LÀM CHỨNG CHO THẦY

Chúa Nhật 33 Thường Niên năm C : Lc 21, 5-19

Suy niệm

Nhiều người Do thái nhìn ngắm và khen ngợi đền thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ, được xây cất bằng đá cẩm thạch nguyên khối, mỗi cây cột cao hơn 12 mét. Mặt tiền đền thờ được dát bằng vàng lá, mỗi khi mặt trời lên, nó phản chiếu ánh sáng chói loà rực rỡ. Nhìn từ xa, đền thờ trông như một núi tuyết khổng lồ vì màu trắng toát của đá cẩm thạch. Chính vẻ huy hoàng lộng lẫy của đền thờ mà người ta tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã đánh đổ quan niệm sai lầm đó. Người loan báo đền thờ sẽ bị tàn phá hoàn toàn, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Quả thật, tiên báo này đã hoàn toàn ứng nghiệm năm 70 sau Công nguyên, khi tướng Titô đem quân bao vây, tàn sát dân chúng, bắt tất cả tù binh và thiêu huỷ đền thờ.

Mọi người kinh hoàng sợ hãi khi nghe Chúa Giêsu tiên báo. Họ xin Ngài cho biết thời gian và điềm báo trước. Ngài không nói rõ ràng về ngày đó, nhưng dùng những hình ảnh khải huyền để nói về ngày thế mạt. Điều quan trọng là Ngài cảnh báo cho các môn đệ biết sẽ có những thử thách đức tin: có những ngôn sứ giả hiệu, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, làm gãy đổ niềm hy vọng; có những cuộc bách hại và sự chia rẽ loại trừ nhau ngay trong gia đình, bà con, bạn hữu. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Nhưng Ngài bảo đừng lo sợ, cứ kiên trì, vì Thiên Chúa luôn quan phòng che chở. Bách hại và thử thách “là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”.

Kitô hữu là người làm chứng cho Đức Kitô: Đấng là ánh sáng giữa thế gian tăm tối; Đấng là sự thật giữa cảnh đời gian dối; Đấng là tình thương giữa xã hội hận thù; là Đấng giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi, đau khổ và sự chết…Cách riêng là trong thời đại văn minh hưởng thụ này, người ta lo chạy theo vật chất, chỉ quan tâm đến đời này. Một bầu không khí thờ ơ và lãnh đạm với tôn giáo xem ra ngày càng lan rộng. Nói thế không phải chúng ta coi thường những tiến bộ và tiện nghi vật chất, nhưng nhấn mạnh đến đời sống tinh thần. Kitô giáo luôn tôn trọng các giá trị trần thế, luôn góp phần lớn lao cho việc xây dựng một thế giới thịnh vượng, an vui, hòa bình cho con người.

Tuy nhiên, mọi sự đều tương đối, tất cả là vô thường, như bông hoa sớm nở chiều tàn (Tv 89, 6). Sách Giảng Viên coi mọi sự là phù vân: “Vanitas vanitatum, et omnia vanitas.” (Gv 12, 8).  Chỉ có Thiên Chúa là tuyệt đối, là niềm hy vọng cánh chung của con người. Đừng ai “ngốc” như người phú hộ trong Phúc Âm chỉ lo thu tích của cải cho mình. Bao lâu con người còn sống ích kỷ, còn vô tâm trước tình trạng bất công và nghèo đói, còn thờ ơ, xa lánh hoặc loại trừ Thiên Chúa, thì cuộc đời này sẽ đi vào ngõ cụt. Những công trình văn minh hiện đại rồi cũng chỉ là một đống gạch vụn mà thôi. Có những khi chính những sản phẩm do tay con người làm ra lại quay đầu chống lại con người.

Bởi đó, trong bầu khí những ngày cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta ý thức rằng: vạn vật sẽ qua đi; đừng để mình bị nô lệ của cải vật chất; đừng bị vong thân hoặc đánh mất chính mình nơi các tạo vật. Trong ngày Chúa đến, chỉ còn lại những gì chúng ta đã góp phần xây dựng trong đức tin và tình mến, là những điều có giá trị vượt thời gian. Chúa muốn lòng tin mến của chúng ta phải biến thành hành động, dám tín thác tuyệt đối vào Ngài, dám dấn thân hy sinh cho tha nhân, dù phải chịu thử thách đau thương, kể cả sự chết. Đức cha Fulton Sheen có viết: “Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió”.

Tiếp nối các các tông đồ qua bao thế thế hệ, hàng vạn Kitô hữu đã anh hùng làm chứng cho Đức Kitô, trong đó có sự góp phần lớn lao của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là các Thánh tử đạo mà chúng ta mừng kính. Các ngài gồm đủ mọi thành phần, đủ mọi tầng lớp. Thiên Chúa đã làm nên điều phi thường nơi những con người yếu đuối như phụ nữ, thiếu niên, người già yếu. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, họ bình thản, khôn ngoan và can đảm chịu mọi cực hình để làm chứng cho Chúa.

Chúng ta không bị hành hình và đổ máu như các vị tử đạo ngày xưa, nhưng cũng như các ngài, chúng ta phải chết cho chính mình, nghĩa là phải hy và từ bỏ tất cả những gì không nói lên được một đời sống yêu thương, chân thật, hiền lành, trong sạch… Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Ðức Giêsu. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thứ gây ra những cuộc bách hại tuy êm ả nhưng đầy chết chóc. Cần làm một cuộc “vượt qua” mỗi ngày để tuyên xưng và loan truyền đức tin của mình cho những người chung quanh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Đời này chẳng có gì là vĩnh viễn,
vì tất cả mọi sự đều vô thường,
Bao nhiêu chuyện xảy ra rồi cũng qua,
giống như cánh hoa sớm nở chiều tàn.

Chỉ có Chúa là trường tồn bất biến,
và tình yêu là thiên thu bất diệt,
nên đời con cương quyết mãi trung kiên,
không để cho lòng mình phải ngả nghiêng.

Cuộc sống này luôn có nhiều thách đố,
đòi hỏi con phải lựa chọn mỗi ngày,
giữa thập giá và cuộc sống hôm nay,
giữa đời này và tương lai vĩnh cửu.

Nếu con chọn mình mà không chọn Chúa,
đó là những lúc con thất bại ngã sa,
đã liều mình mà bước qua thập giá,
do ham muốn và chạy theo thiên hạ.

Vẫn có những bách hại thật êm ả,
là tiền bạc tiện nghi và khoái lạc,
nên đời con dễ rơi vào sa lạc,
muốn thoái thác để được sống yên hàn,
không dấn thân và chia sẻ trao ban,
những lúc ấy con thấy mình bệ rạc.

Xin cho con một đức tin kiên cường,
luôn can trường trong thử thách đau thương,
là nhân chứng trên khắp mọi nẻo đường,
cho dù phải mất mát thiệt hại nhiều,
nhưng con vui và sẵn sàng nhận chịu,
để chân lý tình yêu chiếu sáng ngời. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=nnkft5pUpwk&t=41s


Suy Niêm & Cầu Nguyện Theo Phúc Âm, Năm C