NHẬN LẤY
THÁNH THẦN
Chúa Nhật Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống : Ga 20, 19-23
Suy niệm
Bốn mươi ngày sau Phục Sinh,
Giáo hội cử hành mầu nhiệm Chúa lên Trời. Sau đó 10 ngày cử hành lễ Ngũ tuần,
là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa. Ngài
không chỉ hiện diện, dẫn dắt và canh tân Giáo hội, mà còn hoạt động
ở mọi nơi mọi thời, trong mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và tôn giáo, để không
ngừng đổi mới con người và thế giới cho phù hợp với dự định của Thiên Chúa, và
để qui tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức kitô.
Sách Công Vụ thuật lại, sau khi Thánh Thần xuống trên các tông
đồ thì xảy ra một hiện tượng lạ, là đám đông dân chúng thuộc nhiều dân tộc khác
nhau, ai cũng nghe và hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ, như nghe chính
ngôn ngữ của mình. Các ông
cũng chỉ nói bằng tiếng Do thái, nhưng Chúa Thánh Thần giúp cho thính giả thuộc
nhiều dân tộc khác nhau đều thấu hiểu.
Chúng ta
hãy nhớ lại câu chuyện tháp Babel trong sách Sáng Thế: con cháu ông Noe kiêu ngạo
muốn xây một tháp cao vút để tỏ ra mình hơn Thiên Chúa, không còn trận lục hồng
thủy nào có thể lên tới được. Liền sau đó, Chúa khiến họ nói nhiều thứ tiếng,
không ai hiểu ai nữa, đưa đến chia rẽ và hỗn loạn. Chính trong ngày Lễ Ngũ Tuần,
qua việc ra rao giảng Tin Mừng mà Chúa Thánh Thần bắt đầu
liên kết lại mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, và văn hoá khác
biệt. Ngài đã chữa lành vết thương của tháp Babel do sự cao ngạo của con người.
Ngài làm con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh
của mọi dân tộc.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là lễ khai sinh một Hội
Thánh truyền giáo, để qui tụ
muôn dân, hiệp nhất muôn người, đem lại niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa
Thánh Thần vẫn luôn hành động trong thế giới hôm nay, và hành động mạnh mẽ qua
Giáo hội, qua mỗi người Kitô hữu, là những người đã nhận lãnh chính Ngài. Vì thế,
trước tiên chúng ta phải nêu cao đời sống hiệp nhất với Chúa và với nhau ngay từ
trong đời sống gia đình đến Giáo xứ, Giáo hội toàn cầu, để tạo nên sự an vui và
hạnh phúc cho con người.
Tuy
nhiên, hiệp nhất không phải là thu gom vào một nhóm người, mang tính cục bộ, chỉ
để lo cho nhau, hay để được sống an toàn trong một cơ chế vững vàng. Nhưng hiệp
nhất là đồng tâm nhất trí để thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho
Giáo hội như Lời Ngài đã phán: “Như
Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Mỗi người chúng ta được Chúa sai đi trong chính hoàn cảnh
và bậc sống của mình. Hãy ý thức sứ mạng cao cả của mình và thể hiện với tất cả
sự nhiệt tình vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân.
Tin Mừng phải được rao giảng bằng mọi cách trong đời sống của
chúng ta. Kinh Thánh đã được dịch ra 2.197 ngôn
ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ
của phục vụ và yêu thương. Phục vụ và yêu thương là thái độ sống cơ bản của mọi
tín hữu để Chúa Thánh Thần có thể hành động nơi mỗi người chúng ta, đem lại ơn
cứu độ cho con người trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần!
Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
để đem lại sự sống mới cho con người.
Đời sống thiêng liêng
của con,
là đời sống của Chúa ở trong con,
là đời sống của con ở trong Chúa.
Cho con biết buông
mình theo ân sủng,
để hành động trong tình yêu:
biết yêu những gì tốt đẹp,
biết ghét những gì xấu xa.
biết vượt qua những gì tăm tối,
để khai đường mở lối vươn lên.
Cho con biết đưa tình
yêu vào cuộc sống,
biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
hòa nhập cả hai nên một:
sống là yêu, yêu là sống.
Vì con biết rằng,
Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.
Xin ban cho nhân loại
chúng con
một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
không còn chia cắt và tranh chấp oán hờn,
không còn bạo lực và cơ cầu cùng khốn,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất cõi gian trần. Amen.
Lm. Thái Nguyên