TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 3 – 9 tháng 10 năm 2021)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Chúng ta nằm trong sự đan kết khôn lường của vũ trụ, đắm mình trong mầu nhiệm sâu thẳm của nó.  Cuộc khiêu vũ của vũ trụ đã bắt đầu:  nó luôn tiến triển.  Mỗi người chúng ta đóng một vai trò trong đó.  Chúa Giê-su và Cha Người đang làm việc (Gio-an 4:34) cho lợi ích của toàn thể công cuộc Tạo Dựng, còn chúng ta thì có thể nhập cuộc theo những dấu chỉ của các Ngài mà làm theo như vậy.  Thomas Merton nói rằng mọi lúc và mọi biến cố trong cuộc đời con người đều là gieo hạt giống của sức sống thiêng liêng trong tâm hồn họ.  Đây là cách Thiên Chúa hoạt động trên trái đất:  nhờ ân sủng và ân sủng ở khắp mọi nơi.  Mọi sự đều là thánh thiêng và chúng ta cũng vậy.  Cho nên chúng ta không được làm mất đi sự thánh thiêng của Ngôi Nhà Chung chúng ta.  Chúng ta thuộc về câu chuyện Tạo Dựng vĩ đại, thuộc về một tổng thể vô cùng vĩ đại hơn chính chúng ta.  Ngay lúc này chúng ta cũng được kêu gọi chia sẻ với toàn thể Tạo Vật “trong tinh thần tự do của con cái Thiên Chúa” (Rô-ma 8:21).

        Vậy chúng ta hãy mang giầy khiêu vũ vào và học những bước nhảy của vũ điệu vũ trụ!

        Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Khải Huyền 21:3).

-  Brian Grogan, SJ, Creation Walk:  The Amazinmg Story of a Small Planet

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Chúa phán:  “Ta đứng trước cửa và gõ cửa”.  Thật là một đặc ân kỳ diệu khi Chúa muôn loài ước ao đến với tôi.  Tôi đón nhận sự hiện diện của Người.

 

Sự tự do

Tôi sẽ xin Chúa giúp tôi được tự do thoát khỏi mọi bận rộn của riêng tôi, biết mở lòng đón nhận Chúa trong giờ cầu nguyện này, được biết, yêu mến và phụng sự Chúa hơn nữa.

 

Ý thức

Trong sự hiện diện yêu thương của Chúa, tôi trải lòng về ngày hôm qua, khởi đi từ lúc này để nhìn lại từng lúc một.  Tôi lắng đọng trong tất cả những gì là tốt lành và ánh sáng, trong tâm tình cảm tạ.  Tôi chú ý tới những vùng bóng tối và những gì chúng cho tôi biết, để tìm được chữa lành, can đảm và ơn tha thứ.

 

Lời Chúa

Giờ đây tôi mở Kinh Thánh của ngày hôm nay.  Tôi chậm chậm đọc đi đọc lại và xem có câu nào hoặc tâm tình nào lôi kéo tôi không.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con không biết mình phải nói gì nếu con gặp riêng Chúa.  Con nghĩ con có thể thưa “Cảm tạ Chúa” vì Chúa luôn luôn hiện diện ở đó vì con.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn Người soi sáng cho tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

 

Tuần 27 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 3 tháng 10

Mác-cô 10:2-16

 

Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: " Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? "4 Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ."5 Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

             13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

 

*  Giáo huấn của Chúa Giê-su về hôn nhân và việc không chấp nhận ly dị có thể là một sứ điệp vui cho những ai nhận được từ nơi Chúa hồng ân tuyệt vời là sự kết hợp vợ chồng, nhưng lại là căn nguyên gây phiền não cho những ai tuy cố gắng nhưng đã thất bại trong hôn nhân.  Trong Thông điệp Niềm vui tình yêu (Amoris laetitia), Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các gia đình Ki-tô giáo “hãy là dấu chỉ nói lên lòng thương xót và gần gũi trong đời sống gia đình vẫn còn bất toàn hoặc thiếu vắng bình an và niềm vui”.  Ngài đưa ra “một lời mời gọi hãy tỏ lòng nhân hậu và nhận định mang tính cách mục vụ đối với những  tình huống chưa đạt được những gì Chúa đòi hỏi nơi chúng ta” (5-6).  Lòng nhân hậu là tình yêu mà tất cả chúng ta đều phải cảm nghiệm, bất kể cuộc đời hoặc quá khứ của chúng ta như thế nào.

*  Người ta phải đọc giáo huấn về hôn nhân và về việc ngoại tình theo lời Chúa Giê-su nhắc nhở rằng trẻ em và việc tiếp nhận trẻ em với lòng yêu thương chính là “chìa khóa” mở Nước Thiên Chúa.  Đoạn Tin Mừng nói ít về những luật lệ để sắp đặt các mối quan hệ cho đúng thứ tự, nhưng lại nhấn mạnh hơn về một viễn tượng của kế hoạch yêu thương Chúa dành cho con cái Người.  Và kế hoạch này vẫn còn là “tin vui” cho mọi người, chứ không hẳn chỉ dành cho những kẻ may mắn.

_______________

 

Thứ Hai, ngày 4 tháng 10

Lu-ca 10:25-37

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia tài?

        26 Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? "27 Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."28 Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

             29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "30 Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

 

*  Các người Sa-ma-ri đã làm một nhóm tách biệt khỏi Do-thái giáo – cho nên việc Chúa Giê-su ca ngợi người bộ hành Sa-ma-ri cho thấy rõ là điều răn yêu thương của Thiên Chúa có tính cách mở rộng.  (Quả thực người Sa-ma-ri không có gì là danh tiếng đến nỗi một số học giả đương thời tin rằng người thông luật đã không thể hạ mình xuống để sử dụng từ “người Sa-ma-ri”, nhưng lại dùng từ “kẻ đã thực thi lòng thương xót”).  Một số học giả quan sát cũng thấy là kẻ đi đường bị đánh đập có thể xem như đã chết rồi, cho nên thầy tư tế và thầy Lê-vi sợ không dám đến gần để giữ luật thanh tẩy.

*  Hôm nay là ngày lễ kính thánh Phanxicô, một vị thánh thích vũ trụ thiên nhiên, bởi khi nhìn vào ngài là chúng ta hiểu được rõ hơn Chúa Giê-su là Đấng nào và làm môn đệ Chúa mang ý nghĩa gì.  Đôi khi thánh Phanxicô được coi như một nhân vật thơ mộng, một loại híp-pi thế kỷ 13.  Tôi hỏi mình xem điều gì nơi vị thánh này lôi cuốn tôi nhất, và tôi cầu xin được nên giống như ngài, suy nghĩ Chúa Giê-su là Đấng nào trong đời tôi.

_______________

 

Thứ Ba, ngày 5 tháng 10

Lu-ca 10:38-42

 

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "41 Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

 

*  Trong câu chuyện này, có ý nghĩa nhất chính là thái độ của cô Ma-ri-a, ngồi chăm chú dưới chân Chúa Giê-su và lắng nghe Người nói.  Là một môn đệ đích thực, Ma-ri-a nhận ra rằng Chúa Giê-su ban cho cô lương thực thiêng liêng còn nhiều hơn là cô hoặc cô Mác-ta chuẩn bị thức ăn cho Chúa.  Mỗi người chúng ta phải tìm được sự quân bình giữa việc phục vụ Nước Chúa với những lúc hết sức để tâm đến một mình Chúa.  Cả hai thái độ hoạt động và những chiều kích chiêm niệm của đời sống Ki-tô hữu đều cần thiết.

_______________

 

Thứ Tư, ngày 6 tháng 10

Lu-ca 11:1-4

 

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông."2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."

*  Các môn đệ Chúa Giê-su nhìn ra ngoài thấy ông Gio-an và môn đệ ông cầu nguyện, rồi thấy Chúa Giê-su cầu nguyện.  Chúa Giê-su bảo họ rằng việc cầu nguyện của họ phải bắt đầu bằng cách nhìn vào bên trong, khởi từ những mối tương quan quan trọng nhất của chúng ta.  Gọi Thiên Chúa là Cha tức là nhận biết sự sống của tôi từ đâu mà có và đặt tôi trong mối liên hệ với người khác.  Nếu tôi quan tâm đến những nhu cầu của mình, thì đó là để tôi có thể thêm lòng tín thác cũng như nhận ra Đấng sẵn sàng nhận lời cầu xin của tôi.

_______________

 

Thứ Năm, ngày 7 tháng 10

Lu-ca 11:5-13

 

Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh,6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả";7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.?8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

             9 "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? "

 

*  Trong dụ ngôn này, Chúa lấy ví dụ một người bạn ngại không muốn bị phiền hà, nhưng lại cho anh bạn kia bánh vì anh ta kiên nhẩn nài nỉ.  Sứ điệp giản dị là:  cứ tiếp tục cố gắng, kiên trì cho đến khi bạn có được kết quả.

*  “Cha Thầy sẽ ban Thánh Thần”.  Tôi có cảm tạ Chúa Cha về ân huệ của Người không?  Tôi có cảm tạ Người về hồng ân Thánh Thần không?  Đối với Lu-ca, Chúa Thánh Thần là ân huệ tối cao của Thiên Chúa ban cho các tín hữu;  là cội nguồn của mọi “sự tốt lành”.  Tôi thường xuyên cầu nguyện như thế nào để xin Chúa đổ tràn Thánh Thần xuống tâm hồn và đời sống tôi?

_______________

 

Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10

Lu-ca 11:15-26

 

Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? ... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

             23 "Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

        24 "Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: "Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi."25 Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi.26 Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước."

 

*  Sao lại có người nói rằng Chúa Giê-su nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ?  Thái độ cứng lòng thật rõ ràng chung quanh chúng ta và ngay trong chúng ta, vẫn còn là một bí mật lớn:  làm sao chúng ta có thể chống lại chân lý, sự tốt lành và công bằng, tìm đủ mọi lý lẽ rỗng tuếch bào chữa cho thái độ cứng lòng của chúng ta?  Làm sao chúng ta chẳng động lòng chút nào trước biết bao đau khổ của con người, biết bao việc phá hoại môi trường sống?  Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi biết mở lòng và được soi sáng để nhận ra sự cứng lòng trong tôi.

*  Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta rõ ràng:  một tâm hồn trống rỗng chỉ biết nhận vào thôi.  Bạn không thể sống cuộc sống ý nghĩa nếu bạn chẳng khi nào chịu chọn lựa, chẳng khi nào chịu đánh đổi cho những gì bạn tin.

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 9 tháng 10

Lu-ca 11:27-28

 

Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! "28 Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."

 

*  Tôi hợp với người phụ nữ này ca ngợi Mẹ Chúa Giê-su, người mẹ đã nuôi nấng Người, dạy Người cách giao tiếp với người khác, đào tạo tâm hồn Người trở nên hết sức cảm thông và Mẹ là người đầu tiên nói với Người về Thiên Chúa cũng như việc cầu nguyện.  Tôi phải nhớ rằng Mẹ cũng là Mẹ của tôi nữa.

*  Tôi thán phục câu trả lời mạnh mẽ của Chúa Giê-su.  Sự cao cả của Mẹ Ma-ri-a là do Mẹ biết mở tâm hồn cho Chúa và vâng phục lời Người.  Tôi cầu xin Mẹ giúp tôi nên giống như Mẹ trong điểm này.

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space 2021