Chúa Nhật 3 Phục Sinh năm B : Lc 24,35-48
Suy niệm
Đang khi các môn đệ hội họp và nghe kể
lại chuyện về Thầy
Giêsu đã hiện
ra trên đường Emmau, thì Thầy lại xuất hiện giữa các ông. Ngài trao ban bình an
cho các ông, nhưng “các ông hoảng sợ tưởng là thấy ma”. Chúa lại cho
các ông xem chân tay và sờ chạm đến Ngài. Thấy các ông còn
ngờ vực, nên Ngài liền ăn uống trước mặt các ông. Cũng như trên đường Emmau, một lần nữa Chúa giải thích
cho các môn đệ:
cuộc khổ nạn của
Ngài không phải là một thất
bại, mà để những gì tiên
báo về Ngài phải được ứng nghiệm, đó là “Ðấng
Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.
Các tông đồ đã hoảng loạn trước cái chết của Thầy. Giờ
đây việc Ngài phục sinh lại làm cho các ông“kinh hồn
bạt vía”, vì họ vẫn nghĩ đó là điều không thể,
cũng như trước đây các ông nghĩ việc Thầy tử nạn cũng là điều không thể. Nhưng
mọi việc đều có thể và xảy ra như thế. Chúa Giêsu đã báo trước ba lần việc tử nạn
và phục sinh, nhưng các ông vẫn không để ý tới, vì thấy Thầy đầy quyền năng nên
đang háo hức trước một tương lai huy hoàng, một vương quốc mới mà họ nghĩ Chúa
Giêsu sắp đứng lên thành lập. Chẳng lạ gì mà mẹ Giacôbê và Gioan mới xin cho
hai con mình “một
người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20, 21).
Việc
Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ
ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.
Có thể nói sau khi Đức Giêsu chết thì các tông
đồ như cũng đã chết: tinh thần các ông hoàn toàn suy sụp, nhóm mười hai tan
tác, còn lại vài người thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ
đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Nhưng
sau khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã
làm cho họ sống lại: họ không
còn sợ hãi, nghi
ngờ; không còn mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Con người cũ của các ông đã thay đổi,
các ông sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng
phục sinh cho mọi người.
ViỆc
Đức Kitô phục sinh không chỉ là một sự kiện lịch sử hay một biến cố đã qua, mà
còn là một thực tại luôn sống động, nghĩa là Đức Kitô đang sống, đang hiện diện,
đang hành động trong đời sống con người, qua mọi biển chuyển và trong mọi thời
đại. Giáo hội chính là nhiệm thể của Đức Kitô đang lớn lên từng ngày giữa lòng
thế giới. Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình và mời gọi chúng ta hãy chứng kiến việc
Chúa phục sinh bằng đức tin, bằng việc sống với Chúa hằng ngày qua Bí tích
Thánh Thể, qua Lời Chúa, qua mọi biến cố trong đời… Mọi sự xảy ra trong đời ta
đều mang bóng dáng và dấu vết của Chúa phục sinh, Đấng đang đồng hành, đang âm
thầm tỏ mình, đang ngỏ lời, và không ngừng mở ra sự sống mới cho chúng ta trong
mọi thời điểm, nhất là những lúc thất bại, đau thương, chán chường và thất vọng.
Không
đặt niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đang sống với ta, trong ta, thì ta vẫn sống
trong cô đơn, lạc loài, buồn thảm, và cuộc đời là sự trống rỗng mênh mông. Có
bao nhiêu thành công hay lợi lộc cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu cuộc sống con
người còn nằm trong bóng tối, không lối thoát. Đau khổ và cả cái chết nữa không
phải là điều đáng kinh hãi, mà là điều làm ta không dám dấn thân cho một niềm
tin: niềm tin Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chính vì niềm tin đó
mà chúng ta hân hoan tiếp nhận sứ mạng“phải
nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”, nghĩa là trở thành chứng nhân cho sự sống mới của Đức Kitô nơi chính mình. Điều đó thể hiện qua một cuộc sống đơn sơ, hồn nhiên,
trong sáng, âm thầm lan tỏa yêu thương và bình an.
Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin, nhưng lại là điều mà người
khác luôn có thể cảm nhận được từ một Kitô hữu biết sống quên mình để dấn thân xây dựng một thế giới
công bằng và huynh đệ.
Cầu
nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Sau khi phục sinh, Chúa đã tỏ mình ra,
nhưng các tông đồ lại tưởng ma,
vì Chúa hiện ra quá bất ngờ,
khiến các ông càng hoang mang lo sợ.
Đúng là các tông đồ không thể ngờ,
vì đã xây dựng đời mình trên giấc mơ,
mơ sống trong danh vọng và quyền hành,
nên có lần các ông đã phân tranh,
xem ai ngồi ghế nhất trong thiên hạ,
được vinh quang mà không qua thập giá.
Nhưng rồi mơ ước đã tiêu tan,
biến cố tử nạn làm các ông hoảng loạn,
Chúa chết đi khiến các ông bàng hoàng,
Chúa xuất hiện, các ông càng choáng váng,
có ngờ đâu vui sướng lại dâng tràn,
niềm hân hoan thật quá đỗi ngỡ ngàng.
Để rồi từ đó Chúa trao ban sứ vụ,
là những người thực thụ giảng Tin Mừng,
đem mạng mình làm chứng cho trần gian,
về sự sống mới được ân ban cho thế giới.
Xin cho con đừng ngây ngô tiếc nuối,
bám víu vào những danh lợi đời này,
vì biết rằng mọi sự sẽ đổi thay,
để từ nay không lo sống cho mình nữa.
Xin cho con niềm phấn khởi giữa đời,
đem an bình của Chúa đến mọi nơi,
cho u buồn và sầu khổ lắng vơi,
để thế giới quanh con được tươi mới,
nhờ nhận ra tình yêu Chúa sáng ngời,
là ân phúc của cõi Trời vinh hiển. Amen.
Lm. Thái Nguyên