ĐIỀU RĂN MỚI

Chúa Nhật 5 Phục Sinh năm C : Ga 13,31-33a.34-35

Suy niệm

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu thương nhau trở thành điều răn mới, vì không còn yêu theo kiểu cũ là yêu như chính mình, hoặc yêu như chúng ta muốn yêu; mà là yêu như Chúa muốn chúng ta yêu, là yêu như Ngài đã yêu thương chúng ta. Trước khi công bố điều răn mới này, Ðức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, trong đó có Giuđa. Dù lúc đó biết ông sẽ phản bội, nhưng Ngài vẫn cúi xuống bên chân ông để bày tỏ tình yêu thương đối với ông. Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa, như cơ hội cuối cùng để mong ông nhận ra mình đang lầm đường lạc lối. Nhưng rồi cũng vô ích, ông vẫn lầm lì ra đi thực hiện mưu đồ của mình. Đúng là “ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Trước thái độ cố chấp của Giuđa, Chúa Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình, và Ngài sẵn sàng hiến thân để yêu thương cho đến cùng. Yêu như Chúa yêu là như vậy: một tình yêu khiêm hạ, cúi mình để phục vụ; một tình yêu tha thứ trước sự vong ân bội phản; một tình yêu cho đến cùng dù phải hy sinh chính mình. Tôn giáo nào cũng đặt nặng tình yêu thương đồng loại, nhưng điều thật mới mẻ nơi Kitô giáo là yêu thương“như Thầy đã yêu thương”. Tình thương này đã trở nên mẫu mực cho mọi tình yêu của con người. Chưa từng có vị Thầy nào trên thế giới đã dám sống và công bố như thế. Hơn nữa, tình yêu ấy còn là chính sức mạnh linh thiêng đem lại ơn cứu độ cho con người.

Lời trăn trối về giới răn mới của Chúa Giêsu vẫn làm chúng ta trăn trở và nhức nhối. Tuy có nhiều gương sống sáng ngời của nhiều vị thánh đã thực hiện Lời Chúa hôm nay, nhưng nhìn lại bản thân, đời sống cộng đoàn cũng như lịch sử Giáo Hội, ta thấy không thiếu những phân rẽ, bất hòa, kỳ thị, chống chọi, kình địch và triệt hạ lẫn nhau. Điều này đã làm cho thiên hạ chê cười, và gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống đức tin, khiến nhiều tín hữu rời bỏ Giáo hội để tìm đến những giáo phái hay đạo giáo khác. Thật mỉa mai cho chúng ta, những người tự hào về tôn giáo của mình là đạo rất chính rất thật, nhưng đời sống lại không chính thật, khiến cho nhiều người phải thất vọng.

Mahatma Ghandhi được coi như bậc đại thánh của dân tộc Ấn cũng đã có lần bị kỳ thị và khinh khi, đến nỗi ông không được vào nhà thờ dự lễ. Ông là người rất yêu mến Thánh Kinh và đã tìm ra nơi Kitô Giáo một sách lược hữu hiệu cho đường lối chính trị của mình. Quả thật, dễ dàng yêu mến đạo, nhưng khó lòng yêu người có đạo. Đường lối yêu thương của Phúc Âm thì tuyệt vời, nhưng chưa đi vào đời mà mới chỉ là một mớ giáo thuyết, tuy rất đồ sộ và hệ thống, xem ra không có tôn giáo nào bằng. Nhưng tất cả chỉ bằng không nếu điều răn mới của Đức Giêsu vẫn còn để nguyên trong các sách Tin Mừng, mà chưa được khai sáng trong đời Kitô hữu để có thể khai phóng cho đời sống con người.

Tôn giáo nào cũng có những dấu hiệu riêng để người khác biết mình là tín hữu. Những dấu hiệu nơi người Kitô hữu thì chúng ta thường cho là đeo thánh giá, làm dấu thánh giá, đi nhà thờ, kinh nguyện sớm tối,... Nhưng đối với Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau, qua sự cảm thông, tha thứ, tôn trọng, hy sinh, phục vụ, chia sẻ,... Có yêu thương người đồng đạo thì ta mới có thể yêu thương người khác đạo, cũng là những người con cái Thiên Chúa mà Ngài muốn cứu chuộc. Chúng ta trách những con người hôm nay sao quá vô cảm, nhưng xem ra chúng ta cũng vẫn vô tâm.

Có điều là muốn yêu thương thì phải chấp nhận đau thương. Đây là điều đòi phải có một trái tim phi thường. Nhìn lên thập giá Chúa ta hiểu điều đó. Đó mới là tình yêu có sức thánh hóa và biến đổi đời sống ta. Chỉ có tình yêu đó mới giúp ta hoàn thiện, trở nên chính mình, làm nên cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa, đem lại cho ta niềm an vui và hạnh phúc cho nhau. Hãy để cho Lời Chúa một lần nữa lọt vào tâm khảm chúng ta, để những con người được Chúa chọn gọi vì yêu thương biết sống tình thương yêu như Chúa, một tình yêu thương vượt qua mọi ranh giới, để làm chứng rằng: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang sống trong tôi, và tôi đang sống trong Ngài, để sự hiện diện của tôi ngày càng phản ảnh sâu xa sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Con được dạy yêu thương như chính mình,
nhưng chính mình lại yếu đuối mỏng giòn,
cuộc sống với bao nhiêu là sai sót,
nhân cách con cũng dễ bị sói mòn,
dễ tham lam chiếm hữu lo hưởng thụ.

Hôm nay Chúa dạy con điều răn mới,
yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương,
một tình yêu nhân hậu và khiêm nhường,
như Chúa đã rửa chân cho đồ đệ.

Dù biết họ sẽ lỗi ước quên thề,
và hơn nữa còn manh tâm phản bội,
nhưng Chúa vẫn đón nhận không từ chối,
và sẵn sàng chọn đường lối hiến thân.

Yêu như Chúa yêu thật chẳng dễ dàng,
vì không phải tình yêu trong chốc lát,
mà tình yêu dám vượt những trái ngang,
cả đau thương và chua xót bẽ bàng.

Yêu như Chúa không tìm kiếm an toàn,
mà trong tâm thế sẵn sàng hiến mạng,
bởi khi yêu là bắt đầu cuộc tử nạn,
qua đau khổ mới đạt tới vinh quang.

Để yêu như Chúa yêu,
con cần đến ơn thánh Chúa rất nhiều,
vì con thấy bản thân mình quá yếu,
và nghị lực chẳng có được bao nhiêu.

Để sống giới răn mới,
xin ban cho con một quả tim mới,
để từ nay con thực sự đổi đời,
nên hình ảnh sáng ngời tình yêu Chúa. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=hYXwV4PcTK4

 

 

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm C