TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 8 – 14 tháng 9 năm 2019)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Trong cuốn Tự thuật, thánh Inhaxiô giải thích tại sao về cuối đời ý nghĩ về cái chết lại làm cho ngài đầy tràn niềm vui.  Viễn ảnh mau được kết hiệp với Đấng Tạo dựng và là Chúa của ngài đã làm ngài cảm động đến “chảy nước mắt”.  Đồng thời Inhaxiô lại càng yêu đời.  Ngài có thể tìm thấy Chúa trong mọi sự và phụng sự Người trong mọi hoạt động và mọi biến cố, như linh đạo của ngài đã dạy chúng ta.  Không cần phải chờ đợi cho đến sau cái chết người ta mới được nếm niềm vui do sự hiện diện của Chúa.  Đúng thế, tìm gặp Chúa trong mọi sự sẽ cho chúng ta cơ hội để coi cuộc sống của ta ở đây và vào lúc này đích xác như là nơi chốn để ta có thể cảm nghiệm sự tràn đầy của tình yêu Thiên Chúa rồi.  Với cái nhìn chân thực vào bản chất con người, thánh Inhaxiô cảnh giác về hai vấp ngã có thể xảy ra trong đời sống thiêng liêng:  quyến luyến với quá khứ và mơ ước không cần thiết về tương lai.  Thực có lý khi nhìn lại kinh nghiệm quá khứ, vì làm thế chúng ta có thể nhận ra được những thời điểm đặc biệt của việc Chúa hiện diện.  Chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người qua những cảm nghiệm bình an và vui mừng, đầy sức sống và tin tưởng.  Quá khứ có thể mang lại nguồn phong phú giúp học hỏi, nhất là khi chúng ta sử dụng những lúc suy nghĩ để chuẩn bị cho những chọn lựa của mình.  Suy nghĩ như vậy sẽ cho ta cơ hội thích nghi đời sống hiện thời để đời sống ấy được liên kết chặt chẽ hơn với những đường lối Chúa chỉ vẽ cho ta.  Nhưng chúng ta cũng có thể bị sa lầy trong quá khứ và đi tới tình trạng cứ coi đi coi lại cùng một thước phim… chúng ta để cho mình bị cách biệt với thời gian duy nhất thực sự tồn tại, đó là hiện tại.  Thánh Inhaxiô không muốn các tập sinh của ngài, tức các ứng sinh của Dòng Tên, ngày hôm nay được nghe điều họ sẽ phải làm ngày mai.  Việc ấy chỉ tổ làm cho họ bị chi phối trước thách đố lớn lao mà mọi người đều phải đương đầu để sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại, cho cái bây giờ.  Chúng ta có thể xét điểm này như sau:  một người cha mẹ tốt cần phải có những kế hoạch cho tương lai và thực hiện vào đúng lúc.  Nhưng ngay cả trong tình huống này, bậc cha mẹ vẫn có thể bị cám dỗ phí thời giờ mơ mộng vô ích về tương lai chưa tới trong lúc đang sống đời sống thực hiện tại.  Thánh Gioan Berchmans (1599 – 1621), một tu sĩ dòng Tên người Hòa-lan qua đời khi còn trẻ, đã rất am hiểu quan niệm sống hiện tại.  Một ngày kia đang khi cậu chơi bi-da, người ta hỏi cậu sẽ làm gì nếu cậu được biết mình sẽ chỉ còn sống được ít phút nữa thôi.  Cậu trả lời:  “Tôi cứ tiếp tục chơi bi-da”.

-  Nikolaas Sintobin, SJ, Jesuits Telling Jokes

 

Sự hiện diện của Chúa

Tôi nhắc nhở mình rằng đang khi tôi ngồi đây, Chúa yêu thương nhìn tôi và giữ gìn tôi được hiện hữu.

Tôi dừng lại một lúc để suy nghĩ điều này.

 

Sự tự do

“Có rất ít người ý thức được Thiên Chúa sẽ làm cho họ trở nên thế nào nếu họ phó thác trong tay Người và để cho ơn sủng Chúa nắn đúc họ” (thánh Inhaxiô).  Tôi xin ơn biết hoàn toàn phó thác cho tình yêu Thiên Chúa.

 

Ý thức

Ở đâu tôi cảm nhận được niềm hy vọng, khích lệ và phát triển trong đời sống mình?  Bằng cách nhìn lại quá khứ mấy tháng vừa qua, tôi có thể nhận thấy những sinh hoạt nào và những cơ hội nào đã sinh hoa quả dồi dào.  Nếu nhận ra những lãnh vực như thế, tôi sẽ quyết tâm dành cả thời giờ lẫn không gian trong tương lai cho những lãnh vực ấy.

 

Lời Chúa

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người để thông cảm với con.

Chúa đã bước đi và làm việc trên trái đất này.

Chúa đã chịu đựng nắng nôi và phấn đấu với giá lạnh.

Tất cả thời giờ sống trên mặt đất này, Chúa đã dành nó để chăm sóc nhân loại.

Chúa đã chữa lành người yếu đau, cho kẻ chết sống lại. 

Nhưng quan trọng nhất, Chúa đã cứu con khỏi sự chết.

(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Điều gì đã khuấy động trong tâm hồn đang khi tôi cầu nguyện?  Tôi được an ủi, lo lắng, hay lạnh nhạt?  Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi bên cạnh, rồi tôi chia sẻ mọi cảm nghĩ của tôi với Chúa.

 

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

 

Tuần 21 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 8 tháng 9

Lu-ca 14:25l-33

 

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

 

*  Đoạn Tin Mừng nói về cái giá phải trả khi làm môn đệ Chúa cho rằng việc theo Chúa Ki-tô mang tính cách đòi hỏi:  vậy tôi có nghĩ điều ấy là đòi hỏi không?  Nếu có thì đòi hỏi cách nào?  “Từ bỏ hết những gì mình có” có thực tế không?  Nếu không, đoạn Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi thưa chuyện với Chúa về những điểm khó khăn trong đoạn Kinh Thánh này.

*  Vác thập giá nhắc nhở chúng ta về ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Giê-su ngã xuống đất vì sức nặng của cây thập giá.  Đối với hầu hết chúng ta, thập giá không phải là những gì gây đau đớn từ bên ngoài, nhưng là những gì gắn liền với ta:  những đau yếu thể xác cũng như tâm thần, những nghiện ngập, những cám dỗ và những ước ao trở đi trở lại, tất cả khiến chúng ta bị mất tự do.  Vác thập giá của mình có nghĩa là không hẳn giải quyết được những khó khăn khi chúng ta học cách sống với những khó khăn ấy, mà khiêm nhường và không dễ quỵ ngã.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 9 tháng 9

Lu-ca 6:6-11

 

Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! " Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.9 Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? "10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra! " Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

 

*  Các nhà lãnh đạo tôn giáo giận dữ khi chứng kiến việc chữa lành cho một người khô bại cánh tay, nên lập tức thảo luận tìm cách ngăn cản Chúa Giê-su.  Tôi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo tinh thần, để các ngài luôn biết cách ứng xử theo đường lối rao giảng Tin Mừng đối với bất cứ điều gì mới mẻ hoặc gây ngạc nhiên.

*  Chúa là một vì Thiên Thiên Chúa bị lôi kéo đến với những người đang thiếu thốn.  Người cũng đang chú ý đến những nhu cầu của tôi và mời gọi tôi đáp lại bằng cách dành chỗ cho nhu cầu của những người khác trong tâm hồn tôi.  Làm như vậy tôi sẽ trở thành môn đệ đích thực của Chúa.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 10 tháng 9

Lu-ca 6:12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

 

*  Sách Tin Mừng Lu-ca nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện trong cuộc sống và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Các chọn lựa và quyết định của Người đều xuất phát từ những buổi cầu nguyện lâu dài với Đấng Người gọi là “Abba”.  Người tuyển chọn mười hai người rất bình thường và ký thác cho họ tác vụ giúp phổ biến cho thế giới biết các giá trị của Người.

*  Lạy Chúa, con đến với Chúa trong giờ cầu nguyện này để cảm nhận sự hiện diện của Chúa.  Xin cho con nghe lại lời Chúa kêu gọi con.  Xin cho con ý thức được quyền năng Chúa đang hoạt động trong con và qua con.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 11 tháng 9

Lu-ca 6:20-26

 

Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,vì Nước Thiên Chúa là của anh em.21 "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,vì anh em sẽ được vui cười.22 "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.24 "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.25 "Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. "Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.26 "Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

 

*  Nước Thiên Chúa thì mầu nhiệm, vì đó là kế hoạch của Thiên Chúa được âm thầm thể hiện trong lịch sử nhân loại.  Nhưng nhờ đoạn Tin Mừng này, chúng ta biết được một số người sẽ được ở trong đó.  Những kẻ nghèo khó và đói sẽ ở trong đó.  Những người đang phải khóc, bị áp bức, bách hại và bị xã hội loại bỏ cũng sẽ ở trong đó.  Quả thực là một nhóm người rất bình thường!  Những kẻ đang ở đáy kim tự tháp của nhân loại sẽ vui sướng và nhảy mừng trước lòng nhân lành Thiên Chúa dành cho họ.

*  Khi tâm hồn tôi đau đớn vì nỗi thống khổ của quá nhiều người hôm nay, thì tôi đừng nghĩ rằng Thiên Chúa đã quên họ rồi.  Trái lại, tôi cảm tạ Chúa thay cho họ về những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ và tôi xin Chúa cho tôi được ở trong số cùng với họ, ít nhất như một người đang chăm sóc cho họ.

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 12 tháng 9

Lu-ca 6:27-38

 

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

 

*  Tôi cố gắng xem mối phúc nào lay động tâm hồn tôi hôm nay, bất kể vì nó giúp tôi vui mừng trong những ân huệ Chúa ban cho tôi hoặc vì tôi cảm thấy một sự chống đối trong lòng.  Tôi cầu xin thật nhiều để có được một tâm hồn biết lắng nghe.

*  Tôi tự hỏi mình đã hiểu và sống đời sống Ki-tô hữu như thế nào theo quan điểm các Mối phúc, thí dụ đi tìm hạnh phúc vượt trên cả lối sống chỉ biết tuân giữ luật lệ.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 14 tháng 9

Lu-ca 6:39-42

 

Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

 

*  Chúng ta ưa hướng dẫn và sửa sai người khác.  Việc ấy đem lại cho ta chút vinh dự tự hào.  Dĩ nhiên điều này cho thấy là chúng ta mau chóng nhận ra lỗi lầm nơi người khác.  Tôi thắc mắc có biết bao cuộc chuyện trò của chúng ta chỉ quan tâm đến những thiếu sót của những nhân vật danh tiếng hoặc của những người gần gũi chúng ta.

*  Chúa Giê-su không phủ nhận là người ta có những lỗi lầm, nhưng Người mời gọi tôi trước hết hãy nhìn vào những điểm mù của chính mình đã.  Nếu người công chính còn sa ngã bảy lần một ngày thì tôi thường sa ngã thế nào?  Chúa Giê-su khôi hài khi nêu lên quan điểm của Người.  Người mời gọi tôi hãy tưởng tượng ra bao nhiêu người đã bị tôi làm tổn thương nếu tôi có một danh sách trước mặt.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 14 tháng 9

Lễ trọng Suy tôn Thánh giá

Gio-an 3:13-17

 

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

 

*  Thánh giá là biểu tượng lớn lao nói lên đức tin, cậy, mến.  Khi ngước nhìn và chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô trên thánh giá, tôi xin cho tình yêu cứu độ và chữa lành của Chúa bao bọc tôi cũng như toàn thế giới.

*  Giả như các sách Tin Mừng đã thất lạc mà nay chỉ còn lại câu này, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16), thì như thế cũng đủ để đem lại niềm hy vọng cho nhân loại rồi!  Đây là tâm điểm của Tin Mừng:  tình yêu vô bờ của Thiên Chúa dành cho hết thảy chúng ta được minh chứng qua việc Người sai Con Một đến để đem chúng ta về quê hương là sự sống đời đời.  Tất cả những gì còn lại trong sách Tin Mừng chỉ là giải thích về chân lý này mà thôi. 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space