TUẦN 34 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 22 – 28 tháng 11 năm 2020)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Vì sự lành mạnh thiêng liêng là sống theo Thánh Thần,
nên chúng ta hãy đặt câu hỏi: vậy Thiên
Chúa bừng cháy tâm hồn lên nghĩa là gì? Tôi nghĩ Người bừng cháy tâm hồn là do
tình yêu xả kỷ của Người. Lòng thương
xót. Sự cảm thông. Đức công chính. Trí tưởng tượng vĩ đại của Chúa đang hướng
vào một thế giới mà kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ đau yếu được chăm
sóc, kẻ không nhà có nơi trú ngụ, kẻ bị tù được viếng thăm, kẻ trần truồng có
quần áo mặc và khách lạ được tiếp đón. Một
linh đạo lành mạnh thúc giục chúng ta hãy hiện diện với những người thiếu thốn,
giúp họ có khả năng nhận ra sự hiện diện của Chúa, vì sự hiện diện này bị ngăn
cản do nỗi đớn đau trong cuộc đời họ. Bà
Dorothy Day nhấn mạnh rằng mọi điều kẻ đã được rửa tội phải làm đều trực tiếp
hay gián tiếp liên hệ với những việc bác ái (Thương người có mười bốn mối: bảy mối thương xác và bảy mối thương linh hồn). Bà biết rằng lửa của Thiên Chúa có thể gặp thấy
ngay trong những mối Thương người. Nếu bạn
đi tìm Chúa – mục đích của đời sống thiêng liêng – thì có nhiều nơi để
tìm. Như bài thánh ca truyền thống Ubi caritas nhắc nhở chúng ta: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.
Thiên
Chúa mà chúng ta tìm kiếm đang bừng cháy ngọn lửa, Người có một sứ mệnh để mời
bạn và tôi hãy tham gia.
Bạn cứ tưởng
tượng như vậy nhé.
-
Joe Paprocki, 7 Keys to Spiritual
Wellness
Sự hiện diện của Chúa
Chúa phán: “Ta
đứng trước cửa và gõ”. Thực là một đặc
ân lớn lao khi Chúa tạo dựng muôn loài ước ao đến với tôi. Tôi chào đón sự hiện diện của Người.
Sự tự do
Tôi sẽ xin Chúa giúp tôi được tự do thoát khỏi mọi bận
rộn, mở lòng cho Chúa trong giờ cầu nguyện này, đến để biết Chúa, yêu mến Người
và phụng sự Người hơn nữa.
Ý thức
Trong sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, tôi ôn lại
ngày hôm qua, bắt đầu từ lúc này và nhìn ngược lại, từng lúc từng lúc. Tôi lắng đọng trong mọi sự tốt lành trong
sáng và trong niềm tạ ơn.
Tôi để ý tới những bóng tối và những gì chúng nói với
tôi, để tìm được chữa lành, can đảm và ơn tha thứ.
Lời Chúa
Giờ đây tôi lấy đoạn Kinh Thánh hôm nay. Tôi đọc chậm chậm từng lời và xem có câu nào
hoặc tâm tình nào mời gọi tôi. (Xin bạn
lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.
Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu muốn. Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để
tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lạy Chúa, đôi khi con không biết phải nói gì nếu con
đích thân được gặp Chúa. Con nghĩ con có
thể thưa “Cảm tạ Chúa” vì con biết Chúa luôn hiện diện ở đó vì con.
Kết thúc
Tôi cám ơn Chúa về những lúc Chúa và tôi đã cùng ở với
nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Chúa Nhật, ngày 22 tháng 11
Lễ Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ
Mát-thêu 25:31-46
"Khi
Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy
giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.32 Các dân thiên hạ sẽ
được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử
tách biệt chiên với dê.33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người,
còn dê ở bên trái.34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên
phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn
sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói,
các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi
đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu,
các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."37
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng
con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy
Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao
giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? "40
Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như
thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho
chính Ta vậy."41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên
trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời
đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42 Vì xưa Ta
đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43
Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã
không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."44
Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con
đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi
tù, mà không phục vụ Chúa đâu? "45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ
rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một
trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."46
Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để
hưởng sự sống muôn đời."
* Dụ ngôn dài
và thích thú này chỉ mang một sứ điệp giản
dị là: “Hãy giúp đỡ những người thiếu thốn
chung quanh bạn, nếu không bạn sẽ đánh mất toàn bộ ý nghĩa cuộc sống!” Độc giả của thánh Mát-thêu khó mà hiểu được
những gì xảy ra cho những người không phải là Do-thái, vì Do-thái là dân được
Chúa tuyển chọn. Chúa Giê-su nói rằng
khi Người đến trần gian thì mọi người đều là “người được tuyển chọn”. Mọi người đều phải được đối xử bằng tất cả sự
tôn trọng. Đây là cách chuẩn bị sẵn sàng
cho cộng đồng yêu thương sau hết. Chúa
Giê-su đã hiện diện rồi, nhưng ẩn mình nơi mọi người. Chỉ vào ngày tận thế Chúa và họ mới được tỏ
ra “trong vinh quang”.
* Tôi nhận ra
điều gì khi nhìn thấy những người thiếu thốn?
Tôi có chú ý đến vinh quang ẩn giấu của người khác không? Số phận tôi sẽ ra sao nếu như lịch sử nhân loại
chấm dứt hôm nay?
_______________
Thứ Hai, ngày 23
tháng 11
Lu-ca 21:1-4
Ngước
mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ
vào thùng tiền.2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó
hai đồng tiền kẽm.3 Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà
goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.4 Quả vậy, tất cả những người
kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút
từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình."
* Một hành vi
giản dị cũng đủ khiến cho Chúa Giê-su trân quý, để coi hành động của bà góa như
lời mời gọi ta hãy sống với lòng tín thác.
Tôi xin Chúa giúp tôi quan sát những gì đang xảy ra quanh tôi và biết
coi trọng dù chỉ là những hành vi nhỏ mọn đầy yêu thương và chăm sóc.
* Tôi xin Chúa
giúp tôi nhận ra đều tốt nhất qua những nghĩa cử trong đời sống hằng ngày. Tôi đem những giây phút này tới trước mặt
Chúa để xin Người chúc lành. Nói về sự
suy thoái khiến chúng ta phải thận trọng.
Lòng quảng đại có thể là dấu chỉ nói lên lòng nhân lành của Chúa. Trong thời buổi khó khăn, lòng quảng đại lại
cần thiết hơn nữa.
_______________
Thứ Ba, ngày 24
tháng 11
Lễ Các Thánh Tử Đạo
Việt Nam
Lu-ca 21:5-11
Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng
những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo:6
"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn
tảng đá nào trên tảng đá nào."7 Họ hỏi Người: "Thưa Thầy,
vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo
trước? "8 Đức Giê-su đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa
gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây",
và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ.9 Khi anh
em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra
trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu".10 Rồi Người nói
tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.11
Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có
những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
*
Đền Thờ được xây lên để tôn kính Chúa và là nơi cầu nguyện, nhưng lại có
những người đã không nhận ra được những điều nằm sau vẻ bề ngoài ấy. Khi các nhà thờ chính tòa và những nơi hành
hương trở thành những địa điểm du lịch, thì trước mắt Chúa Giê-su, chúng có
nguy cơ mất đi ý nghĩa đích thực. Chúng
ta hãy cầu xin cho mình biết quý trọng sự tôn kính và ý hướng tốt của những
người đã đi trước chúng ta, dù chúng ta vẫn nhìn nhận giá trị vẻ đẹp của những
công trình xây cất ấy.
*
Dựa trên ý nghĩa của Đền Thờ đối với văn hóa và tôn giáo Do-thái, những
lời Chúa Giê-su nói có thể được coi như biểu tượng cho sự kết thúc những hy vọng
cứu độ của dân Do-thái. Không gì có thể
lập lại y như thế lần tới. Vậy tôi có
phải đương đầu với những kết thúc đau thương trong vài năm vừa qua không? Thí dụ cái chết của những người thân yêu,
những tương quan bị đổ vỡ, đau yếu bệnh tật, thất nghiệp? Trong những khủng hoảng này, Chúa đã ở đâu để
phù trợ tôi? Có kết thúc nào đưa tôi tới
tự do hoặc mở ra những cơ hội mới không?
_______________
Thứ Tư, ngày 25 tháng
11
Lu-ca 21:12-19
"Nhưng trước khi tất cả
các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em
cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì
danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.14
Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa
cách nào.15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến
tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16
Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một
số người trong anh em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù
ghét.18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19
Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
*
Người ta dễ thẩm định giá trị của mình bằng con số “thích” và “đồng ý”
qua những mạng lưới xã hội. Nhưng Chúa
Giê-su dạy chúng ta đừng lẫn lộn sự nổi tiếng với hạnh phúc. Đúng vậy, sống theo những giá trị Nước Thiên
Chúa đòi chúng ta phải có đức tin và sự kiên trì.
*
Cơn bách hại Ki-tô hữu đã bắt đầu ngay thời thánh Lu-ca viết sách Tin
Mừng. Cuộc bách hại tương tự cũng đang
xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay.
Có ai trong chúng ta hiện sống trong các nước không có bách hại cảm
thông được với những đau khổ của anh chị em Ki-tô hữu đang bị thù ghét vì danh
Đức Ki-tô không? Chúng ta có liên đới với
họ một cách hữu hiệu không? Chúng ta có
cầu nguyện cho họ không? Có tham gia
bênh vực họ không?
_______________
Thứ Năm, ngày 25 tháng
11
Lu-ca 21:20-28
"Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây
hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.21
Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi
khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.22 Thật vậy, đó sẽ là những
ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.23
Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày
đó!"Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng
xuống dân này.24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các
dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời
của dân ngoại.25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng
và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào
sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp
giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám
mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng
thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."
* Chúng ta thấy ở đây có hai biến cố cùng xảy
ra: cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem và việc
Con Người đến. Một biến cố xảy ra trong
lịch sử, còn biến cố kia thì đánh dấu sự kết thúc lịch sử. Hãy để ý Chúa Giê-su cảnh báo về những khủng
khiếp do chiến tranh, nhất là những kẻ vô tội và dễ bị tổn thương phải chịu đau
khổ. Tôi cầu nguyện cho tất cả những ai
hiện đang sống trong chiến tranh, bệnh tật và đói kém.
* Cuộc Quang Lâm của Đức Ki-tô sẽ được tiên báo
bằng những điều kỳ lạ xảy ra trong toàn thể vũ trụ. Những biến cố này sẽ gây kinh hãi và xáo trộn
giữa các dân tộc trên mặt đất. Nhưng các
tín hữu không cần sợ hãi. Đúng vậy, họ
phải đứng thẳng và ngẩng cao đầu vì việc Đức Ki-tô trở lại là giai đoạn sau hết
của công cuộc cứu độ (hoặc giải phóng) nhân loại. “Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: ‘Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến’.
A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Khải Huyền
22:20). Đây có phải là điều tôi ước ao
hôm nay không? Tôi có khao khát được ở
với Chúa không?
_______________
Thứ Sáu, ngày 27 tháng 11
Lu-ca 21:29-33
Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em
hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.30 Khi cây đâm chồi,
anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.31 Anh em cũng vậy,
khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.32
Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33
Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.
* Ngày nay tôi nhận ra những dấu chỉ nào của Thiên
Chúa đang xảy ra? Trong cuộc đời
tôi? Trong thế giới quanh tôi?
* Vũ trụ đã có lâu đời; hằng triệu năm chồng chất chất đầu óc chúng
ta. Tuy nhiên vũ trụ vẫn đang qua đi,
một hình ảnh phù du so sánh với Lời Chúa là lời sẽ không bao giờ qua đi. Tôi đọc một kinh nguyện cảm tạ, vì trong vũ
trụ bao la này tôi vẫn là quan trọng trước mặt Chúa và được Người thương yêu.
_______________
Thứ Bảy, ngày 28 tháng 11
Lu-ca 21:34-36
"Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề
vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần
chụp xuống đầu anh em,35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp
mặt đất.36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức
thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."
* Giám thị là công việc quan trọng khi chúng ta
thi hành những trách nhiệm. Một người
giám thị tốt giúp chúng ta tiếp tục làm tốt.
Thiên Chúa là Đấng giám thị tối cao chỉ muốn những gì tốt nhất cho chúng
ta. Vậy chúng ta hãy tỉnh thức đón tiếp
khi Người đến.
* Cầu nguyện có thể là việc khó khăn. Bạn hãy nhớ rằng sức mạnh chúng ta phải cầu
xin cho mọi phương diện cuộc sống chúng ta đều từ Chúa mà tới. Chúng ta chỉ cần kiên nhẫn cầu xin mà thôi.