TUẦN 3 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 26 tháng 1 – 1 tháng 2 năm
2020)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày
trong tuần:
Một trong những cách hữu hiệu nhất để học
nhìn lại coi mình thực sự là ai và để tập tành đức khiêm nhượng, đó là hãy phát
huy ý thức sâu xa lòng biết ơn. Lúc
chúng ta nhận ra được rằng mình chịu trách nhiệm mình là ai, đã làm gì và đang
sở hữu những gì, thì khi ấy đã quá muộn cho chúng ta rồi. Khi nhận ra Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành
cho đời sống chúng ta, ta đáp lại với tâm tình cảm tạ. Một ý thức cảm tạ sâu xa sẽ nhắc nhở chúng ta
về nguồn gốc mọi ân huệ tốt lành. Nó
cũng nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm phải chia sẻ những ơn lành ấy cho người
khác nữa.
- Joe Paprocki,
7 Keys to Spiritual Wellness
Sự hiện diện của Chúa
Bất cứ lúc nào ban ngày hay ban đêm
chúng ta cũng đều có thể kêu xin Chúa Giê-su.
Người luôn chờ đợi và lắng nghe tiếng
chúng ta kêu cứu.
Quả thực đó là một phúc lành.
Chẳng cần điện thoại, emails, mà chỉ cần
một tiếng thì thầm thôi.
Sự tự do
Nếu Chúa muốn nói với tôi điều gì, liệu
tôi có biết không?
Nếu Chúa an ủi tôi hoặc thách đố tôi,
tôi có nhận ra không?
Tôi xin ơn được tự do tránh khỏi mọi bận
rộn và biết mở lòng đón nghe điều Chúa sẽ nói với tôi.
Ý thức
Lạy Chúa, xin giúp con biết ý thức sự hiện
diện của Chúa hơn. Xin Chúa dạy con nhận
ra sự hiện diện của Chúa trong người khác.
Xin Chúa cho tâm hồn con đầy tràn lòng cảm tạ về những lần Chúa đã tỏ ra
cho con biết tình yêu của Chúa qua sự chăm sóc của người khác.
Lời Chúa
Trong trạng thái tâm trí chờ đợi, với sự
tin tưởng, bạn hãy lấy đoạn Kinh Thánh của ngày hôm nay. Bạn hãy tin rằng Chúa Thánh Thần đang hiện diện
và sẽ soi sáng bất cứ điều gì đoạn Kinh Thánh sẽ nói với bạn. Hãy đọc với tâm tình suy niệm, lắng nghe bằng
đôi tai nội tâm điều đang xảy ra trong tâm hồn bạn. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp
theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử
dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn
hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tâm sự đòi hỏi cả nói lẫn lắng
nghe. Khi nói với Chúa Giê-su, tôi cũng
có thể học cách dừng lại và lắng nghe Chúa nữa.
Tôi hình dung ra vẻ dịu hiền trong ánh mắt
Chúa và lòng yêu thương trong nụ cười của Chúa.
Tôi có thể hoàn toàn thành thực với Chúa
Giê-su khi tôi kể cho Người nghe những sợ hãi và nghi ngờ của tôi.
Tôi sẽ xin Chúa giúp tôi biết hoàn toàn để
cho Chúa chăm sóc, vì tôi biết Người luôn luôn muốn điều tốt cho tôi.
Kết thúc
Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa cùng ở
với tôi và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Tuần 3 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 26 tháng 1
Mát-thêu 4:12-23
Khi Đức Giê-su nghe
tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê.13 Rồi Người
bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa
hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:15
Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn
sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!16 Đoàn dân đang
ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong
vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.17 Từ
lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì
Nước Trời đã đến gần."18 Người đang đi dọc theo biển hồ
Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người
anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19
Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành
những kẻ lưới người như lưới cá."20 Lập tức hai ông bỏ chài
lưới mà đi theo Người.21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em
khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này
đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22
Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.23 Thế rồi Đức
Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng
Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
* Ở đây chúng ta gặp một hình ảnh nói lên sức
lan rộng và chiều sâu của những điều Chúa Giê-su sắp thực hiện. Người muốn chúng ta sám hối hoặc hoàn toàn
thay đổi trong cách nhìn và đánh giá mọi sự.
Chúng ta cũng được biết Chúa Giê-su đã thâu lượm được những kết quả bằng
cách lôi cuốn người ta bỏ mọi sự để ở lại với Người và làm theo dự kiến của
Người.
* Nếu bạn muốn dấn thân vào bản chất thâm sâu
tình yêu của Chúa Giê-su và giấc mơ của Người dành cho bạn, thì bạn hãy suy
nghĩ bất cứ khía cạnh nào của tình yêu đang kêu gọi bạn. Hãy nói với Chúa Giê-su về điều này và đặc
biệt là bạn đang được tình yêu và ước muốn của Chúa thúc giục bạn ở lại với
Người để làm bạn hữu và đồng lao cộng tác với Người.
_______________
Thứ Hai, ngày 27 tháng 1
Mác-cô 3:22-30
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương
Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.24 Người liền
gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?
Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ,
nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự
chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà
một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã,
rồi mới cướp sạch nhà nó.28 "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của
con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy
đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời".30 Đó là
vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
* Khi
bạn không hiểu hoặc không thích người khác thì bạn sẽ dễ dàng kết án họ là xấu
xa. Các kinh sư đã không hiểu được Chúa
Giê-su; thế là họ nhất định cho là Người
đang hành động do quyền lực của quỷ Bê-en-dê-bun. Đây không phải là một thái cực như ta
tưởng. Đâu là lần mới đây nhất khi tôi
cho rằng một người nào đó, có thể một nhân vật của công chúng mà tôi không
thích, là người ghê sợ, ngu đần hoặc làm tổn thương người khác?
* Chúa
Giê-su nói với các kinh sư theo cách nói thực tế và có lý lẽ. Chính họ là những luật sĩ trong thời ấy, vậy
mà họ lại cần được giải thích theo lý lẽ.
Lạy Chúa, trong đời con cũng vậy, Chúa luôn phán dạy con qua những cách
con thấy hợp lý và qua những cách giúp con có thể nghe Chúa. Con cảm tạ Chúa.
_______________
Thứ Ba, ngày 28 tháng 1
Lễ thánh Tôma Aquinô, linh mục và tiến sĩ Hội
Thánh
Mác-cô 3:31-35
Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32
Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng:
"Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! "33
Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "34
Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi,
đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là
anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
* Đám
dân chúng tụ họp quanh Chúa Giê-su, theo phong tục thời ấy nghĩ rằng gia đình
phải chiếm một chỗ đứng quan trọng đối với một người có tình sâu nghĩa
nặng. Nhưng Chúa Giê-su lại thấy trước
hết phải là mối liên kết Thiên Chúa muốn có với chúng ta.
* Bạn
hãy cố gắng đi vào cuộc tâm sự về mối tương quan giữa bạn với Chúa Giê-su. Bạn có thể dành thì giờ suy nghĩ những lời
này của Người: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,
vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả
những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Gio-an 15:15).
_______________
Thứ Tư, ngày 29 tháng 1
Mác-cô 4:1-20
Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ
họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn
thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều
điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:3 "Các người nghe
đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi
xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ
không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng
lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi
vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8
Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì
được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm."9
Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe! "10 Khi còn một
mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về
các dụ ngôn.11 Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm
Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở
ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn,12 để họ có trố mắt nhìn
cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn
tha thứ."13 Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu
dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?14 Người gieo
giống đây là người gieo lời.15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã
gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.16
Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón
nhận,17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau
đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay.18 Những
kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,19
nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm
chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.20
Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những
người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu
mươi, kẻ thì một trăm."
* Từ “dụ
ngôn” là do từ Hy-lạp parabole, có
nghĩa là tung ra hoặc ném ra, rồi dùng điều này để nói về điều khác. Một dụ ngôn sẽ biểu lộ ý nghĩa của nó cho
những ai “có tai thì nghe”, nhưng lại giấu đi ý nghĩa đối với những tâm hồn
đóng lại và chống đối. Hôm nay thánh
Mác-cô ghi lại cho chúng ta một dụ ngôn quen thuộc, Người gieo hạt giống, tiếp
theo là phần giải thích ý nghĩa dụ ngôn.
Để thử nghiệm, bạn hãy thử quên đi là mình đã từng nghe giải thích về dụ
ngôn này rồi và hãy lắng nghe như nghe dụ ngôn này lần đầu tiên. (Bạn hãy lưu ý là dụ ngôn bắt đầu với những
lời “Các người nghe đây!” và kết thúc sau những lời “Ai có tai nghe thì
nghe!”) Bạn rút ra được điều gì? Điều ấy có ý nghĩa gì đối với bạn?
* Theo
giải thích của Tin Mừng Mác-cô, hạt giống là “lời”. Bạn có nhớ các sách thánh khác nói đến “lời”
không? “Lời” được nói đến trong những
bối cảnh nào? Bạn hãy nhớ sách ngôn sứ
I-sai-a: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm
chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta
cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt
kết quả” (Is 55:10, 11). Cả ngôn sứ I-sai-a lẫn thánh sử Mác-cô đều
liên kết “lời” với việc sinh hoa trái.
Vậy bạn thấy mầu nhiệm này đang hoạt động trong đời sống bạn thế nào? Trong thế giới chung quanh thế nào?
_______________
Thứ Năm, ngày 30 tháng 1
Mác-cô 4:21-25
Người nói với các ông: "Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng
hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?22 Vì
chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà
không phải là để đưa ra ánh sáng.23 Ai có tai nghe thì nghe! "24
Người nói với các ông: "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu
nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.25
Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ
bị lấy mất."
* Chúa
Giê-su bảo chúng ta rằng Tin Mừng phải được chia sẻ. Khi nói với những người ưu tư về việc thiếu
linh mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng những ai thực sự sống đời Ki-tô
hữu thì họ chính là những người rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
* Có lẽ
bạn hãy dành ít phút cầu nguyện để nhớ lại người nào đó đã thực sự thể hiện Tin
Mừng mà không cần phải rao giảng cách công khai.
_______________
Thứ Sáu, ngày 31 tháng 1
Lễ thánh Gio-an Bosco, linh mục
Mác-cô 4:25-34
Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người
vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức,
thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28
Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và
sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem
liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta
ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31
Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất
trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ
rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."33
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có
thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ
ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
* Những
dụ ngôn này cho thấy sự tăng trưởng của đời sống Ki-tô hữu chúng ta có thể dấu
ẩn và khó nhận ra được. Chúa Giê-su tiếp
tục nhắc nhở chúng ta rằng ta phải chú ý đến những dấu chỉ tình yêu và hoạt
động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, trong cuộc sống gia đình và bạn bè
chúng ta cũng như trong toàn thế giới.
* Tôi có
thể nghĩ đời mình giống như một khu vườn của Thiên Chúa. Tôi để cho Chúa tiếp tục làm việc trên tôi, vì
Chúa không muốn có sự phát triển cưỡng ép nếu tôi không muốn hoặc chưa sẵn
sàng.
_______________
Thứ Bảy, ngày 1 tháng 2
Mác-cô 4:35-41
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang
bờ bên kia đi! "36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì
Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37
Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38
Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn
đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy
chẳng lo gì sao? "39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho
biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40
Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng
tin? "41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này
là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? "
* Câu chuyện
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến hành trình đức tin đầy sóng gió của chúng ta hôm. Ý thức của chúng ta về tình yêu và sự hiện
diện của Chúa Giê-su đang bị nhạt nhòa do rất nhiều tiếng nói bên ngoài. Kết quả là đức tin đang suy thoái hoặc mất đi
khiến cho chúng ta sợ hãi. Biết bao lần
Chúa Giê-su đang ngủ trong thuyền, nhưng tình yêu của Người thì không khi nào
bỏ rơi chúng ta đâu.
* Để làm
giờ cầu nguyện này, bạn hãy nói với Chúa Giê-su bạn cảm thấy thế nào khi Chúa
dường như đang ngủ quên. Bạn hãy tìm
những cách giúp bạn hiểu rằng Chúa vẫn thức và hoạt động qua đường lối bạn chấp
nhận, quý trọng và chăm sóc cho những người bạn tiếp xúc trong ngày.