TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN (Ngày
3 – 9 tháng 11 năm 2019)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
“Hãy
vác thập giá hằng ngày”. Đối với nhiều
người chúng ta, câu này dường như mang ý nghĩa hoàn toàn đạo đức: chúng ta phải làm như Chúa Giê-su đã làm. Đối với các môn đệ Chúa Giê-su, những người
đã chứng kiến Người chết trên thập giá, vác thập giá phải là điều điên rồ. Còn trong ngôn ngữ hiện đại, vác thập giá có
thể mang ý nghĩa như sau: “Nếu ai muốn
theo tôi, thì phải cầm lấy một cái ống chích chứa đầy chất độc”. Ý nghĩa cốt yếu là Chúa Giê-su bảo chúng ta mỗi
ngày phải đón nhận mọi thứ đưa chúng ta tới cái chết để chúng ta được tái
sinh. Thay vì chạy trốn bất cứ điều gì
“giết chết chúng ta”, tức là những gì làm chúng ta hao mòn, khiến chúng ta giận
dữ, hoặc làm chúng ta đau yếu thể xác, tâm trí và tinh thần, thì ta phải đương
đầu với chúng, để cả chúng lẫn con người cũ của ta đều bị đánh bại không do thứ
khí giới mạnh mẽ ác liệt hơn, nhưng nhờ khí giới là thái độ chấp nhận và yêu
thương. Vì thế, trong những chương trình
Mười hai bước, đánh vào nền tảng vững chắc chính là cơ hội để chúng ta hy vọng: bởi chỉ khi người ta đối đầu thẳng với thất bại,
thì mới thực sự có thể phục hồi được.
Cũng thế, không nên lẫn lộn “vác thập giá mình” với việc nhẫn nại chịu đựng
dưới một gánh nặng trong cuộc sống bạn, như bệnh tật, bị thất nghiệp, cái chết
của một người thân, v.v… Đang khi chúng ta có thể và phải kết hợp đau khổ của
mình với đau khổ của Chúa Giê-su, Chúa không muốn chúng ta phải chịu đựng một
cách thụ động. Trái lại, Người muốn
chúng ta mở lòng đón nhận sự biến đổi do đau khổ đem lại, vì biết rằng “chết”
cho lối sống cũ hoặc cho một sự quyến luyến là điều cần thiết nếu chúng ta muốn
thực sự được tái sinh. Bạn vác thập giá
có nghĩa là bạn đón nhận bất cứ phương tiện nào sẽ đóng đinh khuynh hướng con
người của bạn để bạn có thể đối xử bằng một tình yêu vị tha và trọn vẹn. Đúng vậy, “đi đàng thánh giá” không chỉ đơn
thuần là một kinh nguyện được nhiều Ki-tô hữu thực hành, nhất là người Công
giáo. Nhưng đó còn là một lối sống, một
con đường tiến vào Nước Thiên Chúa.
- Joe Paprocki,
Under the Influence of Jesus
Sự hiện diện của Chúa
Chúa
phán: “Ta đứng trước cửa và gõ”. Thực là một đặc ân tuyệt vời khi Chúa muôn
loài muốn đến với tôi. Tôi đón chào sự
hiện diện của Chúa.
Sự tự do
Tôi sẽ
xin Chúa giúp tôi được tự do khỏi những bận rộn của mình và mở lòng cho Chúa
trong giờ cầu nguyện này, để được biết Chúa, yêu mến và phụng sự Người nhiều
hơn.
Ý thức
Trong sự
hiện diện đầy yêu thương của Chúa, tôi nhìn lại ngày sống hôm qua, bắt đầu từ
lúc này để xét lại từng lúc một.
Tôi lắng
đọng trong mọi sự tốt lành, ánh sáng và tâm tình cảm tạ.
Tôi dừng
lại ở những bóng tối và mọi điều chúng nói cho tôi biết và muốn tôi tìm sự chữa
lành, ơn can đảm và tha thứ.
Lời Chúa
Giờ đây
tôi mở phần Kinh Thánh trong ngày. Tôi
chậm chậm đọc đi đọc lại ít lần và xem có câu nào hoặc lời nào đánh động tôi
không. (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những
trang kế tiếp. Các điểm gợi ý đã có sẵn
để bạn sử dụng nếu cần. Khi đã sẵn sàng,
bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Đôi khi
con không biết mình phải thưa gì với Chúa nếu con gặp riêng Chúa. Lạy Chúa, con nghĩ con có thể nói “Con cám ơn
Chúa” vì Chúa luôn luôn hiện diện ở đó để phù trợ con.
Kết thúc
Tôi cảm
tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng
giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Tuần 31 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 3 tháng 11
Lu-ca 19:1-10
Sau khi vào Giê-ri-khô,
Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là
Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông
ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng
thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên
một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức
Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống
mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! "6 Ông vội vàng tụt
xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với
nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! "8 Ông
Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của
tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp
bốn."9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu
độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10
Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
* Cầu nguyện giúp chúng ta thức tỉnh mối tương
quan sâu xa với Chúa Giê-su và Chúa gọi tên chúng ta. Cuộc sống sẽ không bao giờ giậm chân tại chỗ
sau khi Chúa Giê-su bước vào nhà bạn và Người xây dựng một tình bạn hữu còn có
giá trị hơn bất cứ điều gì bạn xin hoặc tưởng tượng ra được. Vậy hôm nay bạn có đón tiếp sự hiện diện của
Chúa không?
* Chúa Giê-su tiếp nhận và khen ngợi những nỗ lực
của ông Da-kêu nhằm sửa chữa những thiệt hại ông đã gây ra. Ông cho người nghèo một nửa phần tài sản cũng
đã đủ làm Chúa hài lòng rồi và Người không đòi ông phải cho đi hết. Tôi xin Chúa Giê-su giúp tôi tin là Chúa chấp
nhận những cố gắng nghèo nàn của tôi, khi Người tuyên bố rằng tôi cũng là một
người con cháu của ông Áp-ra-ham.
_______________
Thứ Hai, ngày 4 tháng 11
Lu-ca 14:12-14
Rồi Đức Giê-su nói với kẻ
đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời
bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông,
và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì
đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các
kẻ lành sống lại."
* Chúa Giê-su mời gọi tôi sống tự do, nghĩa là
đừng tìm kiếm bất cứ điều gì cho riêng mình.
Lời mời gọi này xem chừng quá đáng!
Nhưng tôi hãy nhớ rằng mọi sự tôi có đều từ Chúa mà đến, vì Người tự do và
quảng đại ban ơn lành cho tôi.
* Tôi nhìn xem những người trong danh sách được
Chúa Giê-su mời. Tôi thấy mình như thế
nào ở giữa những người ấy? Tôi có nhận
thấy những người tương tự sẽ hiện diện trong danh sách khách mời mà tôi thực sự
muốn mời không?
_______________
Thứ Ba, ngày 5 tháng 11
Lu-ca 14:15-24
Nghe vậy, một trong những
kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước
Thiên Chúa! "16 Người đáp: "Một người kia làm tiệc lớn và
đã mời nhiều người.17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan
khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.18 Bấy giờ mọi người
nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất,
cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.19 Người khác nói: "Tôi mới
tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.20 Người khác nói:
"Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.21 "Đầy tớ ấy trở
về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng:
"Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo
khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.22 Đầy tớ nói: "Thưa
ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.23 Ông chủ bảo người đầy
tớ: "Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.24
Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự
tiệc của tôi."
* Sở hữu, quyền lực và những mối tương quan, tất
cả đều là những lý do đẹp được nêu ra để từ chối không đến dự tiệc cưới. Vậy lý
do của tôi là gì? Đâu là lý do khiến tôi
nói rằng: “Một phút nữa thôi, con sẽ ở với
Chúa”?
* Lòng quảng đại vô bờ của Chúa chỉ có thể được
đáp trả cân xứng nếu chúng ta thật lòng khiêm nhường và tín thác khi lập đi lập
lại nhiều lần cầu xin Chúa.
_______________
Thứ Tư, ngày 6 tháng 11
Lu-ca 14:25-33
Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại
bảo họ:26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh
em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27
Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.28
"Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không
ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29
Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy
sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 "Anh ta đã khởi công xây, mà
chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với
một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem
một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình
chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua
đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ
hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
*
Trong giờ cầu nguyện chỉ có mình tôi với Chúa; trong một lúc mọi sự khác đều được gác
lại. Tôi không cần gì khi cầu nguyện
ngoại trừ con người tôi. Đây là cách
thức tôi chào đời và ra đi: trần trụi,
không sở hữu gì là của mình nữa. Đây
cũng có thể là một cảm nghiệm về sự tự do.
Cầu nguyện là giây phút dâng mình cho Thiên Chúa, con người chân thực
của mình mà không còn gì là sở hữu đôi khi ngăn chặn lời mời gọi và ân sủng của
Chúa.
*
Có một cái giá phải trả cho việc làm môn đệ. Chúa Giê-su muốn có các bạn đồng hành chứ
không phải các người bị bó buộc. Người
vẽ ra một bức tranh sống động, hỏi chúng ta có sẵn sàng chấp nhận gian nan với
Người không. Nếu sẵn sàng, chúng ta biết
rằng Người sẽ không bỏ mặc chúng ta một mình, nhưng Người sẽ mang giúp gánh
nặng cho chúng ta và cho chúng ta thấy thế nào là tình yêu và lòng can đảm.
_______________
Thứ
Năm, ngày 7 tháng 11
Lu-ca 15:1-10
Các người thu thuế và các
người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những
người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp
phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giê-su mới kể cho họ
dụ ngôn này:4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà
bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm
cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác
lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói:
"Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị
mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ
vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người
công chính không cần phải sám hối ăn năn.8 "Hoặc người phụ nữ
nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi
quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè,
hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan
tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều
thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."
* Bạn hãy nghĩ tới tâm trạng của bạn khi đi tìm
một cái gì bạn đã đánh mất. Việc tìm
kiếm càng kỹ lưỡng hơn khi cái chúng ta mất có giá trị. Chúa Giê-su cho chúng ta hai thí dụ về những
kẻ đi tìm những gì là quí giá đối với họ.
Rồi chúng ta nghe nói về niềm vui khi họ tìm lại được. Chúa dùng những thí dụ này để giải thích cho
chúng ta biết Thiên Chúa cảm nhận như thế nào khi Người đi tìm chúng ta và niềm
vui của Người khi tình bạn giữa chúng ta với Người được đổi mới. Việc Người tìm kiếm chúng ta phải trả bằng
một giá lớn lao : đó là mạng sống của
Người.
* Đoạn Tin Mừng này nói cho tôi biết điều gì về
Thiên Chúa? Chẳng phải là điên rồ khi đi
tìm một con chiên lạc mà để lại chín mươi chín con kia sao? Trong mắt tôi, ai là những kẻ tội lỗi? Tôi đối mặt thế nào với thái độ không chấp
nhận những kẻ tội lỗi?
_______________
Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11
Lu-ca 16:1-8
Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một
người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà
ông.2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì
về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được
làm quản gia nữa!3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm
gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi,
ăn mày thì hổ ngươi.4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức
quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!5 "Anh ta liền
cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi
bao nhiêu vậy?6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta
bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục
thôi.7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu
vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên
lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.8 "Và ông chủ khen tên
quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn
khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
* Chúa Giê-su nêu lên điểm chính, đó là chúng
ta phải tích trữ những gì để được đứng trước mặt Chúa. Chúng ta có những yếu đuối, có lẽ nhiều lần
đã phung phí những ân huệ Chúa ban. Vào
ngày tận thế, Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa cảm thương để chúng ta tùy
thuộc vào lượng thứ tha của Người.
* Đối với Chúa Giê-su, chẳng có điều gì mà
không nói về Nước Thiên Chúa! Tôi xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhìn vào đời
sống mình và xin Người nâng đỡ tôi, thay vì có thái độ ghê tởm những gì dường
như gây gương xấu, để tôi được khích lệ tận dụng mọi năng lực của mình mà phục
vụ Tin Mừng.
_______________
Thứ Bảy, ngày 9 tháng 11
Gio-an 2:13-22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14
Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang
ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn
họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người
đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán
bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành
nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong
Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.18
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi
thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức Giê-su đáp: "Các
ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20
Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong,
thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền
Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi
Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào
Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
* Chúa Giê-su cảnh giác chúng ta đừng vô tâm
hoặc dửng dưng. Tôi lại nghĩ mình cần
phải để ý đến lời Người, nhìn lại đời sống mình nhờ Chúa Thánh Thần giúp đỡ, để
nhận ra được mình đã coi trọng những điều thực sự quan trọng như thế nào.
* Tôi tưởng tượng mình đang đứng trong sân Đền
Thờ đang khi một vị ráp-bi trẻ từ Ga-li-lê bước vào. Tôi quan sát sân Đền Thờ, nào là những tiếng
động, những mùi vị, những đồng tiền kêu rổn rảng trên bàn đổi tiền, tiếng rống
tiếng la của các con vật. Tôi quan sát
Chúa Giê-su, thấy mặt Người đỏ bừng.
Người đã tới để tôn kính Đền Thờ và cầu nguyện. Nhưng Người chỉ thấy mọi sự đều là buôn
bán. Bất thần tôi cảm nhận được một luồng
giận dữ khi Người đánh đuổi những kẻ buôn bán và làm vung vãi tiền bạc của
họ. Đây là một chiều kích mới của con
người Chúa Giê-su và chiều kích ấy khiến tôi run rẩy. Tôi ở lại trong cảm nghĩ này.