NGHÈO
KHÓ VÀ GIÀU CÓ
Chúa Nhật 6 thường Niên
năm C : Lc 6, 20-26
Suy niệm
Cuộc đời mỗi người là
một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc thật. Người đời thường coi hạnh
phúc bắt nguồn từ giàu sang phú quý, được danh thơm tiếng tốt và
quyền cao chức trọng… ai cũng rất sợ nghèo nàn, túng thiếu, thấp kém… Đức
Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với một não trạng khác:“Phúc cho anh em là những kẻ
nghèo khó…”. Các môn đệ Đức Giêsu là
những người có phúc, vì phải chịu nghèo, chịu đói, chịu oán ghét, và bị khai trừ
vì Ngài. Nước Trời thuộc về họ từ hôm nay
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Người nghèo phải chăng là người thiếu thốn của
cải vật chất? Phải chăng Đức Giêsu chúc phúc cho một giai cấp xã hội? Thật ra
chẳng có thực trạng xã hội nào được phong thánh hay được đặt quan hệ trực tiếp
với Nước Trời. Chúa Giêsu đến cho mọi thành phần xã hội chứ không chỉ riêng cho
người nghèo. Tuy nhiên, sứ mạng của Đức Giêsu liên hệ cấp bách đến những người
bị đói khát, khóc lóc, bách hại, ngược đãi... Họ là những người bị bỏ rơi, bị
loại ra bên lề xã hội vì bệnh tật, nghèo hèn hay vì thành kiến của xã hội và
tôn giáo. Chúa Giêsu đến trước tiên là để giải thoát họ khỏi tình trạng quá éo
le trong đời. Họ phải là những người được chúc phúc đầu tiên khi Nước Trời đến,
và như vậy Ngài đem lại một trật tự mới, vượt qua sự phân chia giai cấp giàu
nghèo. Nghèo không thể là ý nghĩa dự phóng của đời người, vì Chúa đến là để cho
mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).
Thật ra, tự bản chất giàu -
nghèo chưa là gì cả, không xấu cũng không tốt. Hạnh phúc hay đau khổ phát xuất
từ trong tâm chứ không đến từ bên ngoài. Những gì bên ngoài chỉ làm tăng thêm cảm
xúc chứ không tăng thêm hạnh phúc. Hạnh phúc hay không là tùy thuộc tâm thái của
mỗi người trước mọi tình cảnh, dù nghèo vẫn sống vui. Hạnh phúc hay đau khổ là một tâm thái, nên nó cũng là một lựa chọn:
sống yêu thương hay ích kỷ, tha thứ hay thù hằn, mở ra hay khép lại, đón nhận
hay từ khước… Phúc hay họa đã nằm sẵn trong thái độ sống.
Giàu có bị phủ nhận vì
mãi lực của nó muốn biến thành tuyệt đối, đòi được tôn thờ, khiến toàn thể cuộc
sống con người bị cuốn hút vào đó. Giàu có làm ta xao lãng và xa cách Thiên
Chúa, vì nghĩ rằng hạnh phúc phát sinh từ những gì ta có. Thực chất, giàu chỉ đem lại một thứ an toàn giả tạo, vật hóa
tinh thần, vô hiệu hóa khả năng hiệp thông. Những kẻ giàu phải bảo vệ những gì
họ có, nên khó sống chân tình với mọi người. “Vi nhân bất phú, vi phú bất
nhân”. Không yêu tiền bạc, không đặt nặng vật chất, không coi nhẹ tình
nghĩa, sao có thể làm giàu?
Lời Chúa hôm nay cũng cảnh cáo:“khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Chúa Giêsu đã từng nói nhiều về vấn đề này: Ngài gọi kẻ lo thu
tích của cải là “đồ ngốc” (Lc 12,
20), coi sự ham muốn giàu có là “bất
chính” (Lc 16, 9), ham mê tiền của là điều “ghê tởm” (Lc 16, 14), và khẳng định: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”
(Mt 19, 24). Ngài yêu cầu các môn đệ phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và
tiền của (x. Lc 16, 13).
Tuy
nhiên, nghèo không phải là không có nguy cơ. Nghèo cũng dễ đưa tới gian tham,
trộm cắp và mọi thứ tội phạm, có khi đưa tới tuyệt vọng. Những lý do nghèo có
thể là tiêu cực, nhưng căn nguyên của nó vẫn là sự bóc lột lẫn nhau, tạo nên một
phân chia giai cấp, bất bình đẳng và phi nhân hóa. Chỉ khi từ bỏ não trạng chạy
theo lợi nhuận, xa hoa và thu tích tài sản, con người mới tạo được một xã hội
nhân bản, công bình và huynh đệ. Lúc đó giàu mới là điều tốt và được chúc phúc, vì giữ được tâm hồn sạch tội,
không chạy theo của cải, tiền tài (x. Hc 31, 8).
Hưởng
ứng lời kêu gọi của Đức Kitô (x. Lc 6, 20) nhằm xây dựng Nước Trời tại trần
gian, người Kitô hữu cần phải sống đơn sơ giản dị, giảm bớt nhu cầu, để
có thể sống yêu thương và chia sẻ cho bao người đang lâm cảnh túng thiếu. Điều cần thiết là sống thân phận
thụ tạo, thoát khỏi sự kiềm chế của bản năng tham lam, quyền hành và độc chiếm,
để đón nhận và trao ban. Mọi của cải đều là ân huệ Chúa ban, nên cũng phải biến
thành ân huệ cho người khác. Đã được cho không thì cũng phải cho không. Điều quan trọng là hoàn thiện bản thân, trong
việc sống gắn bó và tùy thuộc vào Thiên Chúa. Đây là cốt lõi của tinh thần khó
nghèo, cho ta có được hạnh phúc siêu nhiên thanh thoát ngay ở đời này.
Cầu
nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Mối phúc đầu tiên Chúa công bố,
dành cho ai có tâm hồn nghèo khó,
là điều làm cho con phải giằng co,
giữa việc sở hữu và sống đời từ bỏ.
Thật ra chẳng có gì là mâu thuẫn,
giữa văn minh tiến bộ và hồng ân cứu độ,
giữa đời này và hạnh phúc đời sau,
vì ơn Chúa trao là cuộc sống dồi dào.
Nhưng lời Chúa cho con biết rõ hơn,
tâm hồn nghèo khó là yếu tố quyết định,
để mọi phát triển trở thành điều chân chính,
vì chúng con dễ ham mê tiền tài danh vọng,
nên cũng dễ lật lọng và đối xử bất công,
gây ra bao khốn cùng cho cuộc sống.
Nghèo khó tinh thần cho con sự bình tâm,
không để cho cảm xúc đẩy đưa hay chế ngự,
không bị lôi cuốn theo những thứ bên ngoài,
để tâm hồn luôn thoải mái an vui.
Hạnh phúc không chỉ là tinh thần nghèo khó,
mà còn dám có một cuộc sống khó nghèo,
là cuộc sống rất thanh cao và giản dị,
tự giải thoát mình khỏi tính tham sân si.
Thật ra sự nghèo khó tự nó chẳng tốt gì,
khi người ta đành phải chịu vì cam phận,
chứ không vui lòng đón nhận vì tình yêu,
hay không chờ đợi mọi điều từ nơi Chúa.
Con nghèo khó khi không ham mê giàu có,
coi mọi sự trong đời dù có cũng như không,
để mở rộng lòng quảng đại biết cho đi,
và dám dâng hiến ngay những gì còn lại.
Cho con sống trọn vẹn giây phút hiện tại,
luôn bên Chúa với tâm hồn thư thái. Amen.
Lm.
Thái Nguyên
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=B4Tl_lxTl5c&t=196s