TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM

Chúa Nhật 18 Thường niên, năm C : Lc 12,13-21

Suy niệm

Ai cũng muốn tạo một cái “kho” riêng cho mình, và làm cho cái kho đó ngày càng bành trướng. Kho đó là tài sản, tiền bạc của cải, vật chất. Thế nhưng nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã thốt lên lời ai oán:“Mồi phú quý nhử làng xa mã/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh” (Cung oán ngâm khúc). Phú quý như một thứ “mồi nhử” có sức lôi kéo con người ghê ghớm; còn vinh hoa là một thứ “bả” mê hoặc, khiến người ta mất tỉnh táo, không còn làm chủ được bản thân nên sa vào cạm bẫy. Cũng vậy: “Còn bạc, còn tiền còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Thói đời đen bạc và lật lọng như thế, cũng chỉ vì lòng người ham mê và xây dựng cuộc đời mình trên tiền của vật chất. 

Sách Giảng viên cho thấy tiền bạc của cải chỉ là phù vân: Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” (Gv 1, 2). Phù vân diễn tả một khía cạnh vô thường của cuộc sống này. Có nghĩa là mọi sự hiện hữu như gió thoảng mây bay. Thánh Phaolô kêu gọi: "Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thương giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới." (Cl 3,1-5).

Còn bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự bi đát của việc ham mê của cải vật chất. Dụ ngôn mô tả người phú hộ hả hê với những của cải chất đầy các kho. Ông tưởng mình đã toan tính khôn ngoan để đời mình sẽ được hoàn toàn vui sướng, nhưng Chúa cho thấy nguy cơ: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Phải chăng Chúa muốn chúng ta nghèo khổ? Chắc chắn là không, vì của cải vật chất trên đời là ân ban của Chúa cho chúng ta hưởng dùng (x. Tv 71). Vấn đề không phải giàu hay nghèo, mà phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác (x. Tm 6, 19).

Sở dĩ có những gia đình quá nghèo là vì làm một ăn hai, tiêu xài phung phí; nghèo vì lười biếng không chuyên chăm cần cù; nghèo vì bài bạc, nhậu nhẹt ăn chơi quá đáng; nghèo vì không biết dành dụm, tiết kiệm.

Lý do thứ hai có nhiều người nghèo vì tình trạng xã hội bất công, vì cường hào ác bá, vì bị giới người giàu bóc lột sức lao động. Cũng vậy, người tạo được công ăn việc làm cho người khác là người phúc đức, nhưng mướn với giá rẻ mạt thì chẳng khác nào người thất đức.

Lý do thứ ba là thiếu sự chia sẻ cho nhau. Nếu ai cũng rộng lòng chia sẻ thì chẳng có ai nghèo. Chúa cho có những người giàu hơn là để họ biết chia sẻ nhiều hơn. Rất buồn là nhiều Kitô hữu đã không sống được điều Chúa mong. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng:“Khi chúng ta tránh né, từ chối chia sẻ, ngừng ban tặng, và khóa kín bản thân mình trong cuộc sống tiện nghi…thì chẳng khác nào là một cuộc tự sát dần dần” (GE 272). Người giàu có nhất là người đã chia sẻ nhiều nhất. Đó mới là người giàu thực sự, giàu mãi mãi trong nước Thiên Chúa. Tiền của là ân phúc Chúa ban cho, nhưng vì không biết sử dụng tiền của đúng ý Chúa thì nó sẽ biến thành tai họa.

Sự giàu có đã làm ông phú hộ rơi vào 4 điều sai lầm trầm trọng sau đây: (1) Tính tham lam. (2) Trông cậy vào tiền của. (3) Không chia sẻ cho người thiếu thốn. (4) Chỉ lo hưởng khoái lạc cho riêng mình. Những lý do đó có thể khiến kẻ giàu mất phần rỗi. Cũng chính vì thế mà Đức Giêsu kết luận:Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Những lời huấn dụ trong Kinh Thánh xem ra khó áp dụng vào cuộc sống đời thường, vì chúng ta thấy ai cũng đang mải mê lao động kiếm kế sinh nhai và vun đắp gia sản vật chất. Chúng ta nêu đủ lý do để biện minh cho sự tham lam và tích trữ của cải. Nhưng nếu cứ thế thì sớm muộn gì cũng sẽ lãnh lấy những hậu quả bi thảm. Tiền bạc của cải chẳng bao giờ đi đôi với bình an và hạnh phúc. Phải chăng tiền bạc đi vào cửa trước thì hạnh phúc lẻn ra khỏi cửa sau?

Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho hằng ngày dùng đủ. Biết đủ là đủ, để chúng ta còn có thời giờ “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”:  là đời sống yêu thương bác ái, biết vươn lên khỏi những ti tiện tầm thường, đồng thời dấn thân phục vụ và chăm lo cho những người nghèo khổ, đau yếu, tật nguyền. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có đời sống tốt hơn, thì với việc đó thôi cũng đã đủ để làm thành lễ vật đời tôi rồi.” (GE 274). Đời sống Kitô hữu cao cả là như thế, biến đời mình thành của lễ dâng tiến, để Chúa thánh hóa và đem lại sự sống mới cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa cảnh giác nghiêm khắc về tiền của,
vì thấy nó là chính mối nguy cơ,
trở thành thần tượng người ta tôn thờ,
nên thiên hạ nói tiền là tiên phật,
nhưng sự thật cho thấy lắm oan khiên.

Tiền của dễ biến ta ra hà tiện,
bủn xỉn keo kiệt sinh lòng phản trắc,
bị mê hoặc nên lối sống nhập nhằng,
vì lợi lộc nên không còn ngay thẳng,
nguy hiểm nữa là người Ki-tô hữu,
trở thành kẻ hai lòng thờ hai chủ.

Tiền của khác nào một thứ ma lực,
làm điên đảo và tán tận lương tâm,
khiến người ta phải sống trong mê lầm,
nên Chúa gọi là tiền của bất chính,
vì lòng người đã bất trung bất tín,
không lạ gì có lối sống bất nhân.

Giá trị thực sự của cuộc đời con
đâu phải là tiền bạc hay của cải,
mà chính là một tấm lòng nhân ái,
để cho đi và chia sẻ không ngừng.

Xin cho con tránh mọi thứ tham lam,
đừng trở nên nô lệ cho tiền tài.
nhưng biết luôn mở rộng lòng bác ái,
biết dùng hết mọi cái Chúa ban cho,
để lo phụng sự Chúa và tha nhân,
dám dấn thân để làm đẹp cuộc trần,
là gia sản của đời con mãi mãi,
là an vui hạnh phúc chẳng tàn phai. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=mtXHE3E8r-0

 

 

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm C