HÃY XIN SẼ ĐƯỢC
Chúa nhật 17 Thường Niên,
năm C : Lc 11, 1-13
Suy
niệm
Khi
thấy Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng xin Thầy dạy cho biết cách cầu
nguyện. Ngài đã dạy các ông kinh Lạy Cha, là lời kinh tuyệt vời, vì đó chính
tâm tình sống ngập tràn tình yêu mến của Ngài đối với Chúa Cha. Theo thánh
Luca, phần đầu của lời nguyện là cầu cho danh thánh Cha vinh hiển và Triều Đại
Cha mau đến, nghĩa là cho mọi người được nhận biết quyền năng và tình thương
của Thiên Chúa. Thật ra, Thiên Chúa là Đấng sung mãn và đầy tràn vinh quang,
không ai thêm bớt gì được nơi Người; Người là sự sống vô biên và là nguồn mạch
mọi ơn lành, nên khi con người được nhận biết, thì đó là diễm phúc cho cuộc đời
họ. Hơn nữa, khát vọng sâu thẳm của con người chính là Thiên Chúa, Đấng là khởi
nguyên và là cùng đích của mọi loài mọi vật. Tiếp theo là xin cho lương thực
hằng ngày; xin ơn tha thứ và biết thứ tha, nhất là xin đừng bị sa chước cám dỗ.
Trong
lời kinh này, điều lạ lùng và hết sức ngạc nhiên là Đức Giêsu dạy chúng ta gọi
Thiên Chúa là Cha: “Ba ơi!”. Tiếng gọi đó làm rúng động trái tim loài người
chúng ta trước tình thương bao la của Thiên Chúa. Tiếng “Cha” ở đây không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn
là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời
gọi. Từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa thâm sâu và
mầu nhiệm. Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu đã đưa ra một
hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo
khác. Không những Ngài cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn
muốn ta đi vào tình nghĩa rất riêng tư và thân thiết với Cha.
Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta còn khám phá
ra mọi người đều là anh em có cùng một Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha chúng
con” chứ không Lạy Cha của con. Vì là anh em với nhau trong một gia
đình của Thiên Chúa, nên mọi người phải sống tình liên đới và có trách nhiệm
với nhau trên mọi phương diện, cả trong lời cầu nguyện. Từ nền tảng này, câu
“Tứ hải giai huynh đệ” mới có một ý nghĩa thiêng liêng cao vượt, chứ không chỉ
là một liên hệ bề ngoài mang tính xã hội. Tổ phụ Abraham đã thực hiện tình liên
đới đó khi tha thiết cầu xin cho thành Sôđôma khỏi bị phạt vì tội lỗi của họ
quá nặng nề. Ông đã mặc cả với Chúa rằng, nếu trong thành có 50 người công
chính thì xin Chúa tha cho cả thành. Chúa đồng ý, nhưng rồi ông phải hạ xuống dần
dần còn 10 người. Rất tiếc là Abraham đã dừng lại ở con số đó, không dám tiến xa hơn vào lòng thương xót của Thiên Chúa
(x. St 18, 20-32).
Sau
kinh Lạy Cha, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa.
Ngài mời gọi ta hãy hành động tích cực chứ không thụ động ngồi chờ. Nhưng có
khi vì tự phụ mà ta không xin nên không được; có khi vì ta lười biếng mà không
tìm nên ta không gặp; có khi vì ta nhút nhát không gõ cửa nên không được mở
cho.
Qua dụ ngôn người bạn bị quấy rầy, Đức
Giêsu còn dạy phải kiên trì khi cầu xin, để tăng thêm ước muốn của ta, và cũng
là để tăng thêm giá trị ơn Chúa ban. Nếu ta không nhận được điều mình xin,
không phải là Chúa không ban, nhưng có thể điều cầu xin ấy không có lợi mà còn
có hại cho tâm hồn ta, hoặc Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn lao hơn. Trong sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa là Cha từ ái,
Ngài biết phải ban ơn gì và ban như thế nào để làm triển nở cuộc đời ta.
Cầu xin không phải để cho được điều mình mong ước, mà còn
để đạt tới những gì Chúa ước mong. Cầu xin chủ yếu là để nối kết thân tình với
Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong ta, Đấng đang kết dệt nên cuộc đời ta và đưa
ta vào chương trình tình yêu cứu độ của Ngài. Hiểu như thế để ta ra khỏi những
bận tâm chật hẹp của bản thân, để thấy những nhu cầu lớn lao của tha nhân và
Giáo hội. Cũng đừng quên rằng, ơn cao cả nhất mà Cha muốn ban cho ta là Chúa
Thánh Thần. Có Thánh Thần là có niềm vui, có sức mạnh, có ánh sáng và sự sống
mới. Đó là sự sống của Đức Kitô đang hình thành nơi mỗi người chúng ta cho tới
khi đạt tới tầm mức viên mãn trong Thiên Chúa.
Cần
lắng sâu trong cầu nguyện, ta mới biết điều mình phải xin, vì những điều ta xin
còn mang nhiều cặn bẩn. Lắm khi ta xin rắn mà không hay. Cũng có khi ta tưởng
Chúa cho chúng ta bọ cạp. Chỉ với con mắt đức tin, ta mới biết Chúa đã nhận lời
mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. Với tình yêu mến, thì mọi
biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương của Chúa dành cho ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su!
thách đố lớn của đời Ki-tô hữu,
chính là sự thinh lặng của Thiên Chúa,
vì con kêu cầu mà chẳng thấy đâu,
khi gặp khổ đau tinh thần thân xác,
khi thấy người lành gặp bao điều ác,
kẻ vô tội lại bị những hàm oan,
bao người phải than van và nổi loạn,
có thật chăng một Thiên Chúa toàn năng?
Chính Chúa cũng quằn quại trên thập giá,
cảm thấy sự thinh lặng của Chúa Cha,
trước sự gian tà mà không đáp trả,
xem như muốn bỏ cả người Con yêu.
Nhưng Ngài vẫn phó thác trong tay Cha,
biết Cha không hành động như người ta,
Cha không đưa Con xuống khỏi thập giá,
nhưng đã đưa Con ra khỏi nấm mồ,
đó mới là quyền năng Cha thi thố,
để nhờ Con muôn người được cứu độ.
Hôm nay Chúa dạy con cứ việc xin,
và hãy tin chắc rằng Chúa sẽ cho,
không hẳn thỏa mãn điều con cần có,
nhưng lớn lao hơn những gì con nghĩ,
người cha trần thế không cho điều xấu,
huống chi Thiên Chúa là Cha nhân hậu.
Xin cho con cứ tin tưởng thật nhiều,
nhưng hãy để cho Thiên Chúa định liệu,
vì Người biết những gì là tốt nhất,
Người còn ban cho con cả Thánh Thần,
là Đấng thánh hóa suối nguồn hồng ân. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=VyhGyO0AJvY