BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm C : Ga 16, 12-15
Cầu nguyện
“Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” Đức Giêsu khi sắp về với Cha, Ngài không muốn nói
ra hết mọi điều với các môn đệ, vì họ không tài nào lĩnh hội được. Chân
lý của Thầy muốn truyền đạt thì thâm sâu, nhưng tâm trí của trò thì giới hạn và
cũng đang ngổn ngang. Trước tiên, họ cần có thời gian lắng đọng và bình tâm trước
mọi diễn biến đã qua.
Dù đã
hoàn thành công cuộc cứu chuộc, nhưng Đức Giêsu không quy về mình. Ngài chấp nhận
việc đào luyện các môn đồ còn đang dang dở, để mọi sự sẽ được sắp đặt vuông
tròn theo thánh ý Cha. Ngài sẵn sàng ra đi để nhường chỗ cho Đấng mà Cha và
Ngài sẽ sai đến là Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng Bảo trợ, Ngài sẽ đến
dạy họ mọi điều và dẫn họ tới sự thật toàn vẹn. Cũng như Đức Giêsu,
Thánh Thần không tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ có sứ mạng là đưa con người
đến với Chúa Cha và Chúa Con.
Tín điều Chúa Ba Ngôi dạy
ta: Thiên Chúa là một thực thể liên bản vị;
vì thế mà bản thể Thiên Chúa là sự hướng về, mở ra với Đấng khác: Cha hiện hữu
như sự tự nguyện hiến thân cho Con, vì mọi
sự của Cha là của Con. Con đón nhận và dâng hiến mọi sự cho Cha. Thánh Thần
chính là tình yêu được trao hiến và đón nhận. Cả
ba Ngôi đều hướng về nhau, sống cho nhau, tự hiến cho nhau, ở trong nhau và nên
một với nhau. Tình yêu là nền tảng làm nên bản thể Thiên Chúa, là thực tại
cơ bản làm cho Thiên Chúa đích thực là Thiên Chúa.
Suy tư mang tính hiện sinh này làm thay đổi quan niệm của chúng ta về cuộc
hiện hữu của con người.
Quả vậy, chúng ta chỉ có
thể hiểu đúng về con người, xét như một nhân vị, khởi đi từ những suy tư về mầu
nhiệm Ba Ngôi. Ơn cứu độ hệ tại ở việc con người được chia sẻ đời sống của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Mà chia sẻ đời sống Thiên Chúa là gì nếu không phải là việc
làm cho tương quan liên bản vị của Thiên Chúa Ba Ngôi được hiện thực hóa nơi đời
sống con người. Vì tình yêu là cách thể hiện hữu của Thiên Chúa, nên không có
ơn cứu độ nào khác cho con người ngoài cách thế hiện hữu này, tức sống tình yêu
Ba Ngôi trong chính sự hiện của mình.
Suy tư để
hiểu rõ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là điều không thể, nhưng chiêm ngắm để cảm
nghiệm về Chúa Ba Ngôi là điều có thể. Như chúng ta đã biết, ngay từ đầu, “con người được tạo
dựng theo hình ảnh, như họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26).
Khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã không bỏ mặc mà còn thiết lập một
giao ước mới với loài người. Khi thời gian đã tới hồi viên mãn, Cha đã yêu thế
gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Chúa Con yêu nhân gian đến nỗi đã chết để cứu cứu chuộc họ.
Thánh Thần yêu loài người đến độ xuống trên họ,
và không ngừng ban ơn thánh hóa để tái sinh họ nên con người mới, con người đã
được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Giáo Hội
được sinh ra bởi “Tình yêu Ba Ngôi”, sống trong Tình yêu ấy, nhờ Tình yêu ấy và
cho Tình yêu ấy. Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm “Hiệp thông Ba Ngôi” và hành
trình hướng về sự “Hiệp thông Ba Ngôi”. Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã viết: “Giáo
Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất do sự Duy nhất giữa Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG, 4). Mong
ước của Ba Ngôi nơi Giáo Hội là đưa cả nhân loại
đi vào thế giới thần linh của mình, để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa
Con. Trong định hướng đó, Ba Ngôi đã đi vào thế giới và luôn hiện diện trong lịch
sử loài người. Ba Ngôi vẫn không ngừng sáng tạo, quan phòng, cứu chuộc, và
thánh hóa nhân loại chúng ta. Đó là một Thiên Chúa siêu việt nhưng lại gần gũi
với con người, ở trong mỗi người, “Ngài
còn thân thiết với tôi
hơn chính bản thân tôi” (Augustinô).
Hôm nay,
chúng ta không cử hành một Tín điều của Giáo Hội, nhưng cử hành một mầu nhiệm
là chính Thiên Chúa, Đấng là tình yêu mở ra, chia sẻ, trao ban, tự hiến. Tình
yêu hiệp thông ấy đã trở nên mô mẫu cho loài người chúng ta, từ đời sống cá
nhân, gia đình, đến cộng đoàn, xã hội…, để mọi người được hưởng an vui, hòa
bình, hạnh phúc và tiến đến sự hợp nhất viên mãn trong Thiên Chúa. Như vậy, mầu
nhiệm Ba Ngôi không phải để hiểu bằng lý trí mà để sống bằng con tim. Càng chìm
sâu trong cầu nguyện, ta càng kín múc được sự sống linh thiêng để phát sáng
tình yêu vô hạn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Với tình yêu ấy ta mới có khả năng xóa
mình, ra khỏi mình, sẵn sàng từ bỏ mình để hướng đến tha nhân trong tình yêu phục
vụ. Nhờ vậy ta mới gặp lại bản thân mình, trọn vẹn là chính mình theo dự định của
Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Kính Lạy
Thiên Chúa Ba Ngôi!
Ngài là Thiên Chúa muôn đời uy linh,
Ngôi Cha là Đấng tác sinh,
Ngôi Con cứu chuộc tội tình nhân gian,
Ngôi Ba ân sủng tuôn tràn,
đem niềm vui sống bình an cho đời.
Ba Ngôi
không chỉ trên trời,
mà ngay dưới thế giữa nơi loài người,
Ngài luôn hiện diện trong ta,
với tình yêu mến sâu xa trong lòng.
Chúa
luôn có một ước mong,
là toàn thế giới hiệp thông với Ngài,
như là Chúa đã an bài,
để cho mọi sự mọi loài đẹp tươi.
Chúa
không những chỉ ước mong,
mà còn hành động bên trong mỗi người,
để con vượt tính ươn lười,
siêng năng phấn đấu tốt tươi cho đời.
Hạnh
phúc không phải xa vời,
mà là chính Chúa rạng ngời trong ta,
đừng tìm kiếm ở đâu xa,
chỉ cần con hãy vượt qua chính mình.
Xin cho
con biết tận tình,
hiệp thông chia sẻ quên mình hy sinh,
cùng nhau xây dựng hòa bình,
để cho Nước Chúa hiển vinh mai ngày.
Cầu xin Thiên
Chúa Ba Ngôi,
ban ơn đổi mới cuộc đời thế nhân,
làm cho cuộc sống thế trần,
nhận ra lòng Chúa từ nhân hải hà,
để mọi người cất tiếng ca,
tôn vinh cảm tạ Chúa Cha tạo thành,
Chúa con Đấng Thánh cứu đời,
Thánh Thần lửa mến rạng ngời phúc vinh. Amen.
Thái Nguyên