TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN (Ngày
20 – 26 tháng 1 năm 2019)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Chúng ta luôn đi từ cái cũ sang cái mới. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa của những
khởi đầu mới và sự canh tân. Chúng ta có
khuynh hướng ý thức hơn về điều này tại những thời điểm trong năm đánh dấu sự
biến chuyển, như Năm Mới hoặc mùa Chay.
Một cách để nhìn vào cảm nghĩ vốn có của chúng ta về sự thiếu vắng chính
là điều Chúa Giê-su gọi là tinh thần nghèo khó.
Tinh thần ấy nói lên thực tại tôi đặc biệt nhận ra mỗi năm mới: Sự thiếu vắng của tôi, sự trống rỗng của tôi
không khi nào có thể được lấp đầy hoàn toàn bằng những quyết định và chọn lựa tốt; chỉ có Chúa mới có thể làm cho khoảng trống ấy
được đầy tràn và tinh thần khó nghèo mới cho Chúa có nơi để làm cho chúng ta được
đầy tràn. Thánh Inhaxiô ý thức được điều
này khi ngài cầu xin Chúa: “Xin ban cho
con duy tình yêu và ân sủng Chúa mà thôi.
Như thế là đủ cho con rồi”. Cho
nên chúng ta xây dựng những giấc mơ mới từ đống tro tàn của sự thiếu vắng. Tuy nhiên cũng như mọi sự trên đời này, chúng
chỉ là tạm bợ thôi. Chúng ta không cần
phải than tiếc về những thiếu vắng của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể nắm giữ tinh thần
khó nghèo để nhắc nhở mình rằng chỉ Chúa mới có thể làm cho chúng ta được hoàn
toàn tràn đầy tình yêu và ân sủng.
-
Andy Otto mục dotMagis, trang
mạng IgnatianSpirituality.com
Sự hiện diện của
Chúa
Lạy Chúa Giê-su, hôm nay con đến với Chúa, lòng khao
khát sự hiện diện của Chúa. Con ước ao
yêu mến Chúa như Chúa yêu thương con.
Xin đừng để điều gì ngăn cách con với Chúa.
Sự tự do
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn tự do thoát khỏi những
quá độ của cuộc sống này. Xin Chúa đừng
để con bị vướng mắc vào ước ao được giàu có.
Xin giữ tâm trí con được tự do để yêu mến và phụng sự Chúa.
Ý thức
Tôi cảm nhận được niềm hy vọng, khích lệ và phát triển
ở đâu trong cuộc sống tôi? Khi nhìn lại
những tháng qua, tôi có thể nhận ra những hoạt động và cơ hội đã đem lại hoa
trái phong phú. Nếu xét những lãnh vực ấy,
trong tương lai tôi sẽ quyết tâm dành cho những lãnh vực ấy cà thời gian lẫn
không gian.
Lời Chúa
Chúa nói riêng với mỗi người chúng ta. Tôi chú ý lắng nghe điều Người đang nói với
tôi. Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần; rồi hãy lắng nghe. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp
theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử
dụng nếu cần. Khi đã sẵn sàng, bạn hãy
trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Điều gì đang dấy lên trong tôi khi cầu nguyện? Tôi được an ủi, bực bội, nguội lạnh? Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi
bên cạnh, rồi tôi chia sẻ cảm nghĩ của mình với Chúa.
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh
Thần Thiên Chúa. Tự muôn đời và chính hiện
nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.
A-men.
Tuần 2 Thường
niên
Chúa Nhật, ngày 20
tháng 1
Gio-an 2:1-11
Ngày
thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức
Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi."4
Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa
đến."5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các
anh cứ việc làm theo."6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc
thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc
một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy
nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với
họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho
ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không
biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10
và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi
rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."11
Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh
quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
* Trong một số
dữ kiện của trình thuật về Chúa Giê-su, chúng ta thấy có những dấu hiệu và những
cử chỉ không thể nhầm lẫn chứng tỏ Chúa thực sự là Đấng nào. Chúng ta thấy các nhà hiền sĩ và các người
chăn chiên đã nhận biết vương quyền của Chúa khi Người sinh ra. Chúng ta thấy những biểu lộ ở trên trời khi
Chúa chịu phép rửa tại sống Gio-đan. Và ở
đây trong Tin Mừng Gio-an, chúng ta thấy một dấu chỉ từ chính Chúa Giê-su: tràn đầy rượu ngon cho một đám đông thực
khách tại tiệc cưới.
* Một bữa tiệc
– bao gồm việc tha hồ uống rượu – đối với dân Chúa luôn là một hình ảnh nói lên
sự hoàn thành và hạnh phúc trọn vẹn sẽ đánh dấu việc Chúa đến lần cuối trong
tương lai. Sự quảng đại vô bờ của Người
luôn sẵn sàng cho chúng ta. Tôi có thể
tưởng tượng mình đang ở nơi bàn tiệc của Chúa không?
_______________
Thứ Hai, ngày 21
tháng 1
Mác-cô 2:18-22
Bấy
giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi
Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu
ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "19 Đức Giê-su trả lời:
"Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?
Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng
khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21
Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải
cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới
vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu
cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!"
* Người ta đã
thấy có sự trái ngược giữa thái độ lo lắng tuân thủ lề luật của nhóm Pha-ri-sêu
với thái độ thích ăn mừng lễ lạc của Chúa Giê-su. Họ coi Chúa Giê-su lúc nào cũng là tay ăn nhậu
yêu đời. Trong các dụ ngôn của Chúa
Giê-su, Nước Trời thường là một bữa tiệc, một tiệc cưới, một cuộc họp mặt vui
chơi. Tôi có thường bám vào một mớ tiêu
chuẩn đã quen hay sẵn sàng hòa mình vào một cuộc ăn mừng mình không hoàn toàn
hiểu biết?
* “Rượu mới, bầu
da mới”. Lạy Chúa, Chúa cảnh giác con đừng
mang một não trạng đóng kín. Chúa thách
đố con đừng bám chặt lấy những đường lối cũ mà không chịu chấp nhận cái mới. Xin Chúa ban cho con biết cởi mở tâm
trí. Xin cho con biết tin tưởng vào những
sâu sắc của Thánh Thần đầy sáng tạo, Đấng làm cho mọi sự nên mới.
_______________
Thứ Ba, ngày 22
tháng 1
Mác-cô 2:23-28
Vào
ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt
đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông
coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! "25
Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì,
khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế
A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa.
Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."27 Người
nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người
cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày
sa-bát."
* Nhóm
Pha-ri-sêu rất giỏi nghề vạch lá tìm sâu về những thiếu sót nơi người
khác. Trước mặt Chúa, tôi nhìn lại tư tưởng
và lời nói của tôi để chắc chắn rằng mình không nên đo lường thế giới bằng cái
cân nhỏ bé của mình.
* Tha thứ, lòng
thương xót và cảm thông là tâm điểm của tôn giáo đích thực. Thiếu những điều này, còn lại chỉ là sự vô cảm
và sự hoàn thành trống rỗng. Lạy Chúa,
liệu người khác có nhìn con như một người đạo đức chân thật không?
_______________
Thứ Tư, ngày 23
tháng 1
Mác-cô 3:1-6
Đức
Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem
Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức
Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! "4 Rồi
Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng
người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo
mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ
tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra
khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức
Giê-su.
* Chúa Giê-su
đang bị canh chừng xem Người sẽ làm điều gì, tuy nhiên việc ấy không cản được
Người làm việc tốt và đem lại sự sống.
Tôi xin Chúa ban cho tôi ơn can đảm cần thiết để làm điều tôi biết là điều
phải. Chúa Giê-su có giận dữ là do nhiệt
thành lo cho sự sống. Tôi hãy tưởng tượng
xem Chúa Giê-su muốn gột bỏ đi những gì làm cho tôi không thể sống trọn vẹn.
* Lạy Chúa, khi
Chúa mừng ngày sa-bát bằng cách chữa lành một người, thì những người Pha-ri-sêu
lại phản ứng bằng cách âm mưu giết Chúa.
Chúa nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không muốn làm cho cuộc sống chúng ta thêm
khó khăn nên Người cũng không áp đặt những luật lệ độc đoán trên chúng
con. Điều răn trọng đại là giới luật yêu
thương. Liệu những ai biết con có thể
nói rằng tuân theo luật tình yêu không?
_______________
Thứ Năm, ngày 24
tháng 1
Mác-cô 3:7-12
Đức
Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê,
người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ
Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai
thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người
đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền
nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều
bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn
các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên:
"Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng
không được tiết lộ Người là ai.
* Chúa Giê-su rất
thoải mái tại những nơi trống trải như gần bờ hồ, đồi núi và bầu trời, những chỗ
không bị che chắn do những bức tường của các cơ chế. Từ những nơi bất ngờ, dân chúng đến với Chúa
Giê-su để xin Người chữa lành và nghe giảng Tin Mừng. Lạy Chúa, con đến với Chúa cũng là để được chữa
lành và lắng nghe Tin Mừng. Không có đâu
là quá xa đến nỗi chúng con không thể đến với Chúa được.
* Sự lôi cuốn của
Chúa Giê-su được nói đến ở đây. Những
con người bình thường, không quan trọng, nồng nhiệt đón tiếp Người. Họ đến gặp Chúa với niềm ao ước duy nhất: được chạm tới Người để được chữa lành. Năng lực yêu thương phát ra từ nơi Chúa
Giê-su. Vậy tôi có vui vẻ nhập đoàn với
đám dân chúng khổ đau ấy không? Tôi có
nhận là bản thân mình cũng cần được Con Thiên Chúa chạm tới để chữa lành tôi
không? Tôi có chiếu tỏa sự chữa lành ấy
đến những người khác không?
_______________
Thứ Sáu, ngày 25
tháng 1
Mác-cô 16:15-18
Người
nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn
ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những
ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới
lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng
sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh
khoẻ."
* Lạy Chúa
Giê-su, chúng con cứ phơi bày sự yếu đuối nơi chúng con để Chúa chạm tới
nó. Chúng con dâng cho Chúa mọi niềm vui
và những thất bại trong đời sống chúng con.
Xin Chúa sử dụng chúng để đem lại lợi ích cho người khác.
* Tôi xin ơn chữa
lành cho những thành phần thụ tạo đang bị tổn thương và hư hại, vẫn chưa cảm
nghiệm được tin vui mà Chúa Giê-su sai chúng tôi đi loan báo. Tôi công bố Tin Mừng này cho toàn thể thụ tạo
bằng cách sống của tôi, bằng cách trở nên một phúc lành cho thế giới Chúa đã dựng
nên.
_______________
Thứ Bảy, ngày 26
tháng 1
Mác-cô 3:20-21
Người
trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn
uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ
nói rằng Người đã mất trí.
* Gia đình Chúa
Giê-su coi Người là kẻ mất quân bình.
Người đã rời bỏ sự an toàn và yên ổn tại Na-da-rét cũng như nghề thợ mộc
của Người. Người đang lao mình vào cuộc
đối đầu với những nhà lãnh đạo duy truyền thống, rồi Người mới quy tụ một đám
môn đệ sẽ chẳng làm nên trò trống gì cho những dự kiến của Người. Quả thực Người đã mất trí rồi!
* Lạy Chúa, khi
chọn sống theo Tin Mừng, con cũng liều mình bị hiểu lầm và chế giễu. Chúa đã lấy sự quyết tâm và can đảm mà đương
đầu với sự chống đối. Xin Chúa ban cho
con ơn quyết một lòng theo Chúa, nhất là khi sự chống đối ấy lại từ những người
thân cận với con.