TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN (Ngày
13 – 19 tháng 10 năm 2019)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Lắng
nghe người khác có thể là một hành vi cảm thông cao thượng nhất bạn có thể
làm. Đó là cách dễ nhất để đón nhận người
khác vào trong tâm hồn mình. Khi lắng
nghe, tôi tiếp nhận lời mời gọi tham dự vào câu chuyện của người khác. Nghĩa là tôi đang nói rằng: “Phải, câu chuyện của bạn thật quan trọng và nó
cần được người ta nghe. Tôi cũng muốn
câu chuyện của bạn thành câu chuyện của tôi”.
Tuy nhiên tôi lại rất thường thấy mình không muốn can dự với người
khác. Có thể tôi quá bận rộn. Có thể tôi không thích điều mình đang
nghe; những câu chuyện của họ làm tổn
thương những cảm quan của tôi. Không muốn
nghe câu chuyện của người khác có nghĩa là tôi không muốn nghe chính họ. Tôi đã tước đoạt phẩm giá của người khác bằng
cách làm lơ họ đi. Bạn thử tưởng tượng
thánh nữ Scholastica cảm thấy như thế nào.
Chị rất thích nói chuyện với anh mình là thánh Biển-đức vì anh chỉ đến
thăm chị mỗi năm một lần mà thôi, rồi chị xin anh ở lại qua đêm để hai anh em
tiếp tục nói chuyện. Nhưng anh từ chối,
nói rằng luật tu viện không cho phép. Biển-đức
đã làm lơ câu chuyện của chị cũng là câu chuyện của chính ngài, một câu chuyện
thật quan trọng đối với chị. Nhưng Chúa
đã không làm lơ với chị. Một cơn giông
bão kinh hồn đã xảy ra đêm ấy khiến cho Biển-đức không thể về nhà được. Vậy Chúa không bao giờ làm lơ với chúng ta
đâu. Bởi chúng ta được dựng nên theo
hình ảnh Thiên Chúa và nếu muốn noi gương Chúa Giê-su, nên chúng ta được kêu gọi
hãy lắng nghe người khác.
- Bob Burnham, Little Lessons from the Saints
Sự hiện diện của Chúa
Những
gì hiện diện đối với tôi sẽ là những gì can dự vào tiến trình biến đổi của tôi.
Tôi suy
nghĩ về sự hiện diện của Chúa luôn có thể gặp được trong tình yêu, giữa rất nhiều
điều xảy ra chung quanh tôi.
Tôi dừng
lại và cầu xin cho tôi biết để Chúa ảnh hưởng đến tiến trình biến đổi của tôi
trong giây phút này.
Sự tự do
Nhờ ơn
Chúa, tôi được sinh ra để sống trong tự do.
Tự do hưởng những thú vui Chúa đã dựng nên cho tôi.
Lạy
Chúa, xin ban cho con biết sống theo như Chúa muốn, biết hoàn toàn tín thác vào
sự chăm sóc yêu thương của Chúa.
Ý thức
Ý thức
điều gì có nghĩa là cảm nhận về điều ấy.
Lạy
Chúa, xin giúp con nhớ rằng Chúa đã ban cho con sự sống. Con cám ơn Chúa về ơn sự sống này.
Xin
Chúa dạy con chậm chậm lại, thinh lặng và an vui với những thú vui Chúa đã tạo
dựng cho con.
Để ý thức
được vẻ đẹp chung quanh con, như núi non hùng vĩ, vẻ tĩnh lặng của mặt hồ, sự mềm
mỏng của một cánh hoa, con phải nhớ rằng tất cả những thứ đó đều do Chúa mà có.
Lời Chúa
Chúa
nói với từng người chúng ta. Ta chú ý lắng
nghe điều Chúa sắp nói với ta. Vậy bạn
hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần; rồi hãy
lắng nghe. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những
trang tiếp theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn
để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn
sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tôi bắt
đầu nói với Chúa Giê-su về đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Phần nào đánh động tâm hồn tôi? Có lẽ những lời của một người bạn hoặc một
câu chuyện tôi mới nghe sẽ hiện lên trong ý thức của tôi. Nếu có, câu chuyện ấy có soi sáng cho những
gì đoạn Kinh Thánh nói với tôi không?
Kết thúc
Vinh
danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Tự muôn
đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
Tuần 28 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 13 tháng 10
Lu-ca 17:11-19
Trên đường lên
Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12
Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng
lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng
thương chúng tôi! "14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi
trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một
người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta
lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười
người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy
họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ".19
Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa
anh."
* Linh mục Anthony de Mello, dòng Tên, thường
nói rằng bạn không thể tỏ lòng biết ơn mà lại cảm thấy không hạnh phúc. Có rất nhiều điều để chúng ta phải biết ơn, rồi
chúng ta cần phải luôn nhắc nhở mình về điều này. Quá vui mừng vì được chữa lành, chín người
phong hủi đã quên đi niềm vui còn lớn lao hơn nữa khi họ lãnh nhận ân huệ tuyệt
vời một cách nhưng không. Tôi hãy dùng
ít thời giờ để nhìn lại những phúc lành đã nhận được và sống tâm tình tạ ơn vì
những phúc lành ấy.
* Chúa Giê-su bảo người phong hủi xứ Sa-ma-ri được
chữa lành: “Lòng tin của anh đã cứu chữa
anh”. Tôi cảm tạ Chúa về hồng ân đức tin
của tôi, vì nó làm cho tôi có nhiều khả năng hơn để đối diện với cuộc sống đầy
đau khổ và nghịch cảnh. Tôi xin Chúa
Giê-su củng cố đức tin của tôi.
_______________
Thứ Hai, ngày 14 tháng 10
Lu-ca 11:29-32
Khi dân chúng tụ họp
đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng
xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.30
Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con
Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.31 Trong cuộc
Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này
và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của
vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.32 Trong cuộc
Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ,
vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông
Giô-na nữa.
* Chúa Giê-su sử dụng óc tưởng tượng để cố gắng
giúp dân chúng hiểu được mầu nhiệm Người là Đấng nào. Người nhắc họ nhớ lại những nhân vật nổi danh
trong các câu chuyện họ đã thuộc làu. Rồi
Người cố gắng mở tâm trí họ hơn nữa khi Người đã hai lần nói về chính Người rằng
“mà đây thì còn hơn… nữa”.
* Đây là một điều xác quyết mầu nhiệm. Nhưng Thiên Chúa thì mầu nhiệm, cho nên tiến
gần hơn đến chân lý về Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta được dẫn dắt trên nẻo đường
của chân lý. Vậy tôi có trau dồi khả
năng tiếp nhận chân lý, hay tôi sống với bề mặt nông cạn của cuộc đời? Tôi có coi những kỳ quan của thiên nhiên và
vũ trụ chỉ đơn thuần là những sự kiện mà thôi, hay tôi để cho mình được lôi cuốn
đến với vẻ kỳ diệu của Đấng đã làm nên chúng?
Mọi sự đều là một mầu nhiệm thuộc Thiên Chúa vì tất cả đều từ Thiên Chúa
mà có. Vậy tôi hãy cùng ngồi với Chúa
Giê-su và xin Người làm sống lại chiều kích mầu nhiệm dường như đang ngủ quên
trong tôi.
_______________
Thứ Ba, ngày 15 tháng 10
Lu-ca 11:37-41
Đức Giê-su đang nói, thì
có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn.38
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.39
Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên
ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những
chuyện cướp bóc, gian tà.40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại
đã không làm ra cái bên trong sao?41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở
bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.
* Đâu là điều tôi cần chú tâm? Tôi có cần sự giúp đỡ, nhận xét thành thực của
một người bạn để tâm hồn tôi được trong sáng không? Lạy Chúa, Chúa biết lòng con. Chúa biết mọi cử động và mọi tư tưởng bên dưới
bề mặt của lối sống con. Xin Chúa dạy
con trước hết phải sống trong sự hiện diện của Chúa, chứ không cần đi tìm sự
kính trọng của người khác.
* Tự do chân thực là một hồng ân tuyệt vời. Tự do ấy có thể rất dễ dàng rơi vào cạm bẫy
là đồng lõa với những mong đợi của người khác.
Khi ấy chúng ta sẽ đánh mất tự do bằng cách không còn phát huy đời sống
nội tâm của chúng ta nữa, vì đời sống nội tâm này giúp chúng ta sống khác đi chứ
không hùa theo những hời hợt bề ngoài.
Tôi cầu nguyện xin Chúa Giê-su ban cho tôi ơn tự do nội tâm, nhờ đó tôi
có được những phán đoán tốt lành.
_______________
Thứ Tư, ngày 16 tháng 10
Lu-ca 11:42-46
Khốn cho các người, hỡi
các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ
thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này
phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.43 Khốn cho các người,
hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích
được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.44 Khốn cho các người! Các
người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay."45
Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói
như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! "46 Đức Giê-su nói:
"Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên
vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một
ngón tay cũng không động vào.
* Rõ ràng Chúa Giê-su không sợ làm phật lòng
người khác. Rất thường thấy là trong khi
những lời nói của Người thật nhẹ nhàng và mời gọi, thì lại có những lúc Người sử
dụng giọng điệu rất nghiêm khắc. Xem ra
Người giận dữ có phải không? Hôm nay
trong những tình huống nào bạn có thể hình dung Chúa Giê-su sẽ nói lên một sứ
điệp ghê gớm như vậy? Và phản ứng của bạn
thế nào?
* “Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng
không thể gánh nổi”; đó là những lời của
Chúa Giê-su, Đấng cũng phán rằng: “Hãy đến
với tôi, hỡi những ai mang gánh nặng nề”.
Ngay trong cơn giận dữ, Chúa Giê-su vẫn chú ý đến lòng thương xót của
Thiên Chúa; Người nghiêm khắc nói với
các nhà lãnh đạo tôn giáo là vì họ đã sử dụng ảnh hưởng của họ để làm cho đời sống
của dân chúng càng khổ sở hơn. Vậy tôi cầu
nguyện cho những ai đang mang gánh nặng nề.
_______________
Thứ Năm, ngày 17 tháng 10
Lu-ca 11:47-54
"Khốn cho các người!
Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị
ấy!48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của
cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.49
"Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: "Ta sẽ sai Ngôn Sứ
và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia.50
Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập
địa,51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa
bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ
máu.52 "Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người
đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn
vào, các người lại ngăn cản."53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các
kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người
về nhiều chuyện,54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai
chăng.
* Theo diễn tiến của sách Tin Mừng Lu-ca, người
ta có thể nhận ra Chúa Gê-su đang đụng độ với các nhà lãnh đạo Do-thái đời cũng
như đạo. Càng lúc Chúa càng nói thẳng
hơn. Các nhà thông luật, kinh sư và
Pha-ri-sêu càng trở nên giận dữ hơn và họ có ý định hạ gục Chúa. Chúa Giê-su cho thấy rằng tinh thần vị luật của
họ đã được áp dụng vào việc tuân giữ luật lệ tôn giáo nay không còn là vì yêu mến
Thiên Chúa nữa. Họ đang chờ đợi tìm lý
do liên hệ đến luật lệ để bắt Người. Vậy
tôi liên hệ mình với thế giới tôi đang sống hôm nay như thế nào?
* Hôm nay tôi cầu nguyện cho những cộng đồng
Ki-tô đang chịu đau khổ vì bách hại tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt tôi cầu nguyện cho các Ki-tô hữu tại
Trung Đông là nơi Ki-tô giáo đã xuất hiện trước nhất nhưng lại đang có nguy cơ
biến mất.
_______________
Thứ Sáu, ngày 18 tháng 10
Lễ thánh Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lu-ca 10:1-9
Sau đó, Chúa chỉ định bảy
mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả
các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông:3
Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4
Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5
Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! "6
Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy;
bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy,
và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng
được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào
mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên
Chúa đã đến gần các ông."
* Nếu đặt mình trong khung cảnh Tin Mừng này,
tôi có thể thấy tôi là một trong số “bảy mươi hai người khác”. Tôi là một môn đệ của Chúa Giê-su. Tôi lắng nghe và nhìn xem lúc tôi bước vào
khung cảnh Tin Mừng này. Rồi tôi được
sai đi. Tôi không mang theo gì cả, nhưng
chỉ với một viễn ảnh rõ rệt, cùng với những tài năng độc đáo của tôi và một tâm
hồn cởi mở.
* Chúa Giê-su đã sai các môn đệ đi, từng hai
người một, và Người sai họ đến nơi chính Người muốn họ đi. Hiểu theo một cách, Người đã sai họ đi chuẩn
bị tinh thần dân chúng cho lúc Người đến.
Chúng ta có thể thấy mình chính là những người đang chuẩn bị cho người
khác đến gặp gỡ Chúa Ki-tô. Chúng ta tuy
là người phục vụ kẻ khác, nhưng chỉ có Chúa Ki-tô mới có thể đem đến cho họ sự
sống đầy tràn. Vậy hôm nay tôi sẽ làm đại
sứ của Chúa như thế nào?
_______________
Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10
Lu-ca 12:8-12
"Thầy nói cho anh
em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ
tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn
ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của
Thiên Chúa.10 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha;
nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.11 "Khi
người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những
người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì,12
vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải
nói."
* Tôi nhìn nhận từng người tôi gặp và tôn trọng
phẩm giá của mỗi người. Đó cũng là cách
tôi nhìn nhận Chúa Giê-su. Khi tôi dành
thời giờ để thờ phượng Chúa trong nhà thờ, thì tôi cũng phải cố gắng tìm gặp
Người ngay giữa lòng nhân loại lúc tôi trở về sống trong khu phố làng xóm của
tôi.
* Ở đây Chúa Giê-su nói về những cách mối tương
quan với Người ảnh hưởng trên đời sống chúng ta như thế nào. Khi cầu nguyện, chúng ta đến với Chúa trong
tâm hồn ta vì Người là bạn hữu và là Chúa chúng ta, rồi việc cầu nguyện này lại
khích lệ chúng ta hãy mạnh mẽ sống những giá trị Ki-tô giáo trong thế giới hôm
nay. Trong những thời điểm đặc biệt khó
khăn, Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ chúng ta tùy theo nhu cầu của chúng ta lúc ấy.