CHẾT ĐẾN NƠI RỒI
Ngày Toàn Quốc cầu nguyện xin Ơn Chữa lành : Mc 4,35-41
(Chúa Nhật 17.10.2021)
Suy
niệm
Trong
lễ này, Giáo Hội đặt bài Tin Mừng kể lại trận cuồng phong nổi lên, khi Chúa
Giêsu và các Tông đồ đang trên thuyền đi qua “bờ bên kia”. Trước cơn sóng dữ ập
vào thuyền, các Tông đồ hoang mang, sợ hãi, các ông hốt hoảng chạy đến đánh
thức và kêu cứu Thầy. “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì
sao?” Có gì đáng sợ bằng đứng trước cái chết, nó cho ta một cảm giác kinh
hoàng. Lời kêu cứu của các tông đồ xem ra cũng là lời trách móc, có vẻ như Thầy
quá vô tư hững hờ trước mạng sống của các đồ đệ. Nhưng có lẽ cần phải như thế
để các ông nhận ra sự yếu đuối và bất lực của con người mình.
Ðức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh
cho gió và biển: “Câm đi! Im đi!”. Thế là sóng yên biển lặng như tờ. Lúc đó, Đức Giêsu mới trách lại các
ông: “Sao nhát thế? Làm sao
mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Nếu có lòng tin thì đâu có cuống
cuồng như vậy. Có Thầy mà cũng như không. Mặc dù các ông đã từng chứng kiến những
phép lạ lớn lao Thầy làm, nhưng hôm nay các ông mới thực sự kinh ngạc và thốt
lên: “người này là ai, mà
cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Nhìn các Tông đồ đối mặt
với trận cuồng phong, ta thấy được phần nào về thế giới, về thái độ của con người
khi đối diện với bão tố của cuộc đời.
Thế giới mà nhiều người ảo tưởng
là vĩnh cửu dường như sắp sa chìm trong biển cả của sự dữ. Chỉ cần nhìn lại một
năm rưỡi nay (từ 2020), ta đã thấy nhiều thảm họa xảy ra: trước tiên là cuộc
cháy rừng ở Úc, hơn 10 triệu ha bị phá hủy; khoảng 1.400 ngôi nhà ở bang New
South Wales bị thiêu rụi. Tiếp đến là trận “lụt hồng thủy” 40 ngày đêm ở Trung
Quốc nhấn chìm hàng trăm ngàn ngôi nhà, khiến cho hàng ngàn người chết, đó là
chưa kể đến lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam làm chết hàng trăm người, và
cuộc chiến tàn sát nhau vì màu da sắc tộc trên nước Mỹ. Vượt lên trên các thảm
họa kia là thảm họa Covid 19. Cơn đại dịch này làm cho thế giới kinh hoàng, làm
tê liệt nền kinh tế và các hoạt động xã hội. Số người chết vì Covid 19 tính tới
thời điểm này đã lên đến 10 triệu người ([1]). Thảm họa này làm
cho con người điên đảo, cạn kiệt niềm hy vọng vào một thế giới tươi sáng.
Có nhiều người nghĩ đây đúng là cuộc chiến
tranh thế giới thứ ba. Nó làm cho nhà nhà, người người phải chia ly, kẻ ở người
đi không một lời trăn trối. Bao gia đình tan tác, bao người thân chết không thấy
xác, bao thương đau về tinh thần và đói khát về thể xác; thời gian héo hắt phai
tàn, và không gian im lìm chìm vào hoang vắng; nhà thờ và chùa chiền không bóng
người. Mỗi ngày ở Việt Nam có hàng ngàn người phải cách ly, họ đang phải chiến
đấu để giành giật lấy từng hơi thở, không biết ngày mai mình có còn có mặt trên
đời nữa không,… Tất cả mọi người đều rơi vào hoang mang, sợ hãi, thậm chí bị
stress, và rồi những khó khăn lại nối tiếp như thất nghiệp, nghèo đói, không
nơi nương tựa… Bao người tự hỏi: liệu Thiên Chúa có hay không? Nếu có thì Ngài ở
đâu trong biến cố này? Ngài có nghe thấy tiếng con cái đang ngày đêm kêu cầu
lòng thương xót của Ngài không? Có khi chúng ta cũng trách Chúa như các Tông đồ
xưa: Chúng con chết đến nơi rồi mà Chúa không ra tay cứu chữa! Ngài còn chờ
gì nữa đây?
Nếu cứ loay hoay tìm câu trả lời cho những vấn
nạn đó thì không bao giờ thỏa đáng, nhưng nếu ta nhớ lại câu chuyện Ladarô
trong Tin Mừng Gioan, thì ta sẽ có được tia sáng đầy hy vọng về cách hành động
của Thiên Chúa. Mặc dù Chúa Giêsu rất yêu quí Ladarô nhưng Ngài không đến cứu
ngay, mà để chết rồi mới đến cứu. Điều này cho ta thấy “Thiên Chúa không phải
là Thiên Chúa cứu thoát cho bằng một Thiên Chúa cứu chuộc. Ngài không can thiệp
để cứu ta khỏi nhục nhã, đau khổ và chết chóc, nhưng Ngài cứu chuộc ta khi ta
đã qua nhục nhã, đau khổ và phải chết cách nào đó” (Ronald Rolheiser). Thật
không dễ để hiểu được điều này nếu thiếu cảm nghiệm dưới ánh sáng đức tin.
Tuy nhiên, câu chuyện Chúa ngủ trên chiếc thuyền
đang bị bão bùng năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Ngài vẫn ở đó, vẫn bên cạnh
các Tông đồ, nhưng lo sợ đã làm các ông quên mất sự hiện diện của Chúa. Lúc này
cũng vậy, Chúa đang ở đây, đang đau niềm đau của con người, đang khổ nổi
khổ của nhân loại. Nhưng vì quá hoảng sợ, ta không còn nhận ra Chúa. Ngài vẫn ở
bên chúng ta, “cho dù người mẹ có quên đứa con của mình, phần Ta, Ta sẽ
không quên ngươi” (Is 49,15).
Thập
giá là điều tất yếu của cuộc sống con người. Đau khổ cũng là lẽ tất nhiên trong
thân phận làm người. Chúng ta không thể trốn chạy hay đổ lỗi cho Thiên Chúa, mà
trái lại, thực tế lại thường là hậu quả của tội lỗi loài người. Mỗi người đều
phải vác thập giá của mình, và những đau khổ chúng ta đang chịu lúc này đều
liên hệ với những những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúa đảm nhận tất
cả những đau khổ ấy để thánh hóa mọi người chúng ta. Ta đừng ngồi đó mà nguyền
rủa bóng tối, nhưng hãy thắp lên một ngọn lửa của niềm tin và hy vọng; cần vác
đỡ thập giá cho nhau. Được như vậy, thập giá sẽ trở nên Thánh giá, vì nó được
đón nhận từ trái tim chúng ta trong sự kết hiệp với trái tim Chúa Giêsu, Đấng
đã đổ máu để cứu chuộc chúng ta.
Virus
Corona làm cho nhiều người khiếp sợ, nhưng có một loại virus đáng sợ hơn, đó là
virus của lòng kiêu căng, ích kỷ, tham lam, hận thù, ghen ghét, nhất là chủ
nghĩa bá quyền đang bành trướng dưới nhiều hình thức. Con người đã có lúc tự
mãn nghĩ rằng “mình làm được mọi sự” nhưng qua biến cố đại dịch này, con người
mới biết mình là ai? Làm được cái gì? Quả thật, nếu không có Chúa, thiếu Chúa,
vắng Chúa, thế giới sẽ trở thành “ngôi nhà ma”, và biển cả của sự dữ là mồ chôn
tất cả. Hãy nhìn mọi sự dưới cái nhìn đức tin để thấy Chúa đang hành động, và
hành động cụ thể qua những con người đầy thiện chí, đầy nhiệt tình, đang xả
thân cho anh em đồng loại ở mọi góc độ của cuộc sống hôm nay. Ta đừng hoang
mang, sợ hãi nhưng “mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh
em” (1Pr 5,7). Cuộc sống của thế giới giờ đây có nhiều thay đổi, có thể mọi
người phải tiếp tục sống chung với lũ, nhưng dù trong hoàn cảnh nào “Thiên
Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).
Ước gì nạn Covid không làm cho sự hiện diện
của Thiên Chúa bị “phong tỏa” bằng những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, nhưng mở rộng
tâm hồn ta để tiếp nhận ánh sáng, tình yêu và ân sủng, mà Thánh Thần Chúa hằng
tiếp tục tuôn đổ xuống cho những kẻ tin.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Cuộc đời như biển cả mênh mông,
có những khi đầy sóng gió chập chùng,
với dịch bệnh, tai ương và nghèo túng,
biết bao người phải lâm cảnh khốn cùng,
chúng con thấy hoang mang và nao núng,
lại thấy Chúa như xa cách muôn trùng.
Cuộc sống với đau khổ không thể tránh,
bao lần con ưu phiền và than trách,
nhưng thử thách lại là phương cách,
Chúa muốn tôi luyện đời sống con,
qua những đau thương thêm vững vàng,
qua những nguy nan thêm tin cậy.
Thử thách như cơ hội triển nở,
giúp con khai mở những tiềm năng,
để con khai sáng cuộc đời mình,
theo như chương trình tình yêu Chúa.
Thử thách như thập giá hằng ngày,
cho con biết luôn kề vai vác lấy,
trong an vui và hy vọng tràn đầy,
vì thấy mình được nên giống Chúa hơn.
Trong thử thách con thấy mình chới với,
nhưng tin rằng Chúa có mặt ở mọi nơi,
luôn yêu thương và hành động kịp thời,
không để đời con phải chơi vơi,
Thuyền đời con chẳng bao giờ êm ả,
chỉ êm ả khi về tới bến quê,
chỉ mong sao con giữ vẹn lời thề,
biết sống đức tin giữa cuộc đời trần thế.
Xin cảm tạ và tôn vinh danh Chúa,
trong gian nan thử thách của đời con. Amen.
Lm.
Thái Nguyên