ĐẠO ĐỨC
THẬT HAY GIẢ
Chúa Nhật
8 Thường Niên năm C : Lc 6,39-45
Suy niệm
Tác giả sách Huấn Ca cho biết lời nói của một
người có giá trị bộc lộ sự thật, cho người ta biết được điều hay điều dở nơi
người ấy: “nghe lời miệng nói biết
ngay lòng người” (Hc 27, 4-7). Điều này rất
đúng khi lời lẽ thốt ra cách hồn nhiên, chân
thành, chưa bị ngụy trang hay uốn nắn bởi những toan tính quanh co. Thực tế thì
khó xét lòng người, nhưng nếu để xét lòng mình thì giáo huấn trên thật chính
xác.
Hãy xét xem tôi thường nói những chuyện gì? Nói nhiều về điều gì
thì chứng tỏ tôi quan tâm nhiều về điều ấy, hay nói cách khác tôi đã bị ám ảnh
bởi điều ấy. Tôi thường phê bình chỉ trích hay nâng đỡ khích lệ? Điều này giúp
tôi biết mình là người hẹp hòi hay rộng lượng; là người gây xáo trộn hay kiến tạo
bình an. Khi nói về bản thân, giọng điệu của tôi ra sao? Điều này cho thấy tôi
kiêu căng hay khiêm tốn.
Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy vấn đề phức
tạp không phải là người khác mà là bản thân ta: "Sao
anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại
không để ý tới". Ai cũng dễ chủ
quan, thấy cái rác trong mắt người mà không thấy cái xà trong mắt mình. Ai cũng
thích sửa dạy người khác, nhưng lại không thích người khác sửa dạy mình; muốn
thay đổi người khác nhưng không muốn thay đổi chính mình. Chúng ta hay nóng
lòng về tình trạng sai sót của người khác, nhưng bản thân mình có khi còn tệ
hơn. Giáo huấn của Chúa Giêsu cho thấy: lo
sửa người là kẻ đạo đức giả, lo sửa mình mới là người đạo đức thật.
Người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Cũng từ
đó mà ta thường rất hà tiện trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong tiếng chê.
Một trong những tội con người dễ phạm nhất là hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ sai
cho người khác. Đang khi đó thì lại chạy trốn chính mình, không đủ can đảm để
nhận sự thật về mình. Càng có địa vị, càng thành công, càng có uy tín, ta càng
khó thấy những nhược điểm của mình, và càng khó chấp nhận sự góp ý của người
khác. Sống trong cảnh
mù tối về bản thân, nhưng lại mong dẫn dắt thiên hạ, điều đó quả là một mối họa!
Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những
chuyên gia tìm ra tội người khác và phê phán họ. Nhưng những kẻ phê phán không
phải là những người cải tạo thế giới, mà thường làm hư hại thêm. Khi muốn sửa lỗi người khác là
ta muốn chiến thắng sự xấu trong thế gian, nhưng nếu ta không chiến thắng sự xấu
trong mình thì ta vẫn thất bại. Điều này đòi ta phải sám hối và hoán cải, nghĩa
là nhận ra mình là tội nhân. Tâm tình đó mới đưa ta lại gần anh em mà không còn
thái độ kẻ cả. Chúng ta có bổn phận sửa lỗi cho nhau, nhưng vì biết mình luôn
có thể lầm lỗi nên ta làm với tâm tình yêu thương và khiêm tốn.
Để cuộc sống được
quân bình và triển nở tươi tốt ta hãy thường xuyên đặt mình trước mặt Chúa, xin
Chúa soi sáng cho ta thấu rõ về bản thân của mình. Biết đón nhận sự sửa dạy, ta
mới biết sửa dạy; biết thay đổi bản thân ta mới biết thay đổi người khác. Hãy
phê bình mình trước khi phê bình anh em. Nhiều sự tranh chấp và ngổn ngang
trong gia đình cũng như trong cộng đoàn là vì ta không biết nhận lỗi mà cứ đổ lỗi.
Chỉ có thể sửa lỗi cho người khác khi ta không tự hào về mình, không còn bị
thúc đẩy bởi tham vọng muốn thống trị.
Không có gì làm ta mù quáng cho bằng để ý đến lỗi
lầm của người khác. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng mất công tìm trái vả nơi bụi
gai, hay tìm trái nho nơi bụi rậm. Nơi cây nào thì tìm trái của cây ấy. Bài học
này có thể áp dụng cho việc đánh giá về người khác và về chính bản thân mình. Chúng ta chỉ thực
sự là người tốt khi biết sống từ tâm, biết cảm thông và đón nhận mọi người
trong mọi tình trạng của họ. Ai cũng cần có thời gian và ơn thánh để đổi mới dần
dần.
Tình yêu
thương là điều cốt yếu để cải hóa mình và cảm hóa tha nhân. Vì thế, từ gia đình
đến bên ngoài, lúc nào chúng ta cũng cần sống tốt với nhau, nhìn tốt về nhau,
để đem lại an bình và hạnh phúc cho nhau. Chỉ như vậy ta mới góp phần đắc lực
để xây dựng một thế giới mới, thế giới của hòa bình, yêu thương và huynh đệ, là
chính Nước Thiên Chúa.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Bản thân con dễ chủ quan và
thiển cận,
vì nhìn theo lăng kín và góc độ của mình,
nên không tránh được sai lầm và lệch lạc,
nhất là khi vội vàng mà xét đoán tha nhân.
Cái xà trong mắt
mình thì không thấy,
lại thấy cái rác trong mắt của anh em,
cái sai của mình thì cho là nhỏ,
còn cái sót của người lại biến nó thành to,
để rồi từ đấy con chỉ lo sửa dạy,
lúc nào cũng muốn được làm thầy,
ra vẻ ta đây là hoàn hảo,
ra giọng chỉ bảo và chê bai khinh thị.
Chúa cho như vậy
là người đạo đức giả,
vì bản thân vẫn chưa được cải hóa,
chưa ra sao mà đã tự nâng cao,
lo sửa người mà chẳng biết sửa mình,
có khi cũng chẳng biết chính mình,
vẫn vô tình trong lối sống vô minh,
nếu có quyền hành mà dẫn dắt người ta,
thì chắc hẳn gây ra nhiều tai họa.
Lạy Chúa, xin cho
con biết con,
biết con yếu đuối lỗi lầm,
nên đừng khe khắt hiểu lầm anh em,
biết con che đậy giả hình,
nên cần chân thật sống tình yêu thương,
biết con cũng thích phô trương,
nên cần ăn ở khiêm nhường đơn sơ,
biết con hay sống bâng quơ,
nên cần sốt sắng phụng thờ Chúa luôn,
để nhờ ơn Chúa tràn tuôn,
đời con đổi mới khơi nguồn tin yêu. Amen.
Lm.
Thái nguyên
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=JTgZnszDBIs