TUẦN 32 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 8 – 14 tháng 11 năm 2020)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Như một dân được cứu chuộc, chúng ta nhận thấy mình một
lần nữa lại được đến gần Thiên Chúa. Khi
ấy vai trò của linh mục là phải nhắc nhở người ta rằng Thiên Chúa đã cứu chúng
ta khỏi tội lỗi nhờ Đức Giê-su Ki-tô, rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta nhờ Đức
Giê-su Ki-tô và Chúa Thánh Thần, và rằng đến lượt chúng ta, mỗi người có trách
nhiệm phải nhắc nhở cho người khác như vậy.
Các linh mục đang sống giữa chúng ta là những dấu hiệu nhắc nhở sống động
nói lên sự kiện tất cả chúng ta đều “mắc nợ” Thiên Chúa một điều, nói khác đi
là hoa quả đầu mùa của đời ta, đó là vì Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Điều này cho thấy, ngay ở bình diện tiềm thức,
nhiều người chúng ta lại hành động cách khác trước mặt một linh mục; nói cho cùng, vai trò của các ngài chỉ là tượng
trưng, nghĩa là sự hiện diện của các linh mục nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện
của Chúa, rồi tiếp đến điều này nhắc nhở chúng ta về những việc diệu kỳ của
Chúa và sự kiện chúng ta “mắc nợ” Chúa một sự đáp trả xứng đáng.
-
Joe Paprocki, Living the
Sacraments
Sự hiện diện của
Chúa
“Hãy thinh lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa!” Lạy Chúa, Lời Chúa dẫn con tới vẻ thanh tĩnh
và cao cả của việc Chúa hiện diện.
Sự tự do
Chúa không xa lạ gì đối với sự tự do của tôi. Thánh Thần thở sự sống vào tận những ước muốn
thầm kín nhất của tôi, nhẹ nhàng thúc giục tôi tiến đến tất cả những gì là tốt
lành. Tôi xin ơn biết mở lòng ra nhờ
Chúa Thánh Thần.
Ý thức
Tôi cảm nhận được niềm hy vọng, sự khích lệ và phát
triển ở những lãnh vực nào trong đời sống?
Nhìn lại mấy tháng qua, tôi có thể nhận ra những sinh hoạt và cơ hội đã
sinh hoa kết quả phong phú. Nếu nhận thấy như vậy, tôi sẽ quyết định dành thêm
cả thời giờ lẫn không gian cho những sinh hoạt và cơ hội ấy trong tương lai.
Lời Chúa
Lời Chúa đến với chúng ta qua Kinh Thánh. Xin Chúa Thánh Thần soi soi tâm trí con, để
con biết đáp lại những giáo huấn Tin Mừng.
(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo. Các câu hỏi gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu
cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại
đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Điều gì đã khuấy động lên trong tâm hồn khi tôi cầu
nguyện? Tôi thấy được an ủi, bối rối,
hay lạnh nhạt? Tôi tưởng tượng Chúa
Giê-su đang đứng hoặc ngổi bên cạnh, rồi tôi chia sẻ những cảm nghĩ với Người.
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh
Thần Thiên Chúa.
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu
vạn đại. A-men.
Tuần 32 Thường
niên
Chúa Nhật, ngày 8
tháng 11
Mát-thêu 25:1-13
"Bấy
giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2
Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô
dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang
đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp
đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra
đón đi! "7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa
soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị
cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! "9 Các
cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng
mà mua lấy thì hơn."10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới,
và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng
cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài,
thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "12 Nhưng Người đáp:
"Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "13
Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
* Đây là câu
chuyện về việc chuẩn bị sẵn sàng. Đó
cũng là câu chuyện về mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với chính
mình. Lúc nào tôi đã dựa dẫm quá nhiều
vào đời sống thiêng liêng hoặc sự khôn ngoan của người khác? Chúa Giê-su muốn tôi phải chịu trách nhiệm về
cái đèn của tôi trong những phương diện nào của cuộc sống?
* “Hãy canh thức”: đây là lời mời gọi chúng ta thường gặp nhiều
nhất trong sách Tin Mừng. Chúng ta đừng
sợ Chúa đến, nhưng phải canh thức để có thể tiếp đón Người khi Người đến. Tôi cầu xin để có được một tâm hồn không bị
chi phối, nhưng hoàn toàn sống động đối với sự hiện diện của Chúa Giê-su trong
thế giới của tôi.
_______________
Thứ Hai, ngày 9
tháng 11
Lễ kỷ niệm cung hiến
Vương cung Thánh đường Latêranô
Gio-an 2:13-22
Gần
đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14
Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang
ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ
cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ
tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ
câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành
nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong
Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.18
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi
thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức Giê-su đáp: "Các
ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20
Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế
mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền Thờ Đức
Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ
cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh
Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
* Chúa Giê-su
tôn trọng nơi chốn và thời gian thánh thiện qua việc Người lên Đền Thờ vào dịp
lễ Vượt Qua. Thời gian, nơi chốn và những
người trong đời sống chúng ta đáng được tôn trọng và nhìn nhận vì đã đóng vai
trò giúp ta hiểu Thiên Chúa liên hệ với ta như thế nào.
* Chúa Giê-su cảnh
báo chúng ta đừng lơ là hoặc nguội lạnh.
Tôi nghĩ lại những gì cần phải làm để nghiêm chỉnh vâng nghe Chúa. Tôi xét lại đời sống mình nhờ Chúa Thánh Thần
giúp đỡ, để biết tôn trọng điều gì là thực sự quan trọng.
_______________
Thứ Ba, ngày 10
tháng 11
Lễ thánh Lê-ô Cả,
giáo hoàng và tiến sĩ Hội Thánh
Lu-ca 17:7-10
"Ai
trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về,
lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi",8 chứ không bảo: "Hãy
dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống
sau! ?9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh
truyền sao?10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì
theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi
đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."
* Nộ lệ là chế
độ được chấp nhận trong những nền văn hóa cổ xưa, nên các thính giả của Chúa
Giê-su hiểu dễ dàng điều Người nói lên ở đây.
Trong thế giới hiện đại, chúng ta coi chế độ ấy là bất công. Vậy ám chỉ chế độ nô lệ với mối tương quan giữa
Thiên Chúa và chúng ta như Chúa Giê-su đang ám chỉ, dường như khiến chúng ta cảm
thấy không thoải mái. Nhưng ít ra chúng
ta có chấp nhận được việc chúng ta tuân phục Thiên Chúa là điều phải có do
chính bản tính siêu việt của Thiên Chúa không?
Có chấp nhận rằng sự tuân phục ấy chẳng phải là điều để ta tự hào và
đáng được tưởng thưởng sao? Nhất là vì sự
tuân phục của chúng ta lại là tuân phục của con cái đối với người Cha đầy yêu
thương?
* Lạy Chúa,
Chúa đã chẳng mất thì giờ để khoe khoang về những gì Chúa đã làm và đã chịu đau
khổ vì chúng con. Chúa đã sống thân nô lệ,
phục vụ tất cả chúng con, rửa chân cho chúng con, chết cho chúng con. Xin Chúa làm cho con nên giống Chúa hơn trong
đức khiêm nhường và quên mình của Chúa.
_______________
Thứ Tư, ngày 11
tháng 11
Lễ thánh Máctinô
thành Tours, giám mục
Lu-ca 17:11-19
Trên
đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và
Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi
đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy
Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14 Thấy vậy, Đức Giê-su
bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.15
Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn
vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.
Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải
cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao
không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?
".19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của
anh đã cứu chữa anh."
* Người mắc bệnh
phong hủi bị coi là ô uế và bó buộc phải sống bên ngoài thành phố hay làng mạc. Ngay cả lúc đến gặp Chúa Giê-su, họ cũng phải
giữ một khoảng cách. Chữa lành một người
phong hủi sẽ phục hồi cho người ấy được trở về cộng đồng của họ. Vậy ngày nay sự nghèo đói, chán nản và những
thứ bệnh tật khác khiến cho người ta phải rời khỏi cộng đồng như thế nào?
* Lạy Chúa,
chính con đã từng như vậy. Con đi kiếm
điều gì đó, rao lên những thiếu thốn của con và đi tìm sự thông cảm. Rồi khi có ai đó giúp đỡ con, thì trong con lại
có tiếng thì thầm: Họ chỉ làm bổn phận của họ thôi, hoặc đó là việc người thân cận phải
làm. Con tiếp nhận lòng nhân ái một
cách vô ơn và cũng chẳng bận tâm phải nói lời cám ơn nữa.
_______________
Thứ Năm, ngày 12
tháng 11
Lễ thánh Giôsaphát,
giám mục tử đạo
Lu-ca 17:20-25
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa
đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể
quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay
"Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."22
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy
một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.23
Người ta sẽ bảo anh em: "Người ở kia kìa! hay "Người ở đây này! Anh
em đừng đi, đừng chạy theo.24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ
phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy
trong ngày của Người.25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ
nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
*
Chúa Giê-su khuyến khích môn đệ Người đừng quá bận tâm, hoặc quá tò mò
về ngày tận thế và việc Con Người lại đến (lần thứ hai), nhưng hãy chú ý vào
lúc này và tại đây, đồng thời hãy suy nghĩ điều Chúa dạy: là Con Người trước hết phải chịu đau khổ và
bị thế hệ này chối bỏ. Điều này các môn
đệ sẽ sớm chứng kiến xảy ra tại Giê-ru-sa-lem.
*
Triều Đại Thiên Chúa mang ý nghĩa là sự hiện diện, tình yêu và lòng nhân
lành của Thiên Chúa. Vậy tôi đã cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống tôi
hôm nay như thế nào? Tôi có để cho Chúa
chiếm hữu tôi mỗi lúc một hơn không? Đó
chính là cách Triều Đại Thiên Chúa đang đến trong tâm hồn tôi.
_______________
Thứ Sáu, ngày 13 tháng
11
Lễ thánh Phanxica
Xaviê Cabrini, trinh nữ
Lu-ca 17:26-37
"Và cũng như thời ông
Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc
cũng sẽ xảy ra như vậy.27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi
cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.28
Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua
bán, trồng trọt, xây cất.29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì
Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.30
Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.31
"Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy.
Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại.32 Hãy nhớ chuyện vợ
ông Lót.33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.34 Thầy nói cho anh em
biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem
đi, còn người kia bị bỏ lại.35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột,
thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.36 Hai người
đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại."37
Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ở đâu vậy? " Người
nói với các ông: "Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó."
* Chính Chúa Giê-su cũng bị chỉ trích về việc
ăn uống, nên chúng ta thấy được là Người không nói về việc người ta sinh hoạt,
nhưng nói về thái độ không quan tâm của họ.
Tôi có thể nhận thấy mình đang bị lôi cuốn đi hoặc bị chi phối, nên tôi
xin Chúa giúp tôi ý thức điều mình đang làm và Chúa ở với tôi như thế nào.
* Nếu hôm nay tôi ăn chay, thì tôi cầu xin để
việc ăn chay nhắc nhở tôi về những khao khát sâu xa nhất và chân thật nhất
trong lòng tôi; Có thể tôi phải để một
việc tốt nào đó qua một bên hầu chú ý tới một việc tốt hơn nữa.
_______________
Thứ Bảy, ngày 14 tháng 11
Lu-ca 18:1-8
Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ
ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2
Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ
Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một
bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin
ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối
cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng
coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi,
kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."6 Rồi Chúa nói:
"Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên
Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu
với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em
biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người
còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "
* Chúa Giê-su tin tưởng vào việc Thiên Chúa sẽ
nhậm lời cầu xin của những kẻ thiếu thốn.
Tôi hiệp với Chúa để cầu nguyện cho những tình huống bất công được giải
quyết và xét xem những nỗ lực của tôi có giúp ích được gì không.
* Sự kiên trì khi tôi cầu nguyện nói lên mức độ
khẩn thiết của điều tôi xin. Nếu như tôi
thấy lời cầu nguyện của tôi luôn có điều gì đó tôi vẫn hằng cầu xin, thì tôi sẽ
dành thì giờ để xem Chúa đã nhậm lời cầu xin ấy như thế nào rồi.