MẦU NHIỆM PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG
Chúa Nhật Phục Sinh: Ga 20,
1-9
Suy niệm
Chúng
ta hân hoan mừng ngày Đức Kitô Phục Sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn,
chịu chết trên thập tự, và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền
tảng cho niềm tin của chúng ta. Đúng như thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu
Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức
tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Tin vào Chúa Phục Sinh
là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến Tin là nói đến Yêu, hay trái
lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.
Nhờ lòng mến sâu xa mà Madalena đã
khám phá ra mồ trống trước tiên, nhưng rất tiếc điều đó
lại bị đóng khung trong một tình cảm rất tự nhiên, rất “người”. Chị đã để cho nỗi buồn khổ
lấn át, khiến cho tâm trí không còn tỉnh táo và sáng suốt, để nhận ra sự thật
phía sau các dấu chỉ. Đối với Madalena, tất cả kể như đã hết, không còn gì ngoài những
kỷ niệm xót xa, chua chát, một thực tế phũ phàng trĩu nặng nỗi âu lo, sợ hãi và
u sầu. Chị chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy
trong ngôi mộ, nhưng sẽ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17),
ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài sự bám níu vào một cách thế,
hay một hình thức cố định nào đó.
Gioan cũng rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức
tin hướng dẫn, nên ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống, và các tấm khăn
đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (x. Mt 9, 17). Ông đã thấy và đã tin.” (Ga
20, 8). Ông thấy gì? Chẳng thấy gì hết ngoài ngôi mộ trống. Nhưng đối với
Gioan, ngôi mộ không trống, không vương mùi chết chóc, không im lìm. Ngôi mộ
đang nói, khăn liệm đang nói, nó đang mở ra một ký ức sống và giúp Gioan nhận
được chân dung thực sự của Đức Giêsu – Thầy mình. Khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, ông nhận ra cách thức hành động của
Chúa Giêsu, đồng thời nhớ lại những lần Thầy đã tiên báo về sự phục sinh.
Đức tin
là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa
Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô
hình. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự hoảng hốt hay thất vọng trước
những thất bại và đổ vỡ trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta cần tu tập cho
mình có cái nhìn đức tin, để luôn sống bình an và lạc quan trong mọi tình cảnh.
Cứ phải ra khỏi tình cảm bi lụy, ra khỏi tâm
trạng buồn thương do tác động của hoàn cảnh bên ngoài, phải vượt trên cái “nhìn”
một cách vật chất, để “thấy” trong đức tin nhờ sự trầm tĩnh
và sâu lắng hơn trước mọi biến cố.
Tuy nhiên, chính tình yêu mến Chúa mới dạy cho người ta
có cái nhìn đức tin. Vì yêu nên tin, chính tình yêu mới làm cho ta
thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu được điều mà người khác không
hiểu. Cùng đọc kinh, cùng tham dự thánh lễ, nhưng sự thấu hiểu và cảm nhận về
Chúa có nhiều mức độ khác nhau. Có những người cũng chẳng cảm thấy gì cho dù đi
bao nhiêu lễ, đọc bao nhiêu kinh. Thiếu sống thân tình với Chúa và không quen
với cách hành động của Chúa, ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra Ngài, dù Ngài vẫn hiển
hiện trong từng biến cố.
Tình yêu là động lực giúp khám phá hoặc tiến mau hơn, sâu
hơn và xa hơn trong mọi biến động cuộc sống. Chính tình yêu làm cho người ta thực sự biết được chiều sâu của các biến
cố. Bản thân ta chỉ nhận ra bóng dáng Chúa Giêsu Phục Sinh, và trở nên nhân
chứng của Chúa khi nào trái tim ta biết rung động sâu xa trước tình yêu Chúa
trong cuộc đời mình. Yêu mến Chúa là một ân ban, nhưng phải bắt đầu từ sự khao
khát mãnh liệt nơi lòng mình.
Sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh luôn bao trùm mọi
ngõ ngách cuộc đời chúng ta, biểu hiện ở những cuộc vượt qua nho nhỏ như:
- Khi chúng ta biết hàn gắn những đổ vỡ bằng
tình yêu thương.
- Khi chúng ta biết khoan dung tha thứ, dẹp
tan hận thù, chia rẽ, oán hờn.
- Khi chúng ta từ bỏ những ích kỷ để quảng
đại hiến thân cho Nước Trời.
- Khi chúng ta đoàn kết yêu thương, mở lòng
ra với mọi người.
Chính trong những
nỗ lực vượt qua đó trong đời sống hằng ngày, mà chúng ta mới hân hoan ca vang
khúc hát khải hoàn, vì Chúa đã sống lại thật trong chính đời sống mình.
Alleluia! Alleluia! Alleluia!
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Mọi đau khổ sẽ trở nên vô ích,
mọi hy sinh sẽ trở thành vô dụng
nếu đau khổ không đưa tới vinh quang,
và hy sinh không đem về vinh thắng.
Cái chết sẽ là một xúc phạm to,
khi mất đi những gì con từ bỏ
đời người cũng sẽ là một vô nghĩa,
nếu nỗ lực vượt qua phải chia lìa.
Thế nên con không hề lo liệu,
trước mọi đau thương mình phải chịu,
vì là chết đi con người cũ,
để được sống lại mãi thiên thu.
Lạy Đức Kitô, Đấng Phục Sinh!
Ngài là Đường cho đời con dấn bước,
là Sự Thật con ao ước dấn thân,
là Sự Sống con quyết chí gieo trồng,
là Điểm Hẹn con khát mong hạnh ngộ.
Xin cho con cảm nghiệm ơn phục sinh,
đang thấm nhập tâm hồn thân xác con,
đang luân chuyển qua từng biến cố,
đang sinh động trong từng liên hệ,
đang lan tỏa vào mọi hoạt động,
đang biến đổi đời sống con người.
Lòng con hân hoan dâng lời cảm tạ,
trước mầu nhiệm phục sinh thật cao cả,
đã trở thành một khúc khải hoàn ca,
cho nhân loại nguồn sống mới chan hòa,
và đời con hôm nay được thánh hóa,
trong vui mừng tiến bước về nhà Cha. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Youtube:
https://www.youtube.com/watch?v=hhbn3ytmGus