TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 11 – 17 tháng 11 năm 2018)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Dễ bị tổn thương nhất – và dễ cởi mở nhất

Cuối cùng tôi tự hỏi:  “Tại sao Chúa quá nhân hậu đến thế?”

          Bà ấy cười và kể lại từng chi tiết tất cả những biến cố đã xảy ra cho bà trong ngày hôm ấy, cho tới khi tôi đồng ý rằng quả thực Chúa nhân hậu.  Sở dĩ nhiều người nghèo khổ biết trân quý sự hiện diện của Chúa là vì họ biết trân quý việc nương tựa vào Chúa.  Sở dĩ Chúa ở gần những người nghèo khổ là vì những người nghèo khổ ở gần Chúa.

          Tôi cũng đã nhận thấy rằng Chúa gặp gỡ chúng ta đặc biệt trong những hoàn cảnh chúng ta chỉ muốn chạy trốn.  Nhưng ở đây tôi không muốn nói đến những lãnh vực con người chúng ta bị lôi kéo phạm tội, nhưng là nói đến những lãnh vực khiến chúng ta phải bối rối, thất vọng hoặc tủi hổ, tức là những lãnh vực chúng ta dấu kín không muốn để người ta biết và chúng ta đã tốn biết bao thì giờ để lo dấu giếm.  Nhưng cũng chính ở đây mà chúng ta thấy mình dễ bị tổn thương nhất, do đó cũng dễ mở lòng ra với Chúa nhất.

-  James Martin, S.J., My Life with the Saints 10th Anniversary Edition

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Bất cứ lúc nào ban ngày hay ban đêm, chúng ta đều có thể kêu cầu Chúa Giê-su.

Người luôn chờ đợi và lắng nghe tiếng chúng ta kêu cầu.

Thật là một ơn phúc tuyệt vời.

Chẳng cần điện thoại, chẳng cần emails, chỉ cần thì thầm với Chúa thôi.

 

Sự tự do

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được tinh thần tự do.  Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con, để con được vui sống trong tình yêu của Chúa.

 

Ý thức

Biết Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi thành thực nhìn lại ngày qua, với những biến cố và những cảm nghĩ của tôi.  Tôi có điều gì để cảm tạ Chúa không?  Vậy tôi cảm tạ Chúa.  Tôi có điều gì phải hối hận ăn năn không?  Vậy tôi xin ơn tha thứ của Chúa.

 

Lời Chúa

Lời Chúa đến với chúng ta qua Kinh Thánh.

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con

để con biết đáp lại những giáo huấn của Tin Mừng:

là hãy yêu thương người thân cận như chính mình,

chăm sóc cho những anh chị em trong Chúa Ki-tô.

(Xin bạn mở Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Những điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, con biết chắc có những khi Chúa bồng con đi.  Có những lần chính nhờ sức mạnh của Chúa nên con đã vượt qua được những lúc đen tối trong cuộc đời con.

 

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

 

Tuần 32 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 11 tháng 11

Mác-cô 12:38-44

 

Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

 

*  Các bà góa được nhắc đến trong cả hai đoạn của bài Tin Mừng.  Họ thay mặt cho những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.  Còn những kẻ “nuốt gia tài của các bà góa”, tức những kẻ làm cho các bà ấy phải khổ đau thêm, thì lại nhởn nhơ nơi công cộng, thậm chí cả khi họ cầu nguyện, tìm cách được người ta kính trọng.  Những cách giả hình như thế là điều Chúa Giê-su rất ghét.

*  Lúc ấy Chúa Giê-su nhìn thấy một bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền Đền Thờ những đồng xu cuối cùng (“tất cả những gì bà có”).  Chúa rất ngạc nhiên và đặt lòng quảng đại của bà ngược hẳn với thái độ (có thể không phải là xấu) của những kẻ giàu có dâng cúng thật nhiều “rút từ tiền dư bạc thừa của họ”.  Mặc nhiên Chúa đang chỉ trích các nhà lãnh đạo tôn giáo về cách họ áp bức dân chúng phải cho đi những gì người ta không thể.  Tôi có quý trọng những đức tính gặp thấy nơi những bà góa nghèo này tại nơi tôi sống không?

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 12 tháng 11

Lu-ca 17:1-6

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.3 Anh em hãy đề phòng!4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận", thì anh cũng phải tha cho nó."5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con."6 Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.

 

*  Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng cho dù cố gắng sống cuộc sống tốt, chắc chắn chúng ta vẫn vấp ngã.  Người hiểu rõ điều này nên Người mới ban hồng ân hòa giải.  Nhưng Chúa cũng cảnh giác chúng ta về tai hại lớn lao chúng ta sẽ gây ra nếu chúng ta làm cớ cho người khác vấp ngã.  Việc chúng ta ở với nhau phải là để nâng đỡ nhau chứ đừng làm cớ cho người khác sa ngã hoặc mất đức tin.

*  Bạn hãy biết ơn những người nhờ ơn Chúa đã giúp bạn sống đức tin của mình.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 13 tháng 11

Lu-ca 17:7-10

 

"Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi",8 chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."

 

*  Đoạn Tin Mừng này có thể là khó hiểu.  Điểm chính là việc khiêm tốn phục vụ vì lòng yêu mến Chúa tự nó đã là một phần thưởng rồi.  Thật hữu ích nếu so sánh với những lời Chúa Giê-su nói vào một lúc khác khi Chúa nói về ai là người lớn nhất:  “Vậy ai là người lớn hơn, người ngồi ở bàn ăn hay người hầu bàn?  Chắc chắn là người ngồi ở bàn ăn chứ?  Tuy nhiên tôi đang ở giữa anh em như là người hầu hạ!”

*  Thực khó hiểu được chiều sâu của mối tương quan giữa Chúa Giê-su với chúng ta, nếu chúng ta không hiểu được tình yêu lớn lao của Người và việc Người phục vụ chúng ta qua cuộc Thương khó và cái chết của Người.  Lạy Chúa, xin giúp con hiểu được Chúa đã hành động quá quảng đại đối với con.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 14 tháng 11

Lu-ca 17:11-19

 

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ".19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

 

*  Bạn hãy lưu ý là thánh Lu-ca chú tâm đến tình trạng bị loại ra khỏi xã hội của những người phong hủi.  Họ bị coi là ô uế và bị bó buộc phải sống bên ngoài các thành thị và làng mạc.  Ngay cả khi đến gần Chúa Giê-su, họ vẫn phải giữ một khoảng cách.  Việc chữa lành người phong hủi không những phục hồi sức khỏe của người ấy, mà còn phục hồi cả nhân phẩm của họ trong cộng đồng nữa.

*  Tất cả mười người phong hủi đều có đức tin;  nhưng chỉ có một người tỏ lòng biết ơn sâu xa.  Người Sa-ma-ri đã quay trở lại để cám ơn Chúa Giê-su.  Có rất nhiều ơn phúc Chúa ban nhưng không cho chúng ta, vậy chúng ta đã lãnh nhận như thế nào, hay là tệ hại hơn, chúng ta còn coi những ơn phúc ấy là quyền lợi chúng ta được hưởng?

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 15 tháng 11

Lu-ca 17:20-25

 

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.23 Người ta sẽ bảo anh em: "Người ở kia kìa! hay "Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.

 

*  Câu hỏi của nhóm Pha-ri-sêu ngụ ý cho rằng Nước Thiên Chúa chưa đến và Nước ấy phải là những gì mắt thấy tai nghe, giống như một vương quốc trần thế.  Còn Chúa Giê-su thì trả lời rằng Nước ấy đã hiện diện, nhưng người ta không nhìn thấy được mà thôi:  “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.  Một bản dịch khác là:  “Triều Đại Thiên Chúa ở trong các ông”.

*  Chúa Giê-su khuyến khích các môn đệ đừng quá lo lắng bận tâm, hoặc đừng quá tò mò về ngày tận thế và ngày Con Người đến lần thứ hai.  Trái lại, họ hãy chú tâm đến hiện tại và ở đây, hãy suy nghĩ về lời dạy của Chúa Giê-su:  Con Người “trước hết phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ”.  Chẳng bao lâu họ sẽ thấy việc này xảy ra tại Giê-ru-sa-lem.  Bạn nghĩ tại sao Chúa Giê-su không muốn nhấn mạnh đến ngày tận thế?

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 11

Lu-ca 17:26-37

 

"Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất.29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.31 "Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại.32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót.33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại."37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ở đâu vậy? " Người nói với các ông: "Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó."

 

*  Câu chuyện về ông Nô-ê với cơn lụt hồng thủy và câu chuyện về ông Lót với việc thành Xơ-đôm bị phá hủy là những câu chuyện dân gian của Ít-ra-en.  Chúa Giê-su muốn các kẻ nghe Người giảng hãy để ý xem cuộc sống vẫn bình thường trong khi những thảm họa ấy xảy ra, tức là người ta vẫn tiếp tục sinh hoạt thường ngày.  Không có cảnh báo, không có lời khuyến cáo và cũng chẳng có thì giờ cho người ta đặt kế hoạch trốn thoát!  Vậy Con Người cũng sẽ đến bất ngờ và không đoán trước được.

*  Cách duy nhất để chuẩn bị là hãy sống cuộc sống tốt lành, cuộc sống lấy tình yêu làm căn bản.  Khi ấy sự kiện Con Người đến sẽ không còn là một tai họa, nhưng là cuộc giải phóng cuối cùng của chúng ta.  Tôi làm những cách nào để chuẩn bị cho tương lai Chúa Giê-su đã mô tả?

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 17 tháng 11

Lu-ca 18:1-8

 

Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."6 Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "

 

*  Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giê-su biết chúng ta cần phải chuyên cần cầu nguyện, đặc biệt khi chúng ta phải đối phó với thất vọng.  Những cuộc tiếp xúc lui tới giữa ông quan tòa và bà góa thật là sống động, có thể tin được về phương diện tâm lý, và có một sự hài hước ngầm trong câu chuyện.  Nếu như một con người đáng khinh bỉ như ông quan tòa này mà còn bị quấy rầy đến nỗi phải hành động công bằng, phương chi Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và luôn quảng đại sẽ đáp lại những nhu cầu chúng ta dâng lên Người.

*  Câu kết luận của đoạn Tin Mừng này cho thấy việc kiên trì cầu nguyện sẽ không thể thực hiện được nếu không có lòng tin.  Nhưng điều nào có trước, cầu nguyện hay lòng tin?  Đức tin của tôi lớn mạnh khi tôi cầu nguyện, hay tôi cầu nguyện nhiều hơn vì đức tin của tôi đã tăng triển?  Lạy Chúa, con dâng lên Chúa những câu hỏi này của con.

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space