TUẦN 34 THƯỜNG
NIÊN (Ngày 21 – 27 tháng 11 năm 2021)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thần
khí, chúng ta nên lưu ý là các tường thuật cảm nghiệm về thần khí có đầy những mơ
hồ và rất dễ hiểu lầm. Để loại trừ sự mơ
hồ này, giúp ích nhất đó là hãy xét xem những gì không phải là cảm nghiệm về thần
khí. Karl Rahner, người đã hiển nhiên quả
quyết rằng cảm nghiệm về thần khí là điều có thể xảy ra, đã tìm cách làm nổi bật
lên điều gì là khác biệt trong cảm nghiệm này.
Ngài cho thấy cảm nghiệm về thần khí không nằm trong cùng một phạm trù
hoặc lãnh vực với cảm nghiệm về các vật thể trong thế giới. Một cảm nghiệm về thần khí không phải là một
cuộc tiếp cận với một vật thể cùng với các vật thể khác, không phải là một mẩu
thông tin cùng với các mẩu thông tin khác và cũng không phải là một giải thích
cùng với những giải thích khác. Hơn nữa,
cũng cần lưu ý là người ta không gặp thấy cảm nghiệm trong quá trình bình thường
của các biến cố tựa như một thứ can thiệp bề ngoài hay siêu nhiên trong những
tiến trình tự nhiên của cuộc tiến hóa sinh học và phát triển con người. Thần khí đã hiện diện và hoạt động trong những
tiến trình tiến hóa tự nhiên này rồi;
chính cái “chúng ta” mới vắng mặt hoặc không để ý đến sự hiện diện đang
hoạt động của thần khí. Nói khác đi, thần
khí “muốn thổi đi đâu thì thổi” qua những cách thức bất ngờ: trong đời sống của thiên nhiên, trong những
chuyển động của lịch sử, nơi các vị ngôn sứ và những người thánh thiện, trong
những điều thánh thiêng, trong các văn hóa và tôn giáo, trong những nghệ thuật
sáng tạo và những phát minh của khoa học tân tiến, trong sự thức tỉnh của ý thức
và khám phá nội tâm con ngưởi. Trong một
cảm nghiệm về thần khí, thần khí tìm thấy chúng ta nhiều hơn là chúng ta tạo
nên thần khí. Nói cách khác, một cảm
nghiệm về thần khí không phải là một dự phóng của con người nhưng là một khám
phá điều đã hiện hữu trong thế giới, không chỉ là một kiến tạo của con người
nhưng là việc tích cực làm sáng tỏ một hồng ân đã được ban cho, không phải là một
dự phóng nhưng là làm trở thành công khai điều chúng ta đã quen thuộc.
-
Dermot A. Lane, Theology and
Ecology in Dialogue
Sự hiện diện của Chúa
Hiện diện nghĩa là đến bằng chính con
người của mình và mở tâm hồn ra với người khác.
Vậy trong lúc này, khi tôi đến đây thì
Chúa đang hiện diện chờ đợi tôi. Chúa
luôn đến trước tôi, mong giao tiếp với tôi còn hơn cả một người bạn thân nhất của
tôi. Vậy tôi dành ra một lúc để chào đón
Thiên Chúa đầy yêu thương của tôi.
Sự tự do
Xin để tôi ở đây,
một mình trong phòng tối,
không ánh sáng mặt trời,
cũng chẳng có một người,
sẽ nói chuyện với tôi.
Nhưng chính thinh lặng ấy,
đã giải thoát tôi rồi!
- Trích từ một bài thơ của Chân phước
Titus Brandsma,
được sáng
tác đang khi ngài là một tù nhân trong trại tập trung Dachau
Ý thức
Tôi đang ở đâu với Chúa? Với người khác?
Tôi có điều gì để tạ ơn không? Vậy tôi cảm tạ Chúa.
Có điều gì tôi phải hối hận không? Vậy tôi xin ơn tha thứ.
Lời Chúa
Tôi dành thời giờ để chậm chậm đọc Lời
Chúa vài lần, để cho tôi ở lại trong bất cứ điều gì đánh động tâm hồn tôi. (Xin lấy
phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.
Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để
tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lời Chúa đã đánh động tâm hồn tôi thế
nào? Đã để lại cho tôi sự nguội lạnh?
Lời Chúa có an ủi tôi hoặc thúc đẩy tôi
hành động một cách mới mẻ không?
Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc
ngồi bên cạnh; tôi hướng về Người và
chia sẻ với Người những cảm nghĩ của tôi.
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng
vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi
đến thiên thu vạn đại. A-men.
Tuần 34 Thường niên
Chúa Nhật, ngày 21 tháng 11
Lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ
Gio-an 18:33b-37
Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người:
"Ông có phải là vua dân Do-thái không? "34 Đức Giê-su đáp:
"Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?
"35 Ông Phi-la-tô trả lời: "Tôi là người Do-thái sao?
Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? "36
Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi
thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho
người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này."37
Ông Phi-la-tô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao? " Đức Giê-su đáp:
"Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục
đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng
tôi."
*
Luôn có sự mơ hồ nào đó khi gọi Chúa Giê-su bằng danh hiệu vua. Một phần lý do là vì những thái độ của các
ông vua qua lịch sử và những nền văn hóa khác nhau. Nhưng sự mơ hồ lớn nhất gặp thấy trong bài
Tin Mừng hôm nay. Chúa Giê-su đã phải sửa
sai cách Phi-la-tô hiểu về vai trò của Người:
“Nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Bất chấp lời cảnh báo này, đôi khi chúng ta vẫn cử hành lễ trọng hôm nay
theo cách thức phô trương trần tục là cách không phù hợp với cách Chúa Giê-su
hiểu về chính mình.
*
Tại sao đọc lại khung cảnh trong bài Thương Khó vào hôm nay? Việc này có giúp chúng ta hiểu vương quyền của
Chúa Giê-su theo đúng nghĩa không? (Bạn
hãy lưu ý việc Chúa Giê-su nhấn mạnh đến chân lý trong đoạn Tin Mừng này). Làm sao Chúa Giê-su lại có thể vừa là Vua vừa
là người Tôi Trung chịu đau khổ?
_______________
Thứ Hai, ngày 22 tháng 11
Lu-ca 21:1-4
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền
dâng cúng của họ vào thùng tiền.2 Người cũng thấy một bà goá túng
thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.3 Người liền nói: "Thầy bảo
thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.4 Quả vậy,
tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng;
còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà
có để nuôi sống mình."
*
Tôi thường hay nghĩ mình không làm đầy đủ khi tôi so sánh mình với người
khác! Vậy hôm nay Chúa Giê-su mời gọi
tôi hãy tự hỏi về Thiên Chúa, Đấng biết rõ tâm hồn tôi, nhìn vào tôi và những nỗ
lực của tôi.
* Tất cả những gì tôi làm đều không quan trọng đối
với Chúa; nhưng quan trọng là lòng quảng
đại của tôi, là những gì nằm trong tâm hồn tôi.
Tôi xin Chúa cho tôi biết mở lòng, sẵn sàng cho đi tất cả, giống như bà
góa nghèo trong bài Tin Mừng.
_______________
Thứ Ba, ngày 23 tháng 11
Lu-ca 21:5-11
Nhân có mấy người nói
về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức
Giê-su bảo:6 "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày
bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."7 Họ
hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp
xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”
8 Đức Giê-su đáp: "Anh em hãy coi chừng
kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta
đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ.9
Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó
phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu".10
Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước
nọ.11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và
đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất
hiện.
* Các kết thúc khi thì được người ta đón tiếp, khi thì
khiến người ta sợ hãi. Giờ đây chúng ta
đang tiến đến kết thúc năm Phụng vụ (tuần tới bắt đầu mùa Vọng), nên các bài
đọc đều hướng về thời tận thế. Chúa
Giê-su bắt đầu bằng cách tiên báo ngày tàn của Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem (bị
phá hủy năm 70 sau công nguyên). Vì ý
nghĩa của Đền Thờ đối với đạo và văn hóa Do-thái, nên biến cố này có thể được
coi như biểu tượng cho kết thúc mọi niềm hy vọng của họ về đấng Mê-si-a. Chắc chắn biến cố ấy đã đưa tới việc phân tán
dân Do-thái đi khắp nơi và tới tình trạng Do-thái giáo thuộc nhóm Ráp-bi như
chúng ta thấy ngày nay. Không gì có thể
cứ như vậy mãi.
* Tôi có phải đối phó với những kết thúc đau
đớn trong những năm vừa qua không? Cái
chết của người thân yêu, những mối tương giao bị thất bại, mất việc, tình trạng
sức khỏe suy sụp, v.v.? Chúa ở đâu trong
những khủng hoảng ấy của tôi? Có những
kết thúc nào tôi đã đón nhận đem lại cho tôi sự tự do và mở ra cho tôi những cơ
hội mới không?
_______________
Thứ Tư, ngày 24 tháng
11
Lu-ca 21:12-19
"Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ
tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu
anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ
hội để anh em làm chứng cho Thầy.14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ
điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.15 Vì chính
Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em
không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16 Anh em sẽ bị chính cha
mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh
em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.18
Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19 Có
kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
* Những lời này của Chúa Giê-su tiếp tục điều
Người đã nói trong bài Tin Mừng hôm qua về những biến cố sẽ xảy ra trong tương
lai. Người nói về sự đau khổ lớn lao
dành cho những ai theo Người. Điều này
đặc biệt được ứng nghiệm vào những năm đầu của lịch sử Giáo Hội khi có rất
nhiều người đã chịu chết vì đạo.
* Ngày nay nhiều người đang đau khổ vì không có
tự do để sống đức tin của họ. Đối với
nhiều người ngày nay, công khai tuyên xưng đức tin có thể là khó. Điều quan trọng là cầu nguyện cho Giáo Hội
cũng như cho những ai thấy khó có thể tin vào một Thiên Chúa của tình yêu.
_______________
Thứ Năm, ngày 25 tháng
11
Lu-ca 17:11-19
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa
hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có
mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn
tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14
Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang
khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi,
liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp
mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17
Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì
chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa,
mà chỉ có người ngoại bang này? ".19 Rồi Người nói với anh ta:
"Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
* Tất cả những người được chữa lành đều ý thức
sở dĩ mình được may mắn và vui mừng là từ đâu mà có. Nhưng chỉ có một người đã dành thì giờ đến
gặp Chúa Giê-su mà thôi. Cầu nguyện là
việc tốt khi nó gồm có xin ơn, nhận lãnh, nhận biết và biết ơn, nhưng cầu
nguyện sẽ thiếu điều gì đó nếu người ta không khiêm nhường trở lại với Chúa
Giê-su để cám ơn Người.
_______________
Thứ Sáu, ngày 26 tháng
11
Lu-ca 21:29-33
Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em hãy
xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.30 Khi cây đâm chồi, anh
em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.31 Anh em cũng vậy, khi
thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.32
Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33
Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.
* Chúa Giê-su nói tới cây vả khiến chúng ta
nghĩ đến dụ ngôn trước đây Người kể về cây vả được ngư8ời làm vườn giữ lại để
may ra nó sẽ sinh trái. Vậy tôi có can
đảm để bắt đầu lại khi tôi sa ngã bên đường không?
* Tôi biết đọc những dấu chỉ thời đại như thế
nào, những dấu chỉ cho tôi thấy những gì là giá trị và những gì là chóng qua?
* Tôi có kinh hoảng về ngày Chúa đến lần thứ
hai không? Hay tôi chờ đợi ngày đó trong
khi vui mừng chuẩn bị trước?
_______________
Thứ Bảy, ngày 27 tháng
11
Lu-ca 21:34-36
"Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì
chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp
xuống đầu anh em,35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt
đất.36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát
khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."
* Có khi nào tôi nghi ngờ rằng đời sống tôi có
thể hời hợt không? Rằng tôi không tiếp
cận với con người đích thực nhất của tôi không?
Rằng tôi có khuynh hướng sống vật vờ thay vì sống một cách có suy nghĩ
không? Đúng vậy, cầu nguyện giúp chúng
ta càng hiểu biết hơn về mình và về Chúa.
Cầu nguyện cũng mời gọi chúng ta vào cuộc hành trình hướng nội để tiến
tới “điểm tĩnh” của linh hồn. Tôi có
luôn chấp nhận lời mời gọi này, hay sợ hãi hoặc mất đức tin đã giữ tôi lại?
* Thật ngạc nhiên vì lời Chúa Giê-su khuyên hãy
chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm cũng phù hợp với đời sống ngày qua ngày của chúng
ta. Thí dụ: “Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say
sưa, lo lắng sự đời”. Vậy có điều gì làm
cho lòng tôi ra nặng nề hiện giờ không?
Có thể là điều gì đó tội lỗi hoặc có thể không. Tôi có muốn được thoát khỏi gánh nặng nề này
không? Chúa Giê-su có thể và muốn giúp
đỡ tôi không? “Anh em hãy tỉnh thức và
cầu nguyện!”