TUẦN 30 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 24 – 30 tháng 10 năm 2021)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Một thanh niên ngoài hai mươi tuổi, rất
thích mua sắm quần áo. Nhưng chẳng giàu
có gì nên anh đã mua tại những cửa tiệm bán đồ rẻ. Muốn tỏ ra ngon lành hơn, anh chuyển quần áo
đã mua sang một cái túi xách của một hãng sang trọng và đi về nhà. Anh còn đùa cợt về việc ấy coi như một cách
khoe khoang hoặc sống theo bề ngoài. Tuy
nhiên cái nhãn hiệu trên túi xách đã nâng giá trị của anh ta lên và người khác
có thể nhìn thấy đó là cách sống những người khác đều mong có được. Anh biết người khác cũng làm giống như vậy.
Có
lẽ đây là cách người ta cảm thấy tốt về mình theo một phương diện nào đó; mọi cách giả vờ khác cũng chỉ là để gây ấn tượng
về chúng ta thôi. Đó là động lực ở trong
tất cả chúng ta để giúp ta có cảm nghĩ tốt về mình. Chúng ta cố gắng nhiều cách để làm việc này,
thường thì không đúng chỗ. Chúng ta có
thể nhìn vào nơi mình sống, nơi mình được giáo dục để khoe khoang về mình trong
khi coi thường người khác về mầu da, chủng tộc và tôn giáo. Nhưng tất cả những thứ này đều không đem lại tình
yêu bản thân vững bền.
Một
hình ảnh đẹp vững bền thích hợp với điều Chúa Giê-su đã nói: “Hãy yêu người khác như chính mình”.
Để
lớn lên trong tình yêu bản thân, người ta có nhiều cách: với lòng biết ơn, chấp nhận cá tính tốt, những
đức tính và tài năng của chúng ta; ơn biết
tha thứ cho chính mình; một thành công
nào đó trong đời chúng ta giữa những thành công khác – tất cả những điều trên đều
góp phần xây dựng một tình yêu bản thân mạnh mẽ.
Tình
yêu bản thân cũng phát sinh từ đức tin chúng ta: Đó là Thiên Chúa yêu thương ta vô điều kiện,
là Chúa Giê-su đã chết và sống lại vì chúng ta, và nếu thế thì tại sao tôi lại
phải ít yêu bản thân mình hơn? Là chúng
ta thật quý giá trước mặt Chúa và được ghi khắc trong tình yêu giữa lòng bàn
tay Chúa.
Cầu
nguyện mà biết quý trọng bản thân mình chính là cách cảm tạ Chúa thường xuyên từng
ngày từng giờ vì những điều tốt lành chúng ta có được trong cuộc sống cũng như
về chính mình. Nếu chúng ta biết cảm tạ
thì sự quý trọng bản thân và tình yêu bản thân được khởi sắc và lời cảm tạ lớn
lao mỗi ngày chính là cảm tạ Chúa vì chúng ta được làm con cái yêu thương của
Chúa.
-
Donal Neary, SJ, The Sacred Heart
Messenger,
May 2020
Sự hiện diện của Chúa
“Hãy lặng thinh và biết rằng Ta là Thiên
Chúa!” Lạy Chúa, xin Thần Khí Chúa dẫn dắt
con đi tìm sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa mỗi lúc một hơn, vì ở trong sự
hiện diện ấy con được nghỉ ngơi và bồi dưỡng giữa thế giới bận rộn này.
Sự tự do
Nhờ ơn Chúa, tôi được sinh ra trong tự
do. Được tự do để hưởng những thú vui
Chúa đã tạo dựng cho tôi.
Lạy Chúa, xin cho con được sống theo ý
Chúa, với niềm tin tưởng hoàn toàn vào sự chăm sóc yêu thương của Chúa.
Ý thức
Hôm nay tôi cảm thấy thế nào? Tôi đang ở đâu với Chúa? Với anh chị em?
Tôi có điều gì để cám ơn Chúa
không? Vậy tôi cảm tạ Chúa.
Có điều gì tôi phải hối hận không? Vậy tôi xin Chúa thứ tha.
Lời Chúa
Chúa nói với từng người chúng ta. Tôi cần
lắng nghe, cần nghe điều Chúa nói với tôi.
Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần rồi hãy lắng nghe. (Xin lấy
phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.
Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để
tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lời Chúa đã đánh động tâm hồn tôi thế
nào? Khiến tôi cảm thấy lạnh lẽo?
Lời Chúa có an ủi tôi và thúc giục tôi
hành động theo một cách thức mới không?
Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc
ngồi bên cạnh. Tôi hướng về Người và
chia sẻ cảm nghĩ của tôi với Người.
Kết thúc
Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi
đã cùng ở với nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Tuần 30 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 24 tháng 10
Mác-cô 10:46-52
Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su
cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có
một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông
Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu
lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "48
Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy
Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "49 Đức Giê-su đứng lại
và nói: "Gọi anh ta lại đây! " Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ
yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! "50 Anh mù liền vất áo
choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi:
"Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho
tôi nhìn thấy được."52 Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của
anh đã cứu anh! " Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên
con đường Người đi.
*
Giống như những người đã mắng mỏ anh Ba-ti-mê, bảo anh im đi và đừng làm
họ phải xấu hổ, đôi khi có thể tôi không muốn phô bày một số lãnh vực đời tôi
ra trước mắt Chúa Giê-su. Nghĩ tới khung
cảnh bài Tin Mừng này, tôi nhận thấy Chúa Giê-su muốn dừng lại, lắng nghe tôi
kêu xin Người giúp đỡ và chữa lành tôi.
*
Anh Ba-ti-mê đã vất áo choàng lại, mặc dù áo choàng là vật duy nhất che
chở cho anh và vì mù lòa nên anh cũng khó tìm lại được nó. Tôi để mình đứng trước mặt Chúa Giê-su, không
che đậy, hoàn toàn với con người đích thực của minh và trong niềm tín thác, tôi
biểu lộ những nhu cầu của mình.
_______________
Thứ Hai, ngày 25 tháng 10
Lu-ca 13:10-17
Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11
Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống
và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su
gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! "13
Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên
Chúa.
14
Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông
lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà
xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "15
Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại
không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là
con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại
không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "17 Nghe
Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám
đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
*
Đối với Chúa Giê-su, lòng từ bi và thương xót là trọng yếu, vượt thắng
trên mọi sự cân nhắc khác. Chắc chắn đây
là thái độ rất thách đố. Tôi tưởng tượng
mình đang có mặt trong hội đường và quan sát phản ứng tự nhiên của tôi trong cuộc
tranh luận giữa Chúa Giê-su và ông trưởng hội đường. Tôi cầu xin có được một tâm hồn giống như tâm
hồn Chúa Giê-su, luôn luôn nhân hậu và sẵn sàng bênh vực người nghèo và đau khổ.
*
Tôi lấy làm lạ sao tôn giáo lại có thể dễ dàng trở thành một nguồn gốc sinh
ra thái độ chai đá thay vì nhân hậu giống như Chúa Ki-tô. Tôi xin ơn ánh sáng để giúp tôi tỉnh thức trước
những thiên kiến của mình và trước thái độ ngụy biện để bênh vực những thiên kiến
ấy.
_______________
Thứ Ba, ngày 26 tháng 10
Lu-ca 13:18-21
Vậy Người nói:
"Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19
Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình.
Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được."
20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21
Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho
đến khi tất cả bột dậy men."
*
Hễ nói về Nước Thiên Chúa là Chúa Giê-su rất lạc quan! Đối với Người, ngay đến một khởi đầu nhỏ nhoi
cũng là đủ, vì Người xác tín rằng chính Nước Thiên Chúa đã chia sẻ quyền năng
và sức mạnh của Người. Khi nhìn chung
quanh thế giới của tôi, tôi tự hỏi mình có chia sẻ xác tín này hay tôi lại hành
động như một kẻ rùm beng hô hào ngày tận thế đến nơi rồi.
*
Men có thể biến đổi bột nếu nó hòa làm một với bột. Dù chỉ phân cách một chút xíu thôi, men cũng
sẽ vô hiệu. Dấn thân và hiện diện thay
vì phô trương dường như là điều quan trọng đối với Chúa Giê-su. Tôi cầu xin cho Giáo Hội và cộng đoàn Ki-tô hữu
đang hoàn toàn dấn thân trong và cùng với thế giới, giống như men trong bột vậy.
_______________
Thứ Tư, ngày 27 tháng 10
Lu-ca 13:22-30
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành
thị và làng mạc mà giảng dạy.23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những
người được cứu thoát thì ít, có phải không? " Người bảo họ:24
"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có
nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
25
"Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài,
bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ
bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!26
Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và
ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.27
Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất
mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!
28
"Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham,
I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn
mình lại bị đuổi ra ngoài.29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự
tiệc trong Nước Thiên Chúa.30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ
lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."
*
“Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Thật dễ dàng khiến chúng ta tránh né những
thách đố thực sự khi hỏi những câu hỏi tuy thú vị nhưng lại chẳng thích hợp
chút nào. Câu trả lời của Chúa Giê-su
cho thấy đâu là điều thực sự quan trọng:
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể
được”. Vậy tôi có sẵn sàng làm những gì
là đúng cho dù phải trả một giá đắt không?
*
Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta tránh xa bất cứ cảm nhận sai lạc nào về
quyền lợi: giống như một số người
Do-thái Chúa đã gặp, chúng ta cũng cảm thấy rất thoải mái khi tin rằng nhất định
Thiên Chúa phải cứu thoát chúng ta. Điều
đáng kể không phải là những khai thác hoặc thành công trong quá khứ của ta,
nhưng là lúc nào ta cũng ở với Thầy chí thánh.
Tôi xin ơn khiêm nhường và tự do nội tâm.
_______________
Thứ Năm, ngày 28 tháng 10
Lễ kính thánh Si-môn và thánh Giu-đa,
tông đồ
Lu-ca 6:12-16
Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người
đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu
các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông
Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các
ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu,
Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16
Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
*
Chúa Giê-su đã quyết định sau suốt một đêm cầu nguyện với Thiên
Chúa. Khi nào là lần cuối cùng tôi đã cầu
nguyện trước khi quyết định? Tôi có đem
mọi quyết định của tôi đến với Chúa như với người cha khôn ngoan và yêu thương
không?
*
Lạy Chúa, Chúa đã viết tên con trong bàn tay Chúa. Chúa luôn giữ con trong tâm trí Chúa. Trong Không gian Thánh thiện của giờ cầu nguyện
này, con xin Chúa giúp con và hướng dẫn con trong mọi sự con định làm, bất kể
khó khăn như thế nào.
_______________
Thứ Sáu, ngày 29 tháng 10
Lu-ca 14:1-6
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm
Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.2 Và kìa trước mặt Đức
Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.3 Người lên tiếng nói với
các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: "Có được phép chữa bệnh ngày
sa-bát hay không? "4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân,
chữa khỏi và cho về.5 Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông
có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là
ngày sa-bát? "6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.
*
Ngày sa-bát là dịp để người ta dùng bữa cơm thánh thiện hoặc đạo đức. Ngày sa-bát hôm nay lại có một người bệnh lẻn
vào và hy vọng được chữa lành. Không có
lời nói nào trao đổi giữa anh ta và Chúa Giê-su, nhưng chuyển biến trong dịp
này chính là đặt lòng cảm thương lên trên lề luật. Đây là đề tài thường xuyên của Chúa Giê-su suốt
cuộc đời Người và trong các sách Tin Mừng.
Có lẽ cầu nguyện là thời gian để chúng ta đem đến với Chúa những người
chúng ta nghĩ tới và nhìn họ với ánh mắt đầy cảm thương của Chúa Giê-su. Lòng cảm thương đi sâu vảo tâm hồn chúng ta,
cả người cho lẫn người nhận. Khi gặp được
sự cảm thông giữa chúng ta với nhau, tất cả chúng ta đều sẽ mạnh mẽ hơn và người
khác cũng được mạnh mẽ hơn.
_______________
Thứ Bảy, ngày 30 tháng 10
Lu-ca 14:1, 7-11
1 Một ngày sa-bát kia, Đức
Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người… 7
Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn
này:8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất,
kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người
đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường
chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10
Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh
phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự
trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
*
Chúng ta thường ngạc nhiên và còn bực mình khi thấy rất đông người tìm
cách để được tôn vinh. Khi cố gắng để được
người ta nhìn nhận, chúng ta có thể làm cho chính mình bị nhục nhã. Cơn đói được tôn vinh là một sức mạnh lớn
trong chúng ta, nên chúng ta cần Chúa giúp đỡ để tránh được nhu cầu khoe khoang
tầm quan trọng của mình trước mặt người khác.
Thánh Inhaxiô đề nghị chúng ta hãy tha thiết xin ơn biết làm những quyết
định chính Chúa Giê-su đã làm: xin được
giống như Chúa mà từ chối mọi danh dự, biết chọn sống khiêm nhường và ngay cả bị
nhục mạ giống như Người đã bị nhục mạ. Tôi xin ơn được tự do chấp nhận một cách bình
tĩnh và dễ thương khi gặp những sỉ nhục.