VÂNG và KHÔNG
Chúa Nhật 26 Thường Niên,
năm A : Mt 21, 28-32.
Suy
niệm
Cuộc sống vàng thau lẫn lộn, rất khó mà phân định
đúng đắn nếu dựa vào những tiêu chuẩn và hình thức bên ngoài. Thấy vậy mà không
phải vậy. Để phân biệt hai hạng người tốt – xấu; thật – giả, Đức Giêsu đưa ra dụ
ngôn: “Hai người con”: Người cha sai
hai đứa con đi làm vườn nho. Người con thứ nhất từ chối nhưng sau đó nó
hối hận nên lại đi. Người con thứ hai nhận lời ngay nhưng rồi lại không đi.
Ðứa con thứ nhất tượng trưng cho những người
thu thuế và tội lỗi, những người xa lạc và
ngoại giáo, những người bị đặt bên lề xã hội và
tôn giáo. Ðời sống của họ không đẹp đẽ gì
mà còn gây nên một thực trạng đáng buồn cho đời sống xã hội. Thế nhưng chính
tội lỗi đã làm cho họ ý thức để sống khiêm tốn, và thực tâm hoán cải trước lời mời gọi sám hối của Gioan. Họ là
những người thiếu nhiều hiểu biết về đời sống tôn giáo, nhưng điều Chúa cần
nhất là sự mềm mại của con tim để được biến đổi. Rốt
cuộc, họ lại là những người tin vào Ðức Giêsu và đón nhận được ơn cứu độ trước nhiều người khác.
Đứa con thứ hai tượng trưng cho các nhà
lãnh đạo Do Thái Giáo, những người tự cho mình
là đạo đức, và sống công chính theo Lề Luật. Sự chủ quan và ảo tưởng đó đã làm cho họ tự mãn và khép kín, thấy mình không cần sám hối, nhất là việc sám hối đòi
phải tin vào Ðức Giêsu. Điều đó làm cho họ sợ phải mất đi địa vị và quyền lợi,
sợ phải thay đổi lối sống đạo. Vì thế, họ chỉ thưa “vâng” bằng lời nói, chứ
không muốn “vâng” bằng việc làm. Nhưng tiếc thay, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2, 17). Giá trị
đích thực của một con người không phải ở lời nói mà ở việc làm; không phải là
lý thuyết mà là hành động; không phải nói cho thật hay mà làm cho thật tốt.
Kể dụ ngôn xong, Chúa Giêsu kết
luận:“Tôi
bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa
trước các ông”. Lời của Ðức Giêsu như
một trái bom nổ trước mặt các thượng tế,
kinh sư, và nhóm pharisêu. Phải chăng Chúa muốn lời cảnh cáo đó để may ra cảnh
tỉnh được những tâm hồn đã khô cứng, vì tự ái và kiêu căng mà không muốn đón nhận
chân lý. Dựa vào Lời Chúa, Đức Gioan
Phaolô I cũng nói lên rằng:“Trên
thiên đàng không thiếu những người thu thuế và gái điếm, nhưng chắc chắn không
có kẻ kiêu ngạo”. Phải chăng kẻ
kiêu ngạo không còn khả năng sám hối để sống theo Lời Chúa, không còn khả năng
để cảm nhận và đón nhận tình yêu?
Dụ ngôn
tuy đơn giản và vắn gọn, nhưng cho thấy điều cốt yếu trong việc sống đạo hay
sống đức tin: là thực hành Lời Chúa dạy. Vì không phải nói “Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời” (Mt 7,21). Không thể dựa vào việc chu toàn những nghi
lễ bên ngoài hay một số hình thức luật lệ nào đó là xong. Điều quan trọng không
phải là có đạo nhưng là có Chúa; không phải giữ đạo mà là sống đạo, không chỉ
là tuyên xưng đức tin mà là sống đức tin.
Lời hứa
không bao giờ có thể thay thế được việc làm, và lời nói hoa mỹ không bao giờ
thay thế được những nghĩa cử. Con đường của Kitô hữu ở chỗ hành động chứ không
phải hứa hẹn; ở chỗ thực hiện chứ không phải nói hay. Tuy nhiên, Chúa vẫn muốn
chúng ta có một sự vâng phục trọn vẹn từ lời nói đến việc làm, “ngôn hành như
nhất” như tiếng “xin vâng” của Đức Maria, với cả đức tin và lòng mến.
Đời sống
chúng ta vẫn có sự giằng co giữa “vâng” và “không”, giữa ý mình và ý Chúa, giữa
sự vươn lên của tinh thần và ghì xuống của thân xác. Sự giằng co nói lên thân
phận yếu đuối của con người, đã từng ngã nghiêng trong cuộc sống, nhưng cũng là
một thao thức muốn vượt qua tình trạng của bản thân. Tuổi trẻ là như thế, nhưng
luôn có thể hơn thế, bằng sự quảng đại và nhiệt tình dấn thân cho Nước Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Trước một thế giới bạo lực và ích kỷ,
nhiều khi chúng con cũng thất chí,
vì thấy cuộc đời sao vô lý,
nên khép kín và tìm chỗ cách ly.
Chúng con có vẻ như đang kết nối,
nhưng thực sự là củng cố “cái tôi”,
cho dù đang phục vụ trong Giáo hội,
nhưng bó hẹp trong nội bộ mà thôi.
Chúng con quên ơn gọi của chính mình,
là đức ái trong gia đình trước hết,
nhưng đồng thời giữa cảnh đời xã hội,
phải dấn thân cho cuộc trần đang trôi nổi,
dám thay đổi theo đường lối của Tin Mừng.
Chúng con cần ra ngoài nhóm bạn thân,
để xây dựng tình bạn hữu với mọi người,
tránh mọi hình thức phân biệt và kỳ thị,
để tìm kiếm công ích và cổ võ công lý,
làm nên những điều cao quí cho nhau.
Xin cho chúng con có tinh thần tham gia,
từ công việc nhà đến công việc giáo xứ,
từ việc cá nhân đến việc của cộng đoàn,
đừng coi mình như người ngoài cuộc,
nhưng thấy mình luôn có trách nhiệm,
sống tình liên đới với tất cả trái tim,
luôn tích cực góp phần trong mọi việc,
từ vấn đề sinh thái đến bảo vệ thiên nhiên,
từ gìn giữ tài nguyên đến môi trường sạch đẹp.
Xin cho chúng con hòa mình vào xã hội,
với sự nhiệt tình, sáng kiến và tự nguyện,
để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn,
thế giới văn minh, công bình và huynh đệ,
chứ không sống theo chủ nghĩa “mặc kệ”,
kẻo trở nên nô lệ cho chính mình.
Xin cho con thấy Đức Kitô đang sống,
đang hoạt động nơi mọi người thiện chí,
để con đem tâm trí mà sáng tạo cho đời,
làm đẹp mới cho bầu trời nhân loại.
Đừng để con bàng quan nhìn cuộc sống,
mà hãy nhập cuộc với tâm thế hiệp thông,
dám sống như Đức Kitô đã từng sống,
trở nên con người như Chúa vẫn ước mong. Amen.
Lm. Thái Nguyên