TUẦN III MÙA VỌNG  (Ngày 15 – 21 tháng 12 năm 2019)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Chuẩn bị có thể là chuẩn bị trong tâm trí bạn khi Giáng Sinh đến gần.  Quà tặng, thánh ca, làm bánh và các chuyến đi, tất cả đều nhắc chúng ta nhớ đến chủ đề chuẩn bị Giáng Sinh.  Khi chúng ta dọn dẹp trang hoàng nhà cửa và nấu nướng, chúng ta cũng chuẩn bị lòng trí chúng ta gặp gỡ Chúa Ki-tô, tuy nhiên, liệu ta có gặp được Người không?  Hôm nay bạn hãy dừng lại và đi tìm Đấng Cứu Độ và Bạn Hữu, một quà tặng hằng hữu của ta.

-  Margaret Felice, 2019, A Book of Grace-Filled Days

 

Sự hiện diện của Chúa

Chúa phán:  “Ta đứng ở ngoài cửa và gõ”.  Thực là một đặc ân tuyệt diệu khi Chúa muôn loài muốn đến với tôi.  Tôi đón chào sự hiện diện của Người.

 

Sự tự do

Xin để tôi đây,

một mình trong phòng tối,

không ánh sáng mặt trời,

cũng chẳng có một người,

sẽ nói chuyện với tôi. 

Nhưng chính thinh lặng ấy,

đã giải thoát tôi rồi!

          - Trích từ một bài thơ của Chân phước Titus Brandsma,

          được sáng tác đang khi ngài là một tù nhân trong trại tập trung Dachau

 

Ý thức

Tôi thực sự cảm thấy thế nào?  Tâm hồn nhẹ nhàng hay nặng nề?  Có thể tôi cảm thấy rất bình an và sung sướng khi ở đây.  Nhưng cũng có thể tôi cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc giận dữ.

Tôi nhận ra mình thực sự như thế nào.  Đó chính là con người của tôi mà Chúa yêu thương.

 

Lời Chúa

Tôi dành thời giờ để đọc chậm chậm Lời Chúa vài lần, để cho mình ở lại với điều nào đánh động tâm hồn tôi.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang sau.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Tôi có nhận thấy mình phản ứng khi cầu nguyện bằng Lời Chúa không?  Tôi cảm thấy bị thách đố, được an ủi hay giận dữ?  Tưởng tượng Chúa Giê-su đang ngồi hoặc đứng bên cạnh, tôi nói ra những cảm nghĩ của mình, giống như một người bạn nói chuyện với một người bạn.

 

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

Tuần III Mùa Vọng

 

Chúa Nhật, ngày 15 tháng 12

Mát-thêu 11:2-11

 

Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:3 "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "4 Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

 

*  Có hai khuynh hướng suốt trong Kinh Thánh liên quan đến việc dân chúng trông đợi Đấng Mê-si-a.  Theo khuynh hướng thứ nhất, ý tưởng chính là Đấng Mê-si-a sẽ là Đấng đến để trừng phạt và sửa chữa:  ở đâu có thối nát, ngài sẽ lấy rìu mà chặt tận rễ, hoặc ngài sẽ đến với một cái quạt gió để tách biệt những thành phần độc hại khỏi những thành phần tốt.  Mặc dù Gio-an Tẩy giả không đặt ra một thể thức thống hối, nhưng ngài nhấn mạnh đến những tiêu chuẩn luân lý cao đẹp, cho nên dường như ngài cũng ngả về quan điểm nghiêm ngặt hơn.

*  Rõ ràng Gio-an không biết chắc chắn Chúa Giê-su đã tới gần, nên ngài mới tìm hiểu.  Rồi câu trả lời của Chúa Giê-su đã gợi lên ý tưởng chính của khuynh hướng thứ hai là giúp đỡ người ta ở bất cứ nơi nào cần đến việc chữa lành.  Mọi phép lạ được kể ra ở đây đều phù hợp với viễn tượng ngôn sứ I-sai-a nói đến, nhờ đó sức mạnh và ơn cứu độ được đem đến cho nhân loại.  Vậy đâu là quan điểm của tôi về Đấng Mê-si-a?

_______________

 

Thứ Hai, ngày 16 tháng 12

Mát-thêu 21:23-27

 

Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? "24 Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? " Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy? "26 Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ."27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

 

*  Theo cơ cấu tổ chức của Do-thái, hễ ai cho rằng mình có thế lực và uy quyền, thì người ta sẽ hỏi họ lấy gì chứng minh cho đòi hỏi của họ:  ông có thuộc về chi tộc tư tế Lê-vi không?  Điều ông đòi hỏi có bảo đảm duy trì truyền thống của tổ tiên không?  Ông có thể chứng minh đòi hỏi của ông qua sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, thí dụ như bằng phép lạ không?  Các thượng tế và kỳ mục vô cùng quan tâm đến vấn đề Chúa Giê-su lấy quyền bính ấy từ đâu.  Vậy trong đời sống đức tin của tôi, tôi coi quyền bính như thế nào?  Tôi đã được dạy dỗ điều gì để nhận biết uy quyền Thiên Chúa?

*  Cuộc trao đổi giữa Chúa Giê-su với các kỳ mục và thượng tế gián tiếp củng cố địa vị của Gio-an Tẩy giả.  Hầu hết những kẻ chất vấn Chúa Giê-su đều không chấp nhận lời giảng của Gio-an, dù lời giảng ấy đã giúp cho rất nhiều người trong vùng đáp lại qua việc sám hối.  Các kỳ mục thì sợ phải lựa chọn cách này hay cách khác giữa hai điều:  hoặc là ông Gio-an, bởi họ không thể chối bỏ ảnh hưởng của ông, hoặc là Chúa Giê-su, Đấng dường như đang hành động ngoài phạm vi quyền bính họ nắm giữ.  Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết phân định sự thật đích thực trong đời con, sự thật đến từ chính Chúa.

_______________

Thứ Ba, ngày 17 tháng 12

Mát-thêu 1:1-17

 

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

 

*  Trong tám ngày trước lễ Giáng Sinh, trọng tâm của Phụng vụ Lời Chúa hướng về những nhân vật còn sinh thời khi Chúa Giê-su đến, ở đây bắt đầu là Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se được trình bày như là miêu duệ cuối cùng của bao thế hệ.  Từ lâu Thiên Chúa đã đặt nền móng cho việc Con của Người đến, khi Người chuẩn bị một dân tộc để sẵn sàng đón nhận người Con ấy.  Mỗi người chúng ta theo cách riêng biệt cũng được chuẩn bị để đón Chúa Giê-su đến.

*  Ở đây gia phả trình bày chiều dài tổng quát kế hoạch của Thiên Chúa, giống như một cuốn phim được chiếu nhanh gồm những đoạn khai triển chính.  Các thời kỳ, thời đại hoặc kỷ nguyên đều thuộc về những người có tên tuổi, tất cả được xếp thành nhóm hai nhân bảy, tức mười bốn (số bảy là con số từ lâu đã được dùng để ám chỉ điều gì là thánh thiện).  Danh sách gồm cả những nhân vật “ngoại lệ” nhằm nói lên tính phổ quát trong kế hoạch của Thiên Chúa:  phụ nữ, người ngoại bang, kẻ tội lỗi.  Đây là một bài suy niệm về phép lạ diễn tiến từ từ của việc Thiên Chúa quan phòng:  vì Người gieo những hạt giống để một ngày kia chúng sẽ mọc lên và trưởng thành.  Vậy chúng ta cũng có thể suy niệm giống như vậy về diễn trình lịch sử cứu độ đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta nữa.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 18 tháng 12

Mát-thêu 1:18-25

 

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

 

*  Thánh Giu-se có một chỗ đứng quan trọng trong việc Chúa Ki-tô ra đời.  Ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc vào đức vâng lời của Mẹ Ma-ri-a khi Mẹ chấp nhận thánh ý Thiên Chúa.  Nhưng ơn cứu độ cũng tùy thuộc vào đức vâng lời của thánh Giu-se nữa.  Để tiếp nối câu chuyện của Chúa Giê-su, qua Giáo Hội, đức vâng lời của chúng ta cũng quả là khó khăn.

*  Tất cả mọi sự đã xảy ra để ứng nghiệm điều các ngôn sứ đã tiên báo.  Thiên Chúa biết mọi sự và Người hoạch định mọi sự.  Tất cả đều vì lợi ích cho chúng ta, nên chúng ta có thể chấp nhận mọi sự trong bình an.

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 19 tháng 12

Lu-ca 1:5-25

 

Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron.6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông:9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa.10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án.12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông.13 Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi."19 Sứ thần đáp: "Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi."21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế.22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà.24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng.25 Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời."

 

*  Ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét thuộc thành phần “những kẻ bé mọn” của Chúa và sống giữa đám đông kính sợ Thiên Chúa.  Mỗi người nếu xét theo chiều sâu đức tin của họ có thể được kể là ngàn người mới có một, nhưng xét theo cái nhìn của người đời thì họ chẳng là gì cả và cũng giống như hằng ngàn người khác thôi.  Cũng vậy, bạn và tôi có thể là vô danh tiểu tốt giữa đám đông;  tuy nhiên Chúa vẫn nói với chúng ta và có điều gì đó Người muốn chúng ta thực hiện.  Vậy mới đây Chúa đã nói gì với tôi?

*  Con của các ngài đã được sai đi để dọn đường cho Đấng Cứu Độ trong vai trò giống như vai trò của ngôn sứ I-sai-a mà người ta vẫn mong đợi, tức là chuẩn bị cho sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa trong ngày tận thế.  Ngay cái tên đặt cho người con ấy (“Thiên Chúa phù trợ”) cũng là do ý Chúa.  Chắc chắn đường lối của Chúa không giống đường lối chúng ta và ngay cả những người luôn cố gắng trung thành với Chúa đôi khi cũng thấy mình được kêu gọi phải có một đức tin sâu xa hơn nữa, nghĩa là được đặc ân gần Chúa mỗi ngày một hơn.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 20 tháng 12

Lu-ca 1:26-38

 

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

*  Bạn hãy xem các chi tiết trong trình thuật này rất đặc biệt.  Sứ thần Gáp-riên được sai tới một thành để gặp một người.  Sứ thần đã mang một sứ điệp đến cho Mẹ Ma-ri-a.  Nếu tôi nghĩ Chúa cũng đặc biệt tìm tôi với những mục đích đặc biệt thì tôi sẽ cảm thấy như thế nào khi phải đáp lại?  Hồi hộp?  Sợ hãi?  Do dự?

*  Cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a đã được liên kết sâu xa với một cộng đồng rộng lớn hơn.  Cuộc sống người con của Mẹ sẽ giúp cho mối liên kết ấy được phong phú và cũng phức tạp.  Hôm nay tôi suy nghĩ về cuộc sống của mình cũng như việc đáp trả của mình ảnh hưởng như thế nào trên người khác.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12

Lu-ca 1:39-45

 

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

 

*  Sinh con, hồng ân sự sống Chúa ban, luôn luôn là điều thánh thiện đối với dân Ít-ra-en và trong lịch sử thánh ấy, các bà mẹ đã có một chỗ đứng đặc biệt:  những người cưu mang sự sống.  Mẹ Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét tranh đua cảm tạ Thiên Chúa.  Nhưng trường hợp hôm nay thật đặc biệt và độc đáo.  Chúa Giê-su, người con Mẹ Ma-ri-a đang mang thai, được nhận biết do người con trong bụng bà Ê-li-sa-bét.  Gio-an nhảy mừng khi nhận ra Đấng mà cả hai bà mẹ đều tôn vinh là Chúa.  (Chính Gio-an cũng xuất thân lạ lùng do một bà mẹ già nua).  Bạn thử tưởng tượng mình đang ở trong khung cảnh này, nhìn ngắm hai bà mẹ chào hỏi nhau.  Bạn cảm thấy thế nào khi chứng kiến việc giao tiếp này và hiểu được những bí mật vĩ đại mà Mẹ Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét đang cưu mang?

*  Ngoài những gì xảy ra giữa hai bà mẹ, những biến cố động trời bắt đầu.  Đức Chúa (người ta trông đợi từ lâu) cuối cùng đã đến để thăm dân Người, để chiến thắng kẻ thù và để mừng vui với những kẻ thuộc về Người.  Lời ngợi khen nào bạn có thể sáng tác và dâng lên Thiên Chúa vì công cuộc cứu độ kỳ diệu này?

 


Không Gian Thánh Thiện 2019 - Sacred Space