NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Chúa Nhật 20 Thường Niên, năm C : Lc 12, 49-53

Suy niệm

Con người cần cơm bánh để sống còn, nhưng cũng cần tình yêu thương để tồn tại và phát triển; cần áo quần để che thân, nhưng phải có tình yêu thương để sưởi ấm và an vui cõi lòng. Tình yêu thương là động lực và là mục đích của đời sống con người. Người ta có thể chấp nhận sự nghèo khó, túng bấn, nhưng không thể sống thiếu tình thương. Biết thế nhưng sự băng giá của lòng người vẫn tồn tại khắp nơi. Điều đáng nói là nếu sự băng giá đó lại nằm trong tâm hồn người Kitô hữu chúng ta, là những con người có sứ mạng đem lại ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm cho đời thì đáng buồn biết mấy.

Trước một thế giới âm u và băng giá của lòng người, Đức Giêsu đã“đến ném lửa vào mặt đất”, không phải ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, nhưng là ngọn lửa tình yêu vẫn bừng cháy trong tim Ngài, ngọn lửa của Thánh Thần đã làm bừng sáng trí khôn các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần. Chính vì tình yêu mà Đức Giêsu ao ước được chịu một phép rửa là cuộc thương khó và tử nạn, để chuộc tội nhân loại chúng ta. Cái chết vì yêu thương đã biến thành ngọn lửa phục sinh, đem lại cho chúng ta sự sống muôn đời. Và Ngài ao ước “Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”.

Ngọn lửa ấy đã có tự ngàn đời nơi Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo muôn loài vì yêu thương, Đấng vẫn che chở dân Ngài dù họ phản nghịch: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8). Ngọn lửa ấy đã từng nung nấu trái tim của Giêrêmia (x. Gr 20,7-10), thúc bách ông phải nói lời Chúa dạy cho dân, thúc giục ông cảnh cáo tội của dân, dù bị họ ghét bỏ và tìm cách sát hại (x. Gr 38,4-6).

Đức Giêsu mong ước cho ngọn lửa yêu thương bùng lên, nhưng Ngài lại cho biết:“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?...  không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.”. Tại sao có sự nghịch lý như thế? Thật ra, sứ mạng của Đức Giêsu đã từng được tiên báo và được tuyên bố là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Ngài đến thế gian chỉ vì sự bình an và hợp nhất nhân loại. Nhưng thực tế cho thấy là Ngài đã gặp chống đối. Lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và không tin, vì Ngài mà “từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba” (Lc.12,52). Ngài giảng dạy về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, nhưng điều đó lại khiến những người biệt phái chống lại Ngài. Ngài kêu gọi con người đừng bám vào của cải đời này, mà hãy tìm kiếm Nước Trời, tuy lời giảng này khích lệ những người nghèo nhưng lại làm cho người giàu nổi giận, thù hận. Đúng như lời cụ già Simêon đã tiên báo: trẻ nhỏ này sẽ làm duyên cớ cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên, và còn là dấu hiệu cho người đời chống báng (x. Lc 2, 24).

Có sự chia rẽ là vì hòa bình Đức Giêsu mang đến không phải là thứ hòa bình theo kiểu thế gian, do đường lối chính trị hay tổ chức xã hội bên ngoài. Hòa bình đích thực phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình. Đó là hòa bình được xây dựng trên công lý, một nền công lý mà người ta phải đấu tranh, phải xả thân để chống lại tội lỗi và sống theo Tin Mừng của Đức Giêsu. Không có hòa bình này thì mọi thứ hòa bình khác đều là tạm bợ, có khi là giả trá, hoặc có nguy cơ là thứ hòa bình do sự thỏa hiệp hay đồng lõa với sự dữ.

Thế giới vẫn luôn có những xung đột và chia cắt: giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa lành và dữ, giữa thật và giả, giữa ma quỉ và Thiên Chúa. Ngay trong mỗi người vẫn có những bất đồng, mâu thuẫn và chia rẽ nội tâm: Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Không chỉ có sự phân rẽ trên bình diện cá nhân, xã hội, mà còn ngay trên bình diện tôn giáo, đau lòng hơn nữ là ngay trong Giáo Hội của Đức Kitô. Thánh thiện và tội lỗi vẫn là sự phân cực trong từng giây phút của đời sống, đòi ta phải lựa chọn. 

Để đáp lại nguyện ước của Chúa Giêsu là làm lan tỏa ngọn lửa Ngài đã nhóm lên, ta không thể tránh né “phép rửa” mà Ngài đã chịu, tức phải chấp nhận đi qua tình trạng đau thương và thất bại, để hiến tặng cuộc sống mình với tất cả tình yêu. Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã cảm nhận tình yêu như sau:“Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh”. Khơi lên ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu từ lòng mình và làm lan tỏa ngọn lửa đó là sứ mạng của đời chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã đến ném lửa vào mặt đất,
là chính tình yêu của Thánh Thần,
để lan tràn đến khắp mọi thế nhân,
lửa thanh tẩy và tinh luyện tâm can,
lửa sưởi ấm lòng người đang giá lạnh,
chiếu soi đời còn cô quạnh tối tăm.

Chúa ao ước lửa ấy sáng bùng lên,
cho tình yêu thắng vượt trên tất cả,
nên Chúa mong chịu phép rửa từ Cha,
là tự hiến dâng trao mạng sống mình,
làm hy tế để giao hòa nhân thế,
và cứu vớt con người khỏi bến mê.

Nhưng Chúa đến không hẳn mang hòa bình,
mà trước tiên đòi con người thay đổi,
phải chọn giữa ánh sáng và bóng tối,
nghĩa là tin hoặc từ chối không tin.

Chọn Chúa con đối đầu với sự dữ
là những thứ làm tha hóa con người,
để làm cho đời sống được đẹp tươi,
từ đó mới thật sự có hòa bình.

Xin Chúa hãy đốt nóng trái tim con,
bằng ngọn lửa của chính tình yêu Chúa,
lửa Thánh linh chiếu soi vào tâm trí,
đổi tâm tình và suy nghĩ của con.

Cho con dám can đảm chịu thiệt thân,
để lửa tình yêu Chúa lan tỏa dần,
đem lại cho gian trần sự sống mới,
như Chúa từng mong ước mãi không ngơi,
và làm cho Nước Trời thêm rộng mở,
cho con người được muôn thuở an vui. Amen.

Lm. Thái Nguyên
  

        Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=k16_UfBvU28

 

 

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm C