CON YÊU DẤU

Chúa Nhật 1 thường niên năm B : Mc 1, 7-11

Suy niệm

Gioan Tẩy Giả được dân chúng coi như vị ngôn sứ đáng kính phục. Ông đã từng đi khắp vùng sông Giođan rao giảng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lời nói và nếp sống khổ hạnh của ông đã lay chuyển cả những tâm hồn cứng cỏi nhất. Họ đến với ông thật đông đảo để được nghe giảng dạy và nhận phép rửa. Nhiều người đã tưởng ông là Đấng Thiên Sai mà dân Do Thái hằng mong đợi. Thế nhưng hôm nay, để giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng, ông tự nhận mình là người hèn kém: tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Ông còn cho thấy phép rửa sám hối của ông chỉ thực hiện bằng nước, còn Đức Giêsu “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Gioan đã hạ mình để giới thiệu một Đấng còn hạ mình sâu thẳm hơn nhiều, là chính Đức Giêsu, Đấng thánh thiện vô ngần. Thế nhưng Ngài lại đứng chung hàng ngũ với các tội nhân, tự đồng hóa với họ, trở nên một người như họ, và đã xin Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Quả là chuyện ngược đời trong thiên hạ. Đó là điều vô cùng mới lạ về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, mà chúng ta cần cúi đầu chiêm ngắm và cảm mến để đón nhận hồng ân cứu độ.

Giây phút quan trọng và thật uy linh là khi Đức Giêsu vừa lên khỏi nước, “Ngài liền thấy các tầng trời xé ra”. Sách Sáng Thế viết: Ađam và Eva phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (x. St 3,23-24). Trước đó, qua bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, cửa trời đã mở ra, một kiểu nói của Thánh Kinh ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.

Khi các tầng trời xé ra thì “Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài”. Như Kinh Thánh đã ghi: khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) để thông truyền sự sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu với ngụ ý: Chúa Giêsu là Đấng sẽ tái tạo và đem lại sự sống mới cho nhân loại đã bị đổ vỡ vì tội nguyên tổ. Vì vậy mà thánh Phaolô đã xác định: “Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tạo vật mới” (Gal 6,15). Trong Cựu ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mạng, và ở đây, Chúa Giêsu đã lãnh lấy sứ mạng là cứu chuộc nhân loại.

Khi Thần Khí ngự xuống thì liền có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con”. Lời này chứng thật Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Những ai tin vào Ngài và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Qua phép rửa tại sông Giođan, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải, là mầu nhiệm cao cả nhất và là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này biểu lộ tình thương vô vàn của Thiên Chúa: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Sự hiển linh của Ba Ngôi ở đây không chỉ để khai mạc sứ mạng của Đức Giêsu, mà còn để tiên báo sự sống lại vinh hiển của Ngài, tiên báo thời đại ân sủng mà Ngài mang đến cho loài người.

Mở đầu Chúa Nhật thứ nhất mùa thường niên, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về ân huệ cao trọng mà mình đã lãnh nhận trong phép thanh tẩy.“Vì khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu” (Rm 6,3). Qua đó, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa, để bước vào đời sống mới trong sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúng ta hãy xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị, bằng một đời sống khiêm nhu, hiền lành, công chính, thánh thiện. Ân huệ này đồng thời đi kèm với sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao lại cho Giáo Hội: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Nhiệt tình với sứ mạng này chính là nhiệt tình đáp trả lại tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Phúc Âm ghi lại một biến cố lạ lùng,
một buổi sáng trên dòng sông Giođan,
trời mây lặng lẽ nắng nhẹ nhàng,
giữa đám đông nghe Gioan rao giảng,
ai ngờ Chúa cũng có mặt và xếp hàng,
chờ tới phiên mình chịu phép rửa.

Như dân chúng, Chúa tỏ lòng sám hối,
chẳng khác nào như những người tội lỗi,
Ngài hạ mình làm con không hiểu nổi,
cũng chỉ vì gánh tội thế nhân thôi.

Thế rồi dấu lạ là cửa trời rộng mở,
Thần Khí tựa chim câu xuống trên Ngài,
lại có tiếng Chúa Cha tuyên phán con chí ái,
là một cuộc tỏ mình Ba Ngôi cho nhân loại.

Lạy Cha là Thiên Chúa!
Cuộc đời con quả thật là diễm phúc,
được làm con cái Cha qua phép Rửa,
đón nhận nguồn sống quá thâm sâu,

là chính Chúa Ba Ngôi rất nhiệm mầu.

Xin cho con mãi được làm con yêu dấu,
như Chúa Giêsu đã trở nên gương mẫu,
dám hy sinh chấp nhận mọi thương đau,
để làm cho cuộc sống được tươi mầu,
cho Danh Cha lan rộng khắp hoàn cầu,
cho Nước Cha muôn đời sau hiển trị.

Lạy Cha là Đấng rất từ bi,
cho con từ đây chẳng ngại gì,
dám ra khỏi thành trì chật hẹp của bản thân,
để biết cho đi những gì mình lãnh nhận. Amen.

Lm. Thái Nguyên


 

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm B