TUẦN III MÙA
VỌNG (Ngày 13 – 19 tháng 12 năm 2020)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Chúng ta đã đi được hơn nửa đường rồi. Xin Chúa tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình của
chúng ta, con đường mòn mùa Vọng dành cho bạn và mọi người.
Có lẽ
chúng ta dành chút thời giờ cùng đi với những vị khách lữ hành từ phương Đông
xa xôi, tức các “đạo sĩ”, trong hành trình của họ (Mát-thêu 2:1-12). Chúng ta không cần phải đào sâu vào lịch sử
hoặc địa lý của hành trình ấy để tìm phương hướng, nhưng hôm nay chúng ta hãy
nhìn nhận niềm khát khao ơn cứu độ và cuộc đi tìm Đấng Cứu độ của họ.
Với tất cả
lòng mong muốn náo nức, họ đã đến lầm chỗ.
Cung điện của vua Hê-rốt chắc chắn không phải là nơi để gặp được Đấng
Mê-si-a. Thế giới của Hê-rốt chẳng có không
gian hay thời gian dành cho những sự ngưỡng mộ như vậy. Chính tại những lâu đài đó và theo cảm nghĩ chung,
người ta không cần phải tìm kiếm quyền lực ở nơi nào khác nữa. Đấy là nơi bạn cần phải lấy hẹn, nơi bạn đến
để tung hô vương quyền và những cạm bẫy của quyền lực. Ở đấy bạn chỉ gặp các tên đầy tớ và sự an
toàn, các vũ nữ và nhạc công, các kẻ ngu đần cũng như học giả và có lẽ trên hết
là cái tôi to lớn.
Thế mà
các đạo sĩ đã bước vào nơi ấy (giống như chúng ta đang làm) để đi tìm Đấng
Mê-si-a. Câu hỏi của họ đã khiến cho
Hê-rốt và triều đình của ông phải bối rối.
Các người cố vấn được triệu đến, họ là những người làu làu kinh sách
nhưng không hiểu mục đích của kinh sách, những người chỉ tiếp cận với các sự kiện
chứ không phải với đức tin, rồi họ cùng đi tới một kết luận chung về nơi sẽ tìm
ra Đức Ki-tô. Đối với họ và vua Hê-rốt,
đó là một nơi đến, một địa điểm trên bản đồ, nhưng đối với Ba Vua thì không phải
như vậy, mà đó là một số phận, một sự thể hiện lời hứa, một giấc mơ biến thành
sự thật. Tuy nhiên tất cả những điều này
lại ở ngoài tầm tay của Hê-rốt. Nên các
vị đạo sĩ đã bỏ lại cung điện sau lưng, để lại ông vua đang bối rối trong vinh
quang, để các vị nhận ra được chân lý cũng là chân lý chúng ta đang tìm kiếm, đó
là Đức Ki-tô đang sống giữa con người và bất cứ ai muốn sống trong sự hiện diện
của Người đều có thể đến gặp Người.
Tuy nhiên
rất nhiều lần giữa cơn bối rối, có thể chúng ta vẫn tiếp tục đi tìm Người không
đúng chỗ.
-
Vincent Sherlock, Let Advent Be
Advent
Messenger Publications, 2017
Sự hiện diện của
Chúa
Bất cứ lúc nào ngày hay đêm, chúng ta đều có thể kêu cầu
Chúa Giê-su. Người luôn chờ đợi, lắng
nghe tiếng chúng ta kêu cầu. Thật là một
ân phúc tuyệt vời. Không cần phải điện
thoại, e-mails, mà chỉ cần một tiếng thì thầm.
Sự tự do
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được tinh thần tự
do. Xin Chúa thanh tẩy tâm trí và linh hồn
con để con được vui sống trong tình yêu của Chúa.
Ý thức
Biết là Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi thành thực
nhìn lại ngày hôm qua với các biến cố và những cảm nghĩ của tôi. Có điều gì để tôi cảm tạ Chúa không? Vậy tôi cảm tạ Chúa. Có điều gì tôi cần hối lỗi không? Vậy tôi xin ơn tha thứ.
Lời Chúa
Lời Chúa đến với chúng con qua Kinh Thánh. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con để
con biết đáp lại giáo huấn Tin Mừng, là yêu thương người khác như chính mình và
chăm sóc mọi anh chị em trong Chúa Ki-tô.
(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp
theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử
dụng nếu cần. Sau khi đã sẵn sàng, bạn
hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lạy Chúa, con biết chắc chắn có nhiều lần Chúa đã bồng
con đi. Đã bao lần nhờ sức mạnh của Chúa
mà con đã vượt thắng được những lúc khó khăn trong đời con.
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh
Thần Thiên Chúa.
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu
vạn đại. A-men.
Tuần III mùa
Vọng
Chúa Nhật, ngày 13
tháng 12
Gio-an 1:6-8, 19-28
Có
một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm
chứng về ánh sáng, để
mọi người nhờ ông mà tin. 8
Ông không phải là ánh sáng, nhưng
ông đến để làm chứng
về ánh sáng… 19
Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số
tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "20 Ông
tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng
Ki-tô."21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là
ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải
là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không."22 Họ liền
nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử
chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "23 Ông nói: Tôi là tiếng
người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ
I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái
Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu
ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?
"26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước.
Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ
đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."28 Các việc
đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
* Thánh Gio-an
biết rõ vai trò của ngài là đưa người ta đến với Chúa Ki-tô. Vai trò của chúng ta cũng thế. Chúng ta cố gắng sống cho đúng đắn, để người
khác có thể nhờ ta mà biết rằng đức tin vào Chúa Ki-tô sẽ làm thay đổi mọi sự.
* Thánh Gio-an
biết phép rửa của ngài chỉ là chuẩn bị, chỉ là nghi thức bằng nước. Còn Chúa Giê-su thì rửa mỗi người chúng ta
trong Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đang
ngự trong ta; Người dẫn dắt và hướng dẫn
chúng ta; chúng ta hãy cố gắng mở lòng
đón nhận công việc mạnh mẽ của Người nơi tâm hồn chúng ta.
_______________
Thứ Hai, ngày 14
tháng 12
Mát-thêu 21:23-27
Đức
Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong
dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho
ông quyền ấy? "24 Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi
các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói
cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa
của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? " Họ mới nghĩ thầm:
"Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao
các ông lại không tin ông ấy? "26 Còn nếu mình nói: "Do
người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn
sứ."27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết."
Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy
quyền nào mà làm các điều ấy."
* Chúa Giê-su
không lạ gì tình trạng đối nghịch và mâu thuẫn của sự thiết lập đạo giáo. Người ta mang một định kiến về việc Đấng
Mê-si-a sẽ đến như thế nào. Họ muốn biết
rõ nguồn gốc quyền bính của Người. Người
để mặc họ vướng mắc trong thái độ tâm hồn ngoan cố của họ.
* Thánh Gio-an
Thánh giá đã vật lộn với mầu nhiệm Chúa Giê-su là ai. Tất cả cuộc đời ngài là chiêm ngưỡng mầu nhiệm
Đấng yêu dấu. Ngài viết: “Trong lúc kết thúc của cuộc đời, chúng ta sẽ
bị xét xử về tình yêu”. Lạy Chúa, xin
giúp con đừng tìm cách khống chế lời Chúa hoặc cấm cản Thánh Thần. Nhưng hôm nay xin Chúa giúp con mở lòng đón
nhận mầu nhiệm thánh.
_______________
Thứ Ba, ngày 15
tháng 12
Mát-thêu 21:28-32
Các
ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất:
"Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho."29 Nó đáp:
"Con không muốn đâu! " Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.30
Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con
đây! " nhưng rồi lại không đi.31 Trong hai người con đó, ai đã
thi hành ý muốn của người cha? " Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức
Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô
gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.32 Vì ông Gio-an đã đến
chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người
thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các
ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
* Tin Mừng nhắc
nhở chúng ta điều ta thường hay quên: lời
nói có thể là vô nghĩa. Các lời hửa sẽ rỗng
tuyếch khi chúng không có những hành động theo sau. Đứa con thứ nhất tuy kiêu căng, nhưng hành động
của anh lại cho ta thấy sự tốt lành của anh.
Còn đứa con thứ hai làm ra vẻ sẽ cộng tác, nhưng lại chẳng giữ lời đã hứa.
* Tôi có hứa với
người khác là sẽ mau mắn không? Những
thiện chí của tôi chẳng ích lợi gì cho người tôi định giúp đỡ mà tôi lại không
làm. Vậy tôi can đảm nói “Xin lỗi bạn
nhé, tôi không thể làm điều ấy cho bạn được” thay vì hứa lèo những gì tôi đã biết
là chẳng bao giờ xảy ra không?
* Tôi thinh lặng
một lát đọc đi đọc lại đoạn Tin Mừng để xem mình chú ý đến điểm gì. Rồi tôi có thể dâng một lời nguyện, xin Chúa
giúp tôi hãy thành thực mỗi khi nói lên ý định của mình.
_______________
Thứ Tư, ngày 16
tháng 12
Lu-ca 7:18b-23
Ông Gio-an liền gọi hai người
trong nhóm môn đệ lại,19 sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật
là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "20
Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: "Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng
tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là
chúng tôi còn phải đợi ai khác? "21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa
nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người
mù được thấy.22 Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về
thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ
què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ
nghèo được nghe tin mừng,23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì
tôi."
* Thánh Gio-an
đã bị tống vào ngục tù. Tại đó khi ngài
suy nhược thì ngọn đèn của ngài cũng sắp tắt.
Ngài thắc mắc không biết những gì mình làm có đúng không? Liệu sứ vụ của mình có uổng phí không? Chúa Giê-su có thực là Đấng như ngài tin
không?
* Lạy Chúa, con
có thể thấy mình giống như thánh Gio-an.
Con cũng thấy tim đèn của con đang nhấp nháy, ngọn lửa đang vật vờ khi mọi
sự không đi đúng đường như con muốn.
Mong ước của con về một thế giới hòa bình và công lý lại bị chặn đứng bởi
một thế giới bạo lực và bất công. Trong
ngày của mùa Vọng này, xin Chúa cho đèn tâm hồn con được đầy dầu và giúp con bước
đi trong chân lý và tín thác.
_______________
Thứ Năm, ngày 17
tháng 12
Mát-thêu 1:1-17
Đây
là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2
Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các
anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét
sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp;
Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy
Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6
ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh
Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia;
A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh
Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham
sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se;
Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh
Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12
Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh
Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh
En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh
A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh
Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà
Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
17
Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời;
từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày
ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
* Có nhiều điều
bất ngờ trong danh sách tổ tiên của Chúa Giê-su. Bản gia phả theo thánh Mát-thêu mang tính
cách mạng đối với thời ngài vì đề cao năm người phụ nữ. Lại nữa, bốn trong năm phụ nữ ấy lại là người
dân ngoại. Cộng thêm là sự có mặt của một
số người tội lỗi có tiếng, như ông Giu-đa và vua Đa-vít, chứng tỏ tất cả đều là
cố ý. Vậy ý này chính là muốn đề cao sứ
mệnh của Chúa Giê-su trong bối cảnh lịch sử ấy.
* Thánh Phao-lô
nói trong thư gửi tín hữu Ga-lát 3:28-29: “Không
còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà;
nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. Mà nếu anh em thuộc về Đức
Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa”.
_______________
Thứ Sáu, ngày 18
tháng 12
Mát-thêu 1:18-25
Sau
đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông
Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng
Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và
không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông
đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:
"Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì
người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh
con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân
Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là
để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây,
Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en,
nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc,
ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn
ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là
Giê-su.
* Thánh Thần
(hoặc Thần Khí) Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của mọi công cuộc tạo dựng và
sự sống con người. Cho nên cũng như
Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trên trời dưới đất, thì giờ đây nhờ
quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa, Chúa Giê-su được thành thai trong dạ Mẹ
Ma-ri-a bởi cách tạo dựng độc đáo, cụ thể và đặc biệt.
* Sự ra đời của
bất cứ em nhỏ nào cũng mang một ý nghĩa kinh ngạc và kỳ diệu. Vậy tôi có thể chia sẻ ý nghĩa kinh ngạc và kỳ
diệu về sự kiện khôn lường là Thiên Chúa trở nên người phàm qua một hài nhi
không?
_______________
Thứ Bảy, ngày 19
tháng 12
Lu-ca 1:5-25
Thời
vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là
Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron.6
Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi
điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.7
Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai
đều đã cao niên.8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc
tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông:9 Trong cuộc
bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong
Đền Thờ của Đức Chúa.10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng
cầu nguyện ở bên ngoài.11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông,
đứng bên phải hương án.12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ
hãi ập xuống trên ông.13 Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông
Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ
ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.14
Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào
đời.15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em
sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.16
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.17
Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để
làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại
hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."18
Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì
tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi."19 Sứ thần đáp:
"Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến
nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.20 Và này đây ông sẽ bị
câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời
tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi."21
Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu
như thế.22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết
là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ
và vẫn bị câm.23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về
nhà.24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm
tháng.25 Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người
thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời."
* Bà
Ê-li-sa-bét là người son sẻ và Thiên Chúa đã can thiệp để biểu lộ quyền năng của
Người. Cuộc sống tôi đang cằn cỗi và trống
rỗng ở lãnh vực nào? Tôi muốn Chúa can
thiệp cho tôi ở lãnh vực nào?
* Ông
Da-ca-ri-a đã nghi ngờ sứ điệp của thiên thần và bị Chúa trừng phạt vì nghi ngờ
ấy. Tôi xin Chúa giúp đỡ tôi trong những
nghi ngờ và khó khăn của tôi.