CÁM DỖ
Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm B : Mc 1,12-15
Suy niệm
Chúng ta bước vào Mùa Chay trải dài 40 ngày. Con số 40 trong
Kinh Thánh có một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Trước hết là nhắc nhớ 40 năm đầy thử thách của dân Israel trong sa
mạc trước khi vào Đất Hứa; Luca cũng diễn tả việc Đức Giêsu cũng phải
chịu thử thách và cám dỗ như là một biến cố để Ngài chuẩn bị cho sứ mạng theo
kế hoạch của Thiên Chúa. 40 ngày ngôn sứ Êlia
lặn lội tới núi Horeb, và ở đó ông được gặp Đức Chúa; đây cũng là thời gian
hoàn toàn yên tịnh để Đức Giêsu sống với Thiên Chúa. 40 ngày Môsê chay tịnh
trên núi Sinai để chờ đón nhận Giao ước, cũng là thời gian chay tịnh của Đức
Giêsu để Ngài chuẩn bị trở thành Giao ước mới của Thiên Chúa với loài người. Điều
đặc biệt ở đây là chính Thần Khí thúc đẩy Ngài vào hoang địa để chịu Satan cám
dỗ, và Thánh Thần sẽ là Đấng điều dẫn Ngài trong mọi sự để thi hành và hoàn
thành ý định cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh Kinh đã ghi nhận từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Các
thiên thần cũng phải đối đầu với cám dỗ, vì không vượt qua nổi nên Lucifer, một
thiên thần sáng láng đã trở thành Satan tối tăm. Thụ tạo đầu tiên trong thế
giới loài người là Ađam và Eva cũng đã gục ngã trước cám dỗ, nên đau khổ và sự
chết đã tràn vào thế gian. Trong cuộc hành trình về Đất Hứa, dân Israel đã
không ngừng bị cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai Cập làm nô lệ để có bánh ăn; cám dỗ
thờ ngẫu tượng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa. Vua Đavit cũng sa ngã trước cám dỗ
sắc dục. Cám dỗ gắn liền với thân phận làm người.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết: “Trên đời này không ai mà không bị cám
dỗ”. Người Việt Nam cũng thường nói “Con người ta, già cái lợi cái răng, nhưng ba cái
lăng nhăng không già”. Cám dỗ là một điều dai dẳng và luôn lôi
kéo mạnh mẽ. Chấp nhận làm người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận đối đầu với cám
dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng để mở đường cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay.
Là những người theo Đức Kitô trên con đường về
Nước Trời, đòi chúng ta cũng phải trải qua những thử thách và thanh luyện. Thời
gian 40 ngày mùa chay thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại
chính mình, đừng chủ quan và ảo tưởng nữa, để có thể sống theo Lời Chúa mời
gọi: “Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng”.
Mùa
chay là mùa hồi tâm để sám hối. Sám hối trước hết là trở về với Chúa. Cũng là
thời gian dừng lại để nhận ra những cám dỗ đang rình rập, những cạm bẫy đang
bủa vây. Nếu cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn, thì nó cũng là một chuỗi
những cám dỗ: cám dỗ nào cũng khiến ta khép kín, chỉ nghĩ đến mình và sống cho
mình.
Xã hội
càng văn minh tiến bộ, con người càng gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ hưởng thụ và
chiếm đoạt; cám dỗ sống tầm thường và buông thả; cám dỗ cao ngạo, háo danh và
trục lợi… Bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cánh cửa mở ra trước cạm bẫy. Nếu đời người như cây sậy trước gió dễ ngả
nghiêng, chúng ta càng phải biết nương tựa vào Chúa. Nếu người đời tôn thờ
khoái lạc, xa hoa hưởng thụ, chúng ta càng phải biết chay tịnh cõi lòng. Nếu
thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, phô bày thân xác, chúng ta càng phải biết giữ
gìn con mắt. Quả thật,“Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là
một giấc mơ.” (Wendell
Philips).
Nhưng nên nhớ, chúng ta không thể chiến đấu một mình trước sự
ranh mãnh và sức mạnh của Satan. Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ bằng
quyền năng Thánh Thần, bằng sức mạnh Lời Chúa, bằng sự chay tịnh và cầu nguyện.
Ngài còn phải chiến đấu với cơn cám dỗ kinh khủng trong giờ phút cuối cùng, nhưng
cũng đã chiến thắng, bằng cách vâng theo ý Cha để chọn chén đắng, chọn thập
giá, chọn cái chết, để ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Đó cũng là
cách chọn lựa của chúng ta để có thể chiến thắng mọi cám dỗ. Cần sống thân tình
với Chúa Giêsu, nhìn ngắm Ngài, theo gương Ngài, và nương mình theo sự tác động
của Chúa Thánh Thần, để ta có được nội lực thâm hậu, hầu chiến thắng tội lỗi và
vượt qua mọi cạm bẫy của ma quỉ.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Như Chúa Giêsu ngày xưa vào hoang mạc,
theo ánh sáng thúc đẩy của Thánh Linh,
để sống bốn mươi ngày trong cô tịch,
trong chay tịnh và kết hiệp với Cha,
để chuẩn bị đi ra với sứ vụ cứu đời.
Mỗi khi mùa chay tới,
con cũng được thúc giục đến một nơi,
không phải du lịch tâm linh để xả hơi,
nhưng là được kêu mời vào thinh lặng,
để trở về với Cha trong tình yêu sâu lắng,
tìm lại cân bằng và chỉnh đốn lại hướng đi.
Nhưng chính khi an tĩnh
và chay tịnh,
mà Chúa Giêsu thấy mình bị cám dỗ,
con cũng thấy mình bị thách đố liên hồi,
luôn ham muốn để sống với “cái tôi”,
nên khiến đời con luôn trôi nổi,
và cám dỗ luôn kéo lôi tứ phía,
làm cuộc sống dần dà xa cách Chúa,
có nguy cơ tàn úa theo tháng ngày.
Xin cho con đôi mắt sáng
của trái tim,
đừng mềm yếu để khỏi bị sa chìm,
đừng cứng cỏi và cố chấp trong suy nghĩ,
nhưng biết khiêm nhu mở ra trước chân lý,
đừng để con vô tri và ù lì trong lối sống,
nhưng luôn theo tác động của Thánh Thần.
Xin cho con biết thật
tâm tu luyện,
biết ăn chay và cầu nguyện hằng ngày,
để vững mạnh trên con đường sứ mạng,
hầu đi từ thập giá đến vinh quang. Amen.
Lm. Thái Nguyên