TUẦN
I SAU GIÁNG SINH (Ngày 29 tháng 12 năm 2019 – ngày 4 tháng 1 năm 2020)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày
trong tuần:
Hôm nay bạn có thể nhớ lại những khởi đầu
cũng như những kết thúc. Chúng ta giã từ
những gì đến trước đây và tiếp nhận cái mới, có Chúa luôn luôn là một phần của
mọi khởi đầu cũng như mọi kết thúc.
Chúng ta có thể bước vào cái không biết với niềm hy vọng và can đảm, bởi
chúng ta biết rằng Lời Chúa hiện diện ở mọi nơi mọi lúc. Rồi chúng ta lại gặp gỡ Chúa trong từng nỗ lực
mới. Như T. S. Eliot viết trong “Little
Gidding”: “Rồi kết thúc của mọi sự, ta
khám phá mình sẽ phải đến nơi đã khởi đầu và lần thứ nhất biết được đâu là nơi chốn”.
- Margaret
Felice, 2019: A Book of Grace-Filled Days
Sự hiện diện của Chúa
Đang khi tôi ngồi đây, tiếng trái tim đập,
hơi thở phập phồng, những chuyển động của tâm trí, tất cả đều là những dấu chỉ
nói lên việc Chúa tiếp tục dựng nên tôi.
Tôi dừng lại một phút để ý thức sự hiện
diện của Chúa ở trong tôi.
Sự tự do
Mọi sự đều có thể đón nhận từ nơi tôi một
tình yêu và sức sống đầy đủ hơn.
Vậy mà những ước muốn của tôi thường lại
cố định, bị kềm chế do những ảo vọng thành công.
Tôi cầu xin Chúa, nhờ sự tự do của tôi,
tôi có thể sắp xếp những ước muốn của mình theo một nhịp độ hài hòa sống động
và đầy yêu thương.
Ý thức
Tôi tự hỏi, hôm nay tôi thấy mình như thế
nào? Đặc biệt mệt mỏi, căng thẳng hay bất
thường? Nếu thấy như vậy, tôi có thể cố
gắng để cho những lo lắng gây khó chịu ấy qua đi không?
Lời Chúa
Tôi chậm chậm đọc đi đọc lại lời Chúa vài
ba lần, rồi lắng nghe điều Chúa nói với tôi.
(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để
tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tôi bắt đầu nói với Chúa Giê-su về đoạn
Kinh Thánh vừa đọc. Phần nào đánh động
tâm hồn tôi? Có lẽ những lời của một người
bạn hoặc câu chuyện vừa đọc sẽ dần dần hiện lên trong ý thức của tôi. Nếu có, câu chuyện ấy có soi sáng cho điều đoạn
Kinh Thánh đang nói với tôi không?
Kết thúc
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con,
và Đức Chúa Thánh Thần.
Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và
hằng có, và đời đời chẳng cùng. A-men.
Tuần I sau Giáng
Sinh
Chúa Nhật, ngày 29 tháng 12
Lễ Thánh gia
Mát-thêu 2:13-15,19-23
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về,
thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì
vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi
dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở
đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng
ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập…
19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà,
sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,20 báo mộng cho
ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những
kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi."21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài
Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã
kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi
sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,23 và đến ở tại một
thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng:
Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.
*
Theo trình thuật Tin Mừng, Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, giống
như hằng triệu người ngày nay, đã trải qua một thời kỳ là những người di dời
nơi sinh sống. Thánh Giu-se là người nhận
những hướng dẫn phải làm gì khi các biến cố xảy ra. Chúng ta có thể nói rằng nhất cử nhất động đều
là bước đi trong bóng đêm, nhưng chắc chắn không có sứ điệp nào lại giống như lời
loan báo đầu tiên hết sức độc đáo và như sét đánh ngang tai rằng Thánh Thần
Chúa đã can thiệp vào cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a.
Người ta có thể nói rằng trong cuộc báo mộng này thánh Giu-se đã có quyền
hơn ông Da-ca-ri-a để không biết những gì sẽ xảy ra và không bị câm như ông ấy. Tôi xin ơn đức tin khi tôi phải bước đi trong
đêm tối.
*
Có lẽ chúng ta phải gọi thánh Giu-se là thánh bổn mạng về lòng tín thác. Người chẳng được biết gì cho đến phút chót, rồi
Người trung thành tuân theo bất cứ hướng dẫn nào Chúa ban cho Người. Một số người trong chúng ta sẵn sàng nhận ra
rằng trong một xã hội thay đổi chóng mặt, chúng ta không bao giờ biết được điều
gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ý thức của thánh
Giu-se phải bước đi trong bóng tối là một mẫu gương cho chúng ta.
_______________
Thứ Hai, ngày 30 tháng 12
Lu-ca 2:36-38
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên
là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất
giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám
mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ
phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ
Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu
chuộc Giê-ru-sa-lem.
*
Bà An-na không rời bỏ Đền Thờ, nhưng phụng sự Thiên Chúa tại đó qua việc
ăn chay và cầu nguyện đêm ngày! Bạn thử
tưởng tượng xem! Chúng ta không thể
thinh lặng chăm chú để làm công việc ấy, nhưng tất cả chúng ta đều muốn đặt
Thiên Chúa lên trên hết trong cuộc sống chúng ta. Tôi có thể tỏ ra lòng sùng kính của tôi hôm
nay thế nào?
*
Cuộc đời bà An-na đã sớm chịu mất mát trong cuộc sống hôn nhân vì chồng
bà mất sớm. Bà đã chọn sống những gì còn
lại của khả năng mình và lòng yêu mến phụng sự Thiên Chúa. Đây không phải là đường lối cho mọi người,
nhưng chúng ta có thể học nơi bà An-na bài học rằng mình có thể tạo nên cuộc sống
mới sau khi cuộc sống cũ của chúng ta đã bị tàn phá. Vậy tôi đã phải chịu những
mất mát nào? Có phạm vi nào trong cuộc đời
tôi đã chấm dứt rồi không? Nếu có, tôi
có nhận ra sự sống mới đang chờ đợi tôi không?
Tôi cầu xin cho mình biết mở lòng đón nhận một chương sách mới của đời
tôi, dù có là gì đi nữa.
_______________
Thứ Ba, ngày 31 tháng 12
Gio-an 1:1-18
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo
thành, và
không có Người, thì
chẳng có gì được tạo thành.4 Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,và sự sống
là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được
ánh sáng.6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông
đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh
sáng, nhưng ông đến để làm chứng
về ánh sáng.9
Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh
sáng đến thế gian và
chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai
đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên
con Thiên Chúa.13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục
thể, hoặc do ước muốn của người
đàn ông, nhưng
do bởi Thiên Chúa.14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy
vinh quang của Người, vinh
quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.15 Ông Gio-an
làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước
tôi."16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.17 Quả thế, Lề
Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.18
Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng
Chúa Cha, chính
Người đã tỏ cho chúng ta biết.
*
Máng cỏ giúp chúng ta có một viễn tượng về Chúa Giê-su: trên bình diện con người, chúng ta dễ tưởng
tượng ra và yêu mến. Sách Tin Mừng thứ bốn
cho chúng ta một cái nhìn mang tính cách vũ trụ: Chúa Giê-su như là sức mạnh và sự thông minh
đã có trước thời gian và không gian để Thiên Chúa sử dụng mà tạo dựng và duy
trì vũ trụ. Chúa Giê-su là Logos, Lời, căn nguyên sự sống, và ánh
sáng cho mọi người.
*
Vì Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là con người – tức căn nguyên công
cuộc tạo dựng và là hài nhi yếu đuối – nên chúng ta có thể đem dâng Người mọi
điều chúng ta cảm nghiệm. Vậy đâu là những
vấn đề “thuộc con người” mà bạn phải đối phó hôm nay: đau yếu, những trục trặc trong các mối tương
quan, thiếu hụt tài chánh? Và đâu là những
vấn đề “thuộc Thiên Chúa” bạn có thể dâng Chúa:
tin vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa, niềm hy vọng được phát triển và
hiểu biết mà bạn chưa thấy được?
_______________
Thứ Tư, ngày 1 tháng 1 năm 2020
Lễ Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa
Lu-ca 2:16-21
Họ liền hối hả ra đi.
Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17
Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18
Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà
Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20
Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi
điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.21
Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt
tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi
Người được thụ thai trong lòng mẹ.
* Chúng ta bắt đầu Năm Mới giống như khi bắt
đầu cuộc sống dưới sự che chở của một người mẹ.
Hôm nay chúng ta cử hành một mối tương quan nồng nhiệt và bền vững nhất
trong các mối tương quan của nhân loại, đó là mối tương quan giữa bà mẹ và đứa
con. Khi Mẹ Ma-ri-a nhìn con của Mẹ và
cho con bú, Mẹ biết rằng ở đây đã có một phương diện Mẹ không sao hiểu
được. Vậy trong bất cứ vấn đề hoặc khó
khăn nào về tương quan giữa cha mẹ với con cái mà bạn có, bạn cũng có Mẹ
Ma-ri-a đồng hành với bạn.
* Ba thế kỷ trước Công đồng chung Ê-phê-xô, các
Ki-tô hữu đã suy nghĩ về lễ trọng này khi họ dám thánh hiến danh hiệu Theotokos, “Mẹ Thiên Chúa”.
Cũng như Mẹ Ma-ri-a, tôi trân quý những lời nói về Chúa Giê-su và tôi
suy niệm những lời ấy ở trong lòng.
_______________
Thứ
Năm, ngày 2 tháng 1
Lễ thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô
Nazianzenô,
giám mục và tiến sĩ Hội Thánh
Gio-an
1:19-28
Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ
Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai?
"20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không
phải là Đấng Ki-tô."21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào?
Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." -
"Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không."22
Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những
người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "23 Ông
nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa
đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người
thuộc phái Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép
rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị
ngôn sứ? "26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa
trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27
Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."28
Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm
phép rửa.
*
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi viết về vấn đề đại kết, đã khẳng định
rằng Giáo Hội cần phải thở bằng hai cánh phổi.
Ngài nhận thấy Giáo Hội có một truyền thống Đông phương và một truyền thống
Tây phương nên Giáo Hội cần đến cả hai nếu muốn là một Giáo Hội toàn vẹn và
lành mạnh. Hai thánh Basiliô và Grêgôriô
chúng ta mừng lễ hôm nay tượng trưng cho truyền thống Đông phương và nhắc nhở
chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu được hiệp nhất. Vậy bạn biết gì về hai vị thánh này và gia sản
của các ngài? Đã khi nào bạn thăm viếng
một nhà thờ Đông phương chưa?
*
Thánh Gio-an Tẩy Giả hướng sự chú ý của dân chúng về Chúa Ki-tô. Vai trò của Gio-an là dọn đường cho ngay thẳng
để Chúa đến, rồi ngài bước sang bên lề.
Gio-an trình bày điều mọi Ki-tô đều được mời gọi, là hãy làm chứng nhân
cho Chúa Ki-tô, là những kẻ tiền hô cho Tin Mừng. Vậy bạn thấy mình là một chứng
nhân hay là một người tiền hô?
_______________
Thứ
Sáu, ngày 3 tháng 1
Gio-an
1:29-34
Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói:
"Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30
Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi
hơn tôi, vì có trước tôi.31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người
được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước."32
Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống
và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai
tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và
ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34
Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."
*
Các họa sĩ thường vẽ ông Gio-an Tẩy Giả với một cánh tay đưa ra chỉ vào
Chúa Giê-su. Hình ảnh này chính xác nhắc
nhở chúng ta về phận vụ của thánh Gio-an trong câu chuyện Tin Mừng. Hình ảnh ấy cũng chứng tỏ thái độ quên mình của
ngài. Gio-an có thể nhận biết Chúa
Giê-su là ai, nhưng chỉ có Chúa Giê-su mới xóa bỏ được tội lỗi trần gian và làm
phép rửa bằng Thánh Thần. Hôm nay khi cầu
nguyện, tôi suy niệm về ơn Chúa Thánh Thần.
*
Gio-an nhận ra những dấu chỉ nói lên lòng sủng ái của Thiên Chúa đối với
Chúa Giê-su. Thật khó mà tưởng tượng ra
Gio-an đã nhìn thấy Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su nếu ngài không đi
theo đường lối của Thiên Chúa dành cho ngài.
Vì Gio-an kết hiệp với Thiên Chúa, nên ngài đã nhận được ơn hiểu ra ý
nghĩa các dấu chỉ. Tôi cầu xin cho mối
thông hiệp tôi đang có với Chúa Giê-su là Chúa, rồi Thiên Chúa sẽ mở mắt cho
tôi đón nhận sự khôn ngoan.
_______________
Thứ Bảy,
ngày 4 tháng 1
Lễ thánh Elisabeth Ann Seton, tu sĩ
Gio-an
1:35-42
Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ
của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói:
"Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền
đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo
mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi
(nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "39 Người bảo họ: "Đến
mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó
vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một
trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước
hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng
Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức
Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an,
anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).
*
Ông Gio-an chỉ cho các môn đệ thấy Chúa Giê-su. Ngài nhận ra sứ vụ của Chúa Giê-su sẽ thay thế
sứ vụ của ngài. Các vị tôn sư khôn ngoan
biết khi nào là lúc để các học trò hoặc những người được hướng dẫn sẽ rời bỏ họ
để bước vào giai đoạn trưởng thành kế tiếp.
Hôm nay, tôi nhớ đến những người đã dạy dỗ tôi. Các ngài đã giúp tôi như thế nào để tôi nhận
ra đâu là lúc phải tiến tới? Hoặc tôi
nghĩ đến những người tôi đã hoặc đang hướng dẫn. Tôi có thể để họ ra đi đúng lúc không? Tôi có mừng khi một vị thầy mới sẽ đến để
giúp đỡ những nhu cầu thiêng liêng của họ không?
*
Các môn đệ hiểu rằng đi theo Chúa Giê-su là ở lại với Người, chứ không
phải chỉ nghe lời giảng của Người mà thôi.
Chẳng phải là điều bất thường khi các vị thầy giữ môn đệ ở bên cạnh để cho
việc học hành của họ liên kết với đời sống hằng ngày. Vậy tôi ở bên Chúa Giê-su như thế nào? Những vị hướng dẫn nào giúp tôi học hỏi qua
những gương mẫu hằng ngày?