TUẦN 19 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 8 – 14 tháng 8 năm 2021)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Mô thức cộng đồng thụ tạo mở ra những đại
lộ mới giúp chúng ta hiểu Phụng vụ. Khác
với những mô thức “thống trị” và “quản lý” thụ tạo, mô thức cộng đồng không đặt
con người vào trung tâm hoặc ở trên thiên nhiên, nhưng làm tổ cho con người
ngay trong công cuộc tạo dựng. Trong một
thế giới hậu hiện đại, có thể là lý tưởng khi cố gắng chỉ phục hồi cảnh giới thần
tiên của thế giới tiền hiện đại. Tuy nhiên “lịch sử vĩ đại” vẫn có thể gợi lên
một ý thức kỳ diệu mới.
Chúng
ta thuộc về một câu chuyện của 13.8 tỷ năm trước đây. Đó có thể chỉ là câu chuyện của một vấn đề
không hồn, nhưng luôn luôn là một vấn đề nằm trong tinh thần và ân sủng. Những liên hệ nội tại của tất cả những gì hiện
hữu đã ngăn cản óc tưởng tượng mà Phụng vụ cần đến. Thiên Chúa không tự tại trong những sự vật,
nơi chốn, người phàm hoặc những thần linh ngự trên mây. Trái lại, toàn thể vũ trụ này tỏ bày cho
chúng ta thấy Đấng Tạo hóa. Chúng ta được
nối kết chặt chẽ với tất cả những gì hiện hữu.
Chúng ta được làm thành từ tro bụi của những vì sao. Tất cả mọi “thứ” đang hiện hữu ở đây và lúc
này đều đã hiện hữu ở đó và khi ấy vào ngay thuở ban đầu.
Nói
chung, các thứ phụng vụ đều là những biến cố cộng đồng. Nếu nhân loại là vũ trụ ý thức được chính
mình, thì các phụng vụ sẽ là vũ trụ giống như một vũ trụ thụ tạo đang ca tụng
Thiên Chúa. Phụng vụ không tách rời với
việc ca tụng. Phụng vụ không phải là
hành động của một mình vị chủ tế hoặc thậm chí của riêng cộng đồng nhân loại. Nhưng Phụng vụ là tiếng nói của vũ trụ ca tụng
Đấng đã truyền cho mọi sự hãy hiện hữu.
-
Dermot A. Lane, Theology and
Ecology in Dialogue
Sự hiện diện của Chúa
Tôi ngừng lại một chút để suy nghĩ về
tình yêu và ân sủng Chúa tỏ ra cho tôi.
Tôi được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; tôi là nơi Chúa ngự.
Sự tự do
Lạy Chúa, Chúa ban cho con hồng ân lớn
lao là sự tự do. Lạy Chúa, trong những
lúc này, xin cho con được thoát khỏi mọi hình thức kỳ thị chủng tộc hoặc thái độ
không bao dung. Xin Chúa nhắc nhở con biết
tất cả chúng con đều bình đẳng trước con mắt đầy yêu thương của Chúa.
Ý thức
Biết Chúa yêu thương tôi vô điều kiện,
tôi có thể thành thật về con người tôi.
Ngày hôm qua tôi thế nào và hôm nay tôi ra sao? Tôi chia sẻ với Chúa những cảm nghĩ của tôi.
Lời Chúa
Tôi dành thời giờ đọc chậm chậm Lời Chúa
một ít lần, để cho mình ở lại trong bất cứ điều gì đánh động tôi. (Xin lấy
phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.
Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp
tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lạy Chúa, đôi khi con không biết phải
nói gì nếu con được gặp riêng Chúa. Con nghĩ
con có thể nói “Cảm tạ Chúa” vì Chúa luôn luôn hiện diện ở đó để bênh đỡ con.
Kết thúc
Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi
đã cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng Người giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Tuần 19 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 8 tháng 8
Gio-an 6:41-51
Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói:
"Tôi là bánh từ trời xuống."42 Họ nói: "Ông này chẳng
phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả,
sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống? "43 Đức
Giê-su bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau!44 Chẳng ai đến
với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi,
tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.45 Xưa có lời chép
trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai
nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.46 Không
phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến,
chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin
thì được sự sống đời đời.48 Tôi là bánh trường sinh.49 Tổ
tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh
này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.51 Tôi là bánh
hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ
ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
*
Ở đây Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy ý thức những mối tương quan của
Thiên Chúa đặt nền tảng vững chắc cho đời sống chúng ta. Có nhiều điều đang diễn ra hơn là chúng ta biết: chúng ta được dựng nên làm con cái của Thiên
Chúa! Có nhiều điều hơn là mắt chúng ta
được thấy, bất kể chúng ta đáp lại một cách nghèo nàn!
*
Chúa Cha luôn lôi kéo chúng ta vào đời sống của Thiên Chúa, vì Người yêu
thương chúng ta không bờ bến. Người yêu
thương nhờ Chúa Giê-su, Đấng giống như chúng ta và nói cho chúng ta biết những
gì Chúa Cha định làm cho chúng ta. Cho
nên Ba Ngôi Thiên Chúa bận rộn trong đời sống chúng ta, để giúp chúng ta trở
nên giống như các Ngài. Vậy nếu chúng ta
sống trong mối tương quan mật thiết này, thì chúng ta đã chia sẻ với sự sống
vĩnh cửu rồi. Lạ lùng thay!
_______________
Thứ Hai, ngày 9 tháng 6
Mát-thêu 17:22-27
Khi thầy trò tụ họp ở
miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay
người đời,23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi
dậy." Các môn đệ buồn phiền lắm.
24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho
đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: "Thầy các ông không nộp thuế sao? "25
Ông đáp: "Có chứ! " Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: "Anh
Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình
hay người ngoài? "26 Ông Phê-rô đáp: "Thưa, người
ngoài." Đức Giê-su liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn.27
Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước
hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy
đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh."
* Các môn đệ không tưởng tượng được làm sao họ
sống nổi nếu không có Chúa Giê-su; họ đã
quen ở với Người, lắng nghe Người, quan sát Người làm và suy nghĩ lời Người
nói. Việc Người nói về sự thay đổi khiến
họ sợ hãi. Tương lai cũng sẽ đe dọa tôi
nếu tôi không nghe những lời Chúa Giê-su và đón nhận sự bảo đảm Người sẽ ở lại
với tôi. Tôi cầu xin cho mình biết đón
nhận lời Người. “Bình an cho anh em”,
“Can đảm lên” và “Đừng sợ”.
_______________
Thứ Ba, ngày 10 tháng 8
Gio-an 12:24-26
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà
không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi
thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26
Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở
đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."
* Không có chuyện hạt lúa chỉ cần chết đi là
sinh bông hạt đâu. Nhưng nó phải được
“gieo vào lòng đất”. Chúng ta tự sức
mình sẽ chẳng làm được gì. Chúng ta cần
được Chúa Giê-su nuôi dưỡng, vì Người là sự sống của ta.
* Ở đây Chúa Giê-su nói việc “phục vụ” và
“theo” Chúa cũng là một. Không phải
chúng ta chọn Chúa hoặc nơi để phục vụ Người.
Nhưng chúng ta trước hết phải theo Chúa và để Người dẫn đưa chúng ta đến
nơi Người muốn chúng ta phục vụ. Một môn
đệ không thể nói “Tôi đã làm điều ấy theo ý tôi!”
_______________
Thứ Tư, ngày 11 tháng
8
Mát-thêu 18:15-20
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa
lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục
được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một
hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba
chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội
Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người
thu thuế.
18
"Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời
cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng
tháo cởi như vậy.
19
"Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời
cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20
Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."
*
Chúa Giê-su nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta rằng là phần tử của Giáo Hội,
chúng ta có trách nhiệm đối với nhau, rồi một trong những nhiệm vụ của yêu
thương là sửa lỗi anh chị em. Đây không
bao giờ là việc dễ dàng trong thời buổi sống theo thuyết tương đối và lời
khuyên của chúng ta rất có thể bị từ chối.
Việc sửa lỗi anh chị em phải luôn luôn được thúc đẩy do lòng bác ái đích
thực. Đây là một trong “Thương linh hồn
bảy mối” (Thứ nhất, lấy lời lành mà khuyên người). Tôi cầu xin có được tình yêu và sự khôn ngoan
này để tìm được cách thức đúng mà thi hành nhiệm vụ yêu thương này.
*
Vì Chúa Giê-su chia sẻ thần khí của Người với chúng ta, nên mối liên kết
giữa cộng đoàn tín hữu với Chúa Giê-su là mối liên kết rất chặt chẽ: điều gì chúng ta cầm buộc hay tháo cởi ở đây
thì cũng bị cầm buộc hay tháo cởi ở trên trời, và bất cứ điều gì chúng ta hợp
nhau cầu xin ở đây thì sẽ được Cha trên trời ban cho. Tôi cầu xin được ơn soi sáng này và được đức
tin mạnh mẽ hơn vào sự hiện diện của Chúa Giê-su đang ngự giữa Giáo Hội.
_______________
Thứ Năm, ngày 12 tháng 8
Mát-thêu 18:21 –
19:1
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su
mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải
tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "22 Đức Giê-su đáp:
"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện
một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24
Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến
vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả
vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống
bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả
hết."27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y
về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp
một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo:
"Trả nợ cho tao! "29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình
xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả
anh."30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi
trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn
lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ,
tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ
ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi
không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "34
Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết
nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với
anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em
mình."
1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy
xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.
* Tôi có nghĩ mình là
sự tha thứ của Thiên Chúa cần thiết cho người khác không? Nếu không nghĩ như thế, thì đó có phải vì tôi
đang sử dụng những tiêu chuẩn của người đời thay vì của Thiên Chúa không? Tôi phải yêu mến Chúa và tha nhân hết lòng và
hết linh hồn, nhưng tôi có cảm thông với những người cần tôi giúp đỡ không? Đời sống tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa, hay tôi
là một kẻ trôi giạt? Tôi có quảng đại và
tha thứ không?
* Thế giới cần tôi để
chiếu tỏa tình yêu Thiên Chúa và cổ võ cho sự hòa giải và bình an. Lạy Chúa, con xin Chúa tha thứ và thương xót
con vì những thiếu sót của con khi sống Tin Mừng. Đối lại, xin Chúa giúp con tỏ lòng tha thứ
cho những người xúc phạm con. Nhờ thế,
con có thể thực sự là ánh sáng cho trần gian.
_______________
Thứ Sáu, ngày 13 tháng 8
Mát-thêu 19:3-12
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức
Giê-su để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất
cứ lý do nào không? "4 Người đáp: "Các ông không đọc thấy
điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có
nữ",5 và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà
gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt."6
Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên
Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."7 Họ thưa với
Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? "8
Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các
ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông
biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là
phạm tội ngoại tình."
10 Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm
chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn."11
Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy,
nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có
những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có
những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý
không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."
* Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi chúng ta đoạn văn
đòi hỏi trong tông thư Amoris laetitia. Ngài khẳng định
cộng đồng Ki-tô phải luôn tỏ lòng cảm thông và đón nhận những ai không hiểu được
lý tưởng của Chúa Giê-su về hôn nhân. “Lý do của việc hội nhập là chìa khóa cho việc
đồng hành mục vụ với họ, để không những họ biết mình thuộc về Thân Thể Chúa
Kitô, là Hội thánh, mà còn có thể có một kinh nghiệm thuộc về Hội thánh tràn đầy niềm vui
và sinh nhiều hoa trái”
(AL 299). Việc lên án chẳng giúp ích gì đâu; trái lại, người ta phải được khích lệ để phân
định được điều họ có thể làm. Tóm lại,
họ vẫn còn được yêu thương và kêu gọi không ngừng để trở thành con cái Thiên
Chúa.
* Tôi chuyện vãn với Chúa Giê-su về những thái
độ của tôi đối với những người đang trong những tình trạng kết hợp bất thường. Có lẽ tôi cũng ở trong nhóm người ấy: vậy tôi có tin rằng tình Chúa yêu thương tôi
và người bạn của tôi không khi nào lay chuyển nhưng luôn mời gọi tôi tiến bước
không?
_______________
Thứ Bảy, ngày 14 tháng
8
Mát-thêu 19:13-15
Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay
trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.14 Nhưng Đức
Giê-su nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời
là của những ai giống như chúng."15 Người đặt tay trên chúng, rồi
đi khỏi nơi đó.
* Trong đoạn Tin Mừng này, trẻ em là hình ảnh
ám chỉ những người bị thế gian coi là không quan trọng; cũng vậy, dụ ngôn con chiên lạc (Mát-thêu
18:12-14) dạy rằng trong mắt Chúa Giê-su, kẻ nhỏ bé nhất dưới con mắt người đời
lại quan trọng và vĩ đại nhất. Điều này
nhắc nhở chúng ta rằng những người càng yếu ớt lại càng đòi chúng ta phải chăm
sóc và quan tâm hơn.
* Vậy hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng
ta biết tôn trọng những kẻ bị thế gian khinh thường.