NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG

Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm B : Ga 15, 9-17

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ký thác bí mật cuối cùng là lời di chúc quý báu nhất từ trái tim Ngài:“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nhưng để yêu như Thầy yêu, thì điều cốt lõi là “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. “Ở lại” là đừng sống xa cách Ngài, đừng ra khỏi Ngài, nhưng hãy sống gắn bó với Ngài mọi nơi mọi lúc, qua mọi việc, như chim liền cánh như cây liền lành. Tất cả các cành cây đều được nuôi sống bằng một dòng nhựa, nên hiệp thông với Chúa khiến ta hiệp thông với nhau.

Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển: Như Cha đã yêu Thầy, Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau. Yêu thương là một dòng chảy không ngừng phát xuất từ Cha, nên chúng ta không được biến nó thành ao tù, mà phải làm cho lan tỏa khắp nơi, đến với mọi người trên thế giới. Đức Giêsu muốn toàn thể nhân loại làm thành một cộng đồng tình yêu, không muốn các môn đệ chỉ loay hoay vun quén cho nhau để rồi làm thành một thứ Hội Thánh đóng kín. Vì vậy mà “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi và sinh được hoa trái”.

Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời. Tình yêu mà Chúa Giêsu mong đợi nơi chúng ta là tình yêu hy sinh quên mình, để đem lại hạnh phúc cho con người. Bởi vậy, ta thấy dễ yêu nhưng yêu không dễ, như lời bài hát:“Đường vào tình yêu có nhiều trái đắng mang tên khổ qua”, hoặc “Trong tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu”. Các cô họa thêm là: Trong tình yêu có trăm lần thua có một lần huề. Tình yêu là một tiến trình trải nghiệm gian nan nhất, có khi rơi vào tình trạng khổ sở và cay đắng nhất. Chúng ta không gặp tình yêu trong tình trạng đã tốt đẹp và có sẵn để mà hưởng, nhưng phải tập luyện và làm tăng trưởng mãi.

Thực tế có nhiều quan niệm về tình yêu, và vì có những quan niệm lệch lạc nên tình yêu bị biến chất, biến dạng, có khi còn biến thái. Trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Đức Bênêđictô XVI cho thấy: chưa bao giờ “hai chữ tình yêu” bị lạm dụng như ngày nay. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận và hưởng thụ, nên những người trẻ cũng dễ yêu cuồng sống vội, tình yêu chỉ còn là một thứ chộp giựt. Trong một não trạng xã hội ngày càng tôn vinh thân xác và lạc thú, thì tình yêu trở thành trò đùa, hay thứ hàng hóa để mua bán đổi trao. Trong một xã hội mà người ta chỉ quan trọng vật chất và coi nhẹ giá trị tinh thần, thì tình yêu bị giảm thiểu xuống hàng thứ yếu. Bao nhiêu hỗn loạn phát sinh từ đó, vì đã đánh mất bản chất của tình yêu.

Tình yêu không phải là cảm xúc, cảm xúc đến rồi đi, chỉ có tình yêu là ở lại. Cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở diệu kỳ, nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Tình yêu là một bước tiến vươn lên sự thiện hảo, luôn được đặt trong tiến trình thanh luyện và trưởng thành. Để đạt được mức độ trưởng thành của tình yêu, phải có sự góp phần của toàn thể con người, bằng sự kết hợp mọi khả năng của lý trí, ý chí, tình cảm, không chỉ là những hành động và kiểu cách bề ngoài.

Tình yêu không tìm chiếm đoạt mà tìm niềm vui trong sự trao ban, cho dù người khác không đáp trả, không biết ơn, không dễ thương, không xứng đáng. Tình yêu đích thực chỉ ao ước làm điều thiện cho mọi người, coi hạnh phúc của họ quan trọng hơn hạnh phúc của bản thân, dù nhiều khi phải trả giá đắt. Tình yêu có cái giá của nó, là chính thập giá để biểu hiện tình yêu. Chính nỗi đau mới dạy cho chúng ta cách thức yêu thương. Tình yêu như vậy trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật tặng ban như chính Chúa Giêsu, Đấng nâng cao chúng ta lên thành bạn hữu, và đã “hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.

Thế giới ngày nay khao khát một tình yêu đích thực. Kitô hữu phải là nhân chứng của tình yêu ấy. Chúng ta không có dịp để chết cho người khác như cha Kônbê, nhưng ta luôn có nhiều dịp để sống cho anh em. Sống cho anh em là chết cho chính mình: chết qua những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng đổ mồ hôi và nước mắt. Chết không chỉ một lần, nhưng chết dần mòn cho hạnh phúc của tha nhân. Kahil Gibran viết: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi". Chỉ khi thực sự yêu mến Chúa ta mới biết yêu thương tha nhân. Và chỉ khi thực sự yêu thương tha nhân ta mới nói lên được tình yêu mến Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Xin cho con hiểu rằng,
điều làm nên cuộc sống con hôm nay,
không phải là những công trình to tát,
kiến thức uyên bác hay là công trạng,
nhưng là tình yêu thương đầy tràn,
vì mọi sự sẽ qua đi, chỉ tình yêu là ở lại.

Xin cho con tận dụng mọi khoảnh khắc,
để sống với với nhau và cho nhau,
vui với người vui, khóc với người khóc,
chia sẻ và cho đi với tất cả tấm lòng.

Sống ở đời chỉ có thân phận và tình yêu,
thân phận thì giới hạn mà tình yêu vô hạn,
xin cho con biết sống bằng tình yêu,
là chính Chúa trong tất cả mọi điều.

Chúa đã yêu con thật quá nhiều,
mà tình con đáp trả chẳng bao nhiêu,
nên thánh ý Chúa chẳng mấy khi con hiểu,
vì chỉ ham sống theo kiểu của người đời,
lo sao cho danh lợi có thật nhiều,
mà quan trọng nhất là tình yêu con lại thiếu.

Xin cho con đừng chạy theo nhãn hiệu,
kẻo đời con sẽ phải sống kiếp cô liêu,
vì thiếu tình yêu là điều tồi tệ nhất,
là chính ngục thất khiến cho đời tàn úa.

Xin gột sạch trái tim con nhem nhúa,
để có một tình yêu tinh ròng như Chúa,
biết quên mình và quảng đại hy sinh,
trong mọi nơi mọi lúc sống tận tình,
yêu người như Chúa đã yêu con,
là bằng chứng vẹn tròn con yêu Chúa. Amen.

Lm Thái Nguyên


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm B