MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa Nhật 4 Phục Sinh : Ga 10, 11-18

Suy niệm

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Mục Tử của dân Người, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa. Từ đó, hình ảnh người mục tử được áp dụng cho những kẻ Thiên Chúa ủy nhiệm, để thi hành vai trò lãnh đạo dân Ngài, như Môsê, Đavít, các vua, các tư tế cũng như các thủ lãnh. Tuy nhiên, sau này, kinh nghiệm của Israel về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn. Các ngôn sứ đã khiển trách họ bằng lời lẽ nặng nề, vì họ đã không nuôi dưỡng mà chỉ biết bóc lột đoàn chiên,“thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc.” (Ed 34,2-5). Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa hứa gửi đến cho dân Người một mục tử chân chính, để điều khiển họ trong sự công chính và bình an (x. Ed 34; Gr 23,1-6).

Khi Đức Giêsu tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”, thì lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, vượt quá mọi chờ đợi của con người. Những lời Đức Giêsu nói về người mục tử tốt lành được triển khai tiệm tiến, đưa chúng ta đến một cái nhìn rộng lớn về công trình cứu chuộc, là sự hy sinh chính bản thân Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua.

Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng và trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm chiên lạc, đưa chiên về đàn. Một thái độ hoàn toàn khác với người chăn thuê, là người sống dửng dưng và xa cách với đoàn chiên, chỉ canh giữ theo thủ tục tối thiếu rồi chờ lương bổng lợi lộc, chứ không quý mến gì từng con chiên, và bỏ mặc đoàn chiên khi gặp tình trạng nguy biến.

Thực tế ngay giữa lòng Hội thánh, không thiếu những linh mục và tu sĩ sống ích kỷ và tị hiềm nhỏ mọn; không thiếu những tranh chấp quyền hành và địa vị; không thiếu những người sống ù lì, hưởng thụ, mà còn chạy theo tiền bạc, đam mê, danh vọng... góp phần cho việc tục hóa... Tại sao lại như thế? Nói theo ngôn ngữ của cha Teilhard de Chardin, thì lửa tình yêu trong trái tim các ngài quá yếu, không đủ nóng và đủ mạnh để sưởi ấm cho đời. Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên, không sống tình bạn hữu thân thương trong đời thường. Chỉ khi họ gặp được linh mục hay tu sĩ nào phản chiếu được sự rạng rỡ của tình yêu, tức khắc chạm đến trái tim họ, để lại một ấn tượng khó phai mờ, và nhờ đó gây nên một chuyển biến trong đời sống của họ.

Việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo hội nhìn lại đời sống mình, để khám phá ra những bóng tối đang che mờ ánh sáng, những chai lì khô cứng đang làm nguội dần ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong mình, cả những ươn lười và ham hố bên ngoài như những tảng băng làm tắt dần sức nóng... Cứ phải tạo lại cho mình nỗi khát khao sự sống mới; cứ phải nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong lòng mình bằng đời sống kết hiệp với Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, sự hiện diện của ta trở nên một dấu chỉ tốt lành để hướng mọi người đến việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Riêng với các bạn trẻ, nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, có lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các bạn như sau: “Đừng sợ ra khỏi chính mình và đặt mình vào một cuộc hành trình! Tin Mừng là lời giải phóng, biến đổi và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm đẹp. Thật tuyệt vời biết bao khi ta biết để mình được lời mời gọi của Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, đón nhận Lời Ngài, bước đi theo dấu chân của Đức Giêsu, trong việc phụng sự Thiên Chúa và quảng đại hiến thân cho người khác! Đời sống của chúng ta sẽ mỗi ngày trở nên phong phú hơn và chan chứa niềm vui hơn!”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Ngài là Mục Tử nhân lành,
đã hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên,
không như kẻ chăn thuê lo yên bề gia thế,
không kể gì sự sống chết của đàn chiên.

Là Mục Tử nhân lành,
Chúa dẫn chúng con đến đồng xanh suối mát,
đem lại bình an và sự sống cho tâm hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn,
vì Chúa chính là nơi chốn để tựa nương,
cho cả những ai phải sa cơ lỡ bước,
để họ vượt qua tăm tối của đêm trường,
đón nhận được tình thương và ân sủng.

Xin cho chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa,
biết nghe theo tiếng Chúa ở mọi nơi,
biết bước theo chân Chúa ở mọi thời,
đừng để con xa rời đường nẻo Chúa,
kẻo đời con phải héo úa sa chìm.

Xin cho các bạn trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa,
qua những người đang đói khát hôm nay,
không chỉ đói bánh ăn và cơm áo gạo tiền,
mà còn đói chính tình thương và lẽ sống,
đói công bình vì đầy dẫy những bất công,
đói cảm thông vì chẳng ai chia sẻ.

Xin cho các bạn trẻ biết chạnh lòng,
trước bao mảnh đời bất hạnh vẫn chờ mong,
có ai đó đem đến cho họ niềm hy vọng,
giữa cuộc đời đầy trống rỗng hư không,
để các bạn mở lòng dấn thân vào đồng lúa,
trở thành thợ gặt lành nghề cho Nước Chúa,
cho niềm vui ơn cứu độ tỏa lan,
cho bình an và hạnh phúc mãi tuôn tràn. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm B