BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG

Chúa Nhật 22 Thường Niên năm C :  Lc 14,1.7-11

Suy niệm

Việc Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu dùng bữa, cho chúng ta nhìn ngắm thái độ của Ngài, một thái độ luôn cởi mở và tiếp nhận, để thiết lập tương quan gần gũi và thân thiện với mọi hạng người, kể cả những kẻ có ý đồ và manh tâm đối với Ngài. Đây là tính cách của một con người có bản lãnh, không chấp nhất và câu nệ về những gì người khác nghĩ về mình, kể cả việc họ muốn đối đầu với mình, vì điều quan trọng là tạo sự hiệp thông giữa người với người.

Tuy nhiên, khi đón nhận người khác, Đức Giêsu cũng mời gọi họ thanh lọc những quan niệm cổ hủ, cải thiện một lối sống còn mang tính cách trịch thượng, nhất là lối sống đó lại nằm trong thành phần trí thức tôn giáo, ảnh hưởng rất lớn trên mọi người. Vì thế, nhân cơ hội quan sát những người đi dự tiệc háo hức chọn chỗ nhất, Đức Giêsu đã đưa ra câu chuyện như một điển hình về phép xã giao, ý muốn cảnh giác thái độ tự tôn tự mãn của người Pharisêu: “khi được mời dự tiệc cưới, đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có một người nào trọng hơn anh cũng được mời.... trái lại anh hãy ngồi vào chỗ cuối”.

Lời khuyến cáo của Đức Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu hơn. Đối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”. Vượt trên đòi hỏi của xã giao, Đức Giêsu làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường, cũng là cách tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Chúa là một ân ban cao cả, chỉ dành cho những ai có tâm hồn khiêm tốn, còn ai tự cho mình là cao trọng sẽ có thái độ hàm hồ, không đáng được lãnh nhận, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gc 4, 6; 1Pr 5, 5).

Từ câu chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa, để thấy giá trị đích thực của mọi người là con cái Thiên Chúa. Đừng bị thói háo danh và tự mãn khuynh đảo mình. Ngay cả những thực hành đạo đức như ăn chay, bố thí, cầu nguyện... đều có thể trở thành bình phong để người ta thực hiện ý đồ khoe khoang bản thân mình, do tính háo danh.

Tính cách của người Kitô hữu là hiền lành và khiêm nhường như Đức Giêsu, Đấng không tự tìm vinh quang cho mình mà trong mọi sự để cho Thiên Chúa định liệu. Vì thế, khiêm nhường không phải là tự hạ để mong được nâng lên, không phải là coi thường mình hay e sợ người khác, cũng không rụt rè tránh né nhiệm vụ. Khiêm nhường là nhận biết sự thật về mình, một sự thật còn nhiều thiếu sót, cần được sự nhắc nhở và sửa chữa của anh em. Thiếu sự nhắc bảo lẫn nhau là ru ngủ nhau trong cái ảo tưởng về chính mình. Khiêm nhường là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.

Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa vào cái ghế và thanh thế của họ, nhưng thật ra một người phu quét đường có lương tâm vẫn giá trị hơn một vị quan quyền hay bậc chức sắc vô tâm. Người khiêm nhường không sợ chức vụ cao hay ghế nhất. Ghế nào cũng là một phương tiện để phục vụ mọi người. Chức vụ nếu có, thì cũng là một cơ hội cho ta biết cúi xuống thật gần với những nỗi đau của biết bao người đang cần cứu giúp. Vì vậy mà khi nói đến việc thết tiệc, Đức Giêsu khuyên chúng ta nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Ngài muốn chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bé nhỏ nghèo hèn, nhất là những người lầm than bất hạnh. Chúng ta hay thích giao du với ai có thế giá để mình được danh giá, mà bỏ rơi bao người yếu kém, tạo thêm bất công trong đời sống xã hội.

Khiêm nhường là cung cách của Đức Giêsu, Đấng đã tự hủy mình để nhập thể làm người vì yêu thương nhân loại; Đấng đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy chúng ta bài học yêu thương phục vụ; Đấng đá đón nhận nhục hình thập giá để đền thay cho tội lỗi chúng ta; Đấng đã xuống mức thấp nhất của thân phận làm người để nâng chúng ta lên. Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta có thể nói, người khiêm nhường là người đã gặp được Chúa, đã hòa vào nhịp đập của trái tim Chúa, để hành động với tấm lòng đầy yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Các đầu mục Do Thái rất bực tức,
khi Chúa giảng dạy như một chức sắc,
mà không có chức vụ hay chức quyền,
không thuộc nhóm tư tế hay luật sĩ,
chỉ là dân dã
, con bác thợ mộc.

Thế nhưng những lời Chúa nói,
đều là lời sự thật, lời chân lý,
lời sự sống, lời tình yêu, lời cứu độ,

Tiếc thay những nhà lãnh đạo tôn giáo,
là những người lo rao truyền đạo lý,
mà lại không
quan tâm đến chân lý.

Buồn thay những mục tử Is-ra-el,
chỉ biết nói mà lại không biết làm,
chỉ biết lo viêc động tay động chân,
mà lại không biết động tâm động não.

Đối với Chúa, cần đức hơn cần chức,
cần sự thật chứ không cần nổi bật,
cần điều đúng dù người nói là ai,
vì chân lý phát xuất từ Thánh Linh.

Lời Chúa không bao giờ bị xiềng xích,
bởi người có quyền bính hay trí thức,
Chúa nói qua trẻ thơ hay cụ già,
và qua cả những lời bà mẹ quê.

Cho con nghe tiếng Chúa qua mọi người,
không quan trọng tài năng hay chức vụ,
không kỳ thị người Nam hay kẻ Bắc,
không phân biệt trên dưới hay sang hèn.

Cho lòng con biết say mê chân lý,
lo phục vụ mà không cần chức vụ,
biết xả thân mà không mong phần thưởng,
luôn khiêm nhường sống trọn nghĩa yêu thương. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=mRC42akSgl4

 

 


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm C