TUẦN 29 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 7 – 23 tháng 10 năm 2021)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Hoang địa là một hình ảnh mạnh mẽ. Người ta có nhiều cách hình dung ra hoang địa. Một mặt hoang địa nhắc nhở chúng ta như đang
đi giữa miền quê hoặc những không gian trống vắng, có các con vật nhốn nháo chạy
quanh chúng ta giữa nắng thiêu đốt hoặc cơn mưa. Hoang địa cũng nhắc nhớ chúng ta về những con
đường ngoằn ngoèo khiến ta cảm thấy như chẳng đi tới nơi nào đặc biệt cả, cho
chúng ta thời giờ để suy nghĩ và cầu nguyện.
Đây là kinh nghiệm tích cực khi chúng ta ở trong hoang địa. Tuy nhiên hoang địa cũng là nơi thất vọng đối
với chúng ta. Nó có thể là một khung cảnh
nội tâm chứa đầy lo lắng, khó khăn, tội lỗi và khoảng cách chúng ta xa
Chúa. Cho nên ở trong hoang địa có thể
là điều khiến ta khó chịu hoặc tệ hại hơn.
Dường
như cái nghiệp của chúng ta là phải mang theo mình nỗi sống trong hoang địa ấy. Những thời gian ở trong hoang địa là thời
gian không thể tránh thoát của câu chuyện đời sống chúng ta.
Chúng
ta gặp thấy điều này trong các sách Tin Mừng khi Chúa Giê-su được đưa vào trong
hoang địa. Tuy nhiên chúng ta được biết
rằng hoang địa không phải là kết thúc cuộc hành trình của Chúa. Người đã ra khỏi hoang địa ấy và đến phía bên
kia hoang địa. Không những thế, Người
còn lớn lên trong hoang địa; Người đã học
được nhiều điều về cuộc đời và sứ mệnh của Người. Chúng ta được biết khi ra khỏi hoang địa, Người
đã được tràn đầy Thánh Thần của Thiên Chúa.
Ra
khỏi hoang địa cho ta cảm giác như một viễn tượng là chúng ta chúng ta đang ở
ngay giữa hoang địa. Tuy nhiên việc
chúng ta bước ra khỏi hoang địa là lẽ tất nhiên giống như mặt trời mọc vào một
ngày mới. Chúng ta được mời gọi hãy tin
tưởng rằng Chúa đang ở với chúng ta trong hoang địa và chúng ta sẽ bước ra với
những cái nhìn sâu xa hơn về chính mình, về thế giới và về chỗ đứng của ta
trong đó. Chúng ta không cần phải lo lắng
hay thất vọng; nói tóm lại, chính Chúa
là Đấng cuối cùng sẽ uốn cho ngay mọi bước đường khi chúng ta ra khỏi hoang địa.
-
Brendan McManus, SJ, và Jim Deeds,
Deeper Into the Mess:
Praying Through Tough Times
Sự hiện diện của Chúa
Đang khi tôi ngồi đây, trái tim đập, lồng
ngực phập phồng hơi thở, các chuyển động của tâm trí tôi, tất cả đều là những dấu
chỉ nói lên việc Chúa tiếp tục tạo dựng tôi.
Tôi dừng lại một chút để ý thức sự hiện diện của Chúa trong tôi.
Sự tự do
Mọi sự đều có khả năng múc lấy từ nơi
tôi một tình yêu và sức sống đầy đủ hơn.
Tuy nhiên những ước muốn của tôi lại thường cố định, bị vướng mắc bởi những
ảo tưởng thành công. Tôi cầu xin Chúa để
nhờ sự tự do tôi có thể sắp đặt mọi ước muốn của tôi theo một sự hài hòa sống động
và đầy yêu thương.
Ý thức
Tôi tự hỏi hôm nay tôi thấy nội tâm thế
nào? Tôi có đặc biệt mệt nhọc, trầm cảm
hoặc bất thường không? Nếu có, tôi có thể
bỏ qua đi những lo lắng làm tôi khó chịu không?
Lời Chúa
Tôi đọc Lời Chúa chậm chậm một ít lần, rồi
lắng nghe điều Chúa nói với tôi. (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang
tiếp theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn
sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn
hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tôi bắt đầu nói với Chúa Giê-su về đoạn
Kinh thánh vừa đọc. Phần nào đánh động
tâm hồn tôi? Có lẽ những lời của một người
bạn hoặc câu chuyện tôi vừa đọc sẽ từ từ nổi lên trong ý thức của tôi. Nếu có, câu chuyện ấy có soi sáng cho điều đoạn
Kinh Thánh cố gắng nói với tôi không?
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng
vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi
đến thiên thu vạn đại. A-men.
Tuần 29 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 17 tháng 10
Mác-cô 10:35-45
Hai người con ông
Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy,
chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."36
Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? "37
Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu,
một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."38
Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi
chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? "39
Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống,
anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40
Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên
Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và
ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết:
những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những
người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì
không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh
em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45
Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và
hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."
* Cuộc đối thoại dễ thương này đem chúng ta vào sâu
trong đường lối dạy dỗ của Chúa Giê-su.
Đường lối ấy bắt đầu với một thứ ước muốn không được kiềm chế nằm đằng
sau nhiều lời cầu xin của chúng ta. Chúa
Giê-su đưa Gia-cô-bê và Gio-an vào trong những hàm ý của điều họ đang xin
Chúa. Người không đổ vào họ đau khổ của
Người, nhưng mời gọi họ cùng chia sẻ chén đắng của Người.
* Lạy Chúa, xin Chúa cũng mời gọi con nữa. Con thích cùng Chúa phục vụ hơn là ngồi chễm
chệ trên ngai vàng.
_______________
Thứ Hai, ngày 18 tháng
10
Lễ
kinh thánh Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lu-ca 10:1-9
Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ
từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2
Người bảo các ông:
3
Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4
Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5
Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! "6
Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy;
bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy,
và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng
được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào
mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên
Chúa đã đến gần các ông."
* “Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Một lòng một dạ
với Tin Mừng đòi hỏi ta phải gạt qua một bên những luật lệ xã hội, ngay cả phép
lịch sự căn bản của người đi đường. Vậy
“hành trình” thiêng liêng của tôi như thế nào?
Nó có gì lớn lao và đáng quan tâm khiến người ta nhận ra điều gì khác
thường không? Tôi có ra đi như một người
đang thi hành sứ mệnh không?
* “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các
ông”. Bạn hãy dành chút thì giờ tưởng
tượng như bạn đang nghe những lời này nói với bạn. Ai nói?
Giờ đây bạn tưởng tượng chính bạn đang nói những lời này. Vậy bạn nói với ai?
_______________
Thứ Ba, ngày 19 tháng
10
Lu-ca 12:35-38
"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36
Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa,
là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì
thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ
mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ”.
* Nhiều dụ ngôn, gồm cả dụ ngôn này trong Tin
Mừng Lu-ca, đã nhắc nhở chúng ta rằng trên phương diện nào đó đời sống Ki-tô
hữu là vấn đề chọn lựa có ý thức, là thức tỉnh và “báo động”.
* Thần học gia Karl Barth diễn tả thật đẹp ơn
cứu độ trong Đức Ki-tô nghĩa là gì: “Tù
nhân đã trở thành người canh gác”. Đúng,
tù nhân đã được giải phóng; nhưng sở dĩ
anh ta được giải phóng chỉ là để có thể nhận lấy chỗ của anh tại tháp canh, chờ
đợi Đấng Mê-si-a trở lại để anh loan báo Người đến.
* Ông chủ sẽ đưa đầy tớ vào bàn ăn mà phục vụ
họ – đây chính là điều đang xảy ra với bàn tiệc Chúa Cha đã dọn sẵn cho chúng
ta. Trong câu chuyện người con hoang
đàng (Lu-ca 15:11-32), Chúa Giê-su nói về người cha lo lắng chờ đợi đứa con đi
bụi đời của ông, nhìn xa xa về phía chân trời mong nó trở về. Người cha đang thức tỉnh, luôn nhớ đến các
con ông; còn chúng ta thì được kêu gọi
hãy trở về để luôn nhớ đến người Cha đầy yêu thương của chúng ta.
_______________
Thứ Tư, ngày 20 tháng
10
Lu-ca 12:39-48
“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã
không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn
sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."
41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa,
Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? "42
Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ
sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43
Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44
Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45
Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt
đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy
tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn
ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
47 "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không
chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.48
Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai
đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi
hỏi nhiều hơn”.
49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một
phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn
tất!”
* Các môn đệ vẫn chưa
hiểu sứ điệp của Chúa Giê-su về việc phải sẵn sàng. Diễn tiến trong dụ ngôn của Chúa Giê-su có lẽ
được phóng đại một chút để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thái độ sẵn
sàng. Ông Phê-rô cố gắng hình dung ra rằng
có lẽ câu chuyện áp dụng cho ông và các bạn tông đồ khác hoặc Chúa Giê-su muốn
nói đến mối tương quan giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. Cả hai đều hàm chứa trong câu chuyện ấy.
* Khi áp dụng cho việc
lãnh đạo và những người có quyền bính trong cộng đồng tín hữu, dụ ngôn cho thấy
họ càng phải đáng tin cậy vì địa vị đã được phó thác cho họ.
* Tôi có thể cầu
nguyện quanh những vấn đề các trách nhiệm của tôi nằm ở đâu và tôi có chu toàn
những trách nhiệm ấy cách đầy yêu thương và dấn thân không?
_______________
Thứ Năm, ngày 21 tháng 10
Lu-ca 12:49-53
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một
phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn
tất!
51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban
hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng
là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia
rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau:
cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái
chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
*
Chúa Giê-su say mê với sứ mệnh của Người. Không những Người biết rõ sứ mệnh ấy là gì và
đau khổ sứ mệnh ấy đem lại, mà Người còn nhiệt tâm đón nhận sứ mệnh ấy
nữa. Sứ mệnh của tôi như một Ki-tô hữu
cũng tham gia vào sứ mệnh của Chúa Giê-su, là đem lửa vào trần gian. Tôi xin ơn nhận biết rõ ràng điều Chúa đang
kêu gọi tôi làm và thi hành điều ấy cùng Chúa Giê-su với lòng nhiệt thành và
đầy năng lực.
* Chúa Giê-su đã đổ
máu ra để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Tuy nhiên căn bản của sứ điệp Người đem tới
sự chia rẽ là điều không thể tránh, giữa những ai chấp nhận sứ điệp và những ai
chối từ. Các chia rẽ này thường len lỏi
vào các gia đình. Tôi cầu xin cho mình
biết chịu đựng sự chia rẽ để trung thành với Chúa Giê-su và sứ điệp của Người
trong đời tôi. Tôi cầu nguyện cho gia
đình tôi và bạn hữu, để Chúa Giê-su sẽ là nguồn hiệp nhất cho họ thay vì chia
rẽ.
_______________
Thứ Sáu, ngày 22 tháng 10
Lu-ca 12:54-59
Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng:
"Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: "Mưa
đến nơi rồi", và xảy ra đúng như vậy.55 Khi thấy gió nồm thổi,
các người nói: "Trời sẽ oi bức", và xảy ra đúng như vậy.56
Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn
thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?
57 "Sao các người không tự mình xét
xem cái gì là phải?58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà,
thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi
anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống
anh vào ngục.59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước
khi trả hết đồng kẽm cuối cùng."
* Dường như chúng ta
đang sống trong một thế giới rất buồn tẻ, đến nỗi gần như người ta không làm
sao suy nghĩ được gì ngoài vòng thực dụng và tức thời. Chúa Giê-su muốn chúng ta phải biết “nhận xét
thời đại này” và cư xử cách khôn ngoan.
*
Tôi được kêu gọi hãy sống nhân hậu khi
thấy cách Chúa Cha giàu òng thương xót đối xử với tôi, một kẻ tội lỗi sa ngã
trong rất nhiều điều. Tôi không bao giờ
có thể là kẻ ném hòn đá đầu tiên, nhưng tôi cảm thấy mình được kêu gọi hãy cảm
thông trước hết với chính mình, rồi với người khác.
_______________
Thứ Bảy, ngày 23 tháng 10
Lu-ca 13:1-9
Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho
Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến
máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại
rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội
lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết:
không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết
hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống
đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành
Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu;
nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như
vậy."
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này:
"Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái
mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay
tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho
hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại
năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra
sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."
*
Câu chuyện cây vả nói về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và
việc chúng ta cần có thời gian để sám hối và lớn lên trong đức tin và cầu
nguyện. Câu chuyện cũng nói về “Thiên
Chúa của nhiều cơ hội”. Thiên Chúa của
Chúa Giê-su không để chúng ta ra đi nhưng Người luôn tin vào tương lai chúng
ta. Tất cả chúng ta đều mang những lỗi lầm và thiếu sót trong cuộc sống, rồi
mặc dù chúng ta cố gắng hết sức, chúng ta vẫn thấy lỗi lầm thiếu sót ở lại với
mình. Thiên Chúa biết điều này và Người
cũng thấy chúng ta cố gắng thay đổi và canh tân. Cầu nguyện giúp chúng ta tin vào mình như
Chúa tin chúng ta.
* Trong những ước muốn
và sinh hoạt của chúng ta, chúng ta có thể ở với Chúa – hoặc không ở với
Chúa. Chúng ta có thể hoàn toàn yêu mến
Người hoặc thấy mình bị cám dỗ lạc xa đường lối Chúa. Chúa Giê-su luôn kêu gọi chúng ta thay đổi để
sống tốt nhất về phần chúng ta và thay đổi để trở nên giống như Người. Trong Thánh lễ, chúng ta cầu nguyện “Xin cho
chúng con cũng được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần
nhân tính của chúng con”.