TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN (Ngày
28 tháng 10 – ngày 3 tháng 11 năm 2018)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Chúng ta phải làm thánh
Tin rằng
tất cả chúng ta đều được kêu gọi để làm thánh mang những ý nghĩa sâu xa cho đời
sống hằng ngày. Chấp nhận điều Công đồng
Vatican II gọi là “lời triệu gọi phổ quát hãy nên thánh” nghĩa là chấp nhận
ngay cả những thời điểm sâu kín nhất của đời sống con người với một ân sủng đặc
biệt.
Lời triệu gọi phổ quát hãy nên thánh
là lời mời gọi chúng ta hãy là chính mình.
Đó cũng là lời mời gọi hãy luôn nhớ tính chất bí tích của đời sống hằng
ngày và hãy ý thức sự thánh thiện chính là mục đích cao cả Chúa đã đặt ra cho
chúng ta. Đó là điều các thánh đã ý thức,
đôi khi thật nhanh chóng, đôi khi phải mất nhiều năm trời, bất kể các ngài sinh
ra tại Palestine thế kỷ 1, tại Pháp thế kỷ 13 hay tại Hoa-kỷ thế kỷ 20. Bất kể các ngài đã sống trong tu viện kín tại
Lisieux, tại tấm lều cô quạnh trong sa mạc xứ Morocco, hay tại nơi giáo triều
Vatican. Bất kể các ngài làm việc bên cạnh
những người nghèo khổ nhất ở Calcutta, với những nạn nhân bệnh dịch tại Rô-ma,
hoặc với những người dân ngoại ở Tiểu Á.
Bất kể các ngài đã phải chịu bệnh tật lúc thiếu thời, chịu chết vì đạo
lúc trung niên, hay chết sau khi đã sống lâu mạnh khỏe.
Lời triệu gọi nên thánh là một lời mời
gọi hãy làm bạn hữu của Thiên Chúa. Đó
là lời gọi biến đời sống của các vị thánh trở thành những của lễ hiến dâng Đấng
đã yêu thương cho họ được làm người. Lời
mời gọi nên thánh là lời kêu gọi suốt cả cuộc đời hãy đến gần Chúa hơn, vì Chúa
chẳng muốn gì hơn là gặp gỡ chúng ta với chính con người chúng ta và như các
thánh nhân mà chúng ta phải trở thành.
- James Martin,
S.J., My Life with the Saints 10th
Anniversary Edition
Sự hiện diện của Chúa
“Hãy lặng
thinh và biết rằng Ta là Thiên Chúa!” Lạy
Chúa, lời Chúa đưa chúng con tới vẻ trầm tĩnh và cao cả trong sự hiện diện của
Chúa.
Sự tự do
Nếu
Chúa muốn nói với tôi điều gì, liệu tôi có biết không?
Nếu
Chúa củng cố tôi hoặc thử thách tôi, liệu tôi có nhận ra không?
Tôi xin
Chúa ban ơn được thoát khỏi mọi bận rộn và biết mở lòng đón nhận điều Chúa muốn
nói với tôi.
Ý thức
Trong sự
hiện diện của Đấng Tạo Dựng đầy yêu thương, tôi thành thực nhìn vào những cảm
nghĩ của mình ngày hôm trước: những
thăng trầm và những lúc bình thường. Tôi
có nhận ra Chúa đã hiện diện ở những thời điểm nào không?
Lời Chúa
Trong
trạng thái tâm trí chờ đợi, bạn hãy mở phần Kinh Thánh trong ngày với lòng tin
tưởng. Hãy tin rằng Chúa Thánh Thần đang
hiện diện và có thể tỏ ra bất cứ điều gì đoạn Kinh Thánh nói với bạn. Hãy đọc một cách suy tư và lắng nghe với đôi
tai thiêng liêng những gì đang xảy ra trong tâm hồn bạn. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang
sau. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử
dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn
hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Nhớ rằng
mình vẫn đang ở trong sự hiện diện của Chúa, tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng
hoặc ngồi bên cạnh tôi, và tôi nói ra tất cả những gì trong trí khôn, tất cả những
gì trong tâm hồn, nói như một người bạn tâm sự với một người bạn.
Kết thúc
Vinh
danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa. Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến
thiên thu vạn đại. A-men.
Tuần 30 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 28 tháng 10
Mác-cô 10:46-52
Đức Giê-su và các môn đệ
đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá
đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường,
tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức
Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua
Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "48 Nhiều người quát nạt bảo
anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ
lòng thương tôi! "49 Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh
ta lại đây! " Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người
gọi anh đấy! "50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy
mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho
anh? " Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."52
Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! " Tức khắc, anh
ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
* Thần học gia Michel de Verteuil có một lời
nguyện rất hay liên hệ với câu chuyện này:
“Lạy Chúa, có nhiều người đang ngồi bên cạnh đường, lớn tiếng kêu xin
chúng con tỏ lòng thương xót họ, nhưng họ lại thường la to một cách kỳ quặc: bằng cách đối xử không tốt trong lớp học; bằng cách hút xì ke ma túy hoặc uống rượu; bằng cách lủi thủi, im lặng hoặc ở lì trong
phòng; đôi khi bằng cách tự phụ tuyên bố
rằng họ rất hạnh phúc sống ở lề đường đang khi những kẻ khác đi ngang qua. Lạy Chúa, giống như Đức Giê-su, chúng con cần
phải ngưng lại những việc mình đang làm, để có thể nghe họ biểu lộ những ao ước
sâu xa là họ muốn lại được nhìn thấy”.
* Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su nói với người
khác về tôi: “Hãy kêu chị ấy tới
đây! Hãy gọi anh ấy đến đây!”, rồi Người
bảo tôi: “Con muốn Thầy làm gì cho
con?” Tôi sẽ trả lời thế nào?
_______________
Thứ Hai, ngày 29 tháng 10
Lu-ca 13:10-17
Ngày sa-bát kia, Đức
Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ
làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng
thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo:
"Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! "13 Rồi
Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14
Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông
lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà
xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "15
Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại
không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là
con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại
không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "17 Nghe
Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám
đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
* Đối với Chúa Giê-su, lòng thương xót và cảm
thông là trên hết, vượt trên mọi suy nghĩ.
Đây chắc chắn là một thái độ đầy thử thách. Tôi thử tưởng tượng mình đang có mặt tại hội
đường, rồi tôi xét xem phản ứng tự nhiên của mình thế nào, đang khi Chúa Giê-su
và ông trưởng hội đường tranh luận với nhau.
Tôi cầu xin có được một trái tim giống như trái tim của Chúa Giê-su,
luôn luôn cảm thông và sẵn sàng bênh vực người nghèo cũng như người đau khổ.
* Tôi lấy làm lạ tại sao tôn giáo lại dễ dàng
trở thành nơi phát sinh thái độ cứng lòng thay vì thương xót giống như Chúa
Ki-tô. Tôi xin Chúa soi sáng để tôi cảnh
giác trước những thành kiến và những cách ngụy biện cho các thành kiến ấy.
_______________
Thứ Ba, ngày 30 tháng 10
Lu-ca 13:18-21
Vậy Người nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải
ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt
cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời
làm tổ trên cành được."20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước
Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà
kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
*
Chúa Giê-su rất lạc quan khi Người nói về Nước Thiên Chúa! Đối với Người, thậm chí một khởi đầu nhỏ nhoi
cũng đã đủ, bởi vì Người xác tín rằng Nước Thiên Chúa sẽ phát sinh sức mạnh và
năng lực. Khi nhìn thế giới chung quanh,
tôi tự hỏi tôi đang chia sẻ niềm xác tín này hay là tôi thấy mình đang hành
động như một tiên tri giả hô hoán ngày tận thế.
*
Men chỉ có thể biến đổi bột khi nó được trộn vào trong bột. Dấn thân và hiện diện dường như là điều quan
trọng đối với Chúa Giê-su. Tôi cầu xin
cho một Giáo Hội và một cộng đồng Ki-tô biết hoàn toàn dấn thân với và trong
thế giới như là men trong bột.
_______________
Thứ
Tư, ngày 31 tháng 10
Lu-ca 13:22-30
Trên đường lên
Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.23
Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải
không? " Người bảo họ:24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp
mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể
được.25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em
còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi
vào! , thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu
đến!26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống
trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng
tôi.27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến.
Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!28
"Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham,
I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn
mình lại bị đuổi ra ngoài.29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự
tiệc trong Nước Thiên Chúa.30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ
lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."
* Khác với Chúa Giê-su, nhiều khi chúng ta quá
quan tâm đến những con số, làm như các con số là dấu chỉ quan trọng nhất nói
lên sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và sức mạnh cứu độ thế giới của Nước ấy. Chúa Giê-su xin chúng ta hãy chú tâm vào việc
đi qua cửa hẹp. Việc này đã làm nổi lên
đủ loại linh đạo tiêu cực, nhưng điều Chúa Giê-su muốn nói là hãy vác thập giá
mà theo Người hằng ngày trong cuộc sống.
Chính thánh giá sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự sống đời đời.
* Chúa cũng nói trước rằng chúng ta sẽ ngạc
nhiên về ai là những người vào Nước Thiên Chúa và ai là những người không
vào. Tuy nhiên dù khó vào, chúng ta vẫn
thấy mình muốn loại trừ người khác hoặc những nhóm khác ra khỏi ơn cứu độ. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy đề phòng đừng
xét đoán người khác, nhưng hãy tin rằng mọi người đều có thể mở lòng đón nhận hồng
ân cứu độ của Thiên Chúa.
_______________
Thứ Năm, ngày 1 tháng 11
Lễ Các Thánh Nam Nữ
Mát-thêu 5:1-12a
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên
núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ
rằng:
3
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4
Phúc thay ai hiền lành, vì
họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5
Phúc thay ai sầu khổ, vì
họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì
phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những
người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.
* Những câu Kinh Thánh này được gọi là Bát Phúc
hoặc Tám Mối phúc. Sống những mối phúc
này là một hồng ân Chúa ban, và đó là bản tóm tắt trọn vẹn về đời sống Ki-tô hữu. Cuộc sống của Chúa Giê-su đã thể hiện tất cả
những mối phúc ấy.
* Bạn hãy tìm những khung cảnh nào trong Tin Mừng
chứng tỏ Chúa Giê-su đã đối xử với người khác theo tinh thần của những mối phúc
ấy. Khi nào bạn cảm thấy đặc biệt vọng
lên một trong những mối phúc?
_______________
Thứ Sáu, ngày 2 tháng 11
Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (Lễ
các Linh hồn)
Gio-an 6:37-40
Tất cả những người Chúa
Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra
ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi,
nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất
cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống
lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai
thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống
lại trong ngày sau hết."
* Đối với Ki-tô hữu, người đã chết không vĩnh
viễn xa khỏi cuộc sống chúng ta; họ tiếp
tục hiện hữu và vẫn thuộc về cộng đồng chúng ta. Nhiều người đang hưởng cuộc sống với Chúa
Ki-tô trên thiên đàng; những người khác
đang chờ đợi sự vui hưởng ấy trong một tình trạng mà người Công giáo gọi là Luyện
ngục. Hôm nay chúng ta cầu nguyện xin
cho thời gian chờ đợi của họ được rút ngắn lại.
* Bài Tin Mừng này có thể nhấn mạnh đến việc cầu
nguyện của chúng ta. Bài Tin Mừng đem lại
cho chúng ta lời bảo đảm của Chúa Ki-tô rằng Người sẽ cho chúng ta được sống lại
trong ngày sau hết, vì đó là thánh ý của Chúa Cha. Câu nào trong bài Tin Mừng đánh động bạn mạnh
mẽ nhất?
_______________
Thứ Bảy, ngày 3 tháng 11
Lu-ca 14:7-11
Người nhận thấy khách dự
tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 "Khi
anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan
trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật
kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh
sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời,
thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời
ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì
phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn
lên."
* Chúng ta thường lấy làm lạ hoặc cảm thấy bực
mình vì rất nhiều người tìm đủ cách để nhận được vinh dự. Khi cố gắng để được người ta nhận biết, chúng
ta có thể đi tới mức làm hạ giá trị của chính mình. Ước ao được danh vọng là một ước ao mạnh mẽ,
một sức mạnh nằm sâu trong lòng, nên chúng ta cần có Chúa giúp đỡ chúng ta
thoát khỏi ước ao ấy.
* Thánh Inhaxiô đề nghị chúng ta hãy kiên trì
xin ơn biết chọn lựa giống như Chúa Giê-su:
xin trở nên giống như Chúa mà từ chối danh dự để sống khiêm nhường cũng
như chịu nhục nhã như Chúa đã chịu. Tôi
xin ơn được tự do để chấp nhận sỉ nhục một cách bình tĩnh và dịu dàng khi gặp
những sỉ nhục.