TUẦN VII PHỤC SINH (Ngày
16 – 22 tháng 5 năm 2021)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Thông điệp Laudato
Si’ (Chúc tụng Chúa) đã chuyển tải nguồn năng lực lớn lao vào công cuộc
chăm sóc Ngôi Nhà Chung của chúng ta. Đức
Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ với nhân loại lời Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập
giá thách đố thánh Phanxicô Assisi năm 1205:
“Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi nhà của Ta vì như con thấy nó sắp sụp
đổ rồi”. Bạn hãy lưu ý mệnh lệnh “Hãy
đi!” của Chúa. Thông điệp Laudato Si’ được hình thành với niềm hy
vọng mạnh mẽ, như những đoạn trích dẫn dưới đây minh chứng:
Hy vọng mời gọi chúng ta
nhận ra, vẫn còn có lối thoát (61).
Chỉ
cần một người công chính là đủ, để hy vọng không bị chôn vùi (71). Nếu Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ từ hư không, thì
Người cũng có thể can thiệp vào thế giới này và chiến thắng sự dữ
dưới mọi hình thức (74). Cách thức tốt đẹp để đưa
con người vào vị trí của mình và chấm dứt việc đòi hỏi quyền làm
chủ tuyệt đối trên trái đất này, chỉ bằng cách đưa ra hình ảnh của
một người Cha, Đấng sáng tạo và chủ duy nhất của thế giới này (75). Chúng ta không thể có một
thứ linh đạo lại quên Thiên Chúa toàn năng và là Đấng sáng tạo (75).
Đức Kitô đã đón nhận thế
giới vật chất này (221), tất
cả thụ tạo của vũ trụ vật chất sẽ tìm được ý nghĩa đích thực
trong Ngôi Lời Nhập Thể, chỉ vì Con Thiên Chúa đã hội nhập trong con
người của mình một phần của vũ trụ vật thể, nơi mà Người đưa vào
một mầm giống chuyển đổi dứt khoát (235).
Mục
đích cuối cùng của những tạo vật khác không phải là chúng ta. Nhưng
chúng cùng đồng hành với chúng ta và qua chúng ta cùng tiến về một
mục đích chung là chính Thiên Chúa, trong một sự tràn đầy siêu vượt (83). Mọi vật sẽ chuyển động đến
cùng đích đã được xác định : cũng như người làm tàu sử dụng gỗ
theo ý muốn của mình để định hình chiếc tàu (80). Thật vậy, bí tích Thánh Thể tự tại là một hành động
tình yêu mang tính vũ trụ… vì bí
tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào tất
cả sáng tạo (236). Giữa thời gian đó, chúng ta được kết hợp lại với nhau
để đón nhận ngôi nhà này, ngôi nhà được trao cho chúng ta, vì chúng
ta biết, tất cả điều gì tốt đẹp đang có, sẽ được đón nhận vào bàn
tiệc thiên quốc. Chúng ta sẽ cùng tiến bước với tất cả thụ tạo trên
con đường của chúng ta trên thế gian này – để đi tìm Thiên Chúa – chỉ
vì “khi thế gian có một nguồn gốc và được tạo dựng, nó sẽ đi tìm
Đấng sáng tạo nên nó, nó tìm Đấng đã ban cho nó một khởi đầu, đó
là Đấng Sáng Tạo của nó” [172]. Hãy tiến bước trong tiếng ca vang!
Ước gì, cuộc chiến đấu của chúng ta cho hành tinh này sẽ không cất
đi khỏi chúng ta niềm vui của hy vọng (244).
- Brian Grogan,
SJ, Creation Walk: The Amazing Story of a Small Blue Planet
Sự hiện diện của Chúa
Đang khi tôi ngồi đây, tiếng đập của trái tim, lồng ngực
phập phồng theo nhịp thở, những chuyển động của trí khôn, tất cả đều là những dấu
chỉ nói lên việc Thiên Chúa dựng nên tôi đang diễn tiến. Tôi ngừng lại một chút để ý thức sự hiện diện
của Chúa trong tôi.
Sự tự do
Tôi sẽ xin Chúa giúp đỡ tôi được tự do thoát khỏi những
bận rộn của tôi, biết mở lòng cho Chúa trong giờ cầu nguyện này, được biết, yêu
mến và phụng sự Chúa hơn nữa.
Ý thức
Lạy Chúa, vào lúc này, con hướng tâm tư về cùng
Chúa. Con sẽ dẹp qua một bên mọi lo lắng
và bận rộn của con. Con sẽ nghỉ ngơi và
để mình được bồi dưỡng trong sự hiện diện của Chúa.
Lời Chúa
Giờ đây tôi giở đoạn Kinh Thánh hôm nay. Tôi đọc kỹ những lời trong đó và xem có câu nào
hoặc tâm tình nào đánh động tâm hồn tôi không.
(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những
trang kế tiếp. Các điểm gợi ý đã có sẵn
để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn
sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Bạn hãy bắt đầu nói với Chúa Giê-su về đoạn Kinh Thánh
vừa đọc. Phần nào đánh động tâm hồn bạn? Có lẽ những lời của một người bạn , hoặc một
câu chuyện bạn vừa nghe, sẽ từ từ hiện lên trong ý thức của bạn. Nếu có, câu chuyện ấy có soi sáng cho điều đoạn
Kinh Thánh nói với bạn không?
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh
Thần Thiên Chúa.
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu
vạn đại. A-men.
Tuần
VII Phục Sinh
Chúa Nhật,ngày 16
tháng 5
Lễ Thăng Thiên
Mác-cô 16:15-20
Người
nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn
ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những
ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới
lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng
sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh
khoẻ."
19
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20
Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các
ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
* Hôm nay Đức
Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi chúng ta hãy tuân theo mệnh lệnh Chúa truyền hai ngàn
năm trước đây. Chúng ta phải cùng nhau
làm việc để làm sao chia sẻ Tin Mừng.
Chúng ta không thể chôn giấu hay tích trữ tài năng được ban cho chúng
ta, vì mọi người đều cần nghe tin vui rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta phải là “tin vui trong giờ hiện tại”.
* Thiên Chúa đã
định đem hết thảy chúng ta vào cộng đồng yêu thương cuối cùng là cộng đồng đang
được quy tụ ngày này qua ngày khác. Vậy
lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Chúa nói “Hãy đi!” và cho con biết tìm những
phương thức đầy sáng tạo để trở thành tin vui cho những người chung quanh con.
_______________
Thứ Hai, ngày 17
tháng 5
Gio-an 16:29-33
Các
môn đệ Người thưa: "Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn
nào nữa.30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy
không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến."31
Đức Giê-su đáp: "Bây giờ anh em tin à?32 Này đến giờ -và giờ ấy
đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình.
Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.33 Thầy nói với
anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em
sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian."
* Đức tin có phải
là một thách đố đối với tôi không? Thách
đố cách nào? Tôi có cảm thấy mình đang ở
trong một cộng đồng tốt đẹp giữa các người môn đệ “chậm hiểu” không? Đức tin luôn “vượt trên” mang ý nghĩa
gì? Vượt trên những gì tôi biết, những
gì tôi tưởng tượng được hay vẫn còn hy vọng?
* Tôi có cảm nhận
là mình không cô độc không? Tôi có thể
xin Chúa đừng để tôi cô độc, nhưng xin Người luôn ở với tôi không? Có bao giờ tôi cảm nghiệm được thứ bình an
thánh Gio-an nói đến ở đây không? Tôi có
thể xin ơn bình an đó không?
_______________
Thứ Ba, ngày 18
tháng 5
Gio-an 17:1-11a
Nói
thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến!
Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.2 Thật vậy, Cha đã
ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất
cả những ai Cha đã ban cho Người.3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận
biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến,
là Giê-su Ki-tô.
4
Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao
cho con làm.5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha:
xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.6
Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh
Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.7
Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,8
vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết
thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9
Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ
Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.10 Tất cả những gì của
con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn
vinh nơi họ.11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở
trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
* Sứ mệnh của
Chúa Giê-su sắp hoàn tất. Thánh Gio-an
coi cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giê-su là thời điểm Người được vinh hiển
nhất, vì sứ mệnh của Người là dùng hình thức loài người để mặc khải cho toàn thể
nhân loại trong mọi hoàn cảnh được biết tình yêu và lòng thương xót vô biên của
Thiên Chúa.
* Tình yêu và
lòng thương xót hiển nhiên nhất khi Chúa Giê-su lấy tình yêu và lòng thương xót
mà đáp lại khi Người bị phản bội, chối bỏ, cười nhạo, đánh đòn và chịu đóng
đinh vào thập giá. Sứ điệp là không gì
có thể tách biệt chúng ta khỏi tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Người làm rõ bản chất nội tại của Thiên
Chúa. Sự dữ của toàn thể nhân loại được
biến đổi trong trái tim của Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá.
* Bạn hãy đăm
đăm nhìn vào thánh giá của Chúa Giê-su mà suy nghĩ về những gì Người phải chịu
đựng để tỏ bày lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. “Vì Người phải mang những vết
thương mà anh em đã được chữa lành” (1
Phê-rô 2:24).
_______________
Thứ Tư, ngày 19
tháng 5
Gio-an 17:11-19
Con
không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến
cùng Cha.
12
Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con
đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng
nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những
điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14
Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc
về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không
xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16
Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17
Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha
đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ,
con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
* Chương này
trong Tin Mừng thánh Gio-an trình bày Chúa Giê-su là Đấng ban sự sống Thiên
Chúa. Người có đầy tràn sự sống của
Thiên Chúa. Đó là những gì Người để lại
cho chúng ta qua Thịt và Máu Người trong Bí tích Thánh Thể. Cầu nguyện liên kết chúng ta với hy tế của
Chúa Giê-su, Đấng suốt cuộc đời chứ không chỉ tại đồi Canvariô đã hiến thân làm
Thầy, Đấng chữa lành, bảo vệ cho chúng ta, luôn luôn như người bạn đầy lòng yêu
thương. Vậy bạn thích nhất danh hiệu nào
của Chúa Giê-su? Bạn hãy lập lại danh hiệu
ấy khi cầu nguyện và mang theo mình trong ngày tựa như một điệu nhạc vương vấn
trong tâm hồn.
_______________
Thứ Năm, ngày 20
tháng 5
Gio-an 17:20-26
Con
không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà
tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong
Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.22
Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một
như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được
hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã
yêu thương họ như đã yêu thương con.
24
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó
với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho
con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.25 Lạy
Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha,
và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.26 Con đã cho họ
biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở
trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
* Lời cầu nguyện
“để họ được nên một” của Chúa Giê-su có thể bị hiểu lầm. Ý nghĩa sự hiệp nhất ở đây còn lớn lao và sâu
xa hơn cả sự đồng nhất, hơn cả những người tuyên xưng cùng một đức tin và tuân
giữ cùng những cách sống đạo. Đây là sự
hiệp nhất trong đó tình yêu được cho đi và nhận lấy, một tình yêu chấp nhận sự
khác biệt. Chúa Giê-su và Cha Người, tuy
là một nhưng vẫn khác biệt nhau. Các môn
đệ Chúa đang khi trở nên một với Chúa Giê-su nhưng vẫn giữ nguyên căn tính vá
cá tính của họ.
* Lạy Chúa, xin
giúp con hiểu rằng trong tình yêu có sự khác biệt, chứ không có chia rẽ.
_______________
Thứ Sáu, ngày 21
tháng 5
Gio-an 21:15-19
Khi
các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con
ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp:
"Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông:
"Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."16 Người lại hỏi:
"Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp:
"Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn
dắt chiên của Thầy."17 Người hỏi lần thứ ba: "Này anh
Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì
Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp:
"Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức
Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo thật
cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng
khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến
nơi anh chẳng muốn."19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải
chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."
* “Anh có yêu mến
Thầy không?” Chúa hỏi ông Phê-rô câu
này, tôi cũng được hỏi như vậy. Vậy tôi
có nhận ra sự tốt lành trong tôi như Chúa nhận thấy không?
* Khi ông
Phê-rô đứng trước mặt Chúa Giê-su, dĩ nhiên người ta đều cho rằng ông quá ý thức
được sự sa ngã của ông đến nỗi ông không dám đứng bên hoặc với Thầy mình trong
cuộc Thương khó của Người. Chúa Giê-su
chú ý đến khả năng yêu mến của Phê-rô, chứ không chú ý đến sa ngã của ông. Người không sửa dạy Phê-rô về những phản bội
của ông. Vì Phê-rô yêu mến nên ông được
phục hồi và ban cho trọng trách chăm sóc cộng đồng Ki-tô sơ khai.
* Đây có phải
là vấn đề của tôi không? Là chú tập vào
những yếu đuối sa ngã của mình nên không muốn hoặc không thể nhìn nhận rằng
Chúa yêu thương tôi như chính con người của tôi và Người vẫn có việc cho tôi làm?
_______________
Thứ Bảy, ngày 22
tháng 5
Gio-an 21:20-25
Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức
Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức
Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? "21
Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh
này thì sao? "22 Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy
còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo
Thầy."23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ
không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ
không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới
khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "24 Chính môn đệ này làm
chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người
ấy là xác thực.25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết
lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các
sách viết ra.
* Trang giấy để trắng ở cuối cuốn Kinh Thánh là
để dành cho chúng ta viết lên tin mừng của chúng ta. Mọi cuốn sách trên thế giới này cũng không
chứa hết những câu trả lời cho câu chuyện Đức Ki-tô. Sách tin mừng của chúng ta bắt đầu từ ngày
chúng ta ra đời qua những thời điểm của cuộc sống chúng ta “đã gặp Chúa”, tựa
như các tông đồ đã gặp Người. Có lẽ hôm
nay bạn có thể cảm tạ Chúa về những cách bạn đã thấy Người gần gũi bạn trong
cuộc sống: những lúc thăng trầm. Trong nhật ký của một cuộc đời đều là tình
yêu và hành động của Thiên Chúa. Còn
trong Nhật ký của Thiên Chúa, tên chúng ta được ghi “trong sách hằng sống” rồi.