SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Chúa Nhật 32 Thường Niên năm C : Lc 20, 27-38

Suy niệm

Cái chết như chấm dứt tất cả, và chết là số phận của mỗi người. Phái Sađđucêô là con cháu của Sađốc, thuộc chi họ Lêvi và là giai cấp tư tế, cũng không tin có sự sống lại ở đời sau. Họ giới hạn mạc khải vào 5 cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh nên quả quyết “không có sự sống lại, không có thiên thần” (Cv 23, 8). Sự sống lại là giáo điều khiến họ ly khai với nhóm Biệt phái. Đang khi đó niềm tin về sự sống lại đã xuất hiện trước đó hai thế kỷ (Đn 12, 2-3), vào thời Maccabêô.

Vì không tin nên khi nghe Đức Giêsu nói về sự sống lại thì nhóm Sađđucêô bịa ra câu chuyện lắt léo để chế giễu Ngài. Nếu có sự sống lại ở đời sau thì người vợ có bảy đời chồng sẽ là vợ của ai? Đức Giêsu phủ nhận một quan niệm quá trần tục về sự sống đời sau theo lối sống ở đời này. Sau đó Ngài dựa trên chính thế giá của Môsê mà người Sađốc đã dẫn chứng trong bộ Ngũ thư để minh chứng về sự sống lại. Đó là điều Giáo hội vẫn xác tín: sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Một số tôn giáo cũng tin có một cuộc sống khác sau khi chết, dựa theo luật nhân-quả hay nghiệp báo, và cho rằng đời người chuyển hóa thành nhiều kiếp. Theo mạc khải Kitô giáo, mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời duy nhất mà mình đang sống và cuộc sống này định đoạt số phận vĩnh cửu của chính mình. Vì thế mà ta phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau. Trong sự xác tín đó, người Kitô hữu được định nghĩa cách đơn giản là người “tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống” (Alselm Grun).

Chẳng ai biết đời sau như thế nào, nhưng Đức Giêsu đã vén mở cho ta phần nào bức màn của đời sau, khác hẳn với đời này, người ta sẽ sống như các thiên thần. Giống như các thiên thần nghĩa là không còn là người phàm tục theo lối sống ở trần gian, để sống bằng một sự hiện hữu hoàn toàn mới trong cùng một sự sống với Thiên Chúa. Tuy thân xác của chúng ta đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn. Thánh Phaolô cũng đã minh định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53).

Chúng ta tin Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng biết rằng, Ngài không chiến thắng sự dữ gây ra ở trong ta. Nhờ Đức Kitô thì tất cả đã thành đạt, nhưng thực tế ta vẫn phải gánh lấy những khổ đau của phận người. Niềm tin và hy vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không ai có thể đón nhận cái chết thể lý trong niềm hy vọng phục sinh mà lại không mở rộng con tim để vượt qua cái chết vốn đã hàm ngụ nơi cuộc sống này. Cần phải giải phóng mình khỏi những gì biến mình thành tù nhân của chính mình, để có thể yêu mến cuộc sống hơn.

Yêu mến cuộc sống là điều không dễ khi cuộc sống đầy bi đát, tàn bạo, xung khắc... Khi đó người ta dễ nhìn vào những bất tất của đời thường như một cái gì phi lý, không đáng sống. Nhưng nếu chết để mà chết thì chẳng bao giờ là giải thoát. Nhờ Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta, nên sự chết vẫn luôn là khởi đầu cho sự sống vĩnh cửu. Nếu ta biết yêu mến sự sống cách sáng suốt, thì chắc chắn cũng biết yêu mến cái chết của mình. R. Tagore đã chân tình nói lên rằng: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết... Tôi chết vui cũng như đã sống vui”.

Trong niềm vui đó, thánh Têrêsa hài đồng đã xác quyết trong giờ hấp hối: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”. Chết là một sự hoàn tất để đưa đến sự biến hóa: hết đời con sâu thì chào đời cánh bướm. Nhưng không ai có thể bước vào cõi sống mà không chết đi cho chính mình từng ngày. Nếu ta biết không ngừng giũ bỏ mọi sự, ta sẽ được sống trọn vẹn và được phục sinh tại mỗi phút giây.” (Anthony de Mello).

Đời sau là chuyện khó tin, nên người ta thường chỉ lo sống đời này, và lo hưởng thụ những gì trước mắt. Thật ra, chẳng ai có kinh nghiệm về đời sau, nhưng là một mầu nhiệm được mạc khải và được minh chứng bởi sự phục sinh của chính Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Nhiều tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này.

Ai cũng phải chết đi, nhưng chúng ta tin rằng, chết đi là để sống mãi. Trong tiếng Latinh, người chết được gọi là defungi: là người đã vĩnh viễn hoàn tất cuộc đời mình và an hưởng một cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng (x. Dt 8, 5).

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Cái chết dường như đã chấm dứt hết,
chẳng còn gì nối kết sự sống này,
nhưng nếu con sinh ra để mà chết,
đặt Chúa lên trên hết để làm gì,
nếu như thế đời con thật phi lý.

Nhưng con biết ngay cuộc đời này,
sự sống đã tiềm ẩn trong cái chết,
mọi loài và mọi vật sẽ tàn đi,
nhưng chính khi hạt giống bị phân hủy,
lại cho sự sống mới thật dồi dào,
hết đời con sâu chào đời cánh bướm,

Nơi thiên nhiên Chúa còn cho như vậy,
huống chi là cuộc sống con người đây,
là chóp đỉnh công trình bàn tay Chúa,
được nâng niu được ủ ấp dắt dìu.

Nhờ Đức Giê-su là Đấng cứu chuộc,
con tin mình sinh ra để sống mãi,
chết không phải là tàn phai hư hoại,
mà là cửa mở vào tương lai vĩnh cửu,
nên con phải sống hết mình cho hiện tại,
để đáng hưởng hạnh phúc mãi ngàn sau.

Cái chết dạy cho con biết cách sống,
sống khiêm nhường và rất mực yêu thương
để chết đi chẳng có gì hối tiếc,
mà thấy mình đã hoàn toàn mãn nguyện.

Con yêu lấy cái chết như người bạn,
để đi về quê hạnh phúc bình an,
được gặp Đấng cả đời con mong đợi,
về với cội nguồn Thiên Chúa của con.

Xin cho con luôn giữ vững niềm tin,
sống đẹp nhất từng giây phút đời mình,
vì con được dựng nên cho chính Chúa,
Đấng cho con sự sống mới muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=G5d29rfdR4g


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm C