TUẦN 32 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 7 – 13 tháng 11 năm 2021)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Tất cả chúng ta đều gặp những rào cản
tương quan ở thời điểm nào đó trong cuộc sống, có lẽ trên căn bản liên tục. Nhiều lần chúng ta có thể rất nhạy cảm trước
những phiền phức nhỏ bé nhưng lại có thể đưa tới những trục trặc về sức khỏe
tâm thần. Một sự bất đồng, một thái độ
im lặng gây khó chịu, hoặc một sự căng thẳng đau đớn cũng đều có thể khiến
chúng ta phải mất ngủ, lo âu và tâm trạng dễ bị tổn thương. Thực tế là những điều này là các khoảnh khắc
bình thường chúng ta phải gắng sống với chúng.
Mỉm cười khi biết không phải ai ai cũng thích chúng ta có thể là bước
quan trọng đầu tiên để sống lành mạnh.
Sử
dụng sự giao tiếp là phương thức chính để cải thiện mối tương quan chúng ta với
người khác. Chúng ta rất cần phương thức
ấy, từ lúc sáng sớm cho đến cuối ngày. Một
cái bắt tay, đập bàn tay nhau hoặc vỗ vai thân thiện đều có thể lôi kéo chúng
ta đến gần người khác. Một vòng ôm, nắm
tay hoặc nụ hôn nhẹ nhàng còn có thể đưa chúng ta đến gần người khác hơn nữa. Chúng ta hãy làm cho tốt để tiến gần hơn
trong lần tới khi chúng ta ở với người nào đó và hãy để ý xem chúng ta cảm thấy
thế nào sau đấy.
Hơn
nữa, nắm lấy những cơ hội để biểu lộ bản thân chúng ta là điều cần thiết cho tình
cảm thân mật. Chúng ta cần can đảm để
chia sẻ điều gì thuộc cá nhân chúng ta, nhìn thẳng vào mắt người khác, xây dựng
sự tin tưởng và cùng đi với nhau trên một hành trình. Một sự hiện diện im lặng đôi khi cũng đã đủ; tôi nhớ lại hình ảnh ông bà của tôi đi bộ
trong công viên, nắm tay nhau mà không nói một lời và chỉ thưởng thức mùi hương
của những đóa hồng. Khi cảm tạ vì những
mối tương quan của chúng ta, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để đáp lại những lời mời
gọi tình yêu sâu xa hơn nữa.
Đức
Giáo Hoàng Phanxicô đã cho thấy thật là dễ dàng để trìu mến nhau. Chúng ta sợ điều gì? Tôi thường ngại ngùng hôn bà tôi khi tôi thăm
bà mỗi ngày. Rõ ràng tôi yêu mến bà qua
lời nói và những việc làm khác, nhưng dường như tôi đã dành những nụ hôn lại
cho những dịp đặc biệt mà thôi. Vậy tôi
đã theo lời khuyên của Đức Giáo Hoàng và bắt đầu hôn bà tôi và bây giờ thì việc
ấy đã trở thành bản năng thứ hai rồi. Mỗi
ngày là một ngày đặc biệt và là một cơ hội để biểu lộ tình yêu của chúng ta trong
thế giới.
-
Gavin Thomas Murphy, Bursting Out
in Praise:
Spirituality & Mental Health
Sự hiện diện của Chúa
"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt
11:28). Lạy Chúa, này con đây, con đến
tìm sự hiện diện của Chúa. Con trông
mong quyền năng chữa lành của Chúa.
Sự tự do
“Trong những ngày này, Chúa đã dạy tôi
như thầy giáo dạy một học trò” (thánh Inhaxiô).
Tôi nhắc nhở mình rằng vẫn còn những điều
Chúa phải dạy tôi nữa, nên tôi xin ơn biết lắng nghe những điều ấy và để chúng
thay đổi tâm hồn tôi.
Ý thức
Lạy Chúa, xin giúp con biết ý thức sự hiện
diện của Chúa hơn. Xin Chúa dạy con nhận
ra sự hiện diện của Chúa nơi người khác.
Xin Chúa cho tâm hồn con được tràn đầy lòng biết ơn vì nhiều lần tình
yêu Chúa đã tỏ ra cho con qua sự chăm sóc của người khác.
Lời Chúa
Chúa nói với từng người chúng ta. Tôi chú ý lắng nghe điểu Chúa sẽ nói với
tôi. Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài ba
lần rồi hãy lắng nghe. (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để
tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tâm sự đòi hỏi cả nói lẫn lắng
nghe. Khi tôi nói với Chúa Giê-su, tôi cũng
hãy học biết im lặng và lắng nghe.
Tôi sẽ mở tâm hồn cho Chúa khi nói với
Người những nỗi sợ hãi và nghi ngờ của tôi.
Tôi sẽ xin Người giúp tôi đặt mình hoàn toàn trong sự chăm sóc của Người
và phó thác cho Người, vì biết rằng Người luôn muốn điều gì tốt nhất cho tôi.
Kết thúc
Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi
đã cùng ở với nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.
Tuần 32 thường niên
Chúa Nhật, ngày 7 tháng 11
Mác-cô 12:38-44
Trong lúc giảng dạy,
Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo
quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi
công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ
nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn
làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc
hơn."
41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ.
Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật
nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền
kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các
môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng
nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa
của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ
vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."
* Trong thời đại chúng ta, có khi còn hơn cả
thời Chúa Giê-su, đối với những người lãnh đạo của chúng ta, người ta bị ám ảnh
do hình ảnh họ trở thành người quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả
thông điệp hoặc cái nhìn của họ nữa. Tôi
lắng nghe những lời của Chúa Giê-su vì những lời này thực sự là một thách đố
đối với thứ văn hóa hiện nay, và lời Chúa cảnh báo hãy coi chừng đừng để cho
những trò hề này lung lạc mình.
* Chúa Giê-su tuyên bố rằng bà góa nghèo chỉ có
hai đồng tiền kẽm bỏ vào thùng tiền Đền Thờ đã cúng nhiều hơn tất cả những
người giàu có. Một cách rất thực tế, đó
là tổng kết của toàn bộ Tin Mừng, bởi vì Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn và sự sẵn
sàng của tâm hồn để quảng đại ban cho chúng ta.
Vậy tôi có đo lường sự xứng đáng của tôi bằng những thành công bề ngoài
không, hay tôi được tự do để nhìn vào tâm hồn mình và sẵn sàng sống quảng đại ngay
trong tình trạng nghèo khó của tôi? Tôi
xin Chúa giúp tôi nhìn vào chính mình và người khác như Chúa đang nhìn chúng
ta.
_______________
Thứ Hai, ngày 8 tháng
11
Lu-ca 17:1-6
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:
"Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ
làm cớ cho người ta vấp ngã!2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô
xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ
này vấp ngã.3 Anh em hãy đề phòng!
4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy
lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận", thì anh cũng
phải tha cho nó."
5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng:
"Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con."6 Chúa đáp:
"Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu
này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng
lời anh em.
*
Chúa Giê-su bao dung cho những sa ngã cá nhân chúng ta, nhưng lại chống lại
việc gây khó khăn cho người khác. Tôi xét xem mình làm gương tốt thế nào,
có sống tử tế và đáng yêu không. Tôi xin Chúa giúp tôi đừng
sống kiêu căng cũng đừng bất cần ai.
*
Sống giữa những người khác mời gọi tôi phải biết chăm sóc và để ý đến người
khác trong những tương quan của tôi; tôi
xin Chúa giúp tôi nhận ra mình giúp đỡ người khác thế nào để giúp họ trưởng
thành, bằng cách để ý đến họ và tha thứ cho họ.
_______________
Thứ Ba, ngày 9 tháng 11
Lễ Cung hiến Thánh đường Latêranô
Gio-an 2:13-22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái,
Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có
những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15
Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi
Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn
ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả
những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17
Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc
nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông
lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19
Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ
xây dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất
bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?
"21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể
Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại
Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
*
Vương cung Thánh đường Latêranô là nhà thờ
chính tòa của Đức Giáo Hoàng, nên thánh lễ hôm nay nhắc nhớ chúng ta là các tín
hữu rằng chúng ta là các phần tử của Dân Chúa, của Giáo Hội hoàn vũ. Đôi khi đây có thể là nguyên nhân gây ra sự
thất vọng hoặc giận dữ nữa, nhưng đây cũng là nguồn phát sinh rất nhiều tâm
tình cảm tạ và an ủi: tôi đã lãnh nhận
đức tin vì đức tin được gìn giữ sống động trong Giáo Hội, Giáo Hội của người
tội lỗi nhưng cũng là của các vị thánh nữa.
Mong tôi có thể giữ đức tin sống động và chuyển cho người khác đến sau
tôi. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho Đức
Giáo Hoàng Phanxicô và sứ mệnh mục tử toàn cầu của ngài.
_______________
Thứ Tư, ngày 10 tháng 11
Lu-ca 17:11-19
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su
đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào
một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13
và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14
Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang
khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi,
liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp
mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17
Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì
chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa,
mà chỉ có người ngoại bang này? ".19 Rồi Người nói với anh ta:
"Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
* Người phong hủi được
chữa lành tìm thấy lòng tin trong tâm hồn để tôn vinh Thiên Chúa. Lời đầu tiên của anh là lời kêu xin: kêu xin và cảm tạ là những động tác nền tảng
của việc cầu nguyện. Chúng ta kêu xin hoặc
cảm tạ, đôi khi luôn cả hai việc. Xin
điều chúng ta cần và tôn vinh vì điều chúng ta cảm tạ, những việc này là cốt
yếu của cầu nguyện.
* Các người phong hủi
đã có thể nhận ra nhu cầu của họ và kêu xin Chúa Giê-su giúp đỡ họ. Tôi xét xem tôi có sẵn sàng nhận ra những nhu
cầu của mình và xin Chúa giúp đỡ không.
_______________
Thứ Năm, ngày 11 tháng 11
Lu-ca 17:20-25
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ
Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến
như một điều có thể quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói:
"Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa
các ông."
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ:
"Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người
thôi, mà cũng không được thấy.23 Người ta sẽ bảo anh em: "Người
ở kia kìa! hay "Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.24
Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào,
thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.25 Nhưng trước
đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
*
Các môn đệ háo hức chờ đợi Triều Đại Thiên Chúa đến. Đối với chúng ta, sự chết và phục sinh của
Chúa Giê-su mang ý nghĩa là Triều Đại đã đến gần chúng ta rồi: “Này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các
ông”. Triều Đại đã hiện diện nhờ sứ vụ
giảng dạy và chữa lành của Chúa Giê-su.
* Bất cứ ở đâu chúng
ta cho đi hoặc nhận lãnh tình yêu đích thực, lòng nhân ái, dịu dàng, cảm thông
và quảng đại, thì ở đó chúng ta cảm nghiệm được Triều Đại Thiên Chúa.
_______________
Thứ Sáu, ngày 12 tháng 11
Lu-ca 17:26-37
"Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc
đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra
như vậy.27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông
Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.28 Sự việc
cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng
trọt, xây cất.29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa
khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.30 Sự
việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.
31
"Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy.
Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại.32 Hãy nhớ chuyện vợ
ông Lót.33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.34 Thầy nói cho
anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được
đem đi, còn người kia bị bỏ lại.35 Hai người đàn bà đang cùng nhau
xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.36
Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người
kia bị bỏ lại."37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su:
"Thưa Thầy, ở đâu vậy? " Người nói với các ông: "Xác nằm đâu,
diều hâu tụ đó."
* Trong tháng 11 này,
Giáo Hội mong muốn chúng ta hãy nhớ đến những người đã đi trước chúng ta và hãy
nghĩ tới việc chúng ta qua đời, đồng thời như đoạn Tin Mừng nhắc nhở, chúng ta
hãy nhớ đến ngày tận thế nhất định sẽ xảy ra.
* Qua kinh nghiệm của
chúng ta, nhiều biến cố quan trọng đã khiến chúng ta ngạc nhiên, đang khi chúng
ta cứ nghĩ cuộc sống bình thường cứ tiếp tục.
Những thời điểm ấy thường khiến chúng ta dừng lại và suy nghĩ: lại gì nữa đây và thực sự chúng ta sống để làm
gì? Chúa giúp đỡ chúng ta để sống cho
Người, chứ không phải để ngạc nhiên.
_______________
Thứ Bảy, ngày 13 tháng 11
Lu-ca 18:1-8
Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau
đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người
nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên
Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà
goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin
ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng
cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà
cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét
xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."
6
Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy
chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày
đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy
nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người
ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "
* Chúa Giê-su dạy
chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn giản dị mang một thông điệp rõ
ràng: Chúa Giê-su không so sánh Thiên
Chúa với một ông quan tòa bất công, nhưng Người dạy chúng ta rằng nếu lòng kiên
trì lấy lại được công lý từ một ông quan tòa bất công, thì người ta còn nhận
được bao nhiêu nữa từ một người Cha tốt lành và đầy yêu thương?
* Chúng ta đừng bao
giờ nản chí: đây chắc chắn là một trong
những thử thách to lớn cho đức tin chúng ta.
Kiên trì khi cầu nguyện dạy tôi biết rằng Thiên Chúa không cần phải được
thông báo về những nhu cầu của tôi. Trái
lại chính tôi mới là người phải nhận ra rằng tôi đang học tín thác vào Chúa hơn
nữa. Khi tôi mở lòng đón nhận bất cứ
điều gì Người muốn nơi tôi và những người thân của tôi thì Người không muốn
điều gì khác ngoài điều tốt cho tôi. Tôi
cảm tạ Chúa vì sự chăm sóc yêu thương của Ngươi và cầu xin ơn kiên trì khi cầu
nguyện.