LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA / TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 10 – 16 tháng 1 năm 2021)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Một linh mục giảng thuyết được người ta hâm mộ kể lại câu chuyện về một người trong giáo xứ kia.  Trước đây ông ta vẫn đi lễ đều đặn, bỗng nhiên không đi nữa.  Sau mấy tuần, cha xứ quyết định đến thăm ông.  Buổi tối lạnh lẽo và cha thấy ông đang ngồi ở nhà một mình trước lò sưởi than hồng.

        Đoán được lý do cha xứ đến thăm, ông đón ngài, mời ngài ngồi vào cái ghế lớn gần lò sưởi và chờ đợi.  Cha xứ dáng vẻ thư thái nhưng vẫn không nói gì.  Trong cái yên lặng nặng nề ấy, ngài chỉ ngồi và nhìn vào ngọn lửa.

        Sau năm phút, cha xứ cầm cái gắp than, cẩn thận gắp một cục than đang cháy rồi đặt sang một bên lò sưởi và để một mình nó ở đấy.  Rồi ngài trở lại ghế ngồi, vẫn yên lặng.  Cả hai người nhìn cục than.  Dần dần cục than bớt đi ngọn lửa, một ánh lửa chợt lóe lên rồi tắt ngúm.  Chẳng mấy chốc cục than lạnh và chết.  Cha xứ lại đứng dậy, gắp cục than bỏ lại vào giữa lò sưởi.  Lập tức nó bắt đầu bốc cháy, tỏa sáng và hơi nóng cùng với những cục than đang cháy chung quanh.

        Bài học câu chuyện thật đơn giản.  Một cục than đơn độc không thể tự nó cháy lên;  nhưng nó nhờ nhiều cục than khác để làm thành lửa không tắt đi được.  Chẳng có Ki-tô hữu nào có thể cháy lửa yêu mến Chúa lâu được nếu không có sự nâng đỡ của những Ki-tô khác trong Giáo Hội.

-  Paul O’Reilly, SJ, Hope in All Things

 

 

Sự hiện diện của Chúa

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).  Lạy Chúa, này con đây.  Con đến tìm sự hiện diện của Chúa.  Con khao khát quyền năng chữa lành của Chúa.

 

Sự tự do

Chúa không xa lạ gì với sự tự do của tôi.  Chúa Thánh Thần thở sự sống vào tận những ước muốn thâm sâu nhất của tôi, nhẹ nhàng thúc đẩy tôi đến với tất cả những điều tốt lành.  Tôi xin ơn biết để cho Chúa ThánhThần nắn đúc tôi.

 

Ý thức

Tôi nhắc nhớ mình đang ở trong sự hiện diện của Chúa.  Tôi sẽ ẩn náu trong trái tim yêu thương của Người.  Chúa là sức mạnh tôi trong những khi tôi yếu đuối.  Người là Đấng an ủi trong những lúc tôi sầu khổ.

 

Lời Chúa

Tôi dành thời giờ để chậm chậm đọc Lời Chúa vài ba lần, để mình ở lại trong bất cứ điều gì đánh động tôi.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh trong những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu muốn.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn đón tiếp các trẻ nhỏ khi Chúa sống trên trần gian này.  Xin Chúa dạy con có niềm tín thác vào Chúa giống như tín thác của trẻ em.  Xin dạy con sống mà biết rằng Chúa sẽ không khi nào bỏ rơi con.

 

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

 

 

Tuần 1 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 10 tháng 1

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Mác-cô 1:7-11

 

Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."

 

*  Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa cho chúng ta cơ hội để bước vào một thời điểm đạo đức mạnh mẽ. Chúa Giê-su biết rõ căn tính của Người.  Dấu ấn của Chúa Thánh Thần in vào cuộc sống Người.  Lạy Chúa, xin Chúa nhắc nhở con cũng phải mang dấu ấn nói lên việc Chúa chấp nhận con là ai.  Con được đánh dấu do Thánh Thần Chúa, được kêu gọi để tham gia sứ mệnh Chúa với tính cách là một người con yêu dấu.

*  Thánh Gio-an Tẩy Giả biết rõ căn tính và chỗ đứng của ngài trong kế hoạch đang khai mở của Thiên Chúa.  Ngài là dụng cụ để chỉ cho người ta biết Chúa Giê-su.  Vậy ai là những hình ảnh “Gio-an Tẩy Giả” trong cuộc sống tôi?

_______________

 

Thứ Hai, ngày 11 tháng 1

Mác-cô 1:14-20

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

 

*  Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ bằng cách kêu gọi một nhóm đi theo Người.  Người ban cho các môn đệ sứ mệnh làm những kẻ lưới người cho Nước Thiên Chúa.  Người chọn những kẻ đồng hành với Người là những kẻ bình thường, những kẻ không giàu có cũng chẳng có chức vị.  Điều lạ lùng là họ không có lý tưởng chắc chắn, biết Người rất ít, vậy mà họ vẫn bỏ mọi sự để theo Người.

*  Lạy Chúa, Chúa tiếp tục kêu gọi những người bình thường giống như con vậy.  Trong mọi khả năng con người mình, ước gì con hãy đem Tin Mừng đến cho người khác.

_______________

 

Thứ Ba, ngày 12 tháng 1

Mác-cô 1:21-28

 

Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! "26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

 

*  Chúa Giê-su giảng dạy với uy quyền và uy quyền từ con người của Chúa mà đến. Chúng ta nhận thấy uy quyền ấy có thể hoàn toàn mang ý nghĩa con người:  cảm thông, không sợ hãi, đầy yêu thương, hăng say bênh vực cho công lý và ý thức được những gì trong tâm hồn con người.  Chính lúc quan sát Người và suy nghĩ những lời Người nói cũng như lối sống của Người mà tôi cũng có thể học biết được thế nào là làm người.

_______________

 

Thứ Tư, ngày 13 tháng 1

Mác-cô 1:29-39

 

Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

 

*  Những giờ khắc đầu tiên được ghi lại trong sứ vụ của Chúa Giê-su là cả một sinh hoạt vô cùng bận rộn.  Chúng ta phải hiểu sự kiện khi Chúa Giê-su bước vào cuộc sống của nhân loại thì mọi sự thay đổi nhanh chóng và trở nên tốt đẹp hơn đối với những ai mở lòng đón nhận.  Một cuộc tạo dựng mới bắt đầu ở đây rồi!  Mọi người đều phải tham dự vào cuộc tạo dựng ấy.

*  Vậy tôi cần điều gì từ nơi Chúa Giê-su?  Tôi chỉ là một kẻ bàng quan đứng nhìn sự việc xảy ra hay tôi phải chiến đấu để đến gần Người?  Sự hiện diện của Chúa đem lại sự toàn vẹn;  vậy tôi có cần điều ấy không?  Người ta trở nên sống động hơn;  vậy tôi có cần như thế không?  Bà mẹ vợ ông Si-môn lấy lại sinh lực để phục vụ;  vậy tôi có cần điều này không?  Đừng để thực tại này xảy ra, là “Mọi người đang đi tìm Chúa” ngoại trừ tôi.

_______________

 

Thứ Năm, ngày 14 tháng 1

Mác-cô 1:40-45

 

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! "42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

 

*  Một lần nữa trong sách Tin Mừng, chúng ta lại thấy Chúa Giê-su chạnh lòng thương.  Bệnh phong hủi là một cái chết của người đang còn sống:  kẻ chịu đau khổ vì bệnh này bị cách ly với gia đình và cộng đồng, rồi phải kêu to lên “Ô uế, ô uế” khi có ai đến gần họ.  Theo lễ nghi, khi đụng chạm vào người phong hủi, Chúa Giê-su cũng đã trở thành ô uế.  Nhưng đối với Chúa Giê-su, không có khoảng cách nào ngăn cản được Người đến giúp đỡ kẻ phong hủi này.  Chúa chạm vào anh, nói với anh, rồi cho anh được tự do để hoàn toàn làm một con người.

*  Tôi dành một chút thì giờ ở lại với người phong hủi trước khi anh được chữa lành, rồi tôi gặp lại anh sau khi anh được lành.  Vậy anh có thể nói gì với tôi về đức tin của anh vào Chúa Giê-su?  Về lòng cảm thông của tôi đối với những người cùng khốn?  Tôi đang chạm tới người nào?

_______________

 

Thứ Sáu, ngày 15 tháng 1

Mác-cô 2:1-12

 

Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? "8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn?10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! "12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! "

 

*  Điều gì đã có thể biến một cuộc chữa lành đơn giản trở thành một trận xung đột căng thẳng về thần học?  Chính Chúa Giê-su đã châm ngòi cuộc xung đột này khi Người tha tội cho người bại liệt, điều người ta không xin Chúa làm.  Các kinh sư đang có mặt coi việc này là tội phạm thượng.  Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.  Vậy Chúa Giê-su sử dụng quyền năng của Người để chữa lành thể xác như một dấu hiệu nói lên rằng Người cũng có quyền chữa lành linh hồn nữa.  Thánh Mác-cô đã cho thấy dấu hiệu tội danh các nhà cầm quyền Do-thái sau này sẽ sử dụng để kết án tử hình Chúa Giê-su:  tội phạm thượng.

*  Bạn hãy lưu ý việc người bại liệt lệ thuộc vào các người bạn đưa anh ta đến với Chúa Giê-su.  Chính nhờ đức tin của họ mà Chúa Giê-su nhận ra và đáp lại họ.  Còn chính người bại liệt thì không hề mở miệng nói một lời nào.

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 16 tháng 1

Mác-cô 2:13-17

 

Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! "17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

 

*  Tất cả câu chuyện này đều dẫn tới điều khẳng định đáng ghi nhận đã kết thúc bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giê-su “không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.  Khác hẳn với một tình huống nên tránh, đoàn lũ những “kẻ tội lỗi” chính là những người Chúa Giê-su cần phải đi tìm kiếm.  Họ là những người cần được Chúa chữa lành nhất.  Giáo lý này hôm nay được áp dụng cho Giáo Hội, các giáo xứ chúng ta, các nơi làm việc và mọi gia đình.  Vậy thái độ bao dung của chúng ta đối với người khác thế nào?  Chúng ta có cảm thấy thoải mái trong bữa tiệc ông Lê-vi khoản đãi không? 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space 2021