Chúa Nhật 4 Thường Niên năm C : Lc 4, 21-30
Suy niệm
Dân làng
Nadarét chắc rất hãnh diện vì có Đức Giêsu là một thành viên lẫy lừng danh tiếng trở về thăm quê. Thế nhưng để đón nhận Ngài là một vị ngôn sứ
thì lại là vấn đề khác, vì họ thấy Ngài cũng không có một uy thế hay quyền hạn
gì lớn lao: "Ông này không phải là con ông Giuse đó
sao?" Dân làng vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh của Đức Giêsu đã từng
sống với họ ba mươi năm qua. Một cuộc sống quá đỗi bình thường, chẳng có gì để
nói, chỉ là con ông thợ mộc.
Đức Giêsu chắc không lạ gì với phản ứng thường tình của
dân chúng, nên Ngài nhắc lại câu ngạn ngữ quen thuộc:“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê
hương mình”. Họ
đã có sẵn định kiến về gia thế và bản thân Ngài, không muốn nhìn khác đi. Đúng là“Phá vỡ một định kiến còn khó hơn
phá vỡ một hạt nhân nguyên tử” (Einstein). Con người quả khó thoát ra khỏi
mình, nên cũng khó đón nhận ơn giải thoát mà Chúa Giêsu mang lại. Đúng là “Quen quá hóa nhàm”, “Gần chùa gọi
Bụt bằng anh”. Người ta hay có xu hướng tin
vào những điều đồn đoán, được tô vẽ quá đáng từ tận đâu xa xôi, chạy theo những
điều huyền bí, chứ không chịu tin vào sự thật ngay trước mắt.
Thật ra cuộc gặp
gỡ giữa Chúa Giêsu với dân làng Nadarét ban đầu rất tốt đẹp: "Mọi người
đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài".
Nhưng tình cảm bị rạn nứt,
không chỉ do định kiến của dân làng mà còn do họ đòi Chúa Giêsu phải ưu tiên cho họ: "Tất cả những
gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphanaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại
quê ông xem nào!". Nhưng phép lạ đâu phải là
điều để coi chơi, hay để thử quyền phép xem thế nào, mà chỉ khi có lòng tin mới
đưa đến phép lạ. Đức Giêsu không thể ưu tiên theo tình cảm, mà ưu tiên theo sứ
mạng. Ngài không đến để thỏa mãn những đòi hỏi riêng tư của người thân, mà để
chu toàn thánh ý Cha.
Sự rạn nứt đưa tới đổ vỡ khi Đức Giêsu kể chuyện hai ngôn sứ Êlia và Êlisa. Hai vị này được Thiên Chúa
sai đến thi ân cho dân ngoại, mà không dành riêng cho Israel. Dân làng
không thể chấp một sự thật quá mỉa mai. Điều này chạm mạnh đến lòng tự hào và tự
mãn của họ, là những người tự coi mình là dân độc nhất của Thiên Chúa, nên thay
vì chân nhận ra sự thật, họ chuyển thành sự phẫn nộ đối với Chúa Giêsu. Khi có
cảm tưởng mình bị coi thường, không còn chiếm giữ những đặc quyền, đặc lợi, thì
họ tìm cách thủ tiêu Ngài. “Họ dẫn Người lên
triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người
rẽ qua giữa họ mà đi".
Lắm lúc đời sống chúng ta cũng sao chép lại
lối sống đạo của người Do Thái: lo đi tìm những cái xa lạ mà không nhìn ra những
điều tốt đẹp nơi những người thân quen; không chịu khám phá ra ý nghĩa của biến
cố, mà chỉ suy nghĩ và sống theo người khác; không mở lòng để đón nhận sự thật
mà chỉ khư khư nắm giữ lập trường và quan điểm hẹp hòi của mình; coi đức tin chỉ
là một mớ những kiến thức, chứ không phải là tâm tình và thái độ sống chân tình
với Chúa và với nhau.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta
như sau: “Nhiều người nói: ‘Tôi có
đức tin...’. Có lẽ đức tin ấy là đức tin của giấy khai sinh, không phải là đức
tin của đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức và lý
thuyết. Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn với
chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa
Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ".
Chỉ đóng khung trong
những quan niệm, nghi thức và luật lệ, thì sớm muộn gì ta cũng xa rời đức tin
chân chính. Sống là gì, nếu không là một sự hoán chuyển thường xuyên. Con người
sẽ chết khi hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận động. Ðối
với đức tin cũng vậy, luôn đòi hỏi một sự biến chuyển. Tin Chúa Giêsu là chấp
nhận vô điều kiện, nên đòi ta phải thay đổi quan điểm, đường hướng và lập trường
cho phù hợp với ước muốn của Thiên Chúa. Ta cần phá vỡ những định kiến, nhất là những cái nhìn sai
lệch về các giá trị, để đón nhận Thiên Chúa và tha nhân một cách sâu xa và trọn
vẹn hơn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Làm người ai cũng ước mong,
được chấp nhận và yêu thương tôn trọng,
để thấy tự tin và an vui trong cuộc sống,
nếu không, sẽ dễ buông xuôi và thất vọng.
Nhưng Chúa lại nhiều lần bị từ khước,
không chỉ bởi thiên hạ quá hiểu lầm,
còn bị phủ nhận bởi những người thân,
vì ít ai dám nhận điều chân thật,
bởi nó đòi người ta phải hy sinh,
phải xoay lại hướng đi của đời mình.
Dân chúng ai cũng biết điều sai trái,
và ngỡ ngàng thán phục trước Lời Ngài,
nhưng lòng người vẫn kiêu căng tự ái,
không chấp nhận những gì mình đã sai,
nhất là khi đã mang nặng thành kiến,
và coi mình như những kẻ có quyền.
Chúa không chỉ bị thiên hạ loại trừ,
mà còn bị người ta muốn thủ tiêu,
chỉ vì đặt lại những gì người ta hiểu,
không thể sống theo kiểu của phàm nhân,
mà phải dám cải đổi lại bản thân,
để sống với tinh thần con cái Chúa.
Con vẫn luôn có nguy cơ sai lạc,
mỗi khi nhìn về Chúa và anh em,
với hiểu biết hời hợt và non kém,
với tự mãn và định kiến hẹp hòi.
Xin cho con có sức mạnh dám đổi thay,
biết ham chuộng những điều hay lẽ phải,
biết đón nhận và tôn trọng bất cứ ai,
để tim con được trở nên giống Ngài. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=Qpf2wLJL6sc&t=577s