TRỜI MỞ RA
Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa, năm
C: Lc 3,15-16.21-22
Suy niệm
Khi thấy Gioan làm phép rửa
sám hối thì dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Biết đâu ông này chẳng phải là Ðấng
Mêsia mà toàn dân đang mong đợi? Gioan liền cho họ biết, ông chỉ là
người làm phép rửa trong nước, còn Đấng quyền thế đến sau ông sẽ làm phép rửa
trong Thánh Thần và lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho thấy thời đại cũ sắp qua
đi, và thời đại mới đang tới, là thời đại của tình yêu và ân sủng.
Đức Giêsu đã đến và đã khai mạc sứ mạng rao giảng Tin
Mừng trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lẽ đây là một biến
cố trọng đại, gây choáng ngợp thiên hạ bằng quyền năng và oai phong của một
Đấng Cứu Thế. Nhưng sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa cho ta thấy một điều lạ
thường và trái ngược: Ngài là Đấng phải đến làm phép rửa mà lại xin chịu phép
rửa; Ngài là Đấng ban ơn sám hối mà lại tỏ lòng sám hối; là Đấng thánh của
Thiên Chúa mà lại đứng chung với hàng tội nhân; là Đấng thanh sạch vô ngần mà lại chịu dìm mình xuống
dòng sông thanh tẩy. Nhưng chính trong sự tự hạ này, mà ta
thấy Con Thiên Chúa đã xuống tận vũng bùn lầy của tội lỗi để cứu vớt nhân loại,
đưa con người trở lại vườn địa đàng.
Ý thức mình là Chiên Thiên
Chúa, Đấng gánh tội trần gian, nên Đức Giêsu đã thể hiện trước tiên
bằng thái độ liên đới với dân tộc mình: liên đới trong thân phận, trong tội lệ,
trong sám hối và chờ mong ơn cứu độ. Tuy
nhiên, quang cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa cũng đã hé lộ một mầu nhiệm cao cả:
Trước tiên là trời mở ra, vì từ khi Ađam- Eva phạm tội thì cửa thiên đàng đóng
lại (St 3,23-24). Từ nay, nhờ Đức Giêsu, con người lại được sống thông hiệp với
Thiên Chúa. Tiếp theo là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, cho thấy Đức Giêsu là
con người mới, trong Ngài, nhân loại sẽ được tái tạo, được đổi mới. (Gl 6, 15).
Lại có tiếng phán từ trời: “Con là Con của Cha…”. Chúa Giêsu chính là
Con Thiên Chúa. Những ai tin và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần
vào địa vị làm con Thiên Chúa.
Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc đạo đầu của bản
trường ca “Yêu thương”. Để rồi vì yêu thương, mà Ngài sẽ bị người đời liệt
vào "Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi"
(Lc 7,34); bị người nhà coi là "kẻ mất trí"; bị xua đuổi ra khỏi
thành; bị lên án như một tội nhân, và cuối cùng bị chết treo giữa những tên trộm
cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Đấng chẳng hề biết tội là
gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta".
Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một
"phép rửa": "Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc
khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất." (Lc 12,50). Thật ra, chẳng
ai muốn đau khổ nếu được chọn cách khác. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài xin Cha cất
chén đắng đau thương, nhưng Ngài muốn chọn theo ý Cha để mở ra cho nhân loại một
sự sống mới. Đau khổ sẽ là một phép mầu, khi nó là một phương tiện để biểu hiện
tình yêu, minh chứng tình yêu, xóa tan những chia rẽ bất hòa. Chỉ có tình yêu mới
làm cho con người trở nên vĩ đại, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu đã dùng
thập giá để cứu chuộc nhân loại. Không phải thập giá cứu chuộc mà Tình Yêu cứu
chuộc.
Chúng ta cũng đã lãnh nhận phép Rửa nhờ phép rửa của
Đức Giêsu trên thập giá. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi để mang
tình yêu Thiên Chúa
đến cho mọi người, nhất là những
người cùng khổ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã. Cha Zundel cũng đã nói lên rằng:
"Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn rằng, họ chẳng gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chúng ta".
Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần có
thái độ khiêm hạ và hòa mình vào đám đông dân chúng, để chia sẻ, nâng đỡ, đem
lại an vui và hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh. Phép Rửa đầu đời của chúng ta
chỉ được được hoàn thành trong phép Rửa cuối đời nơi thập giá Chúa Giêsu, Đấng
mời gọi chúng ta dám hiến mạng vì yêu như Ngài, để vinh danh Thiên Chúa và ích
lợi phần rỗi cho tha nhân.
Cầu nguyện
Chúng con có vẻ như đang
kết nối,
nhưng thực sự là củng cố “cái tôi”,
cho dù đang phục vụ trong Giáo hội,
nhưng lại bó hẹp trong nội bộ mà thôi.
Biết rằng đức ái ở gia
đình là trước hết,
nhưng đồng thời giữa cảnh đời xã hội,
phải dấn thân cho cuộc trần đang trôi nổi,
để thay đổi theo đường lối của Tin Mừng.
Chúng con cần ra ngoài
nhóm bạn thân,
để xây thêm tình bạn hữu với tha nhân,
tránh mọi hình thức phân biệt và kỳ thị,
làm nên những điều cao quí cho nhau.
Xin cho chúng con có tinh
thần tham gia,
đừng chết cứng trong công việc nhà,
mà biết đi ra cộng tác với mọi người,
với tinh thần khiêm nhu và trách nhiệm,
sống tình liên đới với tất cả trái tim.
Xin cho chúng con hòa
mình vào xã hội,
góp phần xây dựng một thế giới tốt hơn,
thế giới văn minh công bình và huynh đệ,
chứ không sống theo chủ nghĩa “mặc kệ”,
kẻo trở nên nô lệ cho chính mình.
Xin cho con thấy Đức Kitô
đang sống,
đang hiện diện và hoạt động khắp nơi,
để con đem tâm trí mà sáng tạo cho đời,
làm đẹp mới cho bầu trời nhân loại,
để chuẩn bị cho ngày mai Chúa đến,
đem an vui và hạnh phúc vững bền. Amen.
Lm. Thái Nguyên