SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU
Bài Thương Khó. Chúa Nhật Lễ Lá

Suy niệm

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong năm Phụng vụ. Trong tuần thánh, chúng ta chứng kiến những giây phút cuối đời trần thế của Chúa Giêsu, và cử hành cuộc thương khó của Ngài là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta.

Cũng như dân Do Thái xưa, chúng ta cầm cành lá trên tay để đón mừng Chúa như vị Vua hòa bình của thế giới. Nhưng qua bài Thương Khó, chúng ta lại thấy bao nhiêu tội lỗi nhân loại của chúng ta trút lên mình Chúa. Ngài tự gánh hết những tội tình của thế nhân, và muốn rửa sạch hết những tội ác của con người trong cái chết và sự phục sinh của Ngài, để đưa nhân loại vào đời sống mới, đời sống của con cái Thiên Chúa. 

Vì thế, khi nghe kể lại cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giêsu, ta không thể nghe như nghe những câu chuyện lịch sử khác, nhưng nghe như một thiên tình sử muôn đời của Thiên Chúa gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại thiên tình sử đó trong chính tâm hồn mình, nói một cách khác là nội tâm hóa biến cố đau thương và tử nạn của Chúa Giêsu.

Qua bài Thương Khó, ta hãy khám ra con người mình qua cách hành xử của Philatô, Hêrôđê, Phêrô, Giuđa, các thượng tế, khách qua đường… nghĩa là thấy mình cũng không tránh khỏi những tội phạm tương tự như họ: gian dối, phản bội, ích kỷ, cao ngạo, làm chứng gian, hiềm thù, ghen ghét, độc ác…Vì những tội lỗi đó mà dung nhan của Chúa Giêsu nơi chúng ta bị bầm dập, tồi tàn, đến nỗi người ta không còn nhận ra hình dạng của Chúa trong đời sống của chính mình.

Phải thấy được tất cả những điều đó qua mọi hành vi và thái độ sống của chúng ta đối với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, gợi lên trong ta tâm tình sám hối sâu xa để làm một bước chuyển hóa, bằng cách dám chết đi cho tội lỗi để khơi sáng lại dung nhan Chúa Giêsu trong trái tim và trên khuôn mặt của mình.

Tuần Thánh là cơ hội để chúng ta nên thánh, vì Chúa là Đấng Thánh. “Điều hối tiếc lớn lao nhất là không nên thánh (L. Bloy). Không nên thánh là phản bội và chối từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng là phản bội và từ chối chính mình, không còn là mình trong chương trình của Thiên Chúa. Mình chỉ là mình khi đáp trả tình yêu của Chúa hết mình. Tình yêu ấy phải được thể hiện giống như tình yêu mà Chúa đã yêu thương chúng ta, cụ thể hóa ngay trong đời sống gia đình, trong cộng đoàn Giáo xứ, với mọi người quen thân hay xa lạ, với kể cả kẻ thù, đặc biệt là đối với những người khốn khó, bé nhỏ, nghèo hèn.

Không có tình yêu, ta không là gì cả! Nhưng với tình yêu, ta sẽ là tất cả. Chỉ có tình yêu mới làm nên những điều huyền diệu chứ không phải tài năng hay đức cao vọng trọng. Thế giới này cũng vậy, chỉ được thu phục bởi tình yêu. Cha thánh Vianey cũng đã khẳng định: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu!”. Chúng ta không ước ao làm nên một cái gì lớn lao như một thứ cao vọng, nhưng khát khao được trở nên công trình tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã khởi đầu và muốn hoàn thành cuộc đời chúng ta theo dự định của Người.

Tuần thánh năm nay phải là một cuộc đổi đời như Chúa hằng mong đợi nơi mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đối diện với Thập giá Chúa,
con thấy mọi loang lổ của tâm hồn con,
đều được phơi bày trên thân xác Chúa.

Con kiêu căng nên Chúa phải bị treo.
Con ích kỷ nên Chúa chẳng còn gì.     
Con lãnh đạm nên Chúa bị bỏ rơi.       
Con no thỏa nên Chúa đành đói khát.
Con ham muốn nên Chúa phải trần truồng.
Con hà tiện nên Chúa chịu oan khiên.
Con lười biếng nên Chúa phải ưu phiền.
Con ghen ghét nên Chúa bị đâm thâu.
Con gian dối nên Chúa đội mão gai.
Con buông thả nên Chúa bị nhục mạ.
Con xa hoa nên Chúa chịu đóng đinh.
Con tham lam nên Chúa chịu hành hình.
Con hận thù nên Chúa chết điêu linh...

Xin xóa tội con theo lượng cả đức từ bi.
Xin cứu vớt con khỏi sa vòng lâm lụy.
Ôi Thập giá mãi mãi đáng yêu vì! Amen.

(Trích sách: Lời nguyện từ trái tim, số 62)

Lm. Thái Nguyên

 

 


Suy Niệm Đời Chúa