HẰNG VÂNG PHỤC
Lễ Thánh Gia năm C : Lc 2,
41-52
Suy niệm
Nhìn vào gia đình Nadarét, ta
thấy có điều gì thật khác thường nhưng cũng rất đỗi bình thường. Đặc biệt vì
gia đình này thấm đậm tình yêu thương, đạo hạnh; cũng là trường đào luyện Đức
Giêsu, chuẩn bị cho Ngài gánh lấy sứ mạng. Những bài học sâu xa cho Ngài về cầu
nguyện, giáo lý, lao động, hy sinh, phục vụ, là từ chính mái trường Nadarét
này. Những vị thầy đầu tiên không ai khác là ông Giuse và bà Maria, đã giúp
Ngài lớn lên một cách quân bình và trưởng thành về mọi phương diện.
Lạ thay, Con Thiên Chúa đã tập
sống làm người ở Nadarét, và Phúc Âm cho ta thấy ngay từ 12 tuổi, Ngài đã bắt đầu
ý thức về bổn phận đối với Thiên Chúa và con người:“Cha mẹ không biết là con
có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Ngài không chỉ là người con hiếu thảo
với mẹ cha, nhưng trên hết và trước hết, Ngài muốn là con thảo của Chúa Cha. Cha
trên trời là ưu tiên vượt trên mọi ưu tiên khác. Trên đường rao giảng Tin Mừng
sau này, điều quan trọng nhất đối với Ngài cũng chính là Ý Cha. Ngài đặt Ý Cha
lên trên tất cả, và giờ phút cuối cùng đưa tay chịu nộp cũng vì “xin vâng ý
Cha”. Đúng là Mẹ nào con nấy. Tiếng “Xin vâng” của Đức Maria và của cả Thánh
Giuse nữa, được tiếp nối nơi Đức Giêsu.
Cũng như Thánh Gia, đời sống
gia đình chúng ta không thiếu những biến động và giông tố, nhưng không vì thế
mà cho là xui xẻo hay qui trách nhiệm cho một ai đó, nhưng là biết lắng nghe
nhau để giữ được bầu khí yêu thương, êm ấm, hòa hợp. Hạnh phúc trong gia đình
không phải là vấn đề hên xui, may rủi, mà là ý thức dựng xây từ trái tim mỗi
người. Ai cũng có lý do để hành động, nhất là những hành động lạ thường thì lại
càng có lý do sâu xa hơn, như trường hợp của Đức Giêsu trong câu trả lời cho Mẹ
mình. Tuy rất ngỡ ngàng và không hiểu được câu trả lời của con mình, nhưng điều
quan trọng là Mẹ lắng nghe, ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Sứ thần Gabriel, cụ
Simêon và bà Anna đã báo trước về Đức Giêsu, nhưng mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm.
Dù sao Mẹ cũng đã quen với thái độ cung kính trước mầu nhiệm và sự vâng phục của
lòng tin.
Biến cố Đức Giêsu lên 12 tuổi
giúp ta lưu ý đến tiến trình thành nhân của con cái trong gia đình. Đó là lứa
tuổi bắt đầu khẳng định về chính mình, về các tương quan cũng như hướng tới lý
tưởng và sự độc lập bản thân. Chỉ là mới bắt đầu thôi, còn hướng tới như thế
nào thì tùy tâm tính và hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ. Vấn đề được đặt ra trước
tiên là cha mẹ chứ không phải con cái, vì phương cách và đường hướng giáo dục,
bầu khí gia đình và thái độ hành xử của cha mẹ hoàn toàn ảnh hưởng đến tính nết
và lối ứng xử của con cái, nhất là yếu tố di truyền. Có những biến cố xảy ra lạ
lùng trên đời sống đứa trẻ, nhưng không có nghĩa là ngẫu nhiên, mà luôn có một
sự tương tác giữa nỗ lực tự nhiên và ân huệ siêu nhiên.
Vì thế, đặt ra vấn đề
giáo dục con cái thì trước tiên phải đặt ra vấn đề giáo dục chính cha mẹ. Không
thể có thứ quan niệm tắc trách là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, bởi vì đứa
con là kết quả của tình yêu cha mẹ, thành hình từ những tính chất của cha mẹ,
và do cách giáo dục của cha mẹ. Hiệu quả giáo dục chính yếu không do lời nói,
mà do gương sáng. Cái phản giáo dục ngày nay trong đạo cũng như ngoài đời là những
người có trách nhiệm nói một đàng làm một ngã; dạy thế này mà sống thế khác; chủ
trương kiểu này mà thực hiện kiểu kia; bên ngoài thì vui cười nhưng bên trong
thì mưu mô xảo quyệt; cư xử có vẻ cởi mở, lịch thiệp nhưng chỉ là xã giao, hình
thức và giả dối... Những tệ trạng đó làm cho con cái và lớp người trẻ thất vọng,
mất tín nhiệm vào thế hệ người lớn, từ đó sinh ra lối sống vô luân, hành vi vô
đạo và tính cách vô thần.
Riêng những ai là con
cái, chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, mặc dù là Con Thiên Chúa, Ngài vẫn vâng
phục cha Giuse và mẹ Maria, nên ngày càng lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng.
Không ai yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến cha mẹ mình, hoặc có thể nói trái
lại, ai không yêu mến cha mẹ mình thì cũng không hề yêu mến Thiên Chúa. Biểu hiện
của một người con trưởng thành và đáng khâm phục không phải vì những thành công
bên ngoài xã hội, nhưng là sự cung kính và hiếu đễ bên trong gia đình. Người
con hiếu thảo mới là con người đạo đức, có giá trị lớn lao cho xã hội loài người,
vì họ giống Đức Giêsu, có khả năng góp phần với Thiên Chúa để làm nên một thế
giới mới, một nhân loại mới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Con thấy Thánh Gia chẳng hề êm ả,
vẫn đầy những vất vả long đong,
cho dù vẫn có Chúa ở cùng.
Nhưng con lại thấy,
Thánh Gia vượt qua phong ba bão táp,
sống trung thành và chung thủy với nhau,
trung tín với Chúa, trung hậu với người,
sáng lên nét đẹp cao vời thánh thiêng.
Nhìn vào đời sống gia đình hôm nay,
con thấy có đầy những biến động:
truyền thống đạo đức đang mất gốc,
nề nếp gia phong đang bại hoại,
tương quan nhân nghĩa cũng suy đồi,
tình yêu chung thủy đã đổi ngôi,
yêu cuồng sống vội lắm cái tồi,
thai nhi chết oan bao tội lỗi,
bạo lực gia đình lắm nổi trôi,
chỉ vì ích kỷ và ham muốn liên hồi.
Xin cho gia đình con noi
gương Thánh Gia,
trong mọi sự biết lo tìm ý Chúa,
yêu thương chăm sóc đỡ
nâng nhau,
giữ vững truyền thống gia đình Kitô giáo,
nên chứng từ sống động của Ba Ngôi.
Dẫu cho dòng đời nhiều
trôi nổi,
gia đình con vẫn sáng
tối cầu kinh,
cùng nhau vui sống đời công chính,
gieo rắc niềm tin với an bình. Amen.
Lm. Thái Nguyên