TUẦN
II MÙA VỌNG (Ngày 8 – 14 tháng 12 năm 2019)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày
trong tuần:
Điều tôi biết rõ, đó là Thiên Chúa thật
lắm chuyện. Trong thượng trí và lòng
thương xót của Người, Người lấy những chiến thắng cũng như những thất bại của
chúng ta đan kết lại thành những tấm thảm tuyệt đẹp nhưng đầy trớ trêu. Mặt trái của tấm vải trông như là lộn xộn với
những sợi chỉ chằng chịt, tức là những biến cố xảy ra trong đời ta, và đây có
thể là mặt vải nói lên con người chúng ta lúc chúng ta nghi ngờ. Nhưng mặt phải của tấm thảm lại trưng bày một
câu chuyện rạng rỡ, và đây cũng là mặt vải mà Chúa nhìn chúng ta.
- Pope Francis
and Friends, Sharing the Wisdom of Time
Sự hiện diện của Chúa
"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh
nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Lạy
Chúa, này con đây. Con đến tìm sự hiện
diện của Chúa. Con mong đợi quyền năng
Chúa chữa lành.
Sự tự do
“Trong những ngày này, Chúa dạy tôi giống
như thầy giáo dạy học trò của mình”
(Thánh Inhaxiô).
Tôi nhắc nhở mình rằng còn nhiều điều
Thiên Chúa chưa dạy tôi, nên tôi xin ơn biết lắng nghe những điều ấy và để những
điều ấy thay đổi tôi.
Ý thức
Lạy Chúa, xin giúp con biết ý thức sự hiện
diện của Chúa hơn. Xin Chúa dạy con nhận
ra sự hiện diện của Chúa nơi người khác.
Xin Chúa cho lòng con tràn đầy sự biết
ơn vì nhiều lần Chúa đã biểu lộ tình yêu cho con qua sự chăm sóc của người
khác.
Lời Chúa
Chúa nói với từng người chúng ta. Tôi chú ý lắng nghe những gì Chúa nói với
tôi. Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần
rồi lắng nghe. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở
những trang tiếp theo. Các điểm gợi ý đã
có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi
đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tâm sự đòi cả việc nói lẫn lắng nghe.
Khi nói với Chúa Giê-su, tôi cũng hãy học
thinh lặng và lắng nghe.
Tôi hình dung ra vẻ dịu hiền trong ánh mắt
Chúa và nụ cười đầy yêu thương khi Người nhìn tôi.
Tôi có thể hoàn toàn thành thực với Chúa
Giê-su khi tôi nói với Người về những âu lo và nghi ngờ của tôi.
Tôi sẽ xin Người giúp tôi hoàn toàn đặt
mình trong sự chăm sóc của Người và phó thác cho Người, vì biết rằng Người luôn
muốn điều tốt nhất cho tôi.
Kết thúc
Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi
ở với nhau và về những ơn soi sáng của Người đã giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Tuần II vùa Vọng
Chúa Nhật, ngày 8 tháng 12
Mát-thêu 3:1-12
Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến
rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:2 "Anh em hãy sám hối,
vì Nước Trời đã đến gần."3 Ông chính là người đã được ngôn sứ
I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức
Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà,
thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.5 Bấy
giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông
Gio-đan, kéo đến với ông.6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ
trong sông Gio-đan.7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái
Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ
cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?8
Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.9 Đừng tưởng có thể
bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các
anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông
Áp-ra-ham.10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh
quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.11 Tôi, tôi làm phép rửa cho
các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền
thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các
anh trong Thánh Thần và lửa.12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch
lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không
hề tắt mà đốt đi."
* Dân được tuyển chọn sống trong đợi chờ. Họ đợi chờ ngày sứ giả Thiên Chúa sẽ xuất hiện
trên mặt đất và chỉnh đốn mọi việc – báo thù cho “những kẻ công chính” là những
người vẫn trung thành với Thiên Chúa và với sứ điệp Người ban qua các vị ngôn sứ. Đấng Mê-si-a sau hết này sẽ đại diện cho
chính Thiên Chúa. Đó là Ngày của Đức
Chúa, Ngày Đức Chúa ngự đến, ngày Tận Thế.
Người ta phải thanh tẩy mình để được sẵn sàng. Một trong những nghi thức thanh tẩy là được rửa
sạch bằng nước: rửa tội. Trong những ngày mùa Vọng, tôi có thể sống
trong niềm mong đợi Hài Nhi Ki-tô đến và suy niệm về bí tích Rửa tội tôi đã
lãnh nhận.
*
Thánh Gio-an Tẩy giả cảnh báo rằng một sự thanh tẩy sâu xa hơn sẽ tới và
do “Đấng sẽ đến sau tôi”: thanh tẩy bằng
lửa. Chúng ta nhớ lại điều đã được nói trước
đây thật lâu rằng không ai thấy mặt Thiên Chúa mà còn sống được: "Ngươi không thể xem thấy
tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống" (Xh 33:20). Sự sáng láng và thánh thiện của Thiên Chúa có
thể đốt cháy mọi nhơ bẩn. Người ta phải
sắp xếp cuộc sống mình cho thứ tự gọn gàng đang khi họ còn có thì giờ, chứ
không phải chỉ dựa vào lời Chúa hứa với Áp-ra-ham hoặc vào sự trung thành tuân
giữ những luật lệ do tay con người làm ra. Trong cuộc sống, chúng ta không bao giờ biết
được lúc nào sẽ có những thay đổi lớn lao xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa.
_______________
Thứ Hai, ngày 9 tháng 12
Lễ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên
Tội
Lu-ca 1:26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu
tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là
Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ
thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời
chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a,
xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai,
sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả,
và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người
ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến
muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."34 Bà
Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến
việc vợ chồng."35
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao
sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên
Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà
cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà
nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì
là không thể làm được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi
sứ thần từ biệt ra đi.
*
Kinh Thánh rõ ràng cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng đặt kế hoạch lâu
dài; Người có thể quyết định cho cả một
chuỗi những biến cố xảy ra đúng lúc theo thời giờ của Người. Đúng vậy, Người đã thực hiện điều này vì lợi
ích cho tất cả chúng ta, vì Người đã hoạch định từ trước khi tạo thành vũ trụ để
chúng ta được trở nên anh chị em của Chúa Giê-su. Hôm nay tôi cảm tạ Chúa vì Người đã hoạch định
để đem tôi vào trong gia đình Người.
*
Việc cộng tác của Mẹ Ma-ri-a cần thiết để giúp cho kế hoạch vĩ đại được
hoàn thành. Vậy sự cộng tác của tôi cần
thiết thế nào đối với những gì Chúa đang làm trong cộng đoàn của tôi hôm
nay? Tôi nhận ra lời Chúa mời gọi tôi
trong những việc gì?
_______________
Thứ Ba, ngày 10 tháng 12
Mát-thêu 18:12-14
"Anh em nghĩ sao? Ai có một
trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên
núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy
bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín
con không bị lạc.14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời,
không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.
*
Trước mặt Chúa, không có ai là khẩn thiết, vậy mà Chúa không muốn mất
ai, cả đến những người đã ở trong vương quốc Người. Vậy ai là những người, hoặc hạng người, mà
tôi có khuynh hướng không muốn nghĩ đến họ nhiều? Ai là những kẻ tôi sẽ không tiếc nhớ nếu họ
có ra khỏi cuộc sống tôi? Lạy Chúa, xin
phát huy trong con một tâm hồn biết cảm thương.
*
Chúa Giê-su nói về con chiên lạc.
Tự bản chất, chiên sẽ đi lạc nếu không có người chăn dắt chúng. Vậy khi Chúa Giê-su nói về việc chúng ta đi lạc
là Người nói rằng chúng ta có khuynh hướng đi sai đường nếu không được hướng dẫn. Chúng ta cần đến người chăn chiên và người
chăn chiên tự nguyện chăm sóc chúng ta.
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã hiểu những phấn đấu và những khúc quẹo sai
trái của con, biết con cần được nâng đỡ.
Con lãnh nhận sự nâng đỡ của Chúa trong niềm cảm tạ.
_______________
Thứ Tư, ngày 11 tháng 12
Mát-thêu 11:28-30
"Tất cả những ai đang vất
vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách
tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
*
Vương quốc của Vua cứu độ không những đem lại sự yên ổn mà còn đón nhận
bất cứ ai cảm thấy họ bị lạc và bị bỏ rơi.
Vương quốc Chúa Giê-su cũng hứa ban sự nghỉ ngơi và nâng đỡ những kẻ đơn
thuần cảm thấy cuộc đời là quá nặng nề đối với họ. Chúa Giê-su hiểu từng người chúng ta hơn
chính chúng ta hiểu mình. Lòng hiền hậu
và khiêm nhường của Chúa dành cho chúng ta.
Vậy trong giờ cầu nguyện này, bạn hãy nhận ra mình cần sự nghỉ ngơi bồi
dưỡng nào.
*
Một ngày nọ Chúa Giê-su sẽ đem những môn đệ thân tín nhất của Người tới
một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút.
Họ sẽ cảm thấy thoải mái trong sự hiện diện của Người và họ được bồi dưỡng. Sự nghỉ ngơi này, theo ý nghĩa là được tiếp
nhận, sẽ phá tan phiền muộn và đổi mới năng lực của chúng ta. Ở đây không có gì là ngạc nhiên, vì Chúa
chính là trung tâm năng lực của toàn vũ trụ và là Đấng tạo dựng đặt tên cho những
vì sao trên trời. Vậy hôm nay bạn hãy
nương tựa vào nguồn năng lực ấy.
_______________
Thứ Năm, ngày 12 tháng 12
Lễ Đức Mẹ Guadalupe
Lu-ca 1:26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu
tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là
Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ
thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời
chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a,
xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai,
sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả,
và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người
ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến
muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."34 Bà
Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "35
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao
sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên
Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà
cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà
nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì
là không thể làm được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi
sứ thần từ biệt ra đi.
*
Mẹ Ma-ri-a phản ứng thế nào trong một cuộc khủng hoảng? Mẹ nghe sứ thần Chúa, nhưng Mẹ thắc mắc. Điều sứ thần nói có thật không? Rồi điều ấy làm sao phù hợp với đức đồng
trinh của Mẹ? Mẹ biết rằng Mẹ được tự do
quyết định thưa “xin vâng” hoặc từ chối và câu trả lời của Mẹ là từ toàn thể
tâm hồn Mẹ.
*
Lạy Chúa, đây không phải là việc cầu nguyện dễ làm. Chính Chúa đã cầu nguyện xin vâng trong Vườn
Dầu với tình trạng đổ mồ hôi máu. “Xin đừng
theo ý con, nhưng là ý Cha”. Xin Chúa
giúp con làm cho lời cầu nguyện ấy thành mẫu mực cho đời con. Mẫu mực ấy có nêu lên vấn đề phó thác và tin
tưởng nào đối với tôi không?
_______________
Thứ Sáu, ngày 13 tháng 12
Lễ thánh Lucia, đồng trinh tử đạo
Mát-thêu 11:16-19
"Tôi phải ví thế hệ này với
ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác,17 và nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các
anh, mà các anh không nhảy
múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc
than."18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì
thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám."19 Con Người đến, cũng ăn
cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với
quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng
hành động."
*
Chúa luôn luôn muốn ban thật nhiều ân huệ xuống cho dân Người. Nhưng khi ân huệ được ban (qua miệng các sứ
giả, ngôn sứ), thì người ta lại quay lưng.
Dường như họ chỉ muốn có điều gì khác với ân huệ ấy, nên họ thường phàn
nàn với Chúa thay vì cảm tạ Người. Điều
này xảy ra suốt thời Cựu Ước. Còn chuyện
tôi đáp lại những hồng ân của Chúa thì sao?
*
Chúa Giê-su cho thấy dân chúng chẳng bao giờ thỏa mãn cả: gần như họ luôn thấy có gì sai trái đối với
người hoặc sứ điệp được gửi đến cho họ.
Họ lên án ông Gio-an Tẩy Giả là quá kỳ dị và khắt khe; họ lên án Chúa Giê-su ăn nhậu với đủ hạng người. Tôi có thể nghĩ đến người nào đó mà tôi đã từ
chối sứ điệp của họ vì họ không phải là người của Chúa theo như tôi nghĩ.
_______________
Thứ Bảy, ngày 14 tháng 12
Lễ thánh Gio-an Thánh giá, linh mục và
tiến sĩ Hội Thánh
Mát-thêu 17:9a, 10-13
Đang khi thầy trò từ trên núi
xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy,
cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy." 10
Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến
trước? "11 Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi
sự.12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ
không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ
vì họ như thế."13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông
Gio-an Tẩy Giả.
*
Đức tin của người Do-thái hướng về “ngày sau hết”, hoặc tận thế, khi Đức
Chúa ngự đến trong vinh quang và cuối cùng sẽ kết thúc mọi sự thuộc thế gian
này. Rồi người ta xác tín rằng ngày tận
thế sẽ được báo trước do một vị tiền hô;
vị này là ngôn sứ Ê-li-a sẽ lại xuất hiện. Có sự liên tục giữa các ngôn sứ thời Cựu Ước
với việc Chúa Giê-su đến. Vậy tại sao bạn
không đọc lại đoạn Cựu Ước nào đó về các ngôn sứ, thí dụ I-sai-a hoặc
Giê-rê-mi-a?
*
Chúa Giê-su cho thấy Gio-an Tẩy Giả là vị tiền hô. Một số môn đệ Chúa Giê-su đầu tiên đã là môn
đệ ông Gio-an cho đến lúc ông giới thiệu họ cho Chúa Giê-su. Thiên Chúa thường dùng những người khác để chỉ
cho chúng ta đến với Chúa Giê-su. Vậy ai
là “những vị tiền hô” đối với tôi?