dài cho tới cha mẹ tôi, các thầy cô, giáo
lý viên, cộng đoàn giáo xứ, bạn bè và những chứng nhân khác nữa. Tôi cảm tạ Chúa về ơn huệ đức tin lớn lao
này, rồi tôi cầu xin làm sao có thể truyền đạt đức tin ấy đến người khác, không
giữ đức tin như một báu vật trong viện bảo tàng, nhưng như một thực tại sống
động.
* Trong tâm tình tạ ơn, tôi cũng suy nghĩ rằng
mình được kêu gọi sống đức tin cùng với những người khác trong cộng đồng gọi là
Giáo Hội. Tôi nói với Chúa Giê-su về
việc mình làm một phần tử thuộc về Giáo Hội và cầu xin Chúa giúp tôi trở nên
viên đá sống động trong nhà Chúa. Ước gì
ngôi nhà này mở rộng đón tiếp mọi người mọi thời.
_______________
Thứ Bảy, ngày 30 tháng 6
Mát-thêu 8:5-17
Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp
Người và nài xin:6 "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm
liệt ở nhà, đau đớn lắm."7 Người nói: "Chính tôi sẽ đến
chữa nó." Viên đại đội trưởng đáp:8 "Thưa Ngài, tôi chẳng
đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi
bệnh.9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng
dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! ", là nó đi, bảo người kia:
"Đến! ", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!
", là nó làm."10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói
với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một
người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.11 Tôi nói cho các ông hay:
Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ
Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.12 Nhưng con cái Nước
Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc
nghiến răng."13 Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng
rằng: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy! " Và ngay giờ
đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.14 Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô,
thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt.15 Người đụng vào tay
bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.16 Chiều đến, người
ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các
thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau,17 để ứng nghiệm lời ngôn
sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn
của ta.
* Các sách Tin Mừng dạy chúng ta rằng Chúa
Giê-su đã dành rất nhiều thì giờ để chữa lành bệnh nhân. Tuy nhiên Chúa còn hơn cả một người chữa lành
thành công và được người ta tìm đến sau đó, vì việc Người chữa lành là do lòng
thương xót và tình liên đới: “Người đã
gánh lấy những yếu đau của chúng ta và mang vào thân những bệnh tật của chúng
ta”. Tuy điều này được nhận ra rõ nhất
trên đồi Canvariô, nhưng Người đã sống chân lý ấy suốt cuộc đời Người.
* Chúa Giê-su có một nhận xét gây ngỡ ngàng về
viên đại đội trưởng Rô-ma: “Tôi không
thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế”. Chúa ca ngợi đức tin độc đáo của một người
dân ngoại. Chúng ta tự hỏi đức tin thực
sự là gì; đôi khi chúng ta nghĩ đức tin
chúng ta thực ra không tồn tại. Đức tin
của những người thuộc tôn giáo khác thì sao?
Rồi những người cho mình là không tin hoặc vô thần thì sao? Tôi nhớ điều Chúa Giê-su đã nói: Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải thì cũng
đủ…