Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B : Mc 8, 27-35
Suy niệm
“Người ta nói Thầy là ai?”. Các môn đệ trả lời là
dân chúng coi Thầy là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia hay một ngôn
sứ nào đó. Người ngoài có một cái nhìn mơ hồ và thiếu sót. Đức Giêsu chờ đợi một câu
trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn từ phía các môn đệ, là những người đã theo Ngài một thời
gian, đã từng ở với Ngài, nghe Ngài giảng, thấy những dấu lạ Ngài làm… Ngài không trực tiếp nói cho họ biết rõ căn tính
của mình, nhưng để họ tự khám phá ra.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đại diện cho cả nhóm, nói lên niềm xác
tín của mình:“Thầy là Ðấng Kitô”. Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của
đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, chỉ chiến thắng chứ không hề chiến bại. Quan niệm và xác định
như thế, nên khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc Thương
Khó của Ngài
đã khiến Phêrô choáng váng. Ông
không sao hiểu nổi vì đang mải mê với một Đức Kitô
vinh quang. Ông vội kéo riêng
Ngài ra để
ngăn lại ý định đó, nhưng bị quở trách ngay: “Xatan! lui lại đằng sau Thầy. Vì
tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là
của loài người”. Đức Giêsu biết rõ
đâu là
con đường Chúa Cha mong muốn, và đâu là con đường thế gian chờ đợi. Con đường của
Thiên Chúa thì vượt trên tính toán khôn ngoan của loài người (x.1Cr 1,25).
Con đường của Đức Giêsu là con đường hẹp:“Ai muốn theo
tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ chính mình là
không còn sống cho chính mình nữa, mà dám liều mất mạng sống mình vì
Đức Kitô và vì Tin Mừng. Từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết,
nếu không, việc tiếp nhận Đức Giêsu và sống sứ mạng đời mình sẽ trở thành một
ảo vọng, hay đúng hơn là một tham vọng, một hình thức từ bỏ để chiếm hữu. Vì ngay
các môn đệ, dù đã bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tài sản… để theo Chúa, thì họ
vẫn thấy mình là người quan trọng. “Cái tôi” có nguy cơ lớn lên song song với
lòng quảng đại hiến thân của họ. Vì vậy mà Nhóm Mười Hai đã từng tranh luận với
nhau xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9, 33). Trở ngại đầu tiên và cuối cùng cũng
vẫn là cái tôi. Từ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của mọi Kitô
hữu, dù là tu sĩ hay giáo dân, già hay trẻ, trí thức hay ít học. Thanh tẩy
tội lỗi của mình đã là điều khó, nhưng thanh tẩy mình khỏi những nhân đức và
công trạng xem ra còn khó hơn. Đó là điều mà ta phải luôn cảnh giác mình trên
con đường theo Chúa.
Ngày
nay, những ai nghe biết về Đức Giêsu, thì phần lớn nhìn nhận Ngài là một vĩ
nhân, một siêu nhân, một vị Thầy đáng cho nhân loại thượng tôn. Như vậy Ngài
cũng giống như Đức Khổng Tử, được thiên hạ tôn làm “Vạn Thế Sư Biểu”. Triết gia Karl Jasper đã
từng xác nhận
Đức Giêsu cùng với Socrates, Đức Phật, và Khổng Tử là một trong bốn nhân vật
mẫu mực
cho người đời noi theo. Và nếu như vậy thì cũng không khác gì
cái nhìn của người Do Thái trong bài Tin Mừng này. Nơi Đức Giêsu còn một cái gì
cao vượt hơn nhiều, liên quan trực tiếp đến toàn thể loài người và mỗi người, như
lời Ngài phán:“Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6). Ngài
còn xác định nguồn cội và căn tính tuyệt đối của mình:“Tôi
và Chúa Cha là một” (Ga10,10). Vì thế, “Ai thấy Thầy
là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).
Nhưng điều quan trọng ở
chỗ Đức Giêsu là ai đối với tôi? Để trả lời câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết, trước tiên: “Tôi phải đào sâu vào trong tâm hồn tôi”; nghĩa là phải bắt đầu từ kinh nghiệm của mình. Thánh Phaolô cũng đã trả
lời câu hỏi đó bằng chính kinh nghiệm của ngài: Đức Kitô là “Đấng đã yêu mến tôi, và hiến mạng vì tôi.” (Gl
2, 20). Muốn có kinh nghiệm này, tôi phải nhận
ra mình là một tội nhân, tuyệt đối cần đến hy tế cứu chuộc của Đức Kitô. Đức Giáo Hoàng còn nói đến bước thứ hai là chiêm niệm và cầu nguyện. Ngài nhắc lại
một lời nguyện tuyệt vời của thánh Augustinô: “Lạy
Chúa, xin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con”. Đây là ân ban mà chúng ta phải có
lòng khao khát và cầu xin hằng ngày, để có thể liên tục khám phá về Đức Giêsu,
Đấng luôn mới mẻ trong cuộc đời mình và trong từng biến cố của nhân sinh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Câu hỏi ngày xưa Chúa đặt ra,
thì ngày nay vẫn còn luôn mới lạ,
con không thể trả lời theo người ta,
mà từ chính kinh nghiệm của bản thân,
qua thời gian con biết Chúa dần dần.
Nhưng rồi con thấy Chúa quá to,
vẫn là một mầu nhiệm khôn dò,
chẳng thể nào nói ra cho rõ,
lại càng không thể tỏ cho ai.
Con cảm nhận Chúa là tình thương,
hơn tất cả những gì con biết
được,
hơn
tất cả những gì con mơ ước,
là chỗ duy nhất con tựa nương.
Có khi con thấy Chúa rất lạ thường,
không như những gì con suy tưởng,
chỉ biết là Chúa Đấng khôn lường,
rất gần gũi nhưng vô cùng siêu vượt.
Xin Chúa thanh lọc tâm trí con,
những hình ảnh đã vốn có về Ngài,
để đón nhận một Giêsu luôn mới mẻ,
đi qua đời con với nhiều dáng vẻ,
làm tim con luôn tươi trẻ trong Ngài.
Xin cho con luôn tận tình đáp lại,
không ngần ngại trước mọi chông gai,
sẵn sàng hy sinh và từ bỏ chính mình,
để sống cuộc hành trình Ki-tô
hữu.
Xin cho con mỗi ngày thêm khám phá,
để thực sự thấy Chúa là tất cả,
và lời
con đáp trả thật
sâu xa,
đạt tới niềm vui ơn cứu độ chan hòa. Amen.
Lm. Thái Nguyên