EM THẬT CÓ PHÚC

Ngày 15 tháng 8: Đức Mẹ lên trời : Lc 1, 39-56

Suy niệm

Hôm nay lễ Đức Mẹ lên trời, trước hết Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn sách Khải huyền (11,19; 12,1-6. 10). Trong một thị kiến, thánh Gioan đã nhìn thấy “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Người Phụ Nữ này đang mang thai và sắp sinh hạ một con trai. Và rồi có một con Mãng Xà tượng trưng cho sự dữ, đang chờ để nuốt trửng đứa con đó. Nhưng đứa trẻ vừa được sinh ra, thì được đưa lên tận ngai của Thiên Chúa, còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc. Tiếp theo là bài ca xưng tụng vương quyền của Đức Kitô đã chiến thắng thần dữ. Ý nghĩa đầu tiên của Người Phụ Nữ này là Giáo Hội, sẽ trải qua nhiều gian nan thử thách nhưng vẫn đứng vững cho tới ngày Đức Kitô hoàn toàn chiến thắng. Tuy nhiên, theo các Giáo phụ, thì Người Phụ Nữ này cũng chính là hình ảnh Đức Maria, được Thiên Chúa yêu thương và điểm trang bằng muôn vàn đặc ân cao quý, là Mẹ Đức Kitô, Đấng cứu độ.

Bài đọc thứ hai (Cr 15,20-26), Thánh Phaolô trình bày về Đức Giêsu sống lại là mầm mống sự sống lại của chúng ta. Đức Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta trở thành hão huyền. Sức mạnh thần dữ trong thế giới sẽ bị đánh bại, và địch thù cuối cùng cũng bị hủy diệt là thần chết. Đó là cuộc chiến thắng tuyệt đối của Đức Kitô phục sinh, mà tất cả những ai liên kết với Ngài cũng được hưởng ơn phục sinh ấy. Đức Maria đã liên kết mật thiết nhất với Đức Giêsu Kitô, nên Mẹ là người đầu tiên được thông phần sự sống lại với chính Con Mẹ. Vì tin như thế nên Giáo Hội công bố tín điều Đức Mẹ lên trời.

Qua bài Tin Mừng, thánh Luca kể cho chúng ta nghe câu chuyện Mẹ Maria thăm viếng bà Êlisabét. Vừa nghe Maria cất tiếng chào, thì đứa con trong bụng Êlisabét liền nhảy mừng, và bà được tràn đầy Thánh Thần”. liền cất lời ca ngợi Đức Maria là người diễm phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã tin rằng, mọi điều Chúa hứa sẽ thành hiện thực. Lời ca ngợi của bà Êlisabét cũng giống như lời ca khen của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ cưu mang Ngài và vú Ngài đã bú” (Lc 11, 27-28), mà Giáo hội trích đọc trong lễ vọng Đức Mẹ lên trời.

Trước lời ngợi khen của bà Êlisabét, Đức Maria cũng đầy Thánh Thần, liền cất lên bài ca tuyệt vời để chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương đến mình là nữ tỳ hèn mọn; Đấng không chỉ làm nơi mình những điều cao cả, mà hằng thương xót những ai kính sợ Ngài. Đức Beneđictô XVI đã nói về kinh Magnificat như sau:“Có thể xem đó là tấm ảnh linh hồn của Mẹ - được dệt bằng các sợi chỉ rút từ Thánh Kinh, từ những sợi chỉ của Lời Chúa. Điều này cho thấy rõ, Mẹ luôn ở trong Lời Chúa, ra vào thật tự nhiên. Mẹ nói và suy tư với Lời Chúa; Lời Chúa trở thành lời của Mẹ và lời của Mẹ đến từ Lời Chúa. Điều này cho thấy, tư tưởng của Mẹ là đồng suy nghĩ với tư tưởng của Thiên Chúa; ao ước của Mẹ cùng khao khát với ý muốn của Thiên Chúa. Vì Mẹ đã thấm nhuần Lời Chúa, nên Mẹ có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập thể. Cuối cùng, Đức Maria là một người đang yêu...”. Thật vậy, người đang yêu là người tràn đầy hạnh phúc, và khao khát trở nên một với người mình yêu. Đức Maria yêu mến Thiên Chúa vô ngần, nên Mẹ đã hoàn toàn hiến thân mình cho công trình cứu độ của Ngài.

Lễ Đức Mẹ lên trời hướng chúng ta về thế giới của Thiên Chúa, là quê hương vĩnh cửu của con người. Chúng ta dễ bị hút vào trái đất này, dễ rơi vào vòng xoáy của những phân tranh quyền hành lợi lộc. Cần thoát ra khỏi cơn mê để nhìn lại những gì mình đang theo đuổi và nắm giữ, hầu hướng toàn thể cuộc đời mình về cùng đích là chính Thiên Chúa. Lễ này cũng nhắc nhở ta về giá trị cao quý của thân xác, dù phải rã tan nhưng sẽ được sống lại vinh quang trong ngày sau hết. Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác do đã sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, vì “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26). Xin cho chúng ta hết lòng trung thành phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, để một ngày kia được cùng nhau bên Mẹ hưởng quê thiên đàng.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Khi thiên sứ truyền tin Mẹ còn rất trẻ,
nên có chút lý lẽ trong tình thế bất ngờ,
nhưng với quả tim và tâm hồn rộng mở,
Mẹ đã “xin vâng” mà không hề lo sợ.

Mẹ “xin vâng” là cam kết dấn thân,
chấp nhận mọi rủi ro và sẵn sàng đánh đổi.
“xin cứ làm cho tôi” là lời nguyền tuyệt đối,
Mẹ mong thực hiện thánh ý Chúa mà thôi.

Tiếng “xin vâng” của Mẹ đầy mạo hiểm,
vì không thể tránh những phong ba,
nhưng nhờ lòng tin Mẹ vượt qua tất cả,
trong niềm vui và ân  phúc chan hòa.

Đời Mẹ là bài tình ca muôn thuở,
luôn vang hòa lời cảm tạ không ngơi,
cho dù bao mưa gió giữa cảnh đời,
Mẹ vẫn sống sáng ngời tình yêu mến.

Rồi cùng Con bước lên đồi thập giá,
Mẹ lặng chìm trong biển cả đau thương,
nhưng tin yêu lòng Mẹ vẫn can trường,
cùng với Chúa trọn con đường dâng hiến,
để giờ đây Mẹ về trời vinh hiển,
mời gọi con theo bước Mẹ trung kiên.

Nay Mẹ vẫn bên cạnh đoàn con cái,
luôn yêu thương và chăm sóc đoái hoài.
Mẹ như ánh sao trời hằng soi sáng,
đưa đoàn con tìm về bến thiên đàng.

Xin cho con mỗi ngày kề bên Mẹ,
để an vui khởi sắc cuộc đời mình,
sống tận tình nguyện hai tiếng “Xin vâng”,
nên giống Mẹ trong tinh thần dâng hiến. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm B