SỐNG ĐỨC TIN

Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A : Mt 16, 21-27

 

Suy niệm

Biến cố ở Xêdarê Philípphê cho thấy tâm trí các tông đồ vẫn còn đang hướng về những hào nhoáng thế gian và vinh quang trần thế. Nhưng Chúa Giêsu vẫn bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận đau thương đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem. Nghe nói thế, Phêrô liền khuyên can Thầy chớ chịu như thế. Phản ứng của Phêrô cũng là lẽ tự nhiên theo sự khôn ngoan của loài người, nhưng đó “không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”

Chúa Giêsu quay lại và phản ứng rất mạnh: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy…”. Mới đó Phêrô giống như một thiên thần khi tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống, mà bây giờ lời của ông khác nào cơn cám dỗ của Xatan. Mới đó Phêrô đã được đặt làm “tảng đá, trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ ông thành tảng đá “cản lối làm cho Thầy vấp”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không phải là bản thân bác thuyền chài Simon, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.

Điều này cho ta thấy, tuyên xưng đức tin mới là một khởi đầu, còn cả một tiến trình sống đức tin, đòi người môn đệ phải vượt qua gian nan thử thách, mới đạt tới tầm vóc đích thực mà Chúa mong mỏi nơi chính mình. Vì thế, Chúa Giêsu không ngần ngại nói thẳng với các ông: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. 

“Từ bỏ chính mình”  có vẻ tự tha hoá, vong thân, không còn là chính mình. Đúng là khi không yêu thì không thể nói đến từ bỏ. Chỉ khi yêu thì người ta mới dám từ bỏ, để sống trọn vẹn cho người mình yêu. Từ bỏ cũng là một cách dâng hiến lại cho Thiên Chúa những gì Người đã tặng ban. Trong ý nghĩ sâu xa hơn, từ bỏ để có thể tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Người, chỉ sau đó do tội lỗi, nên con người mới bị tha hóa, vong thân. Nay ta cố gắng đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, chính là tìm lại hình ảnh đích thực từ ban đầu của mình, để hoàn toàn là chính mình. Gặp gỡ Đức Kitô cũng là gặp lại chính mình.

“Vác thập giá” cũng là điều đương nhiên trong thân phận con người, dù là ai hay trong cuộc sống nào cũng thế. Vác thập giá cũng chính là cái “giá” phải trả cho một sự chọn lựa mà ta muốn dấn thân thực hiện. Hơn nữa, lời mời gọi vác thập giá ở đây không phải là dự tính của con người, mà là đường nẻo của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, không muốn một ai phải hư mất.

Vì thế, “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”. Lo được hết mọi thứ ở đời này thì cuối cùng còn được cái gì? Do đó, môn đệ Đức Giêsu là người say mê cái được vĩnh cửu, nên chấp nhận những mất mát tạm thời: mất công, mất của, mất thì giờ, có thể mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng sống nữa. Nhưng cuối cùng, chẳng có gì để mất, “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó là điều mà Chúa Giêsu bảo đảm cho những ai tin vào Ngài. Thánh Phaolô cũng đã xác định: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.” (2Tm 2,11), “Nếu ta cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17).

Thật ra khi từ bỏ mình, vác thập giá, chịu mất mạng sống vì Chúa, thì không cần đợi sau cái chết mới nhận thấy mình được. Nhưng bình an, hoan lạc, được sống trong tự do và yêu thương, là những cái ta được và nếm hưởng ngay từ đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Sống là chấp nhận từ bỏ,
từ bỏ cái xấu không nói gì,
còn từ bỏ cái tốt để chọn điều tốt hơn.

Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu,
khi yêu con mới sẵn sàng từ bỏ.

Từ bỏ điều con có, và có thêm mỗi ngày,
điều hôm nay chưa dính bén, mai lại có,
điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén,
nên con phải từ bỏ mỗi ngày và liên tục.

Từ bỏ làm con sợ hãi và luyến tiếc,
nhưng rồi cũng giống như phiến đá,
nhiều thô nhám và xấu xí nhăn nheo,
thành một tác phẩm khi để thợ đục đẽo,

Từ bỏ như điều kiện để giải thoát,
khỏi những gì kiềm buộc và tù hãm,
để tâm con nhẹ nhàng và thanh thoát,
vươn lên khỏi bụi cát phàm trần.

Từ bỏ xem ra luôn là một điều khó,
vì con thích dung dưỡng và dễ dãi,
để được sống thoải mái và an nhàn,
thế nhưng con thấy bất an và bất xứng,
khi bước theo chân Chúa mỗi ngày.

Xin cho con được dám luôn từ bỏ,
từ bỏ hoài, từ bỏ mãi không ngơi,
cho tới khi gặp được Chúa muôn đời,
nơi vinh phúc sáng ngời con mong đợi. Amen

Lm. Thái Nguyên

 

 

 


Suy Niệm Đời Chúa